Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ TT&TT
Chiều 6/8/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Để kiện toàn cán bộ lãnh đạo của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1389/QĐ-TTg ngày 6/8/2021 bổ nhiệm ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Tân Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long (Ảnh: Đức Huy) |
Phấn đấu đưa Việt Nam vào top 30 về hạ tầng số của thế giới
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc mừng ông Phạm Đức Long được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao trọng trách giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ TT&TT.
"Việc Bộ TT&TT được Đảng, Nhà nước bổ sung một đồng chí Thứ trưởng có chuyên môn, trưởng thành trong lĩnh vực Viễn thông sẽ góp phần tạo nên sự phát triển mới cho ngành TT&TT nước nhà. Đây cũng là sự quan tâm, tạo điều kiện to lớn, sự động viên, khích lệ của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ TT&TT", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết ông Phạm Đức Long là Thứ trưởng thứ 2 của Bộ thuộc thế hệ nửa đầu 7x, đang ở độ đuổi chín của đời người và được tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ tín nhiệm cao đề xuất với Ban Bí thư và Chính phủ để bổ nhiệm làm Thứ trưởng.
Ông Phạm Đức Long được đào tạo cơ bản về điện tử, viễn thông (Kỹ sư Điện tử tại Đại học Bách khoa TP. HCM; Thạc sỹ, Tiến sỹ Điện tử - Viễn thông tại Đại học Điện tử Viễn thông Tokyo, Nhật Bản), có năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp (DN), có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, tài chính, quản trị.
Trong công tác, Bộ trưởng cho biết ông Phạm Đức Long có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, có phương pháp làm việc khoa học, có tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và điều hành, có uy tín, có mối quan hệ công tác, phối hợp tốt với nhiều cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tân Thứ trưởng có tinh thần học tập rèn luyện chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo và quản lý, có ý thức đào tạo cán bộ kế cận để khi Đảng, Nhà nước phân công nhiệm vụ mới thì VNPT đã sẵn sàng có các cán bộ đảm nhiệm, đưa VNPT tiếp tục phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) và các Thứ trưởng bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Phạm Đức Long, Phạm Anh Tuấn, Phan Tâm (từ trái sang) (Ảnh: Đức Huy) |
Ông Phạm Đức Long là cán bộ có gần 30 năm công tác liên tục trong lĩnh vực viễn thông, lần lượt trải qua các vị trí: Kỹ sư hệ thống; Quản lý kỹ thuật, chuyên viên, Trưởng phòng, Bưu điện TP. HCM (từ tháng 9/1992 đến tháng 3/2009); Phó Giám đốc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh (từ tháng 4/2009 đến tháng 02/2012); Giám đốc Viễn thông TP. Hồ Chí Minh (từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2013); Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2015); Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2020); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT (từ tháng 6/2020 đến nay).
Trong suốt thời gian công tác, ông Phạm Đức Long đã tích lũy và phát huy được kinh nghiệm quản lý, thực tiễn hoạt động của lĩnh vực viễn thông. Cùng với năng lực và kinh nghiệm có được, cá nhân ông Phạm Đức Long luôn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm gần đây.
Bộ trưởng cho biết chức vụ Thứ trưởng Bộ TT&TT là vinh dự, niềm tự hào của ông Long, của gia đình và quê hương nhưng cũng là trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế, khi đất nước đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, dựa chủ yếu vào công nghệ số và đổi mới sáng tạo mà liên quan đến chuyển đổi số (CĐS).
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho tân Thứ trưởng là nhanh chóng chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số vào năm 2025. Việt Nam phải vào top 30 về hạ tầng số của thế giới, tìm ra một thời kỳ tăng trưởng mới cho các DN viễn thông Việt Nam, phải tăng trưởng ít nhất gấp đôi trong 5 năm tới.
Bên cạnh thuận lợi, Bộ trưởng cho biết ông Phạm Đức Long sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức ở phía trước, vì vậy Bộ trưởng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tạo điều kiện tốt nhất để đồng chí Phạm Đức Long hoàn thành nhiệm vụ.
Vinh dự và trách nhiệm lớn lao
Trên cương vị mới, tân Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao nhiệm vụ là Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Tân Thứ trưởng cũng bày tỏ cảm ơn Ban Cán sự Đảng, cán bộ công chức viên chức của Bộ TT&TT, Uỷ ban QLVNN tại DN, Tập đoàn VNPT luôn tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Lãnh đạo Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ ngày hôm nay.
Nhận nhiệm vụ mới, tân Thứ trưởng nhận thức đây là một niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trước đất nước, trước ngành TT&TT, trước toàn thể cán bộ công chức, viên chức người lao động của Bộ.
"Tôi xin hứa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, tôi sẽ cùng Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo Bộ sẽ tập trung trí tuệ tâm sức, kinh nghiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thống nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Bộ và hoạt động quản lý Ngành TT&TT", tân Thứ trưởng bày tỏ.
Một số kết quả công tác nổi bật trong điều hành công tác của đồng chí Phạm Đức Long trong qua trình đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT VNPT: - Trực tiếp chỉ đạo, điều hành hiệu quả hoạt động của VNPT, giữ vững vị trí là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực tài chính mạnh; lợi nhuận, doanh thu liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn 5 năm qua (lợi nhuận tăng trưởng liên tục 15,8%/năm và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 9,4%). - Trực tiếp chỉ đạo sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, SXKD theo Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020 và chiến lược VNPT 4.0; trong đó, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh. - Chỉ đạo xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông/CNTT với các kết quả: + VNPT có hạ tầng mạng viễn thông mạnh (di động, cố định, cáp quang) ngang tầm thế giới, sẵn sàng kết nối băng thông siêu rộng cho các ứng dụng CNTT/số, đảm bảo cung cấp dịch vụ CNTT/số tới khách hàng. + Hạ tầng số/CNTT với các Trung tâm dữ liệu hiện đại đặt tại các tỉnh/TP đạt chuẩn quốc tế Tier 3, đủ năng lực cung cấp hạ tầng cho Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành, các doanh nghiệp và khách hàng triển khai CĐS, cung cấp dịch vụ số một cách tối ưu về chi phí. + Đầu tư, nghiên cứu, làm chủ công nghệ và phát triển thành công các nền tảng cốt lõi của CMCN4.0 bao gồm các nền tảng M2M/IoT, Bigdata, DFS, AR/VR. Làm chủ các công nghệ cốt lõi dùng trong CĐS và cung cấp dịch vụ số như Blockchain, AI, IoT, Big Data, Cloud, … - Chỉ đạo triển khai các dự án lớn về CĐS quốc gia (Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản Quốc gia; Cổng dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống CSDLQG về dân cư). Các sản phẩm CNTT của VNPT đã triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố; triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho 30 tỉnh, thành phố; triển khai các dịch vụ CNTT trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên toàn quốc với số lượng khoảng 30.000 trường học các cấp và khoảng 7.300 cơ sở y tế./. |