Ông Lê Quốc Minh: Đổi mới, sáng tạo gắn với trách nhiệm người làm báo

Theo ông Lê Quốc Minh, báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ ngày 13-15/4, Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022 với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn" tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Đây không chỉ là ngày hội của giới báo chí và công chúng báo chí cả nước, còn là lời khẳng định đất nước đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; là dịp tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội Báo toàn quốc 2022 về ý nghĩa của Hội Báo cũng như sự cần thiết phải đổi mới của báo chí Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

- Sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, Hội Báo toàn quốc năm 2022 là một trong những hoạt động văn hóa lớn được tổ chức. Sự kiện này như một lời khẳng định đất nước đã thực sự chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước thềm sự kiện này?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội Báo toàn quốc 2022 được tổ chức trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với giới báo chí mà cả xã hội nói chung, là hoạt động thiết thực của giới báo chí trong việc tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, mừng thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và các sự kiện lớn trong năm 2022, như Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2022); 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và tiếp tục thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Hội Báo toàn quốc chính là tấm gương phản chiếu rõ nét sự phát triển của báo chí mà mỗi người làm báo đều mong chờ để thấy được sự phát triển đó. Tôi tin tưởng vào sự phát triển của đội ngũ các nhà báo cách mạng Việt Nam, sự phát triển đó sẽ nhân lên mạnh mẽ gấp bội lần nếu tất cả chúng ta cùng chung một lý tưởng nghề nghiệp, đó là phụng sự đất nước, vì lợi ích của dân tộc và nhân dân Việt Nam.

- Ông có thể giới thiệu tóm tắt những hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Hội báo? Đây cũng là hoạt động lớn trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Ông có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện này đối với sự phát triển của nền báo chí nước nhà?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Hội Báo toàn quốc 2022 được tổ chức trên quy mô quốc gia với sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo cả nước, Hội báo diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, có sức lôi cuốn như: Tổ chức trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu đầu năm 2022 (Bao gồm Báo Tết Dương lịch, số Xuân Nhâm Dần 2022-Tất niên-Tân niên).

Đây là dịp tôn vinh những thành tựu to lớn của báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn liền với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước; Tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân; góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp biểu dương, động viên những đóng góp của các tổ chức, cá nhân, vào sự nghiệp báo chí cách mạng của cả nước.

Có 106 gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc lần này, gồm 49 đơn vị báo chí của trung ương và bộ ngành cùng 57 đơn vị địa phương. Hoạt động trưng bày tại Hội báo gồm 4 khu vực: Khu vực trưng bày chuyên đề gồm Gian trưng bày chuyên đề của các Liên chi hội nhà báo; Khu vực trưng bày Báo chí khối Trung ương; Khu vực trưng bày trung tâm: Trưng bày toàn cảnh báo chí 63 tỉnh thành; Khu trưng bày Khối các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng báo chí. Hội Báo toàn quốc 2022 xây dựng một cách có hệ thống hình ảnh, màu sắc cũng như bố trí, sắp xếp từng khu vực một cách khoa học và sáng tạo nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc tôn vinh và biểu dương lực lượng báo chí cả nước.

Đặc biệt, tại Hội Báo toàn quốc 2022 có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa về chính trị, xã hội, nghề nghiệp tạo điểm nhấn, làm nên nét đặc sắc cho Hội báo như: Trưng bày “100 năm Báo Le Paria” (Người Cùng Khổ); Triển lãm ảnh báo chí “Những nẻo đường xuân”; Diễn đàn: “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số”; Tọa đàm: “Chuyện nghề: Hai chữ Nhân Văn”; Chương trình ca nhạc “Giọng hát hay những người làm báo.”

Phóng viên đặt câu hỏi với Ban tổ chức Hội báo. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022 còn có các hoạt động chào mừng Hội báo toàn quốc do Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.

Ban tổ chức sẽ trao các Giải: “Bìa báo Tết ấn tượng” dành cho các ấn phẩm in có bìa hình thức đẹp, có bản sắc; “Giao diện báo điện tử ấn tượng” dành cho Báo chí điện tử dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; “Chương trình phát thanh, chương trình truyền hình ấn tượng” dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần...

Chủ đề của Hội báo năm nay là “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.” Ông có thể nói rõ hơn về chủ đề này trong chương trình Hội báo nói riêng và trong cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: So với các Hội Báo toàn quốc trước kia, năm nay đứng trước tình hình mới của đời sống xã hội và báo chí, đặc biệt là những thách thức rất lớn mà báo chí đang phải đương đầu vượt qua trong xu hướng chuyển đổi số, Ban Tổ chức đã chọn chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt đã đề ra.

Trong xu hướng chuyển đổi số, có rất nhiều cơ quan báo chí tận dụng được nền tảng công nghệ mới gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo nên tạo ra được những hướng đi mới bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Nhưng việc đổi mới, sáng tạo phải được gắn với trách nhiệm của người làm báo, chính là thông điệp mà chúng tôi mong muốn gửi đến qua Hội báo này cũng như tinh thần xuyên suốt của Đại hội XI.

Bất kỳ giai đoạn phát triển nào, người làm báo luôn đoàn kết hướng về mục tiêu chung, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Tính chuyên nghiệp đặt ra yêu cầu mỗi nhà báo và cơ quan báo chí hành nghề trên cơ sở hành trang tri thức, kỹ năng nghiệp vụ, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, đạo đức nghề nghiệp trong sáng; bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động báo chí được thực hiện bằng chính sách quản lý kịp thời, sát thực tiễn, hỗ trợ báo chí phát triển.

Tính hiện đại được thể hiện bằng phương pháp làm báo tiên tiến, tận dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ đưa thông tin tới bạn đọc một cách chính xác, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tính nhân văn thể hiện qua việc bảo vệ, phát triển những giá trị văn hóa, phẩm cách của từng cá nhân cũng như của cộng đồng, góp phần định hướng dư luận xã hội vì mục tiêu chung của đất nước.

Chủ đề của Hội Báo toàn quốc 2022 mong muốn chuyển tải thông điệp: Mỗi người làm báo cần nêu cao tinh thần làm nghề vì lý tưởng, mục đích cao quý phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, nhân dân. Điều đó chỉ có thể có được khi chúng ta thấm nhuần tinh thần làm nghề phải có trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức người làm báo.

- Theo ông, báo chí Việt Nam cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới?

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Đại dịch COVID-19 đã cho thấy bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội trong việc kết nối các cá nhân và phổ biến thông tin thì ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, trở thành nơi phát tán tin giả, tin thất thiệt, làm suy giảm niềm tin của công chúng với truyền thông nói chung. Nhưng chính trong lúc này, báo chí càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin-bài phản biện kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.

Vì vậy, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần nhận thức đúng đắn vai trò xây đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đất nước; con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhà nước và nhân dân ta đang tiến hành; niềm tin vào những phẩm giá tốt đẹp, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tương lai tươi sáng mà chúng ta đang hướng tới.

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí nước nhà đã tận dụng rất tốt sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi mạnh mẽ các hình thức truyền thông cũ bằng những hình thức truyền thông mới, tạo được ấn tượng đối với công chúng thông qua những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Đây chính là “sức sống mới” của báo chí trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục tập trung phát triển theo hướng tòa soạn hội tụ và đa phương tiện, vì đây là xu hướng không thể đảo ngược của báo chí Việt Nam nói riêng và báo chí thế giới nói chung.

Mỗi tòa soạn và mỗi người làm báo cần chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ truyền thông vào tác nghiệp báo chí, từ khâu thu thập thông tin, sản xuất nội dung cho đến việc phát hành nội dung trên các nền tảng khác nhau.

Nhưng dù cách thức làm báo có thể khác so với trước đây thì đạo đức, lý tưởng làm nghề vẫn không bao giờ thay đổi. Báo chí phải luôn khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, công bằng và cân bằng, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân. Đó mới là lý tưởng cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các cấp hội, hội viên trong việc triển khai tích cực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI và Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị tư tưởng, thực hiện tôn chỉ, mục đích, hoạt động tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp... của các cơ quan báo chí; kiên quyết phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, trong đó chú trọng phát huy hơn nữa trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện nghiêm giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Thực tiễn cho thấy, kinh tế báo chí vẫn đang là bài toán chưa có lời giải hiệu quả đối với đa số các cơ quan báo chí.

Nguồn thu của các cơ quan báo chí đang ngày càng thu hẹp do số lượng phát hành giảm, quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử cũng ngày càng hạn chế. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cùng các cơ quan chức năng phối hợp để tìm ra những hướng đi mới về cơ chế, chính sách giải quyết bài toán nguồn thu giúp cơ quan báo chí sớm khắc phục khó khăn này, từ đó thực hiện tốt vấn đề quy hoạch báo chí, giúp báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển./.

Nguồn: Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=783212

Tin nổi bật