Được và mất khi thành lập Hiệp hội bưu chính chuyển phát
(ICTPress) - Theo lộ trình WTO, từ sau ngày 11/1/2012, thời điểm thị trường chuyển phát Việt Nam mở cửa hoàn toàn, cho phép các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài tham gia kinh doanh dịch vụ.
Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm này, thị trường Bưu chính chuyển phát Việt Nam đã có 44 DN đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 DN được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát và rất nhiều DN hoạt động “chui”.
Thị trường Bưu chính chuyển phát Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển. Tốc độ tăng trưởng ước tính trung bình từ 10% đến 25% qua mỗi năm đã thu hút đông đảo các DN tham gia kinh doanh dịch vụ bưu chính chuyển phát, vận tải hàng hóa, tạo ra thị trường thực sự sôi động và tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ…
Tìm cách thôn tính, mua lại cổ phần của các DN trong nước đã cổ phần hóa đang được nhiều DN chuyển phát nước ngoài để mắt. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các DN trong nước. Bởi, các DN bưu chính chuyển phát Việt Nam hiện nay hoạt động với mạng lưới độc lập, vốn ít, đầu tư không sâu, sử dụng phương tiện xã hội không an toàn, chậm thời gian, làm giảm uy tín của DN và khó xây dựng được thương hiệu. Các DN nội sẵn sàng hợp tác với các DN nước ngoài nhưng không sẵn sàng cho hợp tác trong nước.
Các giải pháp được đưa ra nhằm khuyến khích thị trường bưu chính trong nước phát triển tại Tọa đàm "Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và thách thức" hôm nay 3/5, tại Hà Nội, do Báo Bưu điện Việt Nam và Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cùng các DN hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, là: DN trong nước cần hợp tác để sử dụng chung cơ sở hạ tầng; khai thác hết năng lực của từng tuyến đường; phân công mở mạng lưới tại các tỉnh.
Đặc biệt, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề xuất thành lập Hiệp hội bưu chính chuyển phát nhằm thống nhất quan điểm kinh doanh, hạn chế làm loạn thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN đã được các đại biểu thống nhất.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết Bộ TT&TT ủng hộ việc thành lập hiệp hội, tuy nhiên, trước khi thành lập Hiệp hội các DN phải ngồi lại với nhau đánh giá việc DN sẽ mất gì khi tham gia vào hiệp hội. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm việc tham gia Hiệp hội sẽ mất nhiều thứ như chia sẻ tự do, chia sẻ thông tin...
Chánh văn phòng công tác hiệp hội của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết để thành lập một hiệp hội phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm chuẩn bị. Khi chuẩn bị xong Điều lệ hành động cũng cần được Bộ Nội vụ thông qua. Và việc thành lập hội đã khó nhưng để duy trì hội cũng không dễ dàng.
HM