Những hạt sạn sống “dai”
Có không ít “hạt sạn” tuy đã được chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhặt bỏ từ lâu, nhưng xem ra nó vẫn chưa chịu giã từ mặt báo, mà cứ sống đàng hoàng trên nhiều trang viết. Mấy “hạt sạn” sắp kể dưới đây có lẽ là những chứng cứ tiêu biểu.
1. “Hạt sạn” đầu tiên cần kể là cụm “ốc đảo”.
Chỉ cần thay “ốc đảo” (vì nước ta không hề có sa mạc!) bằng “hòn đảo” thì mấy câu trên sẽ lập tức ổn ngay.
2. Một “hạt sạn” nữa cũng khá nổi cộm, nhưng vẫn ngang nhiên sống sót trong suốt bao năm trường trên chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV3.
Cái tên này ta hiện chưa rõ là do ai đặt. Chỉ biết là chủ nhật nào nó cũng đàng hoàng hiện lên trên màn ảnh nhỏ, và làm cho bao người thấy khá chướng tai gai mắt. Nhất là những ai hay đi đây đi đó và/hoặc có thì giờ lên mạng dò hỏi “cụ” Google.
Thật thế, chỉ cần có được một trong hai cơ may vừa nêu, chắc chắn ai cũng biết ngay rằng trên hành tinh chúng ta chẳng hề có một ngọn núi nào là ngọn Olympia cả. Bởi lẽ Olympia là một vùng đất rộng và bằng phẳng vẫn được người Hy Lạp thời cổ cứ bốn năm một lần, dùng làm nơi tổ chức các cuộc tranh tài giữa các vận động viên điền kinh tên tuổi. Thế thì cái đỉnh mà ban tổ chức cuộc thi vẫn muốn các cô cậu học sinh chúng ta phải “leo” hằng tuần là đỉnh nào vậy? Xin thưa: Đó là ngọn Olympe (hay Olympus, nếu gọi theo tiếng Anh), một ngọn núi thiêng mà người Hy Lạp thời xưa vốn tin là nơi trị vì của thượng thần Zeus cùng chư thần trong các huyền thoại xứ họ.
“Hạt sạn” này đã từng được học giả An Chi nhặt ra lần đầu ngay từ những năm 90 thế kỷ trước. Tiếp theo, nó cũng được nhiều cây bút khác (trong số đó có cả chúng tôi) lên tiếng đòi chỉnh sửa. Cách nay gần 13 - 14 năm. Tiếc thay, lời kêu gọi ấy cho tới giờ hình như vẫn bị ban tổ chức chương trình bỏ ngoài tai. Vì thế, “hạt sạn” ấy vẫn còn đất sống. Cứ cái đà này, đúng như nhiều người dự đoán, chắc còn phải vài thập niên nữa hoạ may nó mới chịu chia tay với chúng ta để đi vào cõi thượng giới! Sau khi các quan chức ở VTV3 ngộ ra lẽ thật.
3. Đã là băng thì bao giờ cũng nổi.
Do khối lượng riêng của nó nhỏ hơn của nước chút đỉnh. Có điều sự chênh lệch về khối lượng riêng ấy hơn kém nhau chả đáng là bao. Do thế nên phần nổi trên mặt nước của mọi tảng băng chỉ chiếm có một phần; còn chín phần còn lại thì bị chìm ở bên dưới. Đó là cơ sở thực của thành ngữ “phần nổi của tảng băng”. Và thành ngữ này, vì thế, hay được dùng để chỉ những phần hết sức nhỏ bé/ít ỏi bị phơi bày của các sự vật/hiện tượng cụ thể trong cuộc sống thường ngày (chẳng hạn: Hà Nội, theo báo cáo, có 21 điểm ngập sâu. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, chứ thực tế nó còn cao hơn thế nhiều).
Tuy nhiên, chắc do bị chữ “nổi” ám ảnh, nên hiện vẫn thấy không ít cây bút ưa thêm vào cuối thành ngữ chữ “chìm” (phần nổi của tảng băng chìm). Chắc là để cho “cân xứng”. Và việc đó đã khiến cho câu trở nên phi thực tế (do không thể xuất hiện trong đời thực!).
4. “Hạt sạn” thứ tư cũng sống dai chả kém là câu tục ngữ nhại “Cái khó ló cái khôn”.
Về câu này, hồi còn sống, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã từng nhắc chúng ta hãy sớm đọc lời ai điếu cho nó. Để tránh mắc hai cái lỗi to đùng về cách dùng từ và cách đặt câu.
Thật vậy, chỉ cần đọc lướt qua câu trên, ta có thể dễ dàng tìm thấy ở đó hai điểm bất ổn lớn: Thứ nhất, câu tục ngữ nhại đã đánh tráo sự khác biệt về nghĩa giữa hai chữ “khó”. Do trong tiếng Việt, từ này vốn có hai đồng âm là khó 1 (= Phải gắng sức nhiều/phải chịu nhiều vất vả mới làm được) và khó 2 (= Eo hẹp về tiền bạc/của cải).
Thứ hai, như nhà khảo cứu danh tiếng An Chi từng chỉ rõ trên “Kiến thức ngày nay” cách đây hàng chục năm, chữ “khôn” không thể làm bổ ngữ cho động từ “ló” được. Do từ này đòi hỏi bổ ngữ phải là những từ chỉ bộ phận của chủ thể “khó” đứng phía trước (chẳng hạn, Mặt trời chưa ló dạng [khi dạng là một bộ phận của mặt trời] / Cậu bé đã tóm ngay khi chú dế cụ vừa ló râu ra [khi râu là một bộ phận của chú dế] / Nó mới ló mặt tới thì đã bị chị ta mắng xối xả [khi mặt là một bộ phận của nhân vật được chỉ ra bằng đại từ “nó”], v.v…).
Nói cách khác, nếu nội dung của câu tục ngữ gốc (Cái khó bó cái khôn) là: “Cái nghèo thường bó buộc cái khôn, không cho nó bộc lộ hết mọi mặt mạnh vốn có” thì nội dung của câu tục ngữ nhại (Cái khó ló cái khôn) lại là: “Sự khó khăn tạo cho cái khôn cơ may xuất đầu lộ diện” (do “khôn” không phải là một bộ phận của “khó khăn” nên câu trở nên khó nghe).
Nguyễn Đức Dương
Nguồn: Báo Lao Động