Hóa đơn điện tử - Xu hướng tất yếu
"Sử dụng hoá đơn điện tử thay thế cho hoá đơn giấy truyền thống sẽ góp phần hiện đại hoá công tác hạch toán kế toán, tiết kiệm chi phí, nâng cao tính bảo mật của DN. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu hỗ trợ ngành thuế từng bước ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng hoá đơn giả để trốn thuế. Vì thế, Tổng cục Thuế đang tích cực hoàn tất những bước chuẩn bị để thực hiện thí điểm hoá đơn điện tử, tiến tới nhân rộng ra toàn quốc".
Đó là khẳng định của Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế, ông Phạm Quang Toàn khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thuế.
Xin ông cho biết, so với hóa đơn giấy, hoá đơn điện tử có ưu điểm nào điểm vượt trội?
Ông Phạm Quang Toàn |
Qua khảo sát tại các nước cho thấy, hóa đơn điện tử có rất nhiều ưu điểm. Trước tiên, DN sử dụng hoá đơn điện tử sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, lưu kho; giảm thiểu rủi ro thất lạc hoá đơn trong quá trình giao dịch mua, bán hàng hoá. Việc sử dụng hoá đơn điện tử còn giúp DN chủ động trong các công việc khởi tạo và phát hành hoá đơn. Tất cả thông tin trên hoá đơn điện tử sẽ được tự động cập nhật vào hệ thống quản lý, mà không cần thêm một khâu nhập dữ liệu, do đó đơn giản hoá thủ tục, giảm thiểu được sai sót trong kê khai thuế và tiết kiệm thời gian.
Trong giao dịch mua bán hàng hoá, việc sửa chữa nội dung của hóa đơn điện tử là rất khó xảy ra, do dữ liệu lịch sử được lưu và bảo mật trên hệ thống máy tính của DN cũng như của cơ quan thuế. Trường hợp DN có mạng lưới kinh doanh rộng khắp toàn quốc, người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thể kiểm soát được doanh thu hàng giờ thông qua việc kiểm soát phát hành hóa đơn, qua đó phục vụ hữu hiệu cho việc quản lý, điều hành.
Về phía cơ quan quản lý, việc triển khai hoá đơn điện tử sẽ giúp ngành thuế kiểm soát chặt chẽ quá trình tạo, lập và phát hành hoá đơn của người nộp thuế; hỗ trợ hiệu quả cho công tác đối chiếu, xác minh hoá đơn để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Khi hóa đơn điện tử được sử dụng rộng rãi, nguy cơ làm giả hoá đơn sẽ được giảm thiểu vì mọi thông tin về hóa đơn đã phát hành, loại hóa đơn sử dụng có thể tra cứu được thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
Dù có nhiều điểm vượt trội, nhưng các DN vẫn chưa mặn mà sử dụng hóa đơn điện tử bởi lo ngại về tính pháp lý, nhất là khi vận chuyển hàng hóa trên đường cần có hoá đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vậy đâu là câu trả lời thỏa đáng để giải tỏa lo lắng của DN?
Hóa đơn điện tử có giá trị về mặt pháp lý như hóa đơn giấy, đã được Bộ Tài chính chấp nhận và được quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và Thông tư số 64/2013/TT- BTC ngày 15/05/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP qui định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (thay thế Thông tư 153/2010/TT- BTC).
Trên phương diện kỹ thuật, hoá đơn điện tử có đầy đủ thông tin, ngày giờ xuất hoá đơn, có chữ ký số của DN và mã vạch, mã code của cơ quan thuế để xác thực và bảo mật. Thêm vào đó, ứng dụng của hóa đơn điện tử cho phép DN có thể in hóa đơn điện tử và lấy chữ ký của khách hàng như hoá đơn thông thường, chính vì vậy khi vận chuyển hàng hoá trên đường, DN chỉ cần xuất trình mã code, hoặc có thể in hóa đơn điện tử.
Các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường hay hải quan, khi kiểm tra sẽ dùng máy tính hoặc đơn giản chỉ là chiếc điện thoại thông minh để quét mã vạch hoặc nhập mã code vào ứng dụng của cơ quan thuế để so sánh, xác thực thông tin trên hoá đơn với hàng hóa thực tế. Do đó, DN hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng hóa đơn điện tử.
Sử dụng hóa đơn điện tử sẽ là xu hướng tất yếu trong những năm tới đây, vậy ngành thuế có định hướng và chuẩn bị như thế nào cho công tác quản lý, thưa ông?
Để chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm hoá đơn điện tử, cơ quan thuế đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cấp hệ thống đường truyền Internet, hợp tác chặt chẽ với các hãng cung cấp giải pháp phần mềm để hoàn thiện ứng dụng; đồng thời bổ sung những quy định chi tiết cho việc triển khai hóa đơn điện tử, như quy trình thủ tục tham gia truyền, nhập dữ liệu; xuất, hủy hóa đơn… Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro cho DN và nâng cao hiệu quả quản lý, hóa đơn điện tử được chia thành 2 loại: đối với các DN có số lượng hóa đơn phát hành lớn như điện lực, nước sạch, viễn thông, hàng không... thì không cần xác thực của cơ quan thuế. Đối với các DN nhỏ và vừa xuất hóa đơn điện tử trực tiếp cho nhau, cần có xác thực của cơ quan thuế để trong trường hợp có nghi vấn, có thể trực tiếp tra cứu.
Về lộ trình thực hiện, trước mắt cơ quan thuế sẽ áp dụng thí điểm việc sử dụng hoá đơn điện tử ở 200 DN và sau đó sẽ báo cáo Bộ Tài chính cho triển khai mở rộng. Mục tiêu của cơ quan thuế là sau 3 - 5 sẽ mở rộng tới 50% DN và trong 3 - 5 năm tiếp theo sẽ mở rộng triển khai hóa đơn điện tử đến 100% DN.
Với thói quen sử dụng hóa đơn giấy từ nhiều năm nay, nên khi chuyển sang hình thức điện tử chắc chắn DN sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thậm chí chưa sẵn sàng. Vậy ngành thuế đã có giải pháp gì để khuyến khích, hỗ trợ ban đầu cho DN?
Hóa đơn điện tử chỉ phát huy ưu điểm khi được đông đảo cộng đồng DN tham gia hưởng ứng. Chính vì vậy, ngành thuế đang gấp rút triển khai các biện pháp tuyên truyền về những lợi ích của hóa đơn điện tử đến cộng đồng DN. Cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI và các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ như VDC, tổ chức các lớp tập huấn, giúp DN hiểu và chủ động tham gia đăng ký thực hiện hóa đơn điện tử. Ngoài ra, các đơn vị tham gia thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ về kỹ thuật và giải đáp ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hình thức điện tử sẽ không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh, nhưng với kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án lớn trước đây như cấp mã số thuế TNCN, kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, có thể tin tưởng rằng việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông.
Theo Tapchithue.com.vn