Ngành TT&TT đóng góp tích cực triển khai hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và căn cước công dân

Trung tâm Chính phủ điện tử (CPĐT) - Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) là các đơn vị thuộc ngành TT&TT đã có thành tích trong xây dựng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và quản lý căn cước công dân.

Chiều 25/2, Bộ Công an đã tổ chức Lễ khai trương Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD). Tại buổi Lễ, Trung tâm Chính phủ điện tử (CPĐT) - Cục Tin học hoá, Tập đoàn VNPT, Tổng công ty BĐVN (Vietnam Post) đã vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai 2 hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể tham gia xây dựng, triển khai 2 hệ thống CNTT quan trọng hướng tới CPĐT, chính phủ số

Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, triển khai hai dự án

Với trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết và dự toán của hai dự án; bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hai Bộ cũng đã chủ động làm việc, trao đổi chuyên sâu về thẻ CCCD gắn chip điện tử trước khi ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, hệ điều hành của chip, các dịch vụ của chip...

Bên cạnh đó, để bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông tin dân cư với các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (gọi tắt là NDXP) theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng Bộ Công an để triển khai kế hoạch thử nghiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư và các bộ, ngành, địa phương thông qua NDXP.

Theo đó, ngày 31/12/2020, Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản số 5207/BTTTT-THH gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn việc chuẩn bị điều kiện sẵn sàng khai thác CSDL quốc gia về dân cư, đồng thời, tham gia góp ý, hoàn thiện kế hoạch triển khai thử nghiệm kỹ thuật kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu CSDL quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị ngành Công an trước khi ban hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chứng kiến Lễ ký cam kết điện tử giữa lãnh đạo Bộ Công an với lãnh đạo của một số Bộ, ngành, địa phương, DN

Bộ TT&TT đã hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Công an hoàn thành việc kết nối thử nghiệm CSLD quốc gia về dân cư với NDXP để cung dịch vụ xác thực thông tin công dân, dịch vụ cung cấp thông tin công dân ngoài ngành với: Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; đồng thời liên thông cấp mã số định danh công dân giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

Căn cứ kết quả triển khai thử nghiệm trong thời gian qua, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để đánh giá kết quả thử nghiệm, rút kinh nghiệm phục vụ triển khai rộng cho các bộ, ngành, địa phương kết nối đến CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin dân cư có hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển, ổn định và thịnh vượng.

Ngoài ra, trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến dân cư giai đoạn 2013-2020 (Kế hoạch 14), Bộ TT&TT hướng dẫn danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, theo Bộ TT&TT, các văn bản quan trọng có vai trò là cơ sở pháp lý triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư như Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước, Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ TT&TT quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, CSDL với CSDL quốc gia, Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ngày 04/04/2017 của Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với CSDL quốc gia về dân cư - QCVN 109:2017:BTTTT…

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định, hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư tới các bộ, ngành, địa phương đều đã đầy đủ và sẵn sàng thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể đã đề ra, giúp hoàn thành cơ bản 02 dự án trước ngày 01/7/2021.

VNPT thực hiện khối lượng công việc đồ sộ, thời gian triển khai ngắn

Theo Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án CSDL quốc gia về dân cư ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/7/2020, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và Nhà thầu liên danh VNPT-HADIC-GTEL ICT đã tổ chức Lễ phát động triển khai dự án hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.

Theo VNPT, việc triển khai hệ thống CSDL quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng. Hệ thống quản lý dữ liệu của hơn 100 triệu người dân trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến trung ương với lượng người truy nhập vào hệ thống là hơn 40.000.

Thời gian chính thức để VNPT và các đối tác bắt tay xây dựng, thiết lập, thử nghiệm và vận hành hệ thống CSDL quốc gia về dân cư là khoảng 05 tháng (từ tháng 9/2020 - 02/2021). Chính vì sự quan trọng và phức tạp như vậy nên VNPT với vai trò là đối tác chủ trì cùng với các đối tác trong Liên danh là GTEL-ICT và Hadic đã xây dựng và triển khai một cách bài bản, thận trọng nhất với những công nghệ tốt nhất và đảm bảo hệ thống tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, ATTT theo quy định của Chính phủ.

Và chỉ trong vòng 5 tháng, VNPT đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống. Cụ thể, VNPT đã huy động 780 giảng viên nội bộ tiến hành đào tạo cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ trung ương đến địa phương để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hiệu quả hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, VNPT đã phát triển 13 phần mềm cho hệ thống CSDL quốc gia về dân cư. Đến thời điểm hiện tại, VNPT đã hoàn thành việc tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng: Phần mềm quản trị ứng dụng; Phần mềm cư trú; Phần mềm quản lý Tàng thư nhân, hộ khẩu; Phần mềm quản lý Biến động về dân cư; Phần mềm báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; Cổng thông tin dân cư; Phần mềm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; Phần mềm cung cấp dịch vụ dân cư. Trong khoảng thời gian 8 tuần (07/12/2020 đến ngày 30/01/2021), VNPT đã hoàn thành đào tạo 550 lớp tại 63 tỉnh, thành phố; đào tạo cho 23.652 học viên chiến sỹ công an về vận hành các ứng dụng trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư.

Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương trong những năm qua, nên dự án lần này VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất Tập đoàn và 63 tỉnh/thành phố cùng các đối tác trong Liên danh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ thần tốc và hiệu quả nhất. Để đến nay, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động, góp phần mở ra một chương mới trong hoạt động quản lý dân cư tại Việt Nam.

Bưu điện bảo đảm an toàn nhập dữ liệu và chuyển phát căn cước công dân

Trong khi đó, với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án quan trọng, cùng mạng lưới trải rộng đến tận cấp xã, hệ thống hạ tầng và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, Tổng công ty BĐVN có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức nhập dữ liệu thuộc dự án "CSDL quốc gia về dân cư" và chuyển phát trả thẻ CCCD.

Nhận thức được tầm quan trọng cũng như độ phức tạp trong công tác triển khai nhập liệu với số lượng lớn ảnh phiếu DC01 thu thập được của gần 90 triệu dân, BĐVN đã tập trung xây dựng hạ tầng, nhằm thực hiện tốt công tác lưu trữ, vận hành và đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin (ATTT) trên các thiết bị mạng. Tất cả các thiết bị mạng, máy tính, phần mềm sử dụng đều được Cục An ninh mạng - Bộ công an kiểm tra và cho phép sử dụng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh thông tin cũng như tính chính xác của công tác nhập liệu, BĐVN đã xây dựng quy trình nhập liệu chi tiết, đảm bảo dữ liệu sau khi nhập, lưu trữ vào CSDL đều được mã hóa các trường thông tin quan trọng. Chỉ trong 6 tháng kể từ khi tiếp nhận dữ liệu, hơn 20.000 nhân viên bưu điện trên cả nước đã hoàn thành nhập gần 90 triệu phiếu DC01.

Bưu điện bảo đảm an toàn nhập dữ liệu và chuyển phát CCCD

Để đảm bảo thông tin chính sách, đầy đủ, toàn bộ các dữ liệu đều được BĐVN chủ động kiểm tra nhiều lần, nhằm phát hiện các sai sót để điều chỉnh. Việc bàn giao dữ liệu cũng được thực hiện nghiêm ngặt, tuyệt đối đúng quy định của Bộ Công an.

Đối với việc triển khai hệ thống CCCD, BĐVN đã phối hợp với các cơ quan Công an thực hiện chuyển phát hàng chục triệu thẻ CCCD từ địa điểm sản xuất về công an các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.

Bưu điện các tỉnh, thành phố đều phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, ý nghĩa, tác dụng của việc cấp và sử dụng CCCD; hỗ trợ người dân chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra giấy tờ trước khi nộp hồ sơ đồng thời tư vấn. Đặc biệt, tại các điểm cấp CCCD gắn chip cho người dân, các đơn vị đều bố trí quầy phục vụ và nhân viên tiếp nhận nhu cầu chuyển phát thẻ CCCD tại nhà qua dịch vụ của bưu điện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Để nhận CCCD tại nhà, người dân sau khi hoàn tất các thủ tục với cơ quan công an chỉ cần đến quầy dịch vụ của BĐVN, đăng ký thông tin về người và địa chỉ nhận. Khi có kết quả từ cơ quan công an, Bưu điện có trách nhiệm chuyển phát đến tận tay khách hàng.

Được biết, nhiều năm qua, BĐVN chưa xảy ra bất kỳ một trường hợp khiếu kiện nào từ người dân về việc mất, thất lạc hay hư hỏng nào do chuyển phát chứng minh thư, CCCD hay kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Việc chuyển phát CCCD qua Bưu điện không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại mà còn tạo sự thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ hành chính công, đặc biệt là đối với người dân ở những vùng có điều kiện đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nguồn: ictvietnam.vn
// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật