Ngành báo chí, bưu điện ít tham nhũng nhất
Trong số 20 lĩnh vực thì ngành bưu điện và báo chí được người dân cho là ít tham nhũng nhất. Ngược lại, quản lý đất đai và cảnh sát giao thông được cho là những lĩnh vực có tham nhũng phổ biến nhất.
Đây là thông tin từ Báo cáo kết quả khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp thực hiện, với sự tham gia hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Bộ Phát triển quốc tế Anh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc.
Cán bộ công chức coi tham nhũng là nghiêm trọng nhất
Theo báo cáo, tham nhũng và giá cả sinh hoạt được cho là hai trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam. Đặc biệt, số cán bộ công chức (CBCC) chọn tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của quốc gia cao hơn bất cứ vấn đề nào khác. Đối với doanh nghiệp, tham nhũng chỉ được chọn là vấn đề bức xúc thứ hai, sau giá cả sinh hoạt. Điều này là dễ hiểu khi những đợt lạm phát gần đây đã gây ra bất ổn lớn cho doanh nghiệp. Còn với người dân, tham nhũng là vấn đề bức xúc thứ ba sau giá cả sinh hoạt và tai nạn giao thông. Nhìn từ quan điểm nào, tham nhũng cũng vẫn là quan ngại lớn nhất của toàn xã hội.
Xét về mức độ phổ biến của tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực, các đối tượng khảo sát cho rằng bốn lĩnh vực phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bốn lĩnh vực ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực. Tuy nhiên, phương pháp khảo sát chú trọng đến tham nhũng mà người dân và doanh nghiệp trải nghiệm, chứ không hẳn là dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Ví dụ, thu hồi đất đai, quản lý sai hoặc tham ô tài sản nhà nước có thể rất tai hại, dù ít được nêu bật trong khảo sát do số lần trải nghiệm của người được hỏi ít hơn.
Đối với nhóm doanh nghiệp, xác suất trả hối lộ cao nhất là khi giao dịch với cơ quan thuế. Có 32,6% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có biếu xén trong giao dịch gần đây nhất. Đối với người dân, xác suất trả hối lộ cao nhất là cho cảnh sát giao thông, xin học và xin việc trong cơ quan nhà nước. Lĩnh vực người dân ít hối lộ nhất là bảo hiểm và phúc lợi xã hội. Những nhóm có xác suất trả khoản hối lộ “lớn” cao nhất là ở mục xin việc, giáo dục, cảnh sát giao thông và xin cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, dịch vụ y tế là lĩnh vực tác động đến nhiều người nhất và cũng là lĩnh vực có nhiều hối lộ nhất.
Báo chí: Lực lượng quan trọng chống tham nhũng
Một loạt kết quả khảo sát và điều tra chi tiết về mức độ tham nhũng cho thấy tham nhũng đã được nuôi dưỡng bởi cả hai yếu tố cung và cầu của hối lộ và hệ thống luật pháp đã giúp mang hai yếu tố này lại với nhau. Một vòng tròn luẩn quẩn trong tham nhũng xuất hiện khi CBCC gây khó khăn, người dân và doanh nghiệp có động cơ trả tiền không chính thức, khó khăn được giải quyết và lại tạo thành động cơ cho CBCC tiếp tục gây khó khăn.
Tuy nhiên, điều tra cũng ghi nhận có 52% số doanh nghiệp có các hoạt động phòng chống tham nhũng, 43% người dân sẽ tố cáo tham nhũng và 85% số cán bộ công chức cho biết nhận thức về tham nhũng đã được nâng cao.
Đánh giá cao vai trò của báo chí, có tới 80% doanh nghiệp và CBCC cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện, và hơn 8% cho rằng áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng.”
Tại cuộc họp báo, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết: “Bằng việc thu thập các ý kiến của người dân, lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ, công chức, chúng tôi có thêm bức tranh toàn diện hơn và qua đó có thể tìm ra được nhiều biện pháp tích cực hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống tham nhũng”.
Báo cáo là kết quả tổng hợp, phân tích thông qua phỏng vấn trực tiếp đối với 2.601 người dân, 1.058 lãnh đạo doanh nghiệp 10 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Thừa THiên Huế và Đồng Tháp), 1.711 cán bộ, công chức thuộc các tỉnh thành trên, và 90 cán bộ thuộc các Bộ.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: "Cuộc khảo sát này rõ ràng cho thấy sự cần thiết phải tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng cuộc khảo sát cũng chứng minh đây là một trận chiến nhất định mang lại thắng lợi và hoàn toàn có thể giảm bớt tham nhũng. Ước vọng một Việt Nam hiện đại và thịnh vượng không đòi hỏi nhiều hơn thế”.
Hoàng Yến
VNMedia