Giải Nhất cuộc thi viết thư UPU 42 được trao cho lá thư phản biện
(ICTPress) - Sáng nay 13/5 tại trường Phổ thông dân lập Marie Curie, Hà Nội, Ban Tổ chức cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42 (2013) đã tổ chức trao giải thưởng cho các em học sinh, các nhà trường phổ thông đoạt giải.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các em đoạt giải viết thư UPU 42 |
Đề tài của cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42 là “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước lại quý (Write a letter about why water is precious) được học sinh và các nhà trường đánh giá là đề tài “nóng”, thực sự gần gũi và bổ ích.
Theo đánh giá của Ban giám khảo các em học sinh đã bám sát đề tài nên hầu như không có bài bị lạc đề. Chất lượng bài viết của các em khá đồng đều. Có nhiều bài chữ viết đẹp, trình bày công phu.
Đặc biệt, lọt vào vòng chung khảo là những bài thi có cách viết hồn nhiên, giàu cảm xúc, không đi theo lối mòn; một số bài có giọng viết hài hước, hóm hỉnh… Người được nhận thư là Tổng thư ký Liên hợp quốc Bankimoon, Bill Gate, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường; gửi Aladin, Nữ thần nước, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Long Vương, Cụ Rùa Hồ Gươm, Sơn Tinh, gửi con người trong quá khứ; gửi con người trong tương lai; rồi gửi ống cống, kênh Nhiêu Lộc, gửi sông Đồng Nai, bạn Nước Bẩn… Nhiều nhất vẫn là gửi cho Doremon, Doremi, Nobita để mượn bảo bối…
Các nhân vật hóa thân là dòng sông, biển cả, dòng suối, là Tôm càng, Cá ngừ, Mực ống, Cá heo… Nhiều nhất là hóa thân thành giọt nước thở than, kêu cứu bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dùng nước lãng phí của con người.
Lá thư đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 là em học sinh lớp 6 Đào Thụy Thùy Dương, Trường Trung học Cơ sở Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Em đã hóa thân vào Thủy Tinh viết thư cho Sơn Tinh.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương trao tặng giải Nhất cho em Đào Thụy Thùy Dương |
Chia sẻ ý kiến đánh giá của Ban Giám khảo cuộc thi về bài thi đoạt giải Nhất, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi Vũ Quang Vinh cho biết bài dự thi của em Đào Thụy Thùy Dương rất độc đáo, mượn chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh để phản biện lại một cách rất khoa học để cho mọi người thấy rằng nếu như trước đây chúng ta coi lũ lụt, bão tố là một việc làm hại của thiên nhiên thì bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại và thấy rằng nước cũng là lũ lụt, bão tố, rất có tác dụng đối với cuộc sống chúng ta.
Lá thư của em Dương đã bày tỏ con người, nỗi oan khuất của mình là Thủy Tinh từ trước tới nay bị mọi người căm ghét, thù hận nhưng đến bây giờ con người đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của Thủy Tinh và phải có hành động quyết liệt để bảo vệ Thủy Tinh, bảo vệ nước, nguồn nước.
Sau khi lập luận tất cả điều trên, em Dương đã kết thúc lá thư bằng một câu kết: “chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ bình yên và ta cũng chẳng còn lý do gì mà gây ra lũ lụt nữa”.
Ông Vũ Quang Vinh cho rằng đây là câu kết vừa là lời kêu gọi, thúc giục, vừa nhắc nhở nghiêm khắc chúng ta phải chúng tay để bảo vệ nguồn nước.
Đánh giá chung về cuộc thi ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết Ban tổ chức nhận được 1.245.088 bài dự thi, chất lượng các bài dự thi cuộc thi năm nay cao hơn, phù hợp với các cháu, nhu cầu bức thiết đối với toàn thể nhân loại, đối với Việt Nam và bản thân các em nên viết hay hơn, có nhiều sáng tạo và độc đáo hơn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết mỗi cuộc thi là một chủ đề mang tính thời sự, nhân văn, là vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và qua đó mang tính giáo dục sâu sắc. Điều đó phù hợp với mục tiêu bồi dưỡng kỹ năng, nhân cách con người cho thế hệ trẻ Việt Nam đặc biệt là các cháu thiếu nhi, học sinh. Đồng thời cũng là dịp để các em tăng cường kiến thức, hiểu biết đối với ngành Bưu chính, ngành quan trọng của hạ tầng xã hội.
Ban Tổ chức cũng đã trao giải Nhì cho các em: Nguyễn Minh Châu, lớp 9A4, trường THCS Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội; Bùi Trương Kim Khánh, lớp 8/7, trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP. Huế; Lại Ngọc Mai, lớp 6A2, trường THCS Chu Văn An, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Giải Ba được trao cho các em: Đinh Thị Hải Yến, lớp 10 Văn, trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Diễm Quỳnh, lố 8B, trường THCS Đông Ngàn, Thị xã Bắc Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Ngọc Cát Tường, lớp 5/7, trường Trung học Kim Đồng, Thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp; Vũ Linh Ngân, lớp 9A1, trường THCS Ngô Sỹ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và Bùi Hồng Ngọc, lớp 9E2, trường PTDL Marie Curie, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Các giải phụ được trao cho các em: Đào Xuân Trung, học sinh khiếm thị lớp 5D, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội - Giải dành cho học sinh khuyết tật; Tráng Thị Hồng Trinh, dân tộc Pa Dí, lớp 5A trường Trung học xã Cung Chung Phố, huyện Mường Khương, Lào Cai giải dành cho học sinh thiểu số và Đặng Thị Thúy Quỳnh, sinh ngày 4/9/2002, lớp 5A, trường Trung học Thiên Trung, huyện Cái Bè Tiền Giang.
Những tỉnh có bài dự thi cao là những địa phương đã có truyền thống nhiều năm tổ chức tốt như: Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Cà Mau…
Danh sách các em đoạt giải cuộc thi năm nay, giải tập thể có thể xem chi tiết tại đây.
Minh Anh