Nhà máy Intel Việt Nam đang có đội ngũ kỹ sư giỏi
(ICTPress) - “Intel rất yên tâm và tự tin với trình độ và khả năng hội nhập của các kỹ sư trẻ của Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Intel tại Việt Nam”, bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết mới đây.
Các em học sinh Việt Nam đạt giải ISEP 2013 |
Một minh chứng cho việc này, theo bà Boger, là tỷ lệ sản phẩm sản xuất tại nhà máy Intel đạt chất lượng rất cao 99,999%, có nghĩa là sản phẩm không có lỗi. Sản phẩm không có lỗi là câu trả lời rất rõ ràng cho chất lượng nhân lực. Hiện đã có nhiều kỹ sư Việt Nam đang làm việc cho Intel ở nhiều nước và hầu hết nhân viên đều có cơ hội làm việc với các đồng nghiệp qua điện thoại, thông qua các khoá đào tạo nội bộ và được cử đi công tác. Các kỹ sư Việt Nam đều đáp ứng các yêu cầu của Intel đề ra và không gặp trở ngại gì trong quá trình hội nhập với đội ngũ lao động nhiều tài năng mà Intel đã chọn lựa. Có thể khẳng định chất lượng các kỹ sư Việt Nam đồng đều so với các nước.
Khi vào làm việc với Intel, Intel không chỉ giúp đào tạo thêm về chuyên môn mà còn giúp hoàn thiện các kỹ năng mềm như phản biện, giao tiếp, phân tích, ngoại ngữ… Nhìn chung nhà máy Intel đang có đội ngũ giỏi.
Các kỹ sư Việt Nam đang làm ở nước ngoài đều được quản lý ở các nước này đánh giá cao về khả năng hội nhập nhanh, sáng tạo, cần cù và có nhiều đóng góp tốt nhất cho công ty. Thời gian các kỹ sư Việt Nam được gửi đi làm việc ở các nước từ vài tuần đến vài tháng và dài nhất là 2 năm. Một số các kỹ sư mong muốn tiếp tục học cao hơn như lấy bằng thạc sỹ được Intel ủng hộ và hỗ trợ.
Ngoài việc chuẩn bị đội ngũ quản lý kế cận cho Intel tại Việt Nam, Intel tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như chương trình hợp tác đào tạo ngành kỹ thuật (HEEAP). Giai đoạn 2 của chương trình này sẽ kéo dài từ 2013 - 2017 theo hình thức hợp tác công tư (PPP) giữa USAID, Bộ GD&ĐT, Tổng cục Dạy nghề và các công ty trong ngành như Intel, Siemens, Danaher và Đại học Arizona với mức tài chính lên đến 40 triệu USD. Chương trình này hướng tới việc đào tạo giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật và lãnh đạo các trường cũng như cấp nhiều học bổng cho nữ sinh viên và nâng cao tiếng Anh. Mục tiêu đào tạo của các chương trình giáo dục này là giúp các sinh viên nâng cao khả năng thực hành và ứng dụng thực tiễn.
Intel cũng đã làm việc với Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) và Trường Đại học quốc gia Hà Nội triển khai chương trình Easy Steps trên truyền hình với kỳ vọng sẽ có hàng triệu người trên toàn quốc xem qua các kênh VTC nhằm phổ cập tin học phù hợp với mục tiêu Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT 2020 của Bộ TT&TT. Ngay trong đợt phát sóng đầu tiên, chương trình đã thu hút tới 207.815 người xem.
Ngoài ra, Intel tài trợ cho 41 sinh viên trong Chương trình đào tạo Thạc sỹ kỹ thuật với đại học RMIT 2010 - 2013 để hoàn thành văn bằng thạc sỹ. 2 sinh viên nhận học bổng đầu tiên của chương trình này đã tốt nghiệp và đang làm việc ở Intel Việt Nam từ tháng 2/2013. 9 sinh viên khác sẽ tốt nghiệp đang làm dự án thực tập tại Intel Việt Nam từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2013 và sẽ trở thành nhân viên của Intel cuối năm nay. Intel cam kết tài trợ 2 triệu USD cho chương trình này.
Đối với giáo viên hệ mầm non đến PTTH, Intel có chương trình Intel Teach đã ký Biên bản ghi nhớ với BộGD&ĐT, các trường sư phạm. Cho tới nay, chương trình đã có gần 105.000 giáo viên từ 22 tỉnh/thành phố và 8 trường đại học được đào tạo và hưởng lợi từ chương trình Intel Teach trong đó có nhiều giáo viên phổ thông và cácgiáo sinh đang theo học sư phạm. Giáo trình của chương trình này đã được công nhận là giáo trình bắt buộc đối với các sinh viên học ngành sư phạm của vài trường sư phạm như đại học Sư phạm TP. HCM.
Trang diễn đàn của cộng đồng giáo viên từ chương trình này (www.dayhocintel.net<http://www.dayhocintel.net>) là một diễn đàn giáo dục lớn nhất hiện có hơn 21.000 thành viên và đã nhận được 35.000 lượt xem trang/ngày.
Các học sinh phổ thông ưa thích và có sáng tạo khoa học và kỹ thuật có thể tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của Intel (Intel ISEF). Cuộc thi này hàng năm thu hút 1.600 học sinh từ khắp nơi trên thế giới về Mỹ tranh tài ở 17 lĩnh vực.
Năm 2012, đội học sinhTrường Phổ thông Trung học Hà Nội - Amsterdam, Việt Nam gồm 3 em Trần Bách Trung, Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang đã nhận được giải Nhất ở lĩnh vực cơ khí tại Giải thưởng ISEF chỉ sau 3 năm Việt Nam tham gia cuộc thi này. Các em đoạt giải thưởng từ cuộc thi này cũng nhận được bằng khen của Bộ GD&ĐT và của Thủ tướng cho thành công này.
Năm 2013, Việt Nam cử 12 em tham gia Hội thi quốc tế này và đã nhận được 2 giải Tư, tỉ lệ thành công này đã vượt qua cả đội Pháp và Hàn Quốc. Bộ GD&ĐT đã chính thức công nhận giải thưởng ISEF này của Intel và ban hành một chính sách thúc đẩy, theo đó, bắt đầu từ năm 2013 các học sinh nhận được các giải thưởng quốc tế như giải thưởng của cuộc thi ISEF sẽ được nhận học bổng du học ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo bà Hồ Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel cho biết từ năm 2008 đến 2012, Intel đã trao hơn 1.100 suất học bổng giúp sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh và học phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Intel cũng có sáng kiến trao nhiều học bổng khuyến khích sinh viên nữ theo học ngành kỹ thuật - gồm học bổng Intel AmCham và học bổng thuộc HEEAP.
Bà Hồ Thu Uyên cũng cho biết Intel đã tập trung đầu tư rất nhiều nguồn lực cho giáo dục đào tạo như đã cam kết với Việt Nam trong chiến lược kinh doanh có trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với mong muốn trang bị và nâng cao các kỹ năng của thế kỷ 21 theo tiêu chí học tập suốt đời cho thế hệ trẻ để các em sẵn sàng hòa nhập vào thị trường lao động có trình độ và hàm lượng chất xám cao và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến của hệ thống giáo dục chất lượng quốc tế trong tương lai.
HM