6 nước sông Mê Công đẩy mạnh các hoạt động hợp tác Xa lộ thông tin
(ICTPress) - Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Mê Công (GMS), từ ngày 8 - 9/10/2012 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đăng cai tổ chức Kỳ họp nhóm điều hành dự án Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mê Công lần thứ 6 (GSM-IS, SG No. 6).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khai mạc cuộc họp |
Đây là Hội nghị chuyên ngành trong lĩnh vực viễn thông giữa các nước thành viên GMS và được tổ chức theo cơ chế luân phiên. Thành phần tham gia chủ yếu của Kỳ họp GMS-IS, SG. No.6 là các quan chức cấp cao phụ trách về viễn thông của 6 nước GMS gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc và các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt tại các nước GMS.
Tại cuộc họp này, 6 quốc gia GMS sẽ đánh giá lại các hoạt động viễn thông trong vùng ở mỗi nước, chia sẻ và đề ra các đề xuất mới, và củng cố các kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác GMS vừa được tổ chức tại Phillipine vào tháng trước.
Thứ trưởng Bộ TT&T Nguyễn Minh Hồng khai mạc Kỳ họp cho biết trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác tăng cường xây dựng xa lộ thông tin và ứng dụng tại tiểu vùng sông Mê Công được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng sông Mê Công lần thứ 4 vào tháng 12/2011, hợp tác GMS sẽ tạo ra một nền tảng mới kết nối 6 quốc gia tập trung vào: ứng dụng điện tử đối với các dự án quốc gia và khu vực (bao gồm chính phủ điện tử, thương mại điện tử…); Ứng dụng phát triển nông thôn (giáo dục, y tế, cộng đồng nông thôn…), An ninh mạng và an ninh thông tin; Phát triển nguồn nhân lực; Khai thác thị trường các nước thứ ba; Các dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Nghiên cứu, thiết kế và phát triển; Quản lý thay đổi văn hóa trong khu vực công.
Tại Kỳ họp lần này, Chủ tịch cuộc họp, ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) đã báo cáo các hạng mục đã được 6 nước thành viên GMS hoàn thành trong suốt thời gian hợp tác GMS:
Đường truyền dẫn giữa Hà Nội - Pingxiang của VNPT và CT, Trung Quốc vào tháng 7/2008 và nâng cấp đường truyền dẫn xuyên biên giới giữa hai nước lên 4x10 G DWM vào tháng 9/2012;
VNPT và ETL của Lào hoàn thành tuyến kết nối xuyên biên giới giữa Laksao - Cầu Treo vào tháng 3/2000 với tốc độ 2,5Gbit/s. Tuyến thứ 2 giữa Dansavanh - Lao Bảo đã hoàn thành nâng cấp hệ thống truyền dẫn từ 155 Mbit/s đến 2,5 Gbit/s vào ngày 5/9/2010;
VNPT và TC của Campuchia đã nâng cấp tuyến kết nối xuyên biên giới giữa TP. Hồ Chí Minh và Phnom Penh 2,5 Gbit/s trên đường cáp hiện có vào ngày 8/3, VNPT và TC đã xây dựng tuyến qua Xamat 2,5 Gbit/s được hoàn thành vào cuối năm 2009;
Tuyến Phnom Penh - Bangkok (nâng cấp STM-1 lên STM-16) do TC và CAT (Thái Lan) hoàn thành vào 23/2/2010;
CT và ETL đã hoàn tất các tuyến truyền dẫn giữa Phnom Penh - Vientiane (622 Mbit/s) vào ngày 15/6/2009, và đã hoàn thành nâng cấp từ 622 Mbit/s tới 2,5 Gbit/s vào tháng 4/2010;
CT, Trung Quốc và ETL, Lào đã hoàn thành tuyến kết nối xuyên biên giới vào tháng 1/2006 với công suất 622Mbit/s, và nâng cấp từ 622 Mbit/s đến 2,5 Mbit/s ngày 6/5/2009. Tuyến thứ hai đã hoàn thành giữa Muang Sing và Mengle vào 23/4/2010 với công suất 2,5Gbit/s.
CT, Trung Quốc và MPT (Muse-Rulli), Myanmar tháng 3/2005 đã bổ sung STM-16 (1+1).
ETL, Lào và CAT, Thái Lan tháng 3/2005 đã hoàn thành kết nối xuyên biên giới tại Vientian và Nongkhai vào năm 2000 với công suất 2,5 Gbit/s.
CAT, Thái Lan và MPT: tuyến đầu tiên qua Mea Sai-Tachileik với công suất 1 x STM-1, tuyến thứ hai qua Mea Sot-Kakarei với công suất 2,5 Gbit/s.
ETL, Lào đã hoàn thành việc lắp đặt cáp quang biển từ Bokeo đến điểm cập bờ Ban Mom năm 2007. MPT đã đồng ý kết nối trực tiếp với ETL tại Wanpong-Ban Mom sẽ sớm được thiết lập.
Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết từ Kỳ họp thứ 5 cho tới nay, Việt Nam đã hoàn thành 3 dự án: Tháng 4/2010, nâng cấp kết nối với ETL (Lào) lên 2,5 Gbit/s; Tháng 9/2010, tuyến kết nối với CT (Trung Quốc) đã được nâng cấp lên DWDM 40Gbit/s qua Tân Thanh và Hữu Nghị, Lạng Sơn; Tháng 3/2012, đã hoàn thành 2 kết nối 10Gbit/s với TC (Campuchia) qua An Giang và Tây Ninh.
Với mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước GMS, dự án Xa lộ thông tin tiểu vùng sông Mê Công được đánh giá là một trong những chương trình ưu tiên đã được xác định trong khuôn khổ hợp tác kinh tế và là động lực tiếp tục đưa tiểu vùng sông Mê Công mở rộng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
HM