5 sáng tạo đột phá làm thay đổi cuộc sống trong 5 năm tới

(ICTPress) - Những sáng tạo đột phá sẽ mở ra kỷ nguyên của các hệ thống biết nhận thức, với những chiếc máy tính có thể nhìn, ngửi, chạm, nếm và nghe theo cách riêng.

IBM vừa công bố danh mục “5 sáng tạo trong 5 năm tới” ("IBM 5 in 5") về những sáng tạo có khả năng làm thay đổi cách thức con người làm việc, sống và tương tác trong vòng 5 năm tới.

“IBM 5 in 5” được đưa ra dựa trên các xu thế về thị trường, xã hội cũng như các công nghệ mới từ các phòng nghiên cứu và phát triển của IBM trên toàn thế giới. Những dự đoán năm nay là những sáng tạo sẽ đóng vai trò là cơ sở cho một kỷ nguyên tiếp theo của điện toán, kỷ nguyên của các hệ thống biết nhận thức.

Những máy móc biết nhận thức sẽ học, thích ứng, cảm nhận và bắt đầu trải nghiệm thế giới trong không gian thực. Những dự báo của năm nay tập trung vào một yếu tố mới của kỷ nguyên tiếp theo, đó là năng lực của máy tính trong việc bắt chước những giác quan của con người, đó là nhìn, ngửi, chạm, nếm, nghe - theo cách riêng của chúng. Những năng lực cảm nhận này của máy tính sẽ giúp con người hiểu rõ hơn, đạt được năng suất cao hơn và giúp con người tư duy tốt hơn, nhưng không tư duy thay con người.

1. Chạm (Touch): Khả năng “chạm, sờ, cảm nhận” đồ vật thông qua màn hình điện thoại

Người dùng sẽ có thể sử dụng chiếc điện thoại thông minh của mình để mua sắm váy cưới và có thể cảm nhận được chất liệu xa-tanh hay lụa của chiếc váy, hoặc những lớp viền trên chiếc voan trùm đầu, tất cả đều hoàn toàn thông qua bề mặt của màn hình điện thoại, hoặc cảm nhận về từng nét hoa văn trang trí, đường may của một chiếc chăn do một người thợ thủ công ở cách chúng ta nửa vòng trái đất làm ra…

Trong vòng năm năm tới, nhiều ngành kinh tế, ví dụ như ngành bán lẻ, sẽ thay đổi nhờ khả năng “chạm” vào một sản phẩm trên chính các thiết bị di động.

Tính năng này của thiết bị dựa trên công nghệ cảm ứng xúc giác hồng ngoại, nhạy cảm với áp lực để mô phỏng hoạt động “chạm”. Sử dụng các chức năng rung của điện thoại, mọi thiết bị sẽ có một tập hợp riêng các mẫu rung tương ứng với trải nghiệm chạm: có thể là các mẫu rung ngắn, nhanh hoặc các chuỗi rung dài và mạnh. Mẫu rung sẽ giúp phân biệt vải lụa với vải len hoặc vải bông, và mô phỏng cảm nhận vật lý khi thực sự sờ vào vật liệu.

2. Nhìn (Sight):

Mỗi năm có tới 500 tỷ bức ảnh được chụp. (Theo kết quả của hội thảo Quản lý, Nghiên cứu và Phân tích Nội dung Kỹ thuật số năm 2012 - Digital Media Analysis, Search and Management workshop). Hiện nay, những chiếc máy tính chỉ hiểu được các hình ảnh thông qua những ký tự mà chúng ta sử dụng để gán nhãn (tag) hoặc đặt tiêu đề (title) cho chúng. Phần lớn thông tin, nội dung thực sự của hình ảnh, còn là một ẩn số.

Nhưng trong vòng năm năm tới, các hệ thống sẽ không chỉ có thể quan sát và hiểu nội dung của những hình ảnh và dữ liệu hình ảnh mà chúng còn có thể biến các điểm ảnh (pixel) thành có ý nghĩa, giống như cách thức con người xem và giải nghĩa một bức ảnh thông thường. Trong tương lai, các chức năng giống như bộ não của con người sẽ cho phép máy tính phân tích những đặc điểm như  thông tin về màu sắc, mẫu hay đường viền mảnh vải và đưa ra thông tin từ môi trường hình ảnh. Điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các ngành như y tế, bán lẻ hay nông nghiệp.

3. Nghe (Sound): Máy tính sẽ biết nghe những điều liên quan

Trong vòng 5 năm tới, một hệ thống phân tán của các thiết bị cảm biến thông minh sẽ có thể phát hiện các cấu phần của âm thanh như áp lực âm thanh, các rung động và sóng âm ở các tần số khác nhau. Nó sẽ giải nghĩa các thông tin đầu vào này và dự báo khi nào thì một cái cây sẽ bị đổ trong một khu rừng hoặc khi nào thì một vụ lở đất sẽ xảy ra…

Một hệ thống như vậy sẽ “nghe” môi trường xung quanh và đo lường những dịch chuyển, hoặc áp lực đối với vật liệu để cảnh báo cho chúng ta nếu sắp có nguy hiểm xảy đến. Các âm thanh thô sẽ được các cảm biến thu nhận, cũng giống như bộ não con người. Một hệ thống thu nhận dữ liệu này sẽ sử dụng nhiều “phương thức” khác nhau, như thông tin hình ảnh hoặc xúc giác, sau đó phân loại, giải nghĩa các âm thanh đó dựa trên những gì đã thu nhận được.

Trong vòng 5 năm tới, bằng cách học về cảm xúc và có thể cảm nhận được sắc thái biểu cảm, các hệ thống sẽ tìm ra được ý nghĩa của một cuộc hội thoại và phân tích sắc thái, âm điệu và cả biểu hiện do dự để giúp chúng ta có được những cuộc trò chuyện hiệu quả hơn, nhằm cải thiện các tương tác với khách hàng tại trung tâm hỗ trợ khách hàng, hoặc cho phép chúng ta tương tác một cách dễ dàng với các nền văn hóa khác nhau.

4. Nếm (Taste): Những cảm biến vị giác công nghệ số sẽ giúp chúng ta ăn thông minh hơn

Các nhà nghiên cứu của IBM đang phát triển một hệ thống điện toán có thể thực sự trải nghiệm các mùi vị, được các đầu bếp sử dụng để tạo ra những công thức chế biến món ăn ngon miệng và hấp dẫn. Nó sẽ phân tích các thành phần thực phẩm đến cấp độ phân tử và hòa trộn các thành phần hóa học trong các loại thực phẩm khác nhau với ý thức về những mùi vị và gia vị được con người ưa thích.

Bằng cách so sánh thông tin đó với hàng triệu công thức chế biến món ăn khác nhau, hệ thống sẽ có thể tạo ra một tổ hợp mùi vị mới, chẳng hạn như kết hợp giữa hạt dẻ sấy khô với các loại thực phẩm khác như là củ cải đường luộc, trứng cá tươi và thịt hun khói. Một hệ thống như vậy còn có thể được sử dụng để giúp chúng ta ăn uống lành mạnh hơn, tạo ra những tổ hợp mùi vị hấp dẫn giúp chúng ta có thể lựa chọn ăn món rau hầm thay vì khoai tây chiên.

Máy tính sẽ có thể sử dụng các thuật toán để xác định chính xác cấu trúc hóa học của thực phẩm và lý do tại sao mọi người lại thường thích một số vị thức ăn nhất định. Những thuật toán này sẽ kiểm tra cách thức mà các hóa chất tương tác với nhau, độ phức tạp về mặt phân tử của các tổ hợp mùi vị và cấu trúc xơ của chúng, sau đó sử dụng thông tin này, cùng với các mô hình cảm nhận để dự báo sự hấp dẫn về mùi vị của các hương vị khác nhau.

5. Ngửi (Smell): Máy tính sẽ có thể ngửi được

Trong vòng 5 năm tới, những chiếc cảm biến tí hon trong những chiếc máy tính hoặc điện thoại di động của bạn sẽ có thể phát hiện khi bạn bị cảm lạnh hoặc đang mắc các chứng bệnh khác. Bằng cách phân tích mùi, các biểu hiện sinh học và hàng nghìn phân tử trong hơi thở của một người, các bác sĩ sẽ giúp chẩn đoán và giám sát sự tấn công của các căn bệnh như suy giảm chức năng gan và thận, hen suyễn, tiểu đường hay động kinh khi có thể phân biệt được những mùi nào là bình thường và những mùi nào là bất thường.

Hiện tại, các nhà khoa học của IBM đang thu thập các điều kiện và các loại khí trong môi trường  để bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật. Sáng tạo này cũng đang bắt đầu được ứng dụng để đảm bảo vệ sinh y tế, một trong những thách thức lớn nhất trong ngành y tế hiện nay. Nhờ những tiến bộ mới về công nghệ cảm biến và truyền thông, cùng với các hệ thống có thể nhận thức, các thiết bị cảm biến có thể đo lường dữ liệu tại những địa điểm mà trước đây không thể thực hiện được.

Ông Bernie Meyerson, Phó chủ tịch phụ trách các Chương trình Sáng tạo của IBM cho biết: “Các nhà khoa học của IBM đang cùng nhau hợp tác và phát triển những công nghệ giúp cho máy tính có thể cảm nhận được thế giới xung quanh. Cũng giống như bộ não của con người thông qua những giác quan để tương tác với thế giới bên ngoài, các hệ thống có khả năng nhận thức sẽ mang lại những giá trị cao hơn và thông tin chi tiết hơn, giúp chúng ta giải quyết những thách thức phức tạp hơn.”

Mạnh Vỹ

Tin nổi bật