Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020
Ngày 22/12/2021, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 74 điểm cầu trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trải nghiệm các sản phẩm số Make in Viet Nam tại Diễn đàn Quốc gia DN công nghệ số 2021 được tổ chức ngày 11/12 |
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021, toàn Ngành đã cố gắng, phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2% - 2,5% GDP của quốc gia. Tổng số lao động toàn ngành TT&TT năm 2021 đạt 1.431.041 lao động, tăng 8% so với năm 2020.
Năm 2021, ngành TT&TT tăng trưởng 9% so với năm 2020, gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia (Nguồn: Bộ TT&TT) |
Trong thời gian rất ngắn, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, DN trên cả nước. Chính trong quá trình CĐS này, các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực của ngành TT&TT trong năm 2021 đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020). Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI) (từ vị trí 50 năm 2020 lên vị trí 25 trong năm 2021). Năm 2021, số tên miền quốc gia ".vn" đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, Việt Nam thuộc top 11 châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Xếp hạng chỉ số phát triển viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020).
Lĩnh vực bưu chính đưa 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT
Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT nhằm tập trung hỗ trợ SXNN, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương.
Các DN bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy TMĐT, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số, như "Hệ thống chia chọn tự động tại trung tâm vận chuyển và kho vận miền Trung" tại Đà Nẵng của VNPost và Trung tâm logistics Miền Nam tại Hồ Chí Minh của Viettel Post.
Đến tháng 11/2021, đã có hơn 3 triệu hộ SXNN được đưa lên sàn TMĐT; tháng 10/2021, Bộ đã chỉ đạo hoàn thành sớm chỉ tiêu "100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ", theo đó, hiện mạng bưu chính công cộng đã thiết lập 9.215 điểm phục vụ bưu chính tại 8.295 xã trên cả nước.
Lĩnh vực viễn thông ước đạt doanh thu 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020
Lĩnh vực hoàn tất việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất - chính thức hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện; hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chỉ trong 2,5 ngày.
Bộ TT&TT đã phối hợp với các DN viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng; tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng). Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Ngay trong lễ phát động, 1 triệu chiếc máy tính tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng đã được quyên góp, ủng hộ.
Đại diện VNPT trao máy tính bảng cho học sinh ở Long An |
Ngành đã hoàn thành hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, kết nối VPCP với 100% điểm xã, phường, thị trấn trên toàn quốc (10.596/10.596 điểm xã, phường, thị trấn).
Năm 2021 ghi nhận số lượng thuê bao di động năm 2021 ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là smartphone, chiếm khoảng 75%; doanh thu dịch vụ Viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020; tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020; đồng thời chính thức cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money cho VNPT, MobiFone, Viettel.
CĐS quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số
Trong năm 2021, CĐS quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%; tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%; tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%; ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.
Đại dịch COVID-19 lây lan do tiếp xúc, vì vậy, các hoạt động không tiếp xúc trên môi trường số phổ biến rộng khắp, người dân nhanh chóng tự học cho mình các kỹ năng số cần thiết, tạo tiền đề cho năm 2022 chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sẽ tiếp tục phát triển bứt phá.
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu
Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng. Ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Bộ đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và lần đầu tiên công bố xếp hạng mức độ bảo đảm ATTT các bộ, ngành địa phương năm 2020.
Lĩnh vực kinh tế số: hơn 2,5 ngàn DN đăng ký sử dụng nền tảng số
Lĩnh vực đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số và xã hội số; 22 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế số đã được bổ sung vào Luật Thống kê; chỉ đạo xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam, là nền tảng hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế số; hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy các DN lớn trong Ngành phát triển thành các tập đoàn công nghệ số để dẫn dắt CĐS, phát triển kinh tế số; xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS của DN.
DN nhỏ và vừa đã được hỗ trợ CĐS, với gần 88.000 lượt DN truy vấn hỗ trợ từ Chương trình. Theo số liệu, đã có gần 15.000 DN tiếp cận chương trình; hơn 2,5 ngàn DN đăng ký sử dụng nền tảng số, trong đó có gần 2.000 DN sử dụng nền tảng số để CĐS thành công.
Lĩnh vực công nghiệp ICT với 64.000 DN công nghệ số
Bộ đã công bố bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2020 (Vietnam ICT Index 2020). Ngày 09/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ - Khu CNTT tập trung đầu tiên của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ đã công bố Hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam tại địa chỉ http://makeinvietnam.mic.gov.vn với hơn 64.000 DN công nghệ số (tăng 9,5% so với năm 2020).
Ngoài ra Bộ còn phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021 nhằm tìm kiếm, tôn vinh các sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc, có giá trị đóng góp thực tiễn cho phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Ngày 11/12/2021, Diễn đàn Quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 do Bộ TT&TT chủ trì đã được tổ chức thành công với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
Báo chí, xuất bản chuyển tải ra thế giới thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam
Công tác truyền thông, báo chí đã tích cực cập nhật, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Lĩnh vực đã tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế, đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Đồng thời, lĩnh vực cũng chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Lĩnh vực đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp.
BộTT&TT đã ban hành "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội", xây dựng và vận hành Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam. Lĩnh vực báo chí đã tăng cường xử lý thông tin vi phạm trên mạng và tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp cũng như mạng xã hội. Đồng thời ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 – 2025./.
Nguồn: ictvietnam.vn