Người Do Thái dạy con làm giàu, người Việt dạy con làm gì?
Nhà xuất bản Thông tấn vừa ấn hành Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu với số lượng in lần đầu khá lớn: 30 ngàn bản. Cuốn sách này do một người phụ nữ Việt Nam và chồng người Do Thái viết: chị Phạm Thị Kim Hoa và anh Mordecai Nadav.
Bìa cuốn sách Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu |
Cuốn sách không chỉ dừng lại ở những thông tin về người Do Thái dạy con kiếm tiền, mà thông qua đó còn khái quát nhiều nét văn hóa, giáo dục của một dân tộc thông minh nhất thế giới. Thế giới sách có cuộc trò chuyện với tác giả Phạm Thị Kim Hoa về quá trình hình thành ý tưởng của cuốn sách có tựa đề rất kinh tế nhưng lại mang đậm tính giáo dục này.
* Nhiều phụ nữ Việt hiện nay ở các đô thị lớn, nếu có lấy chồng ngoại kiều, thường thì họ vẫn chọn các ông chồng ở những quốc gia có kinh tế phát triển. Tại sao chị lại chọn chồng người Do Thái ở đất nước Israel chưa bao giờ bình yên?
- Tôi không phải sinh ra và lớn lên ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Tôi sinh năm 1978 tại Quảng Ngãi, vào TP.HCM học tài chính - kế toán rồi đi làm. Tôi gặp và thành vợ chồng với anh ấy như một duyên số. Từ khi quen nhau đến khi cưới chỉ khoảng 40 ngày. Khi cưới anh ấy làm chồng, tôi chưa hình dung đất nước Israel sẽ như thế nào. Lúc đó tôi chỉ biết đây là tình yêu của mình chứ không quan tâm người chồng đang sống ở Israel hay Mỹ. Nhưng quan trọng nhất, trong tôi từ lâu đã có sự khâm phục với người Do Thái, bởi họ là một dân tộc thông minh nhất thế giới và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nhân loại.
* Ngoài tình yêu, anh Mordecai Nadav đến với chị - một người phụ nữ Việt là vì gì?
- Chồng tôi cho biết, khi quen tôi, anh ấy rất mến mộ đất nước và con người Việt Nam qua những thước phim chiến tranh. Dân tộc Việt Nam cũng trải qua chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu như chính dân tộc Do Thái. Hơn thế, tôi nghiên cứu tìm hiểu về người Do Thái thì anh ấy tìm hiểu về người Việt. Tuy hai dân tộc với hai nền văn hóa khác nhau nhưng chúng tôi lại có sự hòa hợp rất nhanh.
* Như chị nói, trước khi đến Israel, chị chưa hình dung sẽ sống thế nào ở đất nước này. Vậy điều gì chị cho là khó khăn khi mới đến Israel làm dâu?
- Khó khăn ban đầu và cũng là khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là chuyện ăn uống. Người Do Thái có chế độ ăn đúng như tôn giáo của họ quy định, như: không ăn các loại động vật ăn thịt, không ăn cá da trơn… Các loại thực phẩm đều được sơ chế kỹ trước khi nấu chín. Tuyệt đối không có thức ăn tươi sống trong bữa ăn của họ.
Ở Israel có 20% dân số theo đạo Do Thái chính thống, họ chỉ làm mỗi công việc ăn và cầu nguyện. Gia đình chồng tôi thuộc 20% dân số này. Lúc đầu tôi thấy lạ nhưng giờ thì đã rất quen. Người Do Thái ở Israel rất tôn trọng tình cảm gia đình giống như người Việt mình, họ luôn dành những bữa ăn cùng nhau để trò chuyện.
Chị Kim Hoa (giữa) với gia đình nhà chồng |
- Người Do Thái không chỉ ở Israel mà trên toàn thế giới, vì hoàn cảnh và số phận của dân tộc họ là một dân tộc bị “xua đuổi”, nên họ quyết tâm tồn tại bằng mọi giá. Khi họ đã nói điều gì thì sẽ làm cho bằng được, với bất cứ giá nào miễn là luật pháp không cấm.
Chính vì số phận dân tộc như vậy nên người Do Thái rất tôn trọng sự học. Đối với họ, học ngành, nghề gì cũng được miễn là phù hợp với bản thân và nghề đó giúp bản thân sống được. Trong khi người Việt mình thường hướng con cái vô những ngành học thời thượng.
Với các bà mẹ Do Thái, họ chuẩn bị rất kỹ ngay từ khi vợ chồng quyết định cho ra đời một mầm sống. Quá trình thai giáo, nuôi con trong bụng mẹ… quan trọng hơn quá trình đứa bé được sinh ra. Một đứa bé Do Thái sinh ra được một ngày tuổi đã được cho ra ngoài tiếp xúc với môi trường chứ không nằm trong phòng kín cả tháng trời như người Việt.
* Tại sao người Do Thái thông minh nhất thế giới, có phải vì họ chịu học và tôn trọng sự học?
- Nếu bạn hỏi câu này với các đứa trẻ Do Thái hiện đang sống ở Israel: “Nếu nhà không may bị cháy, con sẽ đem theo vật gì quý giá nhất ra khỏi đám cháy?”; lập tức và như một phản xạ tự nhiên, đứa trẻ nào cũng trả lời cùng một câu: “Những cuốn sách!”.
Ở trong tất cả các gia đình Do Thái mà tôi tiếp xúc, nhà nào cũng có một tủ sách gia đình. Theo tôi, họ thông minh nhất thế giới là do duy trì thói quen đọc sách từ đời này sang đời khác mà ra.
* Họ thông minh nhờ đọc nhiều sách nhưng cuốn sách của chị lại nói chuyện họ dạy con làm giàu, vì sao?
- Người Do Thái là một dân tộc bị “xua đuổi”, chính vì vậy ở bất kỳ đâu sống được là họ dừng chân. Nhưng muốn sống được thì phải tạo ra của cải, vật chất. Họ rất thực tế khi nói rằng: “Tiền tài mang lại hơi ấm, con tim sống được nhờ đồng tiền”. Tôi viết sách về cách họ “dạy con làm giàu” chứ không phải “dạy con thành tài”. Giàu ở đây vì còn có nghĩa: giàu của cải, giàu tri thức… để sống tốt đẹp hơn.
Cộng đồng người Do Thái tuy nhỏ nhưng lại giàu nhất thế giới. Có câu: “Người Mỹ nắm tiền trong tay nhưng tiền đó lại nằm trong túi người Do Thái”. Họ giàu vì họ có một cộng đồng biết chia sẻ những cách thức làm giàu. Còn người Việt mình thì luôn giấu kín, xem các cách thức làm giàu như một “bí quyết gia truyền”.
* Được biết, chị sẽ trích ra 5.000 đồng/cuốn sách để lập Quỹ Bí mật Do Thái giúp trẻ em nghèo hiếu học. Tương lai của quỹ này sẽ là…?
- Chúng tôi hy vọng sẽ bán được 1 triệu bản Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu. Số tiền trích từ bán sách cộng với các khoản khác sẽ được dùng xây trường học cho những trẻ em không có điều kiện đến trường.
* Điều gì khiến chị hài lòng nhất khi in cuốn sách này?
- Tôi viết cuốn sách trong hơn 2 tháng từ trải nghiệm sống ở Israel trong 3 năm làm dâu. Sau khi sách phát hành, tôi nhận được phản hồi rằng, sách rất dễ đọc. Tôi vui vì sách của mình dễ đọc, bởi tôi mong muốn những bà mẹ có trình độ thấp vẫn có thể hiểu những gì trong sách đã viết và mang ra dạy con mình. Tôi mong muốn người Việt cũng thông minh, thành công như người Do Thái.
Điều tôi rất vui khi cuốn sách được in rất đẹp với chất liệu giấy tốt. Nhiều người hỏi tôi, tại sao in một cuốn sách “bình dân” cho người đọc phổ thông mà in sách đẹp vậy sẽ có giá cao, rất ít người mua được. Tôi trả lời rằng, trong các gia đình Do Thái, họ có những cuốn sách hàng trăm năm nhưng đến nay con cháu vẫn đem ra đọc bình thường. Trong khi nhiều cuốn sách ở ta, được in vào thời bao cấp giấy kém chất lượng, giờ đã bung chỉ ố vàng hoặc mục nát. Nếu giờ in lại các cuốn sách đó có phải là tốn kém không? Nên làm tốt cái gì một lần vẫn hay hơn làm đi làm lại mà chẳng ra gì!
* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Nguồn: thethaovanhoa.vn