Chữ ký số - doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào?
(ICTPress) - Ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp đã được các cơ quan nhà nước hỗ trợ nhanh chóng.
Cảnh xếp hàng làm thủ tục hải quan hay thuế sẽ không còn nhờ dịch vụ chứng thực chữ ký số (Ảnh minh họa) |
Dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) đã bắt đầu được khai thác rộng rãi để hỗ trợ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và được coi là một dịch vụ hạ tầng CNTT quan trọng ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã có những triển khai nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hoạt động thương mại, đầu tư thuận lợi.
Theo ông Phạm Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cho biết Tổng cục Thuế đã triển khai kê khai thuế điện tử hơn hai năm với mục tiêu tạo thuận lợi cho DN. Tính đến ngày 11/10/2011, đã có gần 50.000 DN đã có chứng thư số và đăng ký khai thuế qua mạng, gần 38.000 DN tại 19 tỉnh, thành phố đã thực hiện khai thuế qua mạng (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Lào Cai) và tổng số tờ khai thuế điện tử (có chữ ký số) đã nhận vào hệ thống quản lý thuế 1/2 triệu tờ khai.
Để hỗ trợ 50.000 DN, Tổng cục Thuế đã tích hợp với 5 đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, cụ thể là: VNPT-CA cấp cho 16.044 DN, lần lượt là BKAV-CA cho 15.015, FPT-CA: là 7.753, Viettel là 5709 và Nacencomm là 5022. Công ty thứ 6 cung cấp chứng thực CKS là công ty CK đã đồng ý đề nghị tích hợp.
Trong lĩnh vực hải quan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Trần Hiệu cho biết thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại 22/33 chi cục hải quan. Hàng năm hơn 4 triệu tờ khai được cấp trên cả nước. Cho tới nay 75% tờ khai điện tử đã được cấp. DN ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay có thể khai xuất nhập khẩu xa tại Móng Cái, Cà Mau. Tổng cục Hải quan cũng đang tiến hành cho DN nộp thuế điện tử. DN nộp qua ngân hàng bằng phương thức điện tử và hàng hóa được “giải phóng” hàng ngay. Tổng cục Hải quan đã kết nối với các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, MB và sắp tới Vietcombank. Vào năm 2014, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN. Thông tin trao đổi cũng sử dụng CKS. Theo đó, DN được tạo thuận lợi khi giao dịch trong khối ASEAN.
Tổng cục Hải quan đang đẩy mạnh sử dụng CKS chuyên dùng trong thủ tục hải quan điện tử, nghĩa là bỏ hết giấy tờ cả trong và ngoài nội bộ. DN gửi tờ khai, hệ thống tự động phân luồng xanh/đỏ/vàng. Các yêu cầu thông tin về hải quan điện tử sẽ được nhanh chóng trả lời để tránh nhỡ chuyến hàng của DN.
Một DN nước ngoài được các cơ quan liên quan của Việt Nam hỗ trợ CKS nước ngoài nhanh chóng là trường hợp Intel Việt Nam vào tháng 3/2010. Để thống nhất trong giao dịch của công ty trên phạm vi toàn cầu, Intel lúc đó đề nghị các giao dịch điện tử của Intel thực hiện tại Việt Nam cũng được sử dụng duy nhất CKS được công ty VeriSign cung cấp. Tại thời điểm đó, VeriSign chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng tại Việt Nam vì chưa đáp ứng các điều kiện được nêu trong Điều 52 - Công nhận CKS và chứng thư số nước ngoài, Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ về CKS và dịch vụ chứng thực CKS. Theo đó, Tổng cục Hải quan có quyền từ chối đề nghị trên.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến Chính phủ. Đầu tháng 8/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý áp dụng cơ chế đặc thù cho Intel. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chấp thuận cho Intel Việt Nam và các đại lý khai báo hải quan của Intel sử dụng chứng thư số và CKS do VeriSign xác thực trong hoạt động khai báo hải quan điện tử.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ngay sau đó đã ký quyết định chấp nhận CKS của Intel và các đại lý xuất nhập khẩu của Intel trong thủ tục hải quan điện tử tại Việt Nam do VeriSign cấp đến 31/7/2012. Sự việc này đã để lại ấn tượng cho Intel và các công ty nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Mai Vân