Viện Tin học Nhân dân ra mắt và hướng về cộng đồng
(ICTPress) - Hội Tin học Việt Nam vừa chính thức tổ chức lễ ra mắt Viện Tin học Nhân dân, nhằm thu hút, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển CNTT-TT nước nhà.
Cơ cấu tổ chức Viện sẽ gồm Hội nghị các nhà đầu tư, Hội đồng Viện, Ban kiểm soát, Hội đồng khoa học và đào tạo, Ban lãnh đạo Viện, Văn phòng và các Trung tâm. Trong đó, Hội đồng viên có ông Bùi Mạnh Hải - Chủ tịch Viện, các Ủy viên Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Long, Hoàng Quốc Lập, Nguyễn Đình Thắng, Lê Trường Tùng. Ngoài ra, Viện còn có Ban kiểm soát và lãnh đạo Viện gồm có Viện trưởng Hoàng Quốc Lập và Phó Viện trưởng Nguyễn Long.
Đại diện Ban lãnh đạo Viện tin học nhân dân |
Theo ông Hoàng Quốc Lập, Viện ra đời có chức năng tư vấn thẩm định, phản biện xã hội các nhiệm vụ, chương trình dự án và tham gia xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến CNTT-TT, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT. Ngoài ra, Viện còn đào tạo, phổ cập các kiến thức về CNTT-TT cho toàn xã hội; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, cung cấp dịch vụ về CNTT-TT.
Theo kế hoạch, Viện sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan (Trung tâm, Cục, Vụ, Sở, các Bộ, ngành, các Hội Tin học tỉnh thành) xúc tiến mạnh các hoạt động tư vấn, giám sát, thẩm tra, phản biện xã hội các nhiệm vụ, chương trình, dự án CNTT nằm trong kế hoạch của các bộ ngành, một số địa phương và các tổ chức doanh nghiệp; Hợp tác với các tổ chức trong và nước ngoài, triển khai các nghiên cứu, đóng góp xây dựng cơ chế chính sách về CNTT-TT, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu.
Với ưu thế của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về CNTT-TT, Viện Tin học Nhân dân (thuộc Hội Tin học Việt Nam) sẽ hướng tới các mục tiêu thu hút, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tham gia các hoạt động của Viện.
Ông Hoàng Quốc Lập, Viện trưởng Viện tin học Nhân dân (ICT4P) cho biết, với đội ngũ chuyên gia đông đảo, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, từ năm 2013-2015, ICT4P sẽ liên kết, hợp tác phát triển các ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, Viện cũng thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu; nghiên cứu xây dựng chương trình đổi mới phổ cập sau năm 2014, 2015. Đặc biệt, Viện cũng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Microsoft, IBM, Oracle, Cisco, Intel, HP, Facebook, FPT, CMC, VNPT, VTC… nghiên cứu, tổ chức các dịch vụ chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho các dự án ứng dụng CNTT-TT của các cơ quan Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp…
Ông Lê Trường Tùng, Ủy viên của Hội đồng Viện Tin học nhân dân cho biết: Viện sẽ hình thành mạng lưới trung tâm đào tạo Tin học được ủy quyền thay vì tổ chức xây dựng trung tâm đào tạo. Viện sẽ xây dựng các chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ cán bộ,… sau đó sẽ thẩm định, cấp chứng nhận về chất lượng cho các trung tâm đào tạo Tin học được ủy quyền (đáp ứng các tiêu chuẩn) và kiểm soát hoạt động của các trung tâm. Dự tính đến năm 2020, Viện Tin học nhân dân sẽ có mạng lưới 500 trung tâm đào tạo Tin học được ủy quyền, đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho 1 triệu người.
Với cơ cấu tổ chức và hoạt động theo mô hình mở, sẵn sàng kết nạp, liên kết các tổ chức, Hội Tin học Việt Nam hy vọng Viên Tin học Nhân dân sẽ trở thành một tổ chức KH-CN ngoài công lập có uy tín, thu hút hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, trường đại học… trong nước và quốc tế, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT.
Minh Thiện