Gặp gỡ các nhà báo từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 30-4, Báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi gặp gỡ thân mật các cựu chiến binh và thân nhân chiến sĩ Điện Biên.
Tham dự buổi gặp mặt có những nhà báo-chiến sĩ, nhân chứng của một thời làm báo “có một không hai” ngay tại chiến hào tiền phương và thân nhân của họ, như: nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nhà báo Phạm Phú Bằng, nhà báo Lê Kim, nhà báo Nguyễn Ngọc Tú, nhà báo Nguyễn Thế Trường, nhà báo Nguyễn Trần Thiết...Trong đó, bên cạnh hai nhà báo trực tiếp làm báo Quân đội nhân dân (xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ) là Khắc Tiếp và Phú Bằng, các nhà báo Lê Kim, Ngọc Tú, Thế Trường...lúc đó là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, về sau mới công tác tại báo Quân đội nhân dân. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập; Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập; Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó Tổng biên tập; cùng đông đảo cán bộ đại diện các phòng, ban, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân, đến dự.
Phát biểu khai mạc buổi gặp gỡ, Trung tướng Lê Phúc Nguyên nhấn mạnh: Buổi gặp gỡ nhằm ôn lại những ngày tháng hào hùng cách đây 60 năm với sự ra đời của tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương. Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ làm báo Quân đội nhân dân ngày nay thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các nhà báo lão thành đã có nhiều sáng kiến, công lao, cống hiến trong việc xuất bản Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ 1953-1954, từ đó kế thừa xứng đáng để phát triển tờ báo trong thời kỳ mới.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Đồng chí Tổng biên tập bày tỏ sự khâm phục đối với thế hệ các nhà báo chiến sĩ đi trước khi lần đầu tiên tổ chức được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên ngay tại mặt trận, in ấn, phát hành và ra được 33 số báo ngay tại mặt trận ác liệt. Mỗi bài viết, mỗi trang báo đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí nước mắt, xương máu của những người làm báo tại chiến trường. Đồng chí khẳng định, 33 số báo đó là kỳ tích phi thường, chỉ những con người được tôi luyện, có phẩm chất đặc biệt mới làm được như thế.
Các cựu chiến binh và thân nhân chiến sĩ Điện Biên tham gia buổi gặp mặt. |
Tại buổi gặp mặt, lớp thế hệ nhà báo lão thành và đương nhiệm đã cùng nhau ôn lại câu chuyện về việc tổ chức xuất bản tờ báo Quân đội nhân dân đầu tiên tại mặt trận Điện Biên Phủ. Những câu chuyện, kỷ niệm về công tác làm báo ngay tại mặt trận của những nhà báo lão thành cách mạng và đã kinh qua trận mạc, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn hiện lên sôi nổi, hào hùng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân vẫn tổ chức xuất bản được tờ báo để kịp thời chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận.
Với tinh thần nhà báo-chiến sĩ, nên ngay giữa sự sống và cái chết, chỉ với cây bút, tờ giấy và cây đèn, 33 số báo đặc biệt ra đời ngay tại mặt trận tiền phương ấy đã phản ánh phong phú, kịp thời diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ, chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Ngoài ra, tờ báo còn là bức tranh sinh động kịp thời cập nhật được “nhịp sống của chiến trường”, phản ánh đời sống mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, trên trang nhất mặt báo còn thẳng thắn nêu rõ những sai phạm, khuyết điểm của ta, đồng thời biểu dương kịp thời những tấm gương chiến đấu có thành tích tốt; những trường hợp vi phạm hay không hoàn thành nhiệm vụ cũng được đăng công khai trên mặt báo. Chính điều này đã giúp cho Báo Quân đội nhân dân chiếm được lòng tin của rất nhiều bạn đọc.
Báo in xong được tổ chức phát hành khẩn trương ngay tại mặt trận, rồi tổ chức cho cán bộ và chiến sĩ đọc trước giờ ra trận. Những nội dung phong phú của Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận đã trực tiếp góp phần ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đang vật lộn chiến đấu, đấu tranh, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, quyết đánh đến cùng trên tinh thần quyết thắng. Báo Quân đội nhân dân đã trở thành một loại “vũ khí đặc biệt”, thể hiện tính nhân văn và nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Tại buổi gặp mặt, các nhà báo chiến sĩ lão thành và thân nhân các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của Báo Quân đội nhân dân và mong muốn đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Quân đội nhân dân sẽ không ngừng phát huy truyền thống đặc biệt, quý báu, tự hào của Báo trong thời gian tới và ngày càng có nhiều chuyên mục hấp dẫn để lôi cuốn nhiều bạn đọc.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập (ngoài cùng bên trái) và Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập (ngoài cùng bên phải) tặng hoa các nhà báo lão thành, nhân chứng. |
Kết thúc buổi gặp mặt, Trung tướng Lê Phúc Nguyên khẳng định sẽ tiếp thu, học tập kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để vận dụng vào công tác làm báo hiện nay; đồng thời, không ngừng phát huy truyền thống, làm tốt hơn nữa để xứng đáng với tờ báo có bề dày lịch sử truyền thống 64 năm và hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, được bạn đọc ngày càng tin tưởng, yêu mến.
Đồng chí Tổng biên tập cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ nhanh chóng hoàn thành cuốn sách, bộ phim ghi lại hồi ký của các nhà báo-chiến sĩ tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Đây sẽ là một món quà tri ân dành tặng cho những nhà báo chiến trường, đồng thời, truyền lại kinh nghiệm làm báo thực tiễn có giá trị quý báu để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ làm báo hôm nay.
Tin, ảnh: Nguyễn Thảo