Dùng từ cho đúng nghĩa của từ

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng giữa người với người bằng văn bản nói và viết. Để thông tin đến người nghe, người đọc một cách rõ ràng, chính xác, văn bản phải đảm bảo đầy đủ các quy tắc căn bản: nói đúng, viết đúng, nghĩa là phải nói và viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp, dùng từ, đúng nghĩa của từ trong văn cảnh cụ thể.

Song song với sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ nhanh nhạy của mọi mặt trong đời sống xã hội, dân tộc nào, quốc gia nào cũng có sự phát triển ngôn ngữ cho phù hợp với đời sống mới. Kết quả là nhiều từ và cụm từ mới xuất hiện. Bên cạnh đó, không ít từ cũ bị mai một. Nhưng dùng từ mới hay từ cũ đều phải tuân theo mẫu số chung là dùng cho đúng nghĩa của từ.

Bài viết này chỉ nêu hiện tượng dùng từ “thậm chí” chưa thật chính xác nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong bộ Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, 1967, được 12 tác giả có tên tuổi biên soạn, do Văn Tân chủ biên, giải nghĩa từ Thậm Chí: Đến nỗi là… Ví dụ: Thậm chí đến bạn thân cũng ghét.

Trong cuốn Từ điển học sinh cấp II, NXB Giáo Dục 1971, gồm 12 tác giả biên soạn, chủ biên là Nguyễn Lương Ngọc, Lê Khả Kế, giải nghĩa từ Thậm Chí: Đến ngay cả, đến nỗi là, đến mức là… Ví dụ: Giặc Mỹ tàn sát nhân dân ta hết sức dã man, thậm chí đến cả trẻ em, phụ nữ chúng cũng không từ.

Theo đó, ta hiểu  nghĩa của từ “thậm chí” chỉ thái độ, hành động xấu xa từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều.

 Nhưng trong thực tế hiện nay, người nói và người viết dùng từ thậm chí với nghĩa ngược lại, tức là chỉ cái tốt từ thấp đến cao. Xin nêu một số thí dụ mà người viết bài này ghi lại trong rất nhiều bài viết trên báo chí.

- “Đickens ngày càng nổi tiếng khi có nhiều tiểu thuyết của ông được chuyển thể thành hàng trăm tập phim truyền hình, điện ảnh, các vở kịch. Thậm chí các tác phẩm chuyển thể này đôi khi còn được biết đến nhiều hơn bản gốc của chúng” (bài Năm của Đickens - Thanh Niên chủ nhật 19.02.2012). Theo tôi, nên dùng một trong các từ: “có khi”, “có lúc”, hoặc “nhiều khi”, “nhiều lúc” thay cho từ “thậm chí” để thấy sự phổ biến tốt đẹp các tác phẩm của nhà văn người Anh - Đickens.

- “Cụ bảo rằng đây là những tài liệu quý, thậm chí sẽ là những tài liệu có ý nghĩa lịch sử” (bài Người đi tìm cây báng ở Đình Bảng - Tuổi Trẻ chủ nhật 19.02.2012). Có thể dùng từ “hơn thế” thay từ “thậm chí” để chỉ mức độ quan trọng của cây báng.

- “Tiến sĩ, nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Thái Tự không phải là một cái tên lạ. Thậm chí phải nói là ông rất nổi tiếng cả trong nước lẫn quốc tế. Cái sự lạ ở ông là tình yêu khoa học vẫn nguyên vẹn như thuở nào dù mái tóc đã trắng như cước…” (Tuổi Trẻ chủ nhật 18.03.2012). Bỏ từ “thậm chí” và không cần thay hoặc thêm từ nào vào, câu văn sẽ trong sáng hơn, giá trị hơn, nhấn mạnh hơn sự nổi tiếng của nhà khoa học.

- “Tin mừng là hiện nay đề án của các em đã được Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và thậm chí Sở còn có ý định đưa chúng vào áp dụng trong thực tế ở một số xã ngoại thành” (bài Làm phân Compost tại nhà: Lợi kép - Sài Gòn Giải Phóng, thứ hai, ngày 07.05.2012). Câu này phải bỏ từ “thậm chí”. Nếu muốn nhấn mạnh mức độ từ quan tâm đến hành động thì thay vào đó từ “hơn nữa, Sở còn có ý định…”

 - “Khi khởi đầu chẳng ai nghĩ rằng: mình sẽ kiếm sống bằng văn chương. Nhưng dần dà, có người nhận ra : có thể sống được, thậm chí rất ổn bằng nghề này” (bài Trong số những người còn lại đó, chắc chắn có tôi - Nghệ Thuật Mới, phụ trương của Báo Người Hà Nội, số 4, tháng 05.2012). Nên bỏ từ “thậm chí”, thêm từ “sống” để nhấn mạnh ý tốt đẹp của người sống bằng sáng tác văn chương: “có thể sống được, sống rất ổn bằng nghề này”.

 - “Ngọc và Lộc luôn thương yêu, tự hào, thậm chí thần tượng người mẹ của mình” (bài Chuyện người con hiến gan cứu mẹ, Tuổi trẻ chủ nhật 18.05.2012). Từ “thậm chí” rõ ràng làm giảm giá trị tốt đẹp sự hiếu thảo của hai người con đối với mẹ. Nên nhấn mạnh bằng từ “hơn thế, họ còn thần tượng mẹ của mình”.

Viết đã vậy, khi nói, từ “thậm chí” lặp lại nhiều lần, khiến người nghe phân vân về điều người nói muốn nhấn mạnh có thật sự tốt không?

VTV1 phát sóng 14g25 phút, ngày 05.08.2012 trong chương trình Văn học - Nghệ thuật, nói về việc tìm các bản sách cũ Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài nhân kỷ niệm 70 năm truyện này ra đời, bà Giáng Ngọc, Phòng Truyền thông của NXB Kim Đồng đã lặp từ “thậm chí” rất nhiều để diễn giải một ý tưởng tốt đẹp, ở vế cuối  bà nói “…thậm chí các cụ 80 tuổi còn thích đọc”. Nên bỏ từ “thậm chí”, thay vào từ: “…đến nay các cụ 80 tuổi còn thích đọc…”.

VTV3 phát sóng 15g15 ngày 07.09.2012, trong chương trình ca nhạc giới thiệu bài Tổ quốc nhìn từ biển của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, MC nói: “Bài hát do nhóm nhạc hát ở đảo, các chiến sĩ thậm chí còn thuộc bài hát…”. Nói về một bài hát được nhiều người yêu thích thì nên dùng từ “nhưng” hoặc “mà” các chiến sĩ ở đây cũng đã thuộc bài hát” để nhấn mạnh sự phổ biến rộng rãi của bài hát: “Bài hát do nhóm nhạc hát ở đảo, các chiến sĩ không chỉ nghe mà còn thuộc bài hát”.

Còn nhiều thí dụ về việc dùng từ chưa chính xác ở một số từ khác, mà một bài nhỏ không thể nói hết.

Năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, được đưa vào chương trình giảng văn cấp III (trung học phổ thông). Trong bài, có đoạn: “Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt: thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng ta coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng ta đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Nhưng ở đây, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Có ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; Hai là nói và đúng phép tắc của tiếng ta; Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kỹ thuật)”.

Nhà ngôn ngữ học, giáo sư Cao Xuân Hạo (1930-2007) là một trong những người chuyên nghiên cứu tiếng Việt và có nhiều trăn trở về vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã báo động: “Về nguy cơ của một nền ngôn ngữ xuống dốc. Sự xuống dốc của tiếng Việt đã mang tính thảm họa”.

Ngày 21.12.2012, tại cuộc “Hội thảo Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức đã có nhiều bản tham luận nhấn mạnh việc dùng tiếng Việt thuộc thế hệ @ đang ngày càng nói và viết chưa đúng, chưa chính xác tiếng Việt, trong đó có thói quen dùng từ ngoại. Khi tiếng mẹ đẻ bị thay thế bằng tiếng của nước ngoài thì nguy cơ mai một của văn hóa dân tộc là không tránh khỏi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Phan Thu Hương

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật