Hình tượng hai người anh hùng được tái hiện trong sách tranh minh họa màu khổ lớn
Câu chuyện về cuộc đời và tấm gương hi sinh anh dũng của chị Võ Thị Sáu và anh Lý Tự Trọng đã được kể bằng nhiều hình thức nghệ thuật như văn học, điện ảnh, âm nhạc…
Đây là lần đầu tiên hình tượng những người anh hùng thiếu niên Võ Thị Sáu và Lý Tự Trọng được tái hiện trong tác phẩm sách tranh minh họa màu khổ lớn.
Với mong muốn khơi gợi sự quan tâm và niềm thích thú của độc giả nhỏ tuổi với sách giáo dục truyền thống, câu chuyện về tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu và anh Lý Tự Trọng được tái hiện với phần lời kể được lồng ghép cùng những bức tranh tả thực hoành tráng.
Cuốn “Võ Thị Sáu” khắc họa sống động, chân thực hình ảnh nữ anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu cùng các đồng chí của chị trong nhà tù thực dân, nhỏ bé mà bất khuất can trường.
Tuổi 15, lựa chọn và đi theo lí tưởng cách mạng, chị Sáu là tấm gương sáng trong và bất khuất, tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền dân tộc.
Sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, trung thành với cách mạng và đồng chí, chị chấp nhận hy sinh mạng sống của mình chứ nhất quyết không khai báo, không đầu hàng trước những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù.
Với lời kể ngắn gọn, súc tích mà đầy đủ, độc giả như được chứng kiến những năm tháng cuối cùng của chị Sáu, từ lúc bị bắt ra Côn Đảo đến giây phút cuối cùng, khi chị hiên ngang đối diện những họng súng đen ngòm của quân thù chĩa về phía chị.
Họa sĩ Bùi Việt Thanh đã sử dụng triệt để thủ pháp điện ảnh để tạo nhịp điệu sống động và góc nhìn hiện đại khi miêu tả câu chuyện. Ở bức tranh nào, hình ảnh của chị Sáu cũng nổi bật với đôi mắt sáng cương nghị. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu rất kĩ nhân vật, bối cảnh và câu chuyện của người họa sĩ.
Tranh minh họa đã góp vào câu chuyện nội dung hình ảnh để người đọc hình dung được rõ nét. Các cảnh toàn, cảnh trung đến đặc tả được sử dụng nhịp nhàng uyển chuyển. Góc nhìn từ trên xuống nhấn mạnh vào sự ngột ngạt khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo, góc nhìn từ dưới lên cho thấy tầm vóc tinh thần bất khuất của chị Sáu và những người đồng chí.
Nếu cuốn sách “Võ Thị Sáu” giống như thước phim tư liệu về thời gian chị Sáu ở Côn Đảo, hiên ngang bất khuất đến phút cuối cùng thì cuốn sách “Lý Tự Trọng” giống như những thước phim hành động với nhịp điệu nhanh, gấp đầy kịch tính khi kể lại cuộc đời hoạt động của Người Đoàn viên Danh dự Số 1 – Lý Tự Trọng.
Anh được sinh ra tại Hà Tĩnh, rồi cùng gia đình lánh nạn ở Xiêm La. Tuổi 16 chàng trai trẻ Lý Tự Trọng nhận nhiệm vụ của Đảng trở lại Sài Gòn với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.
Tài trí và dũng cảm, những hoạt động của anh Lý Tự Trọng đã góp phần dấy lên phong trào cách mạng trong đội ngũ thanh thiếu niên. Khi đồng chí gặp nguy hiểm, anh Lý Tự Trọng đã dũng cảm xông lên giải cứu, anh bị thực dân Pháp bắt khi mới 17 tuổi.
Nhà tù thực dân khắc nghiệt với những trận đòn tra tấn dã man cùng âm mưu mua chuộc đã không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Lý Tự Trọng.
Vụt sáng chói lòa tại phiên tòa thâm độc do bọn thực dựng ra để bôi nhọ cách mạng và những chiến sĩ cách mạng, xem những chiến công của các anh như lỗi lầm của tuổi vị thành niên chưa biết suy nghĩ, anh Lý Tự Trọng dõng dạc khắc ghi vào lịch sử lời tuyên bố tại phiên tòa: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao, như tôi”.
Hy sinh ở tuổi 17, người anh hùng Lý Tự Trọng chính là một minh chứng hùng hồn về bản lĩnh kiên cường, bất khuất và lòng trung thành với quê hương đất nước của một người cộng sản.
Tượng đài bất khuất của anh Lý Tự Trọng và chị Võ Thị Sáu đã trọn vẹn trong hình dung của người đọc.
Bài hát của chị Sáu cất lên giữa Côn Đảo, hình ảnh anh Lý Tự Trọng nâng niu cuốn Truyện Kiều… Yêu biết bao Tổ quốc của chúng ta, yêu biết bao những người con gái, con trai quê hương đã hiến dâng cuộc đời cho đất mẹ.
Đọc lại lịch sử, cho chúng ta hôm nay thêm tự hào và hiểu biết, cho chúng ta những suy nghĩ lớn lao vượt lên bản thân có ước mơ và lí tưởng cao đẹp.
Bảo Ngọc