Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh Duy Xuyên - Nàng công chúa đang ngủ trong rừng
(ICTPress) - Chuyến phượt cuối tuần dọc sông Thu Bồn về miền tây Quảng Nam đã giúp chúng tôi một lần được chiêm ngưỡng nét văn hóa Sa Huỳnh độc đáo qua Bảo tàng này.
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh huyện Duy Xuyên, Quảng Nam tọa lạc trong khuôn viên rộng và thoáng đãng gần đồi Bửu Châu, Trà Kiệu (thành Shimhapura một thời của thị tộc Dừa và sau là kinh đô vương quốc Chăm pa), nằm trên tuyến đường nối liền từ thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên đến Hòn Kẻm Đá Dừng thuộc huyện Nông Sơn, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 40km về phía Tây Nam.
Với lối kiến trúc vừa mang dấu ấn Phật giáo vừa đậm nét dân gian Việt bằng kiểu mái ngói cong lượn, lại vừa mang sức sống Chăm pa bởi gam màu nóng sắc thái gốm Bầu Trúc, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Duy Xuyên có đủ dáng dấp tầm cỡ của một bảo tàng tại dải đất Miền Trung. Nơi đây lưu giữ nhiều phiên bản, bản gốc được khai quật bởi các nhà khảo cổ trong và ngoài nước.
Đón tiếp chúng tôi là anh hướng dẫn viên với vẻ lanh lợi và đầy thiện cảm. Anh vui vẻ cho chúng tôi biết, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh huỵện Duy Xuyên tuy với quy mô của huyện nhưng trước đây là trung tâm cung cấp những cổ vật giá trị cho những nơi khác, trong đó có Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng. Những cổ vật được khai quật ở nhiều nơi trong huyện Duy Xuyên như Thạch Bàn, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Gò Dừa... trong đó nhiều nhất là tại Gò Dừa.
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi bước vào Bảo tàng là Linga - một biểu tượng tượng trưng cho dương tính, có hình khối trụ đặt trên yoni (hình khối vuông, đại diện cho âm khí) thường được đặt trong chính điện của các tháp Chăm. Nhưng cổ vật ấn tượng nhất có thể kể đó là bộ sưu tập mộ chum. Những chiếc chum hình quả bầu, nhiều kích cỡ, cao chừng 0,6m đến 1,8m, làm bằng đất nung màu đỏ tím là vật táng (giống quan tài ngày nay) của văn hoá Sa Huỳnh. Cư dân Champa thời đó đã dùng chiếc chum hình tròn tượng trưng cho trời, đáy phẳng tượng trưng cho đất để mai táng (hoặc làm phép tượng trưng cho việc mai táng bằng cách bỏ nhiều đồ trang sức, tư trang của người chết vào chum, xem như đó là "hồi môn" để người chết tiếp tục sử dụng khi về thế giới khác). Những chiếc chum từ lớn đến nhỏ được lồng vào nhau để chống ẩm, bảo tồn linh khí đầy màu nhiệm nên gọi là chum lồng.
Bộ sưu tập mộ chum |
Các tác phẩm khảo cổ tại Bảo tàng được trình bày lồng ghép, chuyển tiếp giữa các niên đại, kiểu dáng và mô thức văn hoá một cách hài hoà và đầy độc đáo gợi cho người xem vẻ cuốn hút lạ thường. Những cổ vật đó là tượng thần Visnu, Apsara, Nadin, Shiva, Makara Sinh Ra Naga, Makara Sinh Ra Chiến Binh, thân chim Thần Garuda… được làm bằng chất liệu sa thạch - một vật liệu đặc trưng của văn hóa Chăm. Ngoài ra còn có bộ sưu tập đồ gia dụng bằng gốm, rìu đồng, rìu sắt thời tiền kim loại, những vòng chuỗi hạt mã não, những chiếc khoen tai hình đầu sư tử, hình 2 đầu thú hay hình ba chấu bằng đồng với nhiều kiểu dạng theo những biến tấu cảm xúc của nghệ nhân làm ra nó luôn hấp dẫn và gợi mở một sự khám phá diệu kỳ… Chiếc gương đồng Tây Hán có niên đại thế kỉ thứ I trước công nguyên với nhiều nét hoa văn tinh xảo là vật biểu trưng cho sức mạnh và quyền lực của bộ lạc, bộ tộc. Đây là một trong hai chiếc gương đồng quý giá và hiếm hoi của văn hoá Sa Huỳnh mà các nhà khảo cổ đã khai quật được.
Thân chim Thần Garuda |
Văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ khoảng 3500 năm đến những thế kỷ trước sau Công nguyên. Giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa này vào khoảng cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm. Phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam nhưng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Theo trục Bắc Nam, Duy Xuyên ở vào trung độ của tỉnh Quảng Nam và của cả nước. Chạy dọc dòng sông Thu Bồn thơ mộng, Duy Xuyên là một huyện có khá nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa với những nét đặc trưng, độc đáo nhưng có lẽ chính vì sự nổi tiếng của những địa danh như Di sản Văn hóa Thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, Nhà thờ Trà Kiệu, cố đô Trà Kiệu, Khu du lịch sinh thái Duy Sơn… mà Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh với tầm vóc và sự phong phú, độc đáo như thế vẫn đang như cô gái ngủ trong rừng chờ có bàn tay đánh thức để du khách thập phương có được nhiều thông tin hơn và được chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của Bảo tàng này.
Trịnh Quang