Tập đoàn Huawei “xuất tướng”

(ICTPress) - Ông John Suffolk, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc Bảo mật Toàn cầu Tập đoàn Huawei đang có chuyến công cán vòng quanh thế giới. Lịch trình của ông trải rộng trên nhiều quốc gia khu vực châu Âu và châu Á. Từ ngày 21 đến 23/11/2012, ông John Suffolk đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Giới ICT Việt Nam cho rằng, chuyến đi này của ông John Suffolk nhằm gạt bớt những chướng ngại mà Huawei đang gặp phải.

Ông John Suffolk, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc Bảo mật Toàn cầu Tập đoàn Huawei (Huawei Technologies) đang bận rộn với chuyến công cán vòng quanh thế giới. Lịch trình của ông trải rộng trên nhiều quốc gia khu vực Châu Âu và Châu Á. Từ ngày 21 đến 23/11/2012, ông John Suffolk đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông sẽ gặp gỡ các nhà quản lý, chia sẻ với các chuyên gia bảo mật mạng và giới truyền thông của Việt Nam về những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong vấn đề an toàn thông tin.

Chiều ngày 21/11, ông đã có cuộc gặp lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Tại cuộc gặp, hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách quản lý và pháp lý về bảo mật không gian mạng cũng như quan điểm, tầm nhìn về vấn đề này của Huawei với thị trường Việt Nam. Ông John Suffolk khẳng định: Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng đối với Huawei và cam kết hợp tác lâu dài bất chấp những khó khăn và suy thoái của nền kinh tế Việt Nam.

Ông John Suffolk và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tại buổi gặp gỡ chiều 21/11/2012

Ông John Suffolk thẳng thắn bày tỏ quan điểm, Huawei sẵn sàng làm việc với tất cả các chính phủ, khách hàng và đối tác thông qua nhiều kênh để cùng nhau đương đầu với những mối đe dọa và thách thức bảo mật thông tin. Huawei sẽ thành lập các trung tâm chứng thực an ninh cho từng vùng nếu cần. Những trung tâm chứng thực này sẽ được minh bạch với chính quyền địa phương và khách hàng. Huawei sẽ cho phép kiểm tra sản phẩm của mình bởi những ai được chính quyền địa phương ủy quyền để đảm bảo bảo mật cho các sản phẩm và dịch vụ của Huawei. Ông cho rằng, các chương trình hợp tác với chính phủ thường kéo dài trên 10 năm. Do đó, Huawei sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận 1 năm dùng cho các khoản chi phí để kiểm tra, chứng thực sản phẩm dịch vụ của mình để đạt được các thỏa thuận hợp tác đó. Huawei đã thiết lập Văn phòng an ninh mạng ở một số nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ và Pháp.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, ông John Suffolk đã chia sẻ với các nhà báo Việt Nam về cuốn Sách trắng (White Paper) do ông biên soạn có tiêu đề “Viễn cảnh An ninh mạng: Bảo mật và Công nghệ thế kỷ 21 - sự kết hợp khó khăn”.

Cuốn Sách trắng đã giới thiệu bức tranh với quan điểm mở của Huawei về an ninh mạng, nêu khái quát hướng tiếp cận của Hãng này đối với thách thức từ an ninh mạng và chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như những đề xuất giải quyết các vấn đề này theo cách chủ động và thực tế của ngành công nghiệp.

Ông John Suffolk trao đổi cùng các phóng viên Việt Nam về vấn đề an ninh mạng và nội dung cuốn Sách trắng do ông biên soạn

Sách Trắng đưa ra các quan điểm và nhận định chủ yếu sau:

Trong một thế giới với hơn 87% dân số sử dụng di động, trong đó Kho ứng dụng của Apple có trên 25 tỷ lượt tải về, và Kho ứng dụng Google Play có trên 20 tỷ lượt tải về, điều hết sức thực tế đó là an ninh mạng trở thành thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện và hợp lý. Để đưa ra một giải pháp hiệu quả cho toàn ngành và mang tính toàn cầu, cần bình tĩnh ngồi bàn bạc dựa trên thực tế.

An ninh mạng không phải là vấn đề của riêng một quốc gia hay một doanh nghiệp cụ thể nào. Tất cả những người có liên quan, như các quốc gia và ngành công nghiệp cần nhận thức được rằng an ninh mạng là vấn đề chung của toàn cầu đòi hỏi phải có các biện pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, các quy trình tiêu chuẩn và hợp tác quốc tế nhằm vượt qua thách thức. Khi thế giới đang ngày càng được liên kết nối với nhau và khi các chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng dựa nhiều hơn vào công nghệ, quy mô thách thức lại càng lớn hơn nhiều. An ninh mạng là một vấn đề toàn cầu. Việc truyền tải và xử lý dữ liệu là một hoạt động toàn cầu và lưu lượng dữ liệu không theo các ranh giới quốc gia hay các phán quyết lãnh thổ của chính phủ hay tòa án. Việc xây dựng một khuôn khổ để giải quyết các vấn đề an ninh, theo hướng cởi mở và minh bạch sẽ có lợi cho sự phát triển mạnh mẽ và liên tục của toàn bộ ngành công nghiệp ICT.

Ông John Suffolk khẳng định: Huawei cam kết tuân thủ tất cả các pháp luật và quy định hiện hành theo mỗi phán quyết tại các quốc gia mà Huawei đang hoạt động và sẽ hạn chế hoạt động kinh doanh của mình khi cần thiết phải tuân thủ các sắc lệnh quốc tế và pháp luật quốc gia”. Đối với các cáo buộc của Chính phủ Mỹ và một số quốc gia khác về việc sản phẩm của Huawei và ZTE (một hãng thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc) có thể gây mất an toàn thông tin tại những nước này, ông John Suffolk cho rằng, không có bằng chứng xác thực nào chứng minh cho cáo buộc đó.

Tuy nhiên, một thực tế khó phủ nhận là có quá nhiều cuộc tấn công mạng vào các trang web và cơ sở dữ liệu của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác là do hacker Trung Quốc thực hiện. Ở Việt Nam, thời gian vừa qua, một loạt trang web của chính phủ, các báo điện tử cũng bị hacker tấn công và những cuộc tấn công này xuất phát từ Trung Quốc. Thậm chí, thời gian gần đây, theo hãng bảo mật Trendmicro, có trên 300 máy chủ của các cơ quan nhà nước Việt Nam bị hack và dữ liệu âm thầm chuyển sang một máy chủ có địa chỉ mạng tại Trung Quốc. Chính những sự việc này khiến chính phủ của nhiều quốc gia đặt dấu hỏi về thiết bị viễn thông được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc. Dù cho Huawei có đứng ngoài cuộc thì vẫn không thể tránh khỏi bị nghi ngờ.

Có lẽ, những bất lợi đang dồn dập đổ lên đầu Huawei khiến tập đoàn này phải “xuất tướng”. Chuyến công tác vòng quanh thế giới của ông John Suffolk có thể là môt trong những giải pháp “dọn đường”, gạt bỏ những chướng ngại về lòng tin để Huawei tiếp tục mở rộng hoạt động.

Ông Suffolk đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Trước khi gia nhập Huawei trong năm 2011, ông Suffolk đã trải qua hơn bảy năm đảm nhiệm vai trò CIO và CISO của Chính phủ Vương quốc Anh. Trước đó, ông từng là Giám đốc Điều hành của Britannia Building Society và Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại Midshires Birmingham. Với kinh nghiệm dày dặn, uy tín nổi bật trong lĩnh vực ICT cùng tài hùng biện, chuyến công du của ông John Suffolk có thể mang lại nhiều hy vọng cho Huawei, mở một cơ chế đối thoại, hợp tác giữa Huawei và các cơ quan chính phủ.

 Mạnh Vỹ

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật