Bộ sách cô đọng về thưởng ngoạn nghệ thuật

Một vài bức tranh có thể dễ dàng chạm đến cảm xúc, tạo ấn tượng hay lay động người xem từ cái nhìn đầu tiên, nhưng một số khác - thường là những bức đáng xem nhất - lại đòi hỏi sự nghiên cứu nhất định để có thể lĩnh hội tường tận.

Để độc giả không còn bị bỡ ngỡ khi nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật; không còn rụt rè, thiếu kiến thức về nghệ thuật khi phải trò chuyện với ai đó, cũng không bị sa đà vào những định kiến hay cuốn theo thị hiếu chung, Omega+ giới thiệu Bộ sách công cụ thưởng ngoạn nghệ thuật.

Qua bộ sách cô đọng, súc tích đến từ thương hiệu Thames & Hudson - một trong những nhà xuất bản nghệ thuật có danh tiếng lâu đời trên thế giới - người đọc có thể tự tin nắm trọn lịch sử nghệ thuật, cách xem tranh và thưởng thức nghệ thuật. 

Những thời khắc then chốt của nghệ thuật

Là cuốn biên niên sử ngắn gọn về nghệ thuật phương Tây của Lee Cheshire, cuốn sách “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” tái khám phá 50 ngày, tức 50 thời khắc quan trọng bậc nhất, tác động mạnh mẽ đến dòng chảy của lịch sử nghệ thuật trong suốt khoảng 500 năm qua từ thời Phục Hưng cho đến nay. 

Tác giả đã thuật lại và phân tích những thời khắc khi các tác phẩm nổi tiếng thế giới ngày nay - như tượng David của Michelangelo hay cái bồn tiểu của Marcel Duchamp - được tiết lộ lần đầu; khi những cuộc tao ngộ thúc đẩy các nghệ sĩ tạo ra nhiều phong cách mới đầy hứng khởi, chẳng hạn Ấn tượng hay Lập thể; khi những tác phẩm trình diễn bước ngoặt xảy ra, hoặc triển lãm có tính cách mạng được mở.

Cuốn sách cũng tái hiện lại những vụ trộm và các cuộc đấu đá, kiện cáo, đấu giá căng thẳng - từ lúc Mona Lisa bị đánh cắp tới khi Chân dung bác sĩ Gachet của Vincent van Gogh trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán.

Với lối kể chuyện vừa giải trí vừa dễ nhớ, có chú giải ở cuối mỗi sự kiện, cuốn sách sẽ đưa bạn đọc khám phá về những con người và nơi chốn đã định hình vận mệnh nghệ thuật phương Tây, qua đó trải nghiệm con đường mà nghệ thuật phương Tây đã đi cho đến ngày hôm nay, đồng thời phần nào củng cố định nghĩa về cái gọi là nghệ thuật.

Bình luận về cuốn sách này, Matthew Collings (nhà phê bình nghệ thuật) cho biết: “Cuốn sách đưa độc giả bước vào thế giới nghệ thuật một cách vô cùng đơn giản… bạn không cần trang bị bất cứ thứ gì ngoài sự tò mò”.

 

Để hiểu nghệ thuật

Với hơn 100 tranh ảnh minh hoạ, cuốn sách “Để hiểu nghệ thuật” của tác giả Janetta Rebold Benton cung cấp một cái nhìn tổng quan rõ ràng và ngắn gọn về những nguyên tắc cơ bản của mọi loại hình nghệ thuật thị giác, trang bị cho độc giả những công cụ cần thiết nhằm tăng cường khả năng lĩnh hội, cũng như đánh giá các tác phẩm nghệ thuật.  

Tác giả đã khám phá cách nghệ sĩ sử dụng các yếu tố cơ bản của nghệ thuật như màu sắc, nét, bố cục, ánh sáng, không gian, phong cách; giúp độc giả nắm được mình nên suy ngẫm và phân tích về những điều gì khi thưởng thức nghệ thuật. Ngoài ra, phương pháp thử nghiệm của họ với các chất liệu, kỹ thuật, lý do nghệ sĩ đi theo những phong cách riêng và lựa chọn những đề tài nhất định cùng với mục đích, ý nghĩa của những đề tài đó cũng được giải thích trong cuốn sách. 

Đặc biệt, cuốn sách lấy ví dụ về 6 nghệ sĩ tiêu biểu trong lịch sử nghệ thuật phương Tây - Leonardo da Vinci, Rembrandt van Rijn, Vincent van Gogh, Frida Kahlo, Pablo Picasso và Andy Warhol - tiết lộ 6 con đường nghệ thuật vô cùng khác biệt, mổ xẻ môi trường sống và sáng tạo nghệ thuật, phong cách độc đáo và di sản để lại của từng người.

Với những ví dụ chọn lọc từ khắp thế giới, cuốn sách cung cấp lượng thông tin phong phú và rất nhiều gợi ý về cách tiếp cận nghệ thuật, nhằm mục đích tối đa hóa trải nghiệm của bạn đọc thông qua một cơ sở vững chắc cho cả việc thưởng thức đơn thuần lẫn đi sâu nghiên cứu.

Nói về cuốn sách, Bob and Roberta Smith bình luận: “Cuốn sách vui tươi, tường tận và đôi khi gây ngạc nhiên của Jannetta Rebold Benton sẽ đưa bạn lặn sâu vào thế giới nghệ thuật thị giác”.

Xem tranh

Cuốn sách “Xem tranh” của tác giả Susan Woodford chú trọng vào việc phân tích nguồn gốc, thiết kế và chủ đề của hơn 100 bức tranh từ những thời kỳ và vùng đất khác nhau, nhằm giúp bạn đọc tận hưởng quá trình xem tranh và đánh giá đúng được bản chất phức tạp tinh tế ẩn dưới những bề mặt hấp dẫn của chúng. 

Cuốn sách không chỉ giới thiệu cho độc giả các chủ đề phổ biến trong tranh mà còn khám phá cách nhiều nghệ sĩ tiếp cận và xử lý chúng một cách độc đáo, đồng thời đề cập đến vấn đề kỹ thuật mà nghệ sĩ phải đương đầu trong quá trình sáng tạo tác phẩm của họ.

Bằng lối viết lôi cuốn, tác giả đặt ra các câu hỏi thử thách những quan điểm tưởng đã mặc nhiên, giúp bạn đọc được “điểm nhãn” và trui rèn óc thẩm mỹ khi phân tích hay đối chiếu các tác phẩm, dựa trên sự cắt nghĩa về hình thức, không gian, ý nghĩa của tác phẩm và tố chất họa sĩ.

Dù đứng trước một bức tranh khắc gỗ Nhật Bản, tác phẩm Bữa tối cuối cùng của Leonardo da Vinci hay bức Cảnh ném bom ở Guernica của Picasso..., với cuốn sách “Xem tranh”, độc giả đã có trong tay một công cụ đắc lực giúp tự tin tiếp cận và thưởng lãm các kiệt tác hội họa trên khắp thế giới.

Bình luận về cuốn “Xem tranh”, Julian Bell cho biết: “Susan Woodford là người dẫn đường lý tưởng cho bất kỳ độc giả nào bắt đầu “chạm ngõ” lịch sử nghệ thuật cũng như mới được đón nhận niềm vui thích lạ kỳ nhưng gần gũi mà các tác phẩm hội họa đem đến. Bà viết với xúc cảm, sự dí dỏm và kiến thức sâu rộng mà không khoe khoang. Văn phong sinh động khơi gợi những câu hỏi giúp bạn đọc ở mọi lứa tuổi và tầng lớp mở rộng óc quan sát. Cuốn sách Xem tranh cho ta thấy niềm hứng khởi và sự học hỏi luôn có thể đồng hành cùng nhau và là một”.

 

Tin nổi bật