Cổ tích có thật: Lướt web giữa trùng khơi

Sóng viễn thông đã vượt hàng ngàn km để đồng hành cùng những chuyến hải trình dằng dặc, an ủi ngư dân những lúc nhớ nhà và làm nụ cười tỏa rạng trên môi người lính đảo phương xa.

Ảnh minh họa: Internet

Phủ sóng di động hơn 3.000 km vùng biển gần bờ

“Cách đây dăm bảy năm, lính đảo chúng tôi mỗi lần muốn gọi điện về nhà lại phải trèo lên vọng gác, mà cũng phải đợi tới phiên, tới lượt. Hàng tháng trời mới được đọc báo, nhận thư và phải hàng quý mới được gọi về nhà”, anh Nguyễn Văn Hùng, một lính đảo Trường Sa nhớ lại.

“Bây giờ thì khác rồi, chúng tôi có thể trực tiếp gọi di động về nhà bởi sóng Viettel đã phủ tận đây rồi. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con cũng vơi bớt đi nhiều. Không còn phải cảnh ngóng tin nhà từng ngày, từng tháng nữa”, anh cho biết.

Với những tàu cá xa bờ, mỗi chuyến ra khơi là chuỗi ngày dài đằng đẵng. Giữa biển nước mênh mông, chỉ có nắng, sóng và gió, con người càng trở nên bé nhỏ, cô độc. Sợi dây liên lạc với đất liền chỉ là chiếc ra-đi-ô tậm tịt và chiếc máy Icom luôn chực hoen gỉ vì hơi nước biển. Nhưng với sự xuất hiện của sóng di động trên biển, biển khơi và đất liền được kéo gần nhau hơn, nhu cầu liên lạc với đất liền cũng được đáp ứng đầy đủ hơn.

Ngay tại khơi xa, bộ đội và ngư dân vẫn có thể gọi điện về nhà và xem dự báo thời tiết trên chiếc điện thoại di động. Tất cả là nhờ các trạm phủ biển (phát sóng tầm xa 60-100km), trạm phủ đảo và nhà giàn trên biển của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Theo kết quả đo kiểm đầu tháng 5/2011, hơn 3.000 km vùng biển gần bờ Việt Nam đã được Viettel phủ sóng điện thoại di động. Toàn bộ các trạm phát sóng ven biển được cải tiến, áp dụng công nghệ phủ xa kết hợp với những địa điểm đặt trạm độc đáo nâng tầm phát sóng lên gấp 2-3 lần thiết kế cơ bản của công nghệ GSM.

Hiện tại, Viettel đang sở hữu mạng lưới phục vụ biển đảo với hơn 1.400 trạm BTS dọc bờ biển và ngoài khơi, có khả năng phục vụ gần 7 triệu thuê bao. Đây cũng là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam có hệ thống phát sóng tầm xa trên biển. Hệ thống này đem lại cơ hội liên lạc đối với 2 triệu người hàng ngày làm việc khai thác, đánh bắt và cung cấp các dịch vụ trên biển của Việt Nam, trong số đó là khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ.

Biến ý tưởng “điên rồ” thành hiện thực

Nhắc tới ý tưởng phủ sóng viễn thông vùng biển đảo, ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng phải lắc đầu vì sự phi thực tế, đầu tư lớn mà hiệu quả thu lại thì khó đong đếm được ngay.

Tuy nhiên, với tầm nhìn từ chiến lược kinh tế biển, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vẫn quyết tâm phải làm được việc này. Viettel đã giao bài toán khó nâng tầm phát sóng cho Công ty Mạng lưới Viettel.

“Về lí thuyết, một trạm BTS thông thường chỉ có thể phủ sóng tối đa là 35km. Trong khi đó, qua nghiên cứu, phần lớn ngư dân Việt Nam thường hoạt động cách bờ khoảng 30 đến 50 hải lý (tương đương với 55km-93km).  Bởi vậy, để phủ sóng điện thoại cho những ngư dân trên biển, quân, dân trên các đảo, cán bộ-nhân viên khai thác dầu khí trên các giàn khoan... nhất thiết phải tìm ra các giải pháp phát sóng xa 100 km từ bờ biển.

Khi bắt tay vào nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát sóng tầm xa, chúng tôi vấp phải 3 khó khăn lớn. Thứ nhất làm thế nào khắc phục hạn chế tầm xa do bán kính cong của trái đất. Thứ hai là làm sao để máy phát và điện thoại cầm tay kết nối được với nhau. Và thứ ba, đây là công việc chưa ai từng làm nên anh em phải mò mẫm, vừa làm vừa sửa.

Hàng tháng trời, các anh em đã lênh đênh trên biển, khảo sát, thử nghiệm khả năng của từng loại thiết bị. Lần đầu tiên thử nghiệm, tầm phát sóng đo được chỉ là 21km. Anh em ai cũng nản vì bao công sức vất vả thế là thành công cốc. Nhưng rồi anh em gượng lại, tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và cuối cùng đã thành công, nâng được tầm phủ sóng. Mức phủ xa nhất như thử nghiệm đo được là 121km”, ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, cho biết.

Chi phí để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo cũng cao gấp nhiều lần chi phí để xây dựng trạm thông thường. Nhưng điều đó, không thể ngăn trở được sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các trạm BTS biển đảo. Các chuyên gia của Viettel đang tiếp tục nghiên cứu, làm chủ công nghệ để những “cánh sóng” Viettel ngày càng tỏa rộng, tiếp sức cho công tác tuần tra bảo vệ của quân đội, công tác phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển và đánh bắt hải sản của ngư dân.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và vùng phủ sóng trên biển phục vụ đông đảo ngư dân, đảm bảo thông tin liên lạc trong mùa mưa bão, Viettel thực hiện nâng cao chất lượng mạng trong Quý 3/2011. Theo đó, các trạm phát sóng trên quần đảo Trường Sa và 9 trạm nhà giàn sẽ được bổ sung tài nguyên, 32 vị trí khác được lắp thiết bị khuếch đại tín hiệu (booster).

(Theo Vietnamnet)

 

Tin nổi bật