Internet - công trình vĩ đại nhất của loài người
(ICTPress) - “15 năm trước, khi Internet vào trên nền một cơ sở hạ tầng có sẵn, đã được số hóa và tự động hóa… về công nghệ, chúng ta đã tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Những gì họ có, chúng ta cũng có, như cáp quang biển, vệ tinh, 3G, cáp quang nối đến tận xã, thôn, các dịch vụ trên nền viễn thông Internet… Riêng về hạ tầng viễn thông Internet quốc gia, chúng ta đã đuổi kịp nhiều nước tiên tiến. Hay nói cách khác, đã đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet nói riêng và công nghệ thông tin (CNTT) nói chung”. Đó là nhận định của TS. Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - tại buổi tọa đàm giao lưu trực tuyến “Internet - Cánh cửa tương lai” do Hiệp hội Internet Việt Nam và Báo điện tử VnMedia tổ chức, chiều ngày 30/11 tại Học viện Bưu chính Viễn thông.
TS.Mai Liêm Trực nói chuyện với sinh viên về quá trình phát triển của Internet Việt Nam |
Khi được hỏi về vai trò của Internet đối với con người, TS. Mai Liêm Trực cho rằng: “Internet là công trình vĩ đại nhất của loài người vì hàng ngày tác động đến hàng tỷ người trên thế giới. Hiện nay hàng tỷ người trên thế giới tại bất cứ địa điểm nào, tại bất kỳ thời điểm nào đều có thể giao tiếp với nhau, làm việc với nhau, nhìn thấy nhau và đó thực sự là một điều tuyệt vời”.
Internet Việt Nam hiện nay không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới về công nghệ hiện đại, về giá cả thấp và tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng trên nhiều lĩnh vực khác, Việt Nam vẫn còn là nước yếu. GDP vẫn ở dạng nước trung bình thấp. Giao thông vẫn thường xuyên tắc nghẽn, học sinh tiểu học mang nặng sách giáo khoa, bệnh viện quá tải, dân còn nghèo, nông thôn chưa được tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ Internet… “Làm sao trên nền đó, các bạn đưa Việt Nam thành nước mạnh bằng CNTT-TT, bằng viễn thông và Internet”, TS Mai Liêm Trực nhắn nhủ các bạn sinh viên. “Không phải chúng ta chỉ mạnh về viễn thông, Internet và CNTT, mà phải dùng cơ sở hạ tầng này để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh. Viễn thông và Internet nói riêng, sẽ là một công cụ, phương tiện để đất nước chúng ta mạnh lên”.
Bà Agerim Zhangozina, Giám đốc Công ty Cổ phần mạng Tầm nhìn mới giao lưu cùng các bạn sinh viên |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Opera Việt Nam, bà Đỗ Hoàng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc VDC Net2E, ông Đinh Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Bee.vn và bà Agerim Zhangozina, Giám đốc Công ty Cổ phần mạng Tầm nhìn mới (chủ quản trang web tìm kiếm tiếng Việt Wada.vn), đã chia sẻ tầm nhìn về sự phát triển công nghệ, dịch vụ của Internet Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bà Agerim Zhangozina rất ấn tượng với quá trình phát triển của Internet Việt Nam và đặc biệt là quá trình các bạn sinh viên tiếp thu, học tập, phát triển các dịch vụ mới trên nền tảng Internet. Đại diện cho wada.vn, bà Agerim Zhangozina giới thiệu về cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do wanda tài trợ và phối hợp với các trường đại học để tổ chức. Bà kêu gọi các bạn sinh viên hãy nhiệt tình tham gia vì đây là sân chơi sáng tạo, chắp cánh ước mơ của giới trẻ đam mê CNTT.
Phó Tổng Giám đốc VDC Net2E Đỗ Hoàng Hạnh chia sẻ kế hoạch phát triển dịch vụ Internet trong thời gian tới |
Những câu hỏi và những lời bình luận của các bạn sinh viên thể hiện cái nhìn đa chiều và vốn kiến thức hết sức chững chạc của các bạn trẻ. Bà Đỗ Hoàng Hạnh đã hỏi một sinh viên Học viện BCVT nhìn nhận thế nào về game online? Bạn sinh viên thẳng thắng trả lời: Cái gì cũng có tính hai mặt. Nếu mình sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và có chừng mực thì sẽ có lợi, ngược lại thì sẽ có hại.
Để hạn chế mặt trái của Internet nói chung và game online nói riêng, bà Hạnh chia sẻ: “Thời gian tới, VDC-Net2E sẽ chú trọng phát triển các dự án E-learning với tham vọng mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực học tập, song hành cùng giải trí cho cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam, phát triển hệ thống cộng đồng, mở rộng thị phần tại các thị trường viễn thông hay các dịch vụ trực tuyến, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho các bạn trẻ trong tương lai”.
TS. Mai Liêm Trực trao học bổng “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” cho các sinh viên Học viện BCVT |
TS. Mai Liêm Trực cho rằng, để hạn chế những mặt trái, mặt tiêu cực của sự phát triển Internet ở Việt Nam, chúng ta cần thực hiện cả ba biện pháp: Về công nghệ thì đó là firewall, các phần mềm quản lý và bảo vệ; về biện pháp hành chính là những quy định về pháp luật về những điều không được làm, về chống tội phạm mạng, về quy chế sử dụng…; và quan trọng nhất là biện pháp tuyên truyền hướng dẫn, giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao dân trí để người sử dụng có thể tự bảo vệ mình trước những mặt tiêu cực của Internet.
Tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam trong 15 năm qua là rất nhanh. Đến nay Việt Nam đã có hơn 30 triệu người sử dụng Internet, chiếm 1/3 dân số. Cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet đã tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về công nghệ, loại hình dịch vụ, giá cước thấp và mức độ phổ cập dịch vụ rộng khắp. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục đưa những công nghệ mới vào như 4G và đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ hơn như thương mại điện tử, Internet Banking, Internet marketing, E- learning
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Báo điện tử VNMedia đã trao học bổng “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” cho 10 sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông.
Đại diện VNPT cho biết, từ năm 2006, mỗi năm, Tập đoàn giành 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên học giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2012, VNPT đã trao 2.000 suất học bổng dành cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt hoặc thành tích học tập xuất sắc.
Mạnh Vỹ