Sony "tụt dốc" hay cơn khủng hoảng của người Nhật
Rất nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản đang lao đao, nhưng có lẽ, tình cảnh khốn khó của Sony là tấm gương phản chiếu rõ nhất đà thoái trào của một trong những nền công nghiệp công nghệ mạnh nhất thế giới.
Một nguyên nhân quan trọng khiến cho Sony từng bước lún sâu vào khủng hoảng chính là nỗi ám ảnh của người Nhật về việc "Phải làm theo cách của người Nhật", kể cả khi cách đó là sai lầm đi chăng nữa.
Thời kỳ đỉnh cao huy hoàng của ngành công nghệ và sản xuất của Nhật là những năm 1983 – 1993. Khu Akihabara lúc nào cũng đông đúc, sầm uất và thể hiện một diện mạo giống như "Thánh địa Mecca" của đồ điện tử. Quá dễ để nhận ra chìa khóa thành công của những nhãn hiệu như Sony và Panasonic: Họ không chỉ thiết kế ra những sản phẩm ăn khách mà còn rất xuất sắc trong khâu sản xuất. Nói cách khác, các sản phẩm điện tử của Nhật là một tổng thể hoàn hảo của thiết kế thông minh và chất lượng sản xuất.
Thế nhưng theo giới phân tích, chính những mầm mống của sự thoái trào ngày nay đã manh nha xuất hiện ngay từ ngày ấy:
Mắc kẹt với sự nâng cấp thay vì sáng tạo từ đầu: Người Nhật tiết kiệm và họ quá chú trọng đến số tiền đầu tư mà mình đã bỏ ra. Tư tưởng kinh doanh đó đã bóp nghẹt những công ty nhỏ, dù cho họ có đang ấp ủ những ý tưởng đột phá, mở ra cả một thị trường/hạng mục mới như iPhone và iPad đi chăng nữa (nên nhớ rằng trước khi bày bán iPhone, Apple nhỏ hơn bây giờ rất nhiều). Hình thức đầu tư của người Nhật chuộng những cải tiến công nghệ định kỳ hơn là những công nghệ đi lên từ con số 0. Và điều đó càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.
Sự ngạo mạn: Không phải là kiêu hãnh mà là một tâm thế có phần ngạo mạn. Các chuyên gia phương Tây từng phàn nàn rằng khi tiếp xúc với người Nhật thời những năm 93, họ nhận thấy người Nhật khá coi thường những hãng công nghệ mới nổi của Mỹ như Intel, Compaq, Dell, thậm chí cả Microsoft. "Họ tin rằng đó chỉ là những cái tên tí hon, không thể cạnh tranh nổi trên thị trường sản phẩm gia dụng với những gã khổng lồ như Sony, Toshiba, Hitachi và Panasonic", một chuyên gia kể lại.
Bỏ lỡ cuộc cách mạng PC: Cả Sony, Panasonic, Hitachi và hàng loạt hãng khác đều bị ám ảnh bởi việc chạy đua sản xuất những sản phẩm như máy nghe nhạc cầm tay và đầu đĩa video. Đấy là chưa kể TV analog. Nỗi ám ảnh đó lớn đến mức họ đã bỏ lỡ cuộc cách mạng số/ PC khơi mào tại Mỹ trong nửa cuối thập niên 80. Và rồi lịch sử lại lặp lại khi người Nhật tiếp tục ứng biến chậm chạp trước cuộc cách mạng số di động, khi bộ nhớ flash thay thế gần như các phương tiện lưu trữ khác.
Monozukuri, tức "sản xuất": Đây giống như một tôn giáo tại Nhật. Tất nhiên, sản xuất là mắt xích quan trọng của bất cứ nền kinh tế nào. Thế nhưng đôi khi người Nhật sản xuất chỉ để... sản xuất. Bạn có thể sản xuất TV thường trong suốt một thời gian dài, phớt lờ thực tế hiển nhiên là TV LCD đang được bày bán rộng khắp tại các nước khác, rẻ hơn, ưu việt hơn. Sharp – đại gia sản xuất LCD một thời, giờ đây phải cầu viện Foxconn vì đã thua cuộc trong trận chiến sản xuất LCD. Trước sự nổi lên của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, người Nhật tỏ ra quá yếu đuối và không có sức kháng cự.
Phần mềm: Các công ty Nhật Bản chưa bao giờ thực sự nhập tâm về tầm quan trọng của phần mềm. Cũng như sự tích hợp nuột nà giữa phần cứng với phần mềm thân thiện với người dùng theo kiểu Apple hay IBM đã làm được. Thực tế này là một hệ quả của nỗi ám ảnh dành cho monozukuri. Người Nhật thực sự nghĩ rằng: phần mềm không quan trọng. Ăn thua nhau là ở phần cứng.
Tự cô lập mình: Không khó để nhận ra sự "độc đáo" của các sản phẩm Nhật. Không nơi nào mà sự phân biệt giữa sản phẩm "nội địa" và sản phẩm làm ra để xuất khẩu lại rõ rệt như ở Nhật. Cũng chính vì thế mà khi xuất ngoại, đồ điện tử Nhật không thể thiết lập được một hệ sinh thái hỗ trợ đa dạng và mạnh mẽ như của các đối thủ quốc tế.
Những năm 80, một người Nhật sẽ phải vò đầu bứt tai để nghĩ xem họ muốn mua một sản phẩm nào do người Mỹ làm ra hay không. Giờ đây, thật khó để chúng ta nghĩ được một sản phẩm nào của Sony khiến mình thật tâm thích thú. Nói cách khác, vận đã đổi và sao đã dời.
Nhật Anh
(Theo Điện tử tiêu dùng)