Trọng thể công bố ngày Khoa học và Công nghệ 18/5
(ICTPress) - Hôm nay đúng ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 18/5, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, long trọng tổ chức công bố Ngày KH&CN Việt Nam.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, đại biểu các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương, nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và đông đảo cộng đồng khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các nhà khoa học. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ KH&CN |
Nhằm ghi nhận những đóng góp của KH&CN, tại Điều 7 Luật KHCN được thông qua tháng 2013 được Quốc hội CHXHCN Việt Nam khóa 13 tại kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 đã quy định Ngày 18/5 hàng năm là ngày KH&CN Việt Nam.
Việc quy định và thực hiện Ngày KH&CN không chỉ nhằm tôn vinh đội ngũ những người làm công tác KHCN mà còn là cơ hội để chính họ trình diễn các kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về KH&CN, để xã hội quan tâm đầu tư và ứng dụng KH&CN vào đời sống, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ và nuôi dưỡng niềm đam mê cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của nền KH&CN của nước nhà.
Những thành tựu KH&CN nổi bật thời kỳ đổi mới
Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, ngành KH&CN đã không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao cho, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Những năm qua ngành KH&CN Việt Nam đã có một số thành tựu nổi bật, góp phần đưa nước ta vượt qua khó khăn của khủng hoàng toàn cầu và bắt đầu bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại buổi lễ đã tổng kết một số thành tựu của KH&CN Việt Nam trong thời kỳ đổi mới:
Thứ nhất, nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN về cơ bản đã được hoàn thiện. Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Luật KHCN năm 2013 và hàng loạt cơ chế chính sách mới sắp đã và sắp được ban hành, tạo điều kiện cho KHCN đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đồng bộ chiến lược quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển KH&CN quốc gia đến năm 2020, gắn kết mục tiêu phát triển KH&CN với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lĩnh vực địa phương, và cả về kinh tế. Cơ chế quản lý tổ chức hoạt động KH&CN được đổi mới, bước đầu đã giải phóng sáng tạo của cộng đồng KH&CN, hy vọng sẽ tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng kết quả KH&CN trong các ngành, các lĩnh vực phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Thứ hai, KH&CN đã thực sự có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, các công trình khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học thực tiễn cho việc vạch đường lối, chủ trương của Đảng, bước đầu làm rõ cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khẳng định các thế hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Chúng ta có quyền tự hào về nền Toán học và Vật lý Việt Nam đã đạt được thế hệ cao trong khu vực với các nhà khoa học trẻ tài năng như GS. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn đã tạo tiền đề để hình thành một số lĩnh vực KH&CN mới về vũ trụ, y sinh, hạt nhân.
Chúng ta đã tiệm cận trình độ các nước trong khu vực về công nghệ nano, tế bào gốc, giải mã gen cây trồng và vật nuôi và giải mã bộ gen người. Trong các lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã tự xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, trong đó có các thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạng siêu trường siêu trọng 1200 tấn. Việt Nam là một trong 3 nước ở châu Á, thứ 10 trên thế giới làm chủ thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước và 120 m nước.
Ngành Công nghiệp CNTT và Viễn thông phát triển vượt bậc với việc chúng ta đang chuẩn bị sản xuất vi mạch điện tử. Thị trường Viễn thông Việt Nam được xếp thứ 13 ở châu Á cả về quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực cố định, di động và Internet. Sản phẩm phần mềm của Bkav đã được sử dụng ở 106 quốc gia. Sản phẩm của Tosy đã được trình diễn ở nhiều triển lãm công nghệ quốc tế. Việt Nam đã đưa lên vệ tinh các vệ tinh Vinasat 1 và 2, Vinaredsat 1 và đang thiết kế vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon.
Chúng ta cũng đã làm chủ công nghệ tiên tiến trong thiết kế thi công các công trình giao thông, xây dựng có trình độ công nghệ cao như cầu bê tông đúc hẫng khẩu độ trên 150m, cầu dây văng nhịp lớn...
Các kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về năng suất và sản lượng xuất khẩu lúa gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su, cá tra, hải sản. Việt Nam là quốc gia đã tự nghiên cứu sản xuất được nhiều vắc-xin phòng các bệnh hiểm nghèo và tiêm chủng mở rộng, mới đây là vắc-xin Rotavin-M1, đã thành công trong việc ghép tạng và đa tạng trên người, dẫn đầu khu vực về phẫu thuật nội soi, giải trình tự gen, đã làm chủ quá trình phân lập bảo quản tế bào gốc.
Chúng ta cũng làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo và sử dụng một số loại vũ khí, khí tài, phương tiện hiện đại, đảm bảo quốc phòng an ninh trong tình hình mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, còn xếp hạng thấp về kinh tế nhưng Việt Nam đã được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp hạng 76/142 quốc gia trên thế giới và đặc biệt xếp thứ 7/37 quốc gia có thu nhập trung bình thấp về năng lực đổi mới sáng tạo, tức là đánh giá trình độ về phát triển KH&CN.
Thứ ba, tiềm lực KH&CN của đất nước đã có bước phát triển nhanh, cho đến nay cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sỹ và trên 62.000 người làm hoạt động nghiên cứu và ứng dụng chuyên nghiệp. Các tổ chức KH&CN công lập trong những năm gần đây đã được chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nguồn lực tài chính dành cho KH&CN được duy trì ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước và tổng đầu tư của toàn xã hội ngày càng tăng. Tính đến năm 2013, đầu tư của xã hội cho KH&CN đạt khoảng 1,2% GDP quốc gia. Đã có hơn 20 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp lớn thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt có doanh nghiệp dành tới 20% thu nhập sau thuế cho KH&CN. Hệ thống các khu công nghệ cao đã được đầu tư phát triển với 3 khu công nghệ cao quốc gia, 8 khu công viên phần mềm tập trung, 12 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Hạ tầng thông tin KH&CN đã có bước phát triển về chất trên cơ sở ứng dụng mạng Internet, mạng Vinaren và thư viện điện tử.
Thứ tư, thị trường KH&CN và các dịch vụ KH&CN bước đầu được hình thành, hứa hẹn có tiềm năng rất lớn. Các quyền về tài sản trí tuệ, quyền giao dịch và mua bán công nghệ được Nhà nước bảo hộ. Hàng năm có trên 100 sáng chế của người Việt Nam được xác lập, hàng vạn nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam được bảo hộ, dịch vụ tư vấn giám định, định giá tài sản trí tuệ và công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được tăng cường, các chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn kết nối cung cấp công nghệ được triển khai, hoạt động hỗ trợ sáng kiến của người dân được quan tâm.
Thứ năm, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được đẩy mạnh. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với trên 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ, là thành viên của 100 tổ chức quốc tế về KHCN. Bộ KHCN đã có bộ phận đại diện ở 12 nước có trình độ phát triển. Đã có hơn 80 Hiệp định, thỏa thuận hợp tác KHCN, cấp Chính phủ, cấp Bộ đã được ký kết và đang được triển khai. Mới đây nhất ngày 6/5 Việt Nam đã ký hợp tác hạt nhân dân sự gọi là Hiệp định 123 với Hoa Kỳ, góp phần nâng cao năng lực ứng dụng năng lượng nguyên tử, phục vụ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
6 trọng tâm phát triển KH&CN trong giai đoạn mới
Phát biểu tại buổi lễ Ngày KHCN Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và các thành tựu KH&CN, tuyên truyền phổ biến tri thức khoa học, mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó, phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất, nguồn lực con người, phục vụ sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tinh thần trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức công bố Ngày KH&CN hàng năm là ngày 18/5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đóng góp của KH&CN trên tất cả các lĩnh vực, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trước đây, sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay là rất to lớn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng các thế hệ cán bộ ngành KH&CN, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ các nhà khoa học Việt Nam trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những người say mê, kiên trì theo đuổi các ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo, các ngành các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KH&CN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận hoạt động KH&CN trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KHCN chưa được chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, trọng dụng đãi ngộ cán bộ KHCN còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động KHCN chậm được đổi mới.
“Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội, để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KH&CN”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết và đề nghị hoạt động KH&CN trong thời gian tới tập trung vào một số định hướng trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương VI, khóa XI về phát triển KHCN, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tập trung nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, để bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững và xây dựng Đảng ta vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và càng phát triển ngày càng cao. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành và lĩnh vực sử dụng công nghệ cao tạo ra nhiều năng suất và giá trị gia tăng cao, khẩn trương thay thế các ngành, các lĩnh vực, doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Thứ hai, tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia. Phát triển mạnh và hiệu quả khoa học xã hội và nhân văn. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển khoa học cơ bản mà Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực KH&CN có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; Hình thành một số viện KH&CN và đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến trên thế giới. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng, nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả phục vụ cho nhu cầu quốc gia, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực và địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, áp dụng cơ chế quỹ, và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả của các đề tài KH&CN.
Thứ tư, khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các cơ chế chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN, quan tâm chăm lo các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng, có cơ chế chính sách thiết thực và hiệu quả thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác và tham gia hoạt động KHCN ở Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; Phát triển hệ thống CSDL về quốc gia, chuyên gia công nghệ, chuyên gia công nghệ; Kết nối cung cầu sản phẩm KH&CN mới.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN theo hướng mở rộng hợp tác KH&CN tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác chiến lược, các nước tiên tiến, tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện KH&CN của Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao.
Nhân ngày KH&CN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng cao vào lực lượng KH&CN nước nhà. Tin tưởng ngày KH&CN Việt Nam sẽ là một sự kiện thường niên gắn kết cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, truyền cảm hứng và niềm say mê sáng tạo KH&CN cho thế hệ trẻ, cộng đồng và toàn xã hội. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi ngành mọi người chúng ta cùng nhau nuôi dưỡng, bồi đắp mạch nguồn trí tuệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực mạnh mẽ thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.
Các ấn phẩm và thành tựu KHCN được trưng bày giới thiệu tại Ngày KHCN |
Chương trình trình diễn nghệ thuật trực tuyến chào mừng Ngày KHCN lần đầu tiên được tổ chức |
Nhân dịp 55 năm thành lập Bộ KH&CN và Ngày KH&CN lần đầu tiên được tổ chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có Quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ KH&CN đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Dung - Minh Anh