Chuẩn đầu ra Tin học và Ngoại ngữ: Những bài học kinh nghiệm
(ICTPress) - Với mục đích mang đến các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc những thông tin cập nhật nhất về thực trạng và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng như tin học của giáo viên, sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế, IIG Việt Nam phối hợp với Đại học (ĐH) Thái Nguyên vừa tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuẩn hóa năng lực tiếng Anh và tin học cho sinh viên tốt nghiệp và công chức”.
ĐH Thái Nguyên, Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS), Microsoft Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc, các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS tại khu vực Thái Nguyên và các tỉnh lân cận cũng như đông đảo sinh viên của các trường thành viên trực thuộc ĐH Thái Nguyên đã tham dự Hội thảo này.
Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (QTKD), ĐH Thái Nguyên là một trường đã có quá trình triển khai chuẩn đầu ra ngoại ngữ TOEIC, chuẩn đầu ra tin học IC3.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và QTKD, ĐH Thái Nguyên, ông Trần Chí Thiện đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong triển khai TOEIC & IC3 tại ĐH Kinh tế và QTKD mà các trường có thể tham khảo:
Sự cần thiết phải ban hành chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp về ngoại ngữ và tin học
Trường ĐH Kinh tế và QTKD (TUEBA) là một trường thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên hiện đang đào tạo 17 chuyên ngành ở bậc đại học, 3 chuyên ngành ở bậc thạc sỹ và 1 chuyên ngành ở bậc tiến sỹ. Số lượng sinh viên chính quy của Nhà trường là hơn 11.000 sinh viên trong đó có 9000 sinh viên ĐH, 1200 học viên cao học, 51 nghiên cứu sinh và gần 500 sinh viên liên kết đào tạo quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ĐH Kinh tế và QTKD làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến các địa phương trong cả nước.
Năm 2015, Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động, sẽ có sự dịch chuyển lao động một cách tự do giữa các nước ASEAN. Để cạnh tranh bình đẳng với lực lượng lao động đến từ các quốc gia khác, ngay trên sân nhà, lao động Việt Nam ngoài kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nghề nghiệp, còn cần phải có năng lực ngoại ngữ và tin học tốt. ĐH Kinh tế và QTKD đảm bảo chắc chắn rằng các sinh viên tốt nghiệp phải đạt tới một trình độ cụ thể, có thể đo lường được về Ngoại ngữ và Tin học, để họ đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, tất yếu phải có chuẩn đầu ra quốc tế về ngoại ngữ và tin học.
Tại sao lựa chọn chuẩn tiếng Anh TOEIC và chuẩn Tin học IC3?
Ngay từ năm 2008, Nhà trường đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho sinh viên trong đó có đề cập đến việc sinh viên tốt nghiệp tốt ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn, còn phải đạt chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ và Tin học.
Tại thời điểm này, chuẩn ngoại ngữ được chọn là chuẩn tiếng Anh TOEIC và chuẩn tin học được chọn là chứng chỉ tin học B do Microsoft IT Academy cấp.
Đối với chuẩn Ngoại ngữ: Bài thi TOEIC được chọn làm bài thi đánh giá kỹ năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên TUEBA vì đây là bài thi tiếng Anh sử dụng cho đối tượng là người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp. Bài thi TOEIC đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. Bài thi TOEIC là một chuẩn tiếng Anh được quốc tế công nhận rộng rãi, có thang điểm rộng có thể đánh giá mọi trình độ sử dụng Anh ngữ. Ưu điểm của bài thi TOEIC là đánh giá chính xác, khách quan, tổ chức thi thuận tiện, chi phí hợp lý và tính bảo mật cao.
Đối với chuẩn Tin học: Để đo lường kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm máy tính cơ bản cần có một bài thi đánh giá đảm bảo tính khách quan và chính xác kiến thức và kỹ năng của người học. Tại thời điểm này, chuẩn tin học A, B, C của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành từ những năm 2000 chưa được cập nhật và sửa đổi, không đáp ứng được việc đánh giá chính xác kỹ năng tin học của người học. Nhà trường tại thời điểm đó là thành viên của Microsoft IT Academy nên đã chọn bài thi tin học do Microsoft IT Academy tổ chức và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, năm 2010, sau khi tham gia Hội thảo quốc tế về chuẩn kiến thức CNTT và truyền thông lần thứ nhất do IIG Việt Nam tổ chức tại Hà Nội có đại diện Certiport Hoa kỳ tham dự, Nhà trường đã chuyển sang chọn bài thi tin học IC3 làm chuẩn đánh giá kỹ năng sử dụng tin học của sinh viên tốt nghiệp. Bởi vì, bài thi IC3 đánh giá được toàn diện các kiến thức và kỹ năng căn bản về công nghệ thông tin, như hệ điều hành, các phần mềm văn phòng cơ bản như Microsoft Word, Excel, Power Point, khai thác và sử dụng Internet, rất phù hợp với sinh viên các chuyên ngành kinh tế.
Chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường đã xây dựng và chính thức áp dụng cho sinh viên nhập trường năm 2009 (tốt nghiệp năm 2013). Trong đó, công bố, các sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2013 đến 2015 phải đạt TOEIC 450 điểm, từ giai đoạn 2016 đến 2020 đạt TOEIC 500 điểm, từ giai đoạn 2021 đến 2025 đạt TOEIC 550 điểm và tốt nghiệp sau 2025 đạt TOEIC 500 điểm. Đây là một lựa chọn công bố chuẩn hợp lý vì Nhà trường đã tính đến khả năng cụ thể của sinh viên cũng như yêu cầu của thị trường lao động để chọn một lộ trình hợp lý.
Như vậy, việc chọn bài thi TOEIC để đánh giá kiến thức kỹ năng sử dụng tiếng Anh và bài thi IC3 để đánh giá kiến thức và kỹ năng CNTT của sinh viên tốt nghiệp của ĐH Kinh tế và QTKD là do tính khách quan, tính được công nhận rộng rãi cũng như dễ triển khai của các bài thi này.
Quá trình áp dụng chuẩn đầu ra Ngoại ngữ TOEIC và Tin học IC3
Sau khi công bố chuẩn đầu ra, Nhà trường đã tiến hành nhiều hoạt động để tổ chức thực hiện thắng lợi chuẩn đầu ra đã công bố trong đó có việc thực hiện giảng dạy và tổ chức thi các bài thi TOEIC và IC3. Từ năm 2008, Nhà trường đã cử 15 giảng viên của bộ môn Ngoại ngữ tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Anh theo định hướng TOEIC tại IIG Việt Nam, tham gia tập huấn xây dựng và triển khai bài thi TOEIC trên mạng máy tính tại Trường ĐH Ngoại thương. Các giảng viên được tham gia tập huấn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng bài giảng, xây dựng các bài kiểm tra học kỳ theo định hướng TOEIC tại trường.
Song song với việc đào tạo giảng viên, năm 2011 trường đã hợp tác toàn diện với IIG Việt Nam để IIG Việt nam giúp đỡ Nhà trường về tập huấn giảng viên, tổ chức thi TOEIC cho sinh viên và kiểm tra tiếng Anh cho học viên cao học của Nhà trường. Tháng 3/2012, IIG Việt Nam đã ký văn bản công nhận Trường ĐH Kinh tế và QTKD là đối tác vàng để triển khai các bài thi tin học và ngoại ngữ tại Trường cho sinh viên với nhiều ưu đãi về lệ phí thi.
Về Tin học, cuối năm 2011, IIG Việt Nam tổ chức kỳ thi tin học IC3 cho giảng viên các trường ĐH và cao đẳng, Nhà trường đã cử 10 giảng viên của bộ môn tin học tham dự và đến đầu năm 2012, Phòng máy tính của Nhà trường đã được IIG Việt Nam công nhận là đủ điều kiện để trở thành một điểm thi (testsite) để tổ chức kỳ thi tin học quốc tế.
Về chương trình đào tạo, ngay từ khi xây dựng chương trình môn học tin học đại cương, Nhà trường đã định hướng nội dung của môn học này phải bao gồm các kiến thức và kỹ năng cơ bản mà người học phải đạt được về công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, nội dung của môn tin học đại cương của Nhà trường bao gồm các kiến thức về máy tính cơ bản, các phần mềm văn phòng cơ bản và khai thác sử dụng Internet. Nhìn chung, chương trình môn tin học đại cương của Nhà trường đã được thiết kế phù hợp với nội dung của giáo trình IC3. Sau này, nhiều sinh viên của Nhà trường không cần phải học thêm vẫn có thể tham gia thi IC3 đạt kết quả tốt. Tháng 6/2012, Nhà trường đã mua bộ giáo trình IC3 của công ty IIG Việt Nam để làm tài liệu giảng dạy cho các lớp ngắn hạn của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của Nhà trường.
Ngoài việc tổ chức đào tạo giảng viên, xây dựng chương trình, mua sắm giáo trình và xây dựng cơ sở vật chất, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ sinh viên có cơ hội tham gia thi và lấy chứng chỉ TOEIC, chứng chỉ IC3. Trung tâm Hợp tác quốc tế về Đào tạo và Du học, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của Nhà trường đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho các sinh viên có nhu cầu theo học. Chỉ tính riêng năm 2012, đã mở được 6 lớp bồi dưỡng IC3 và 14 lớp bồi dưỡng TOEIC cho sinh viên với số lượng hàng trăm sinh viên tham gia.
Về tuyên truyền chuẩn đầu ra, ngoài việc phổ biến bằng văn bản, đăng thông tin trên website, Nhà trường còn tổ chức cho đội ngũ cố vấn học tập phổ biến đến các lớp sinh viên vào các buổi sinh hoạt lớp.
Song song với các hoạt động đó, Nhà trường cũng tổ chức hội thảo về chuẩn đầu ra tin học, ngoại ngữ với IIG Việt Nam tháng 3/2012 để nâng cao nhận thức của sinh viên Nhà trường về sự cần thiết áp dụng chuẩn đầu ra tin học ngoại ngữ bằng các bài thi quốc tế. Các tổ chức trong Nhà trường cũng tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người học. Đoàn TNCS HCM, Hội sinh viên đã có cuộc thi tìm hiểu về chuẩn đầu ra TOEIC và IC3 tháng 10/2012. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học đã cấp 2 suất học bổng toàn phần theo học lớp TOEIC và 2 suất học bổng toàn phần theo học lớp IC3 tại trung tâm cho sinh viên Nhà trường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các bài thi TOEIC, IC3, tháng 10/2012, Nhà trường đã được IIG Việt Nam chỉ định làm đơn vị duy nhất có quền triển khai tổ chức bài thi IC3 tại Thái Nguyên.
Kết quả thực hiện, nguyên nhân
Sau 3 năm tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ cả về đào tạo giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả người học và cán bộ giảng viên trong Nhà trường, kết quả triển khai việc thực hiện đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi quốc tế tại Trường đã đạt được các kết quả sau:
Về Tin học: hiện tại 90% sinh viên tốt nghiệp năm 2013 đã thi đạt chứng chỉ IC3 trong đó 88% thí sinh thi đạt chứng chỉ IC3 ngay từ vòng thi đầu tiên. Đối với các thí sinh chưa thi đạt có thể tham gia thi vòng 2 ngay sau đó. Đối với một số sinh viên muốn tự học và tham gia thi, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tổ chức các buổi phụ đạo, hướng dẫn để sinh viên tự tin tham gia thi. Nhiều sinh viên muốn tham gia thi làm nhiều giai đoạn, mỗi lầm chỉ thi một module cũng được tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, sinh viên trong toàn Trường đã hiểu và thực hiện tốt bài thi IC3.
Đối với Ngoại ngữ: Tháng 3/2013, Nhà trường quyết định chưa áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ với các sinh viên hệ cử tuyển, các sinh viên có hộ khẩu thuộc vùng sâu vùng xa, các đối tượng theo nghị quyết 30A của Chính phủ. Tính đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 50 sinh viên có kết quả TOEIC đạt 450 điểm trở lên. Trước tình hình đó, tháng 5/2013 Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường đã quyết định hạ chuẩn đầu ra ngoại ngữ thành TOEIC 400 điểm. Kết quả là đợt xét tốt nghiệp đầu tiên tháng 6/2012 có 80 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong tháng 5 và tháng 6/2013, nhiều sinh viên đã tích cực học ôn và tham gia thi TOEIC. Đến nay, số sinh viên có kết quả TOEIC đạt 400 trở lên là gần 300 sinh viên. So với tổng số sinh viên cần phải đạt chuẩn đầu ra để tốt nghiệp, con số này đạt 42%.
Nhà trường tin rằng số sinh viên còn lại trong ít tháng nữa sẽ đạt được TOEIC 400 điểm để có thể nhận bằng tốt nghiệp. Bởi lẽ, một số sinh viên chăm chỉ trên thực tế đạt được điểm khá cao 700 - 800 điểm.
Đối với các sinh viên tốt nghiệp năm 2014, Nhà trường vẫn yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ vẫn phải đạt 450 điểm TOEIC như đã công bố. Nếu các em tích cực chuẩn bị, các em hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu này.
Như vậy, đối với chuẩn đầu ra về tin học Nhà trường đã thành công trong việc lựa chọn và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên đối với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao như vậy?
Thứ nhất, để có kiến thức và kỹ năng sử dụng một ngoại ngữ đạt một trình độ nhất định (B1 khung châu Âu, 450 điểm TOEIC…) đòi hỏi phải có một quá trình học tập và rèn luyện bền bỉ, lâu dài. Sinh viên của Nhà trường đa số xuất thân từ các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Trước khi vào trường, mặt bằng về trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn rất thấp. Kết quả khảo sát kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên nhập trường năm 2012 cho thấy 79% sinh viên nhập trường có kết quả kiểm tra TOEIC đạt dưới 250 điểm.
Thứ hai, nhiều sinh viên chủ quan, không tin là Nhà trường sẽ quyết tâm thực hiện chuẩn đầu ra. Bởi lẽ, đến nay, tại Thái Nguyên, mới chỉ có ĐH Kinh tế và QTKD là đơn vị duy nhất đã công bố chuẩn ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi quốc tế nên các em còn chủ quan và cho rằng Nhà trường chưa chắc đã thực hiện điều mà chưa ai thực hiện ở khu vực miền núi trung du phía Bắc.
Thứ ba, TOEIC và IC3 là các chứng chỉ còn mới, chưa được thị trường lao động ở các tỉnh trung du và miền núi biết đến một cách rộng rãi. Về ngoại ngữ, thị trường lao động chỉ quen với chứng chỉ ngoại ngữ, A, B, C của Bộ GD&ĐT, chứng chỉ TOEFL, IELTS. Về tin học, thị trường lao động mới chỉ quen với chứng chỉ tin học A, B, C của Bộ GD&ĐT. Một số sinh viên của ĐH Kinh tế và QTKD đi xin việc nộp chửng chỉ TOEIC và IC3 bị nhà tuyển dụng không công nhận.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn triển khai chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi TOEIC và IC3 quốc tế tại ĐH Kinh tế và QTKD, một số bài học kinh nghiệm ban đầu được rút ra như sau:
Một là, cần làm cho toàn thể cán bộ viên chức và sinh viên nhận thức sâu sắc rằng xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học là một đòi hỏi tất yếu của thời đại hội nhập quốc tế, nhất là khi Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động vào năm 2015, đảm bảo cho người lao động đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế, để khỏi bị đánh bại ngay trên sân nhà.
Hai là, việc chọn bài thi quốc tế TOEIC và IC3 để đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học là cần thiết, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thị trường lao động do tính phổ biến, khách quan và được quốc tế công nhận rộng rãi. Quy trình triển khai chuẩn đầu ra cần có lộ trình phù hợp với thực trạng, trình độ ngoại ngữ tin học của người học cũng như nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn trường.
Ba là, cần có sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn thể cán bộ giảng viên và nhân viên, cần huy động cả hệ thống chính trị trong Nhà trường để tuyên truyền về tính thiết yếu của việc sử dụng bài thi TOEIC và IC3 trong đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học để tuyên truyền cho sinh viên và tham gia tổ chức thực hiện.
Bốn là, việc thực hiện chuẩn đầu ra cần phải tiến hành đồng bộ trong tất cả các trường trong toàn ĐH Thái Nguyên để toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn ĐH hiểu rõ và đồng tâm thực hiện.
Năm là, cần tuyên truyền rộng rãi để các nhà tuyển dụng khu vực trung du miền núi phía Bắc hiểu về ý nghĩa của chuẩn Tiếng Anh TOEIC và chuẩn Tin học IC3 quốc tế, tin tưởng và chấp nhận cấc chứng chỉ này nhằm giúp sinh viên gặp thuận lợi khi sử dụng các chứng chỉ này để xin việc
Ngoài ra, Nhà trường đã tuyên bố đồng thời áp dụng áp dụng chuẩn ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ giảng viên, để chính cán bộ, giảng viên sẽ trở thành những tấm gương sáng về học tập Ngoại ngữ và Tin học để sinh viên noi theo./.