Quán thanh xuân - Tháng 7: Nhớ về những "rạp chiếu bóng thanh xuân"
Chủ đề của chương trình Quán thanh xuân tháng 7 sẽ là "Rạp chiếu bóng của thanh xuân".
Được xem phim - dù ở đâu - đích thị là niềm vui chung trong thanh xuân của nhiều thế hệ trong những ngày tháng khó khăn. Trong gần nửa thế kỷ, kể từ cuối thập niên 1950, Hà Nội lần lượt có tới gần 20 rạp chiếu thuộc quản lý của Nhà nước. Những cái tên như Đại Đồng, Đại Nam, Mê Linh, Kinh Đô, Dân Chủ, Majestic (Tháng Tám), Kim Đồng, Ngọc Khánh, Sinh Viên, Đặng Dung, Bạch Mai, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia… được ví như thiên đường của những người yêu phim.
Thời kỳ đầu, các phim được chiếu chủ yếu là phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Ngày lễ Thánh… hay những bộ phim của Liên Xô, Tiệp Khắc cũ… Dần dần, các rạp chiếu bóng không chỉ là nơi kinh doanh mà còn có những hoạt động cộng đồng bổ ích để đưa nghệ thuật thứ bảy đến gần với khán giả thông qua những câu lạc bộ điện ảnh.
Vào năm 1994, một rạp chiếu phim nhỏ mang tên Fansland đã ra đời ở con phố Lý Thường Kiệt. Nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa khi trình chiếu các bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới, các phim nghệ thuật châu Âu. Khán giả xem phim xong còn được các nhà chuyên môn phân tích về ý nghĩa, thông điệp, phong cách tác giả…
Trong TP.HCM, con số thống kê là khoảng 60 rạp với những cái tên như Catinat, Đại Đồng, Đại Nam, Eden, Khải Hoàn, Kinh Đô, Lê Lợi, Long Phụng, Long Vân... Điện ảnh nơi đây có một truyền thống phải nói là độc đáo với các tờ program (chương trình) phát cho khán giả khi đến mua vé xem phim. Trên tờ program của phim, khán giả có thể đọc để biết đại khái nội dung phim và tên các tài tử trong phim. Dân ghiền xi-nê có thú sưu tầm program.
Và về chủ đề rạp chiếu bóng thú vị này trong chương trình Quán thanh xuân tháng 7, khán giả truyền hình sẽ có cơ hội được nghe nhiều câu chuyện từ ký ức của những vị khách mời. Đó là NSƯT Đạo diễn Quốc Trọng kể về thời kì đỉnh cao của những bộ phim chiếu rạp.
Vợ chồng NSND đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân chia sẻ câu chuyện của những người làm phim thời kì đầu cho đến thời trầm lắng của điện ảnh trong nước, khi các tác phẩm điện ảnh Việt dần ít đi, người ta được chọn mang rạp chiếu bóng về nhà, với những bộ phim đa dạng đủ thể loại của các nước...
Trong khi đó, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể về số phận của những bản nhạc phim nổi tiếng bởi xuất hiện trong những bộ phim chiếu rạp để lại dấu ấn trong lòng khán giả, về đời sống người dân gắn liền với ký ức chung cùng những buổi chiếu phim.
Điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của khách mời đặc biệt - NSND Trà Giang, một trong nữ diễn viên nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Khán giả sẽ được gặp NSND Trà Giang cả trên sân khấu Quán thanh xuân tháng 7 và trong bộ phim Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam).
Các tiết mục ca nhạc đan xen trong chương trình gửi tới khán giả chùm ca khúc nhạc phim nổi tiếng: Nơi em gặp anh; Bài ca trên núi; Triệu bông hồng, Phía xa bên kia sông, Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt; Còn tuổi nào cho em, Em là bông hồng nhỏ; Yêu; 60 năm cuộc đời...
Quán thanh xuân tháng 7 đượcTHTT lúc 20h40 ngày 7/7/2019 trên kênh VTV1.
Nguồn: vtv.vn