Cách nào để vượt qua các vòng phỏng vấn tuyển dụng thành công

(ICTPress) - Tiếp theo bài “Tại sao tốt nghiệp bằng giỏi mà chưa tìm được việc” của anh Nguyễn Đức Quang, thành viên Quỹ Học bổng học sinh Quảng Ngãi (QHBSVQN) đã được ICTPress giới thiệu đến bạn đọc.

Hôm nay ICTPress giới thiệu một bài viết của bạn Phạm Văn Chánh, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP. HCM, hiện là kỹ sư của công ty Datalogic ADC Vietnam tại khu Công nghệ cao TP. HCM, thành viên QHBSVQN chia sẻ thêm những suy nghĩ và kinh nghiệm trong quá trình tìm việc.


Trong thời buổi hiện nay, học giỏi - nếu chỉ hiểu trọn vẹn là giỏi về chuyên môn, kiến thức thì rõ ràng là chưa đủ, đó mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Bản thân em phát hiện ra điều này khi học năm thứ 2 - cũng chưa phải là quá muộn để chuẩn bị cho quá trình tìm việc sau này.

Thời điểm đó vì hoàn cảnh gia đình nên em hay tìm trên mạng các suất học bổng của các công ty, tập đoàn trong ngành mình học, chỉ với suy nghĩ là tìm một nguồn vật chất để trang trải thêm cho việc học của mình. Với thành tích học tập khá cao nên những tưởng mình sẽ được tuyển chọn dễ dàng, nhưng đó là một sai lầm. Các công ty cấp học bổng không những cần tìm người học giỏi, mà họ còn muốn nhiều hơn thế.

Công ty đầu tiên em được nhận đơn và mời đi phỏng vấn là Intel Product Vietnam, và yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Anh trong cuộc phỏng vấn. Yêu cầu này đối với em thời điểm đó khá bất ngờ, và cũng không phải dễ dàng gì với vốn tiếng Anh bập bẹ từ hồi cấp 3 còn lại. Thế là một đợt tổng ôn luyện phỏng vấn bằng tiếng Anh bắt đầu. 10 ngày cho việc kiếm tài liệu và tự luyện với máy tính - kết quả cũng tạm ổn; cũng nhờ thế mới nhận ra đây là đặc điểm chung của sinh viên - khi không có chuyện gì thì cứ bình chân như vại, nhưng lúc có việc gấp thì gần như hoạt động gấp mấy lần “công suất” thực của mình.

Rồi ngày phỏng vấn cũng đến, khá run nhưng với người phỏng vấn có kinh nghiệm nên ứng viên như em cũng dần lấy lại bình tĩnh và trả lời cũng tạm chấp nhận được. Kết quả là em nhận được một suất học Anh văn 2 tháng tại Hội đồng Anh (British Council), trị giá suất học bổng này cũng lớn và sau khi học thấy trình độ Anh văn của mình nâng lên đáng kể nên khá hài lòng với những gì mình đã nhận được.

Kinh nghiệm cho lần phỏng vấn đầu tiên này là: hãy trình bày thật rõ ràng, mạch lạc vấn đề mình cần nói; đặc biệt, rất quan trọng, đó là phải trung thực. Người phỏng vấn có kinh nghiệm dễ dàng nhận ra rằng bạn đang nói dối họ, cũng không phải là họ “thần thông” gì, nhưng qua chuỗi câu hỏi liên tiếp của họ, nếu mình nói dối sẽ rất dễ ngập ngừng, bối rối, nói “lố đà” và cuối cùng là sa bẫy. Các bạn chưa có cơ hội phỏng vấn có thể hình dung chuỗi câu hỏi của nhà tuyển dụng như sau:

Hỏi: Bạn có bao giờ làm việc A chưa?

Đáp: Có, tôi đã làm việc A rồi ạ.

Hỏi: Bạn làm việc đó như thế nào?

Đáp: Tôi làm việc với hai người bạn của tôi nữa, chúng tôi lập nhóm và phân chia công việc…

Hỏi: Bạn có thể nói cho tôi biết các bạn chia công việc như thế nào, và bạn thấy có hợp lý không?

Đáp: Chúng tôi chia như thế này…

Hỏi: Các bạn có gặp vấn đề gì, chẳng hạn như bất đồng quan điểm trong quá trình đó hay không?

Đáp: Tất nhiên là có chứ, nhưng chúng tôi có cách giải quyết hợp lý.

Hỏi: Hợp lý như thế nào, bạn có thể mô tả cho tôi biết được không?

…..

Đây là ví dụ cho chuỗi câu hỏi kiểm tra kỹ năng làm việc nhóm của ứng viên. Có thể tóm lại là công ty tuyển dụng sẽ đưa ra một câu hỏi, bạn trả lời và họ sẽ xoáy vào câu trả lời của bạn. Nếu bạn lỡ “bịa” ra một tình tiết nào đó thì sẽ nhanh chóng đuối lý ngay. Nên tốt hơn hết là có sao nói vậy các bạn nhé.

Và tất nhiên, để “có sao nói vậy”, nhưng vẫn không bị chê là yếu, thì chỉ còn cách tự mình chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết nhất mà thôi. Khi đã quen với các cuộc phỏng vấn, thì vấn đề còn lại là “nội dung” như thế nào.

Kỹ năng mềm đối với các sinh viên mới ra trường hiện nay khá yếu. Nói kỹ năng mềm thì có lẽ khá chung chung, chúng ta có thể hiểu một số kỹ năng cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lí tình huống, quản lý thời gian… Các vấn đề này sẽ được nhà tuyển dụng vạch hẳn ra một danh sách để đánh giá ứng viên. Chỉ đơn giản là ánh nhìn cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng giao tiếp của mình; cứ nhìn quanh quẩn đi đâu đó chứng tỏ rằng bạn đang thiếu tự tin, hay nhìn chằm chằm vào người đối diện cũng không tốt.

Kỹ năng xử lý tình huống được kiểm tra qua những câu hỏi tình huống mức độ từ dễ đến khó. Các câu hỏi này không có chuẩn mực đúng sai mà chỉ đánh giá khả năng giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ một câu hỏi mà cháu từng được hỏi: “Trong một chuyến đi thực tập, nhóm bạn có 10 người, và mỗi phòng khách sạn có 2 người ở. Bạn được xếp ở chung với một người mà bạn không ưa, và người đó cũng không ưa gì bạn. Vậy hành động đầu tiên của bạn đối với người đó lúc vào phòng là gì?”, hay một câu hỏi khác khi em tham gia chương trình quản trị viên tập sự:

- Bạn có thích sự thay đổi để tốt hơn trong công việc không?

- Có, tôi sẽ thay đổi những thứ xung quanh nếu cần thiết, để làm cho công việc mình thuận tiện hơn.

(Câu hỏi này chắc chắn phải trả lời là có rồi đúng không các bạn!. Lúc đó người phỏng vấn nhìn không gian xung quanh bàn phỏng vấn - lúc đó là một hội trường để hội họp và đưa ra câu hỏi tiếp theo).

Giả sử bây giờ tôi là giám đốc, tôi yêu cầu bạn thay đổi hội trường này để biến nó thành một giảng đường dành cho sinh viên, bạn sẽ làm những công việc gì?

-   …bla bla!

Nói về chương trình quản trị viên tập sự, đây là một chương trình khá “nóng” trong thời gian 2 - 3 năm gần đây. Đây là một cuộc tìm kiếm người trẻ tuổi để được đào tạo trở thành thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong công ty. Vì yêu cầu như thế, nên ứng viên cũng phải đạt những phẩm chất rất cao mới có thể lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Và đến đây thì rõ ràng là yêu cầu về học vấn không thể chiếm giữ vị trí tiên quyết của ứng viên nữa.

Những tập đoàn lớn như Unilever, P&G, Nestle, Frieslandcampina… đều thiết kế cho mình một chương trình tuyển dụng để sàng lọc, chọn được ứng viên xuất sắc; và trong  đó yêu cầu về học vấn chỉ từ 7.0 GPA, nhưng yêu cầu về kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, Anh văn…thì ở mức ngất ngưởng. Tham dự chương trình này có một điều đặc biệt là những câu hỏi lúc phỏng vấn không còn được trả lời bằng miệng nữa, mà chương trình có 1 đến 2 ngày giống như Go camping giữa những ứng viên và giám sát viên với nhau, qua đó sẽ giao đề tài, trò chơi nhóm… và các ứng viên phải làm việc thật sự để thể hiện mình. Do đó, chỉ những bạn nào có kỹ năng lãnh đạo, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề tốt mới vượt qua được.

Kinh nghiệm muốn chia sẻ với các bạn chuẩn bị ra trường là nên tham gia chương trình này, nếu thấy mình đủ bản lĩnh thì sẽ được chọn và có một công việc tốt với mức lương cũng khá cao; ngược lại, nếu chưa được chọn, mình cũng sẽ có khá nhiều kinh nghiệm trong khoảng thời gian tuyển chọn. Thông tin về những chương trình này mình có thể tìm trên các trang mạng tìm kiếm việc làm như vietnamworks.com, kiemviec.com…; chương trình này thường được các tập đoàn kể trên mở vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.

Nhưng cũng có một điều muốn nhắn gửi cũng là một kinh nghiệm là khi đã quyết định ứng tuyển vào chương trình này, hoặc các vị trí khác cũng vậy, phải thật sự nghiêm túc, cái gì có sự chuẩn bị càng kỹ càng, càng chu đáo thì mới càng có nhiều cơ hội để thành công. Đừng bao giờ đánh giá quá thấp công ty mình ứng tuyển, hoặc lơ là trong việc chuẩn bị, nếu không sẽ có những phút giây luyến tiếc và đầy câu hỏi “Giá như…!” trong đầu mình đấy nhé!

Tóm lại, để có thể tìm việc trong thời điểm này, không phải chỉ có tấm bằng là đủ; mà phải có sự chuẩn bị các kỹ năng mềm cần thiết, tăng cường khả năng tiếng Anh để có thể tham dự các cuộc phỏng vấn của các công ty, tập đoàn lớn và đáp ứng được cho công việc.

Sinh viên mới ra trường thường than thở rằng nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm, nhưng mới ra trường làm gì có kinh nghiệm? Các kỹ năng đó cũng chính là kinh nghiệm. Lấy được các kinh nghiệm đó bằng cách tích cực tham gia các hoạt động nhóm, đoàn hội; đi làm thêm để tăng kinh nghiệm sống, xử lý vấn đề…Tìm mọi cơ hội để được phỏng vấn với nhà tuyển dụng hoặc nhà tài trợ học bổng trước thời điểm ra trường cũng là cách tích lũy kinh nghiệm “cọ xát” với các cuộc phỏng vấn sau này.

Các thông tin về tìm kiếm việc làm, học bổng, hay chương trình “Phỏng vấn thử - thành công thật” rất dễ được tìm thấy trên Internet, quan trọng là bạn có muốn “vươn ra khỏi vỏ ốc” để tìm kiếm cơ hội cho chính mình hay không! Và một điều quan trọng không kém, là phải đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng khi cơ hội đến với mình.

Phạm Văn Chánh

Tin nổi bật