Ba bước chuẩn bị xin việc
(ICTPress) - “Tại sao tốt nghiệp bằng giỏi mà chưa tìm được việc?” và bài viết dưới đây là một vài chia sẻ kinh nghiệm xin việc của bản thân để các bạn sinh viên có thêm một kênh tham khảo.
Ảnh: iStockphoto |
1. Kết quả học tập
Thực sự đối với sinh viên mới ra trường thì đây là điều kiện tiên quyết để các nhà tuyển dụng quyết định có cho cơ hội đi tiếp không. Vì ở vòng loại, các nhà tuyển dụng chỉ căn cứ vào học lực mà thôi không cần biết năng lực bạn ra sao.
Ngoài ra, hiện nay cũng tùy vào ngành nghề các bạn muốn ứng tuyển nữa, có những đặc thù các ngành "hot" của các tập đoàn, công ty "hot": P &G, tập đoàn thuộc BIG 4 thì học lực bạn phải thuộc dạng xuất sắc, giỏi bởi chế độ ở đây khá tốt và lương ưu đãi, môi trường khá năng động.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm “nóng” bạn cần chú ý, ví dụ, cũng là xin vào ngân hàng nhưng nếu bạn xin vào ngân hàng nhà nước thì khác với xin tuyển vào ngân hàng thương mại. Nếu bạn xin vào các ngân hàng thương mại cổ phần thì hầu hết các tiêu chí gồm Học lực + Anh văn + Tin học đều yêu cầu từ khá trở lên, nhưng số lượng các bạn đạt yêu cầu này cũng khá là nhiều và cạnh tranh khốc liệt. Nếu học lực từ trung bình khá trở xuống bạn rất khó vượt qua vòng loại hồ sơ.
Ngoài những bằng cấp bắt buộc phải có như trên, nếu bạn có thêm một số chứng chỉ, hay giấy khen, thành tích thì cũng là ưu thế: các khóa học kỹ năng mềm (ở nhà văn hóa thanh niên, trung tâm, hay ở ngay các trường đại học...), các khóa nghiệp vụ bổ sung. Bản thân em cũng có học một vài khóa học ở trường, nên khi kèm thêm trong CV xin việc cũng là điểm hơn so với các ứng viên khác có cùng học lực.
2. Tham gia các hoạt động đoàn, hội, tổ chức
Nếu các bạn tham gia vào các câu lạc bộ cũng là một thế mạnh, em tiếc là ngày xưa không có nhiều cơ hội tham gia nhiều vào công tác đoàn hội, chính điều đó em nhận thấy mình đã mất đi một lợi thế rất lớn.
Khi các bạn năng nổ trong hoạt động đội nhóm: bạn năng động hơn, mối quan hệ mở rộng hơn, bạn sẽ nói chuyện tự tin hơn (rất quan trọng), nếu bạn quen thân với các anh chị khóa lơn hơn, các thầy cô thấy bạn có năng lực sẽ giới thiệu các đầu mối tuyển dụng cho bạn luôn, và bạn có nhiều cơ hội để tiếp xúc với công việc đó hơn những người chưa được qua giới thiệu. Riêng trường của em những bạn nào công tác tốt, hay có những đóng góp cho trường đều được các thầy cô và đoàn, hội ưu tiên hơn trong lúc xin thực tập, xin việc, em thấy hầu hết các bạn đều kiếm được việc nhanh hơn các bạn ra trường cùng lúc. Đó là một lợi thế lớn.
3. Nộp hồ sơ
Bạn chọn ngành nghề công việc mình muốn làm rồi hãy xem đang có những công ty nào đang tuyển vị trí đó, cân nhắc mình có thực sự phù hợp và thế mạnh của mình, có đáp ứng những gì họ đang muốn không. Hãy viết CV thật trau chuốt, kỹ càng vì đó là thư thông hành để bạn được vào những vòng sau.
Có nhiều bạn cho rằng rải hồ sơ đi càng nhiều càng tốt, chỗ nào gọi thì đi phỏng vấn, mặc dù không đúng hay không gần với ngành học của mình, đó là một bất lợi, chính mình đưa mình vào trạng thái yếu thế, lên mạng cứ thấy chỗ nào có tuyển thì cứ nộp, từ kinh nghiệm bản thân em thấy là sai.
Cũng như các bạn mới ra trường em nộp rất nhiều hồ sơ: công ty tài chính, ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm... nhưng thực sự rất tốn kém và tốn thời gian vô ích, vì có bạn phải bỏ thời gian chuẩn bị đầu tư câu hỏi, đề thi nếu có thi… đó là chưa kể cùng lúc bạn được nhiều nơi gọi, nếu tham và sợ không chắc bạn sẽ đi thi hết, như vậy kết quả chỗ nào cũng ở mức trung bình, bạn sẽ khó lòng vượt qua các ứng viên khác bởi có những người giỏi và phù hợp với công việc hơn bạn, nên bạn chọn công việc phải dựa trên thế mạnh của bản thân... thế nên một lời khuyên chân thành là các bạn nên chọn lựa những công việc thực sự mình thích, muốn làm, và khả năng có thể làm được thì hãy nộp đơn. Và nếu nhiều nơi gọi thi trong cùng thời gian ngắn gần gần nhau, hãy chọn lựa và tập trung để không phân tán nguồn lực của mình.
Còn lúc đi làm rồi thì đuối lắm vì áp lực công viêc, thời gian nhưng vẫn khỏe hơn xin việc lần đầu tiên các bạn àh, vì sau này khi bạn đã đi làm rồi thì cái gì cũng nhiều hơn: kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ, sự hiểu biết, định hướng rõ ràng nên sẽ không vất vả như bây giờ nữa đâu.
Chúc các bạn sinh viên sẽ có được công việc như ý muốn và thành công trong cuộc sống, và một lời muốn gửi tới các bạn là "ĐỪNG BAO GIỜ CHO PHÉP MÌNH BỎ CUỘC". Lúc đầu sẽ gian nan, có thể bạn sẽ chờ việc rất lâu mấy tháng, thậm chí là cả năm nhưng cố gắng kiên trì và suy nghĩ tích cực. Em phải mất 6 tháng mới tìm được công việc ưng ý và phù hợp đúng chuyên ngành nên cá bạn phải thật vững vàng .
Phan Thị Bích Vân
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank
Thành viên Quỹ Học bổng học sinh Quảng Ngãi