Cắt thuê bao "ảo", FPT giảm gần 1/3 thị phần
Tháng 6/2011, sau khi loại bỏ các thuê bao không phát sinh cước trong 6 tháng đầu năm, FPT Telecom đã mất khoảng hơn 200.000 thuê bao, tương đương gần 1/3 thị phần của doanh nghiệp này.
FPT Telecom chỉ còn khoảng 6,9% thị phần
FPT Telecom hiện đã mất đi khoảng 1/3 thị phần khi cắt giảm thuê bao "ảo". Ảnh: Thanh Hải. |
Theo số liệu tháng 6 của VNNIC về thị phần các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), VNPT vẫn dẫn đầu với 72,56% thị phần, dù giảm đi 1,58% so với tháng 5. Tuy nhiên, vị trí số 2 và số 3 của Viettel và FPT Telecom đã có sự cách biệt đáng kể (8,51%) khi Viettel đang chiếm đến 15,41% thị phần, trong khi FPT Telecom chỉ khoảng 6,9%, dù trong tháng 5, khoảng cách này chỉ vào khoảng 0,21%. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do Viettel đã tăng khoảng 4,93% còn FPT Telecom đã giảm 3,37% thị phần (khoảng 1/3 thị phần của doanh nghiệp này trong tháng 5).
Theo đại diện của một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, dù chưa biết cách tính số lượng thuê bao của VNNIC và gần đây FPT Telecom có sụt giảm nhiều thuê bao nhưng việc giảm thị phần đến 1/3 chỉ sau 1 tháng của FPT Telecom là một con số rất lớn và có nhiều điểm "đáng ngờ".
Quyết loại bỏ các thuê bao không phát sinh cước
Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện VNNIC khẳng định, số liệu thị phần ISP trong tháng 6 là hoàn toàn chính xác. Hàng tháng, các ISP gửi báo cáo về cho Bộ TT&TT về số lượng đường dây Internet lắp đặt mới trong tháng. Từ đó, VNNIC sẽ quy đổi theo một công thức nhất định để ra số lượng thuê bao Internet, ví dụ như với đường dây cho hộ gia đình sẽ nhân với 4 để ra số lượng thuê bao, còn doanh nghiệp thì con số quy đổi sẽ ở mức 30 người/đường dây.
Sở dĩ, FPT Telecom giảm mạnh số lượng thuê bao trong tháng 6 là bởi vì trong tháng này, FPT Telecom đã khai báo số thuê bao ngừng hoạt động do xù nợ, không đóng tiền cước hay vì một số lý do khác của tất cả những tháng trước đó (khoảng hơn 200 nghìn thuê bao). "Chính vì thế, số thị phần của FPT Telecom mới đột ngột giảm như vậy", đại diện VNNIC cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cũng trong tháng 6, trong thị phần các ISP đã có thêm số lượng thuê bao 3G. Tuy nhiên, mới chỉ có Viettel khai báo trong tháng 6 nên dẫn đến thị phần của đơn vị này đã có sự tăng vọt so với tháng 5. "Tháng 7, VNNIC dự kiến sẽ cập nhật thêm số lượng người dùng 3G của EVN Telecom", đại diện VNNIC nói.
Theo bà Bùi Hồng Yến, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom, hàng tháng, FPT Telecom cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet thực hiện báo cáo tình hình phát triển thuê bao lên Bộ TT&TT, số liệu theo mẫu báo cáo Bộ yêu cầu được cập nhật tại phân hệ nhập liệu trên website http://thongkeinternet.mic.gov.vn
Số thuê bao Internet từ trước cho đến hết tháng 5/2011 mà FPT Telecom báo cáo bao gồm khá nhiều các thuê bao "ảo", là các thuê bao đã bị khoá ngừng sử dụng trên 6 tháng do chưa thanh toán các khoản cước phí dịch vụ phát sinh. FPT Telecom đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, tuy nhiên sau một thời gian phần lớn các khách hàng này đã không còn ở địa điểm cũ, thay đổi số điện thoại nên không thể liên hệ được. Toàn bộ các thuê bao dạng này đều không sử dụng dịch vụ từ 6 tháng trước và không phát sinh doanh thu dịch vụ cho FPT Telecom.
Sau khi rà soát, kiện toàn hệ thống báo cáo nội bộ, số liệu báo cáo tháng 6/2011 lên Bộ TT&TT đã chỉ gồm những thuê bao hiện hữu đang sử dụng dịch vụ Internet của FPT Telecom (đã giảm trừ các thuê bao "ảo") và đóng góp vào doanh thu dịch vụ cho công ty.
"Cách làm này của FPT Telecom giống với việc các nhà cung cấp dịch vụ di động loại bỏ những thuê bao "rác" sau 2 tháng không sử dụng dịch vụ", bà Yến cho biết thêm.
Với mong muốn có một số liệu báo cáo đúng với tình hình phát triển thuê bao Interrnet thực tế, trước kỳ lập báo cáo tháng 6/2011, FPT Telecom đã trao đổi với chuyên viên của Bộ về vấn đề này để được tư vấn thực hiện. Trong báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh từ 2009 đến hết quí II/2011 gửi Bộ TT&TT phục vụ công bố dịch vụ và doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, FPT Telecom đã báo cáo Bộ 2 số liệu phát triển thuê bao bao gồm số lượng thuê bao Internet đã báo cáo lên Bộ hàng tháng (trên trang thống kê) tháng 3/2011 và tổng số thuê bao hiện hữu đã giảm trừ các thuê bao rời mạng (là các thuê bao "ảo", chưa làm thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng không còn sử dụng dịch vụ do chưa thanh toán cước phí nên đã bị khoá ngừng sử dụng dịch vụ 6 tháng trước đó).
Khi được hỏi về tác động của việc cắt giảm thuê bao "ảo" làm giảm thị phần đến FPT Telecom, bà Yến cho rằng, các số liệu thuê bao hay thị phần chỉ là "phần nổi" và FPT Telecom không bị ảnh hưởng lớn bởi việc này bởi "phần chìm" là doanh thu của FPT Telecom 6 tháng đầu năm đã không tính đến các thuê bao "ảo" do không phát sinh cước trong thời gian này.
Thế Phương
Theo ICTNews