Doanh nghiệp đồng thuận thành lập Hiệp hội Bưu chính để phát triển bền vững
11/11 doanh nghiệp (DN) bưu chính, chuyển phát tham dự khảo sát đã thống nhất cần thiết thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam.
Ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, tại Tọa đàm thúc đẩy Bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp, 11 DN bưu chính, chuyển phát đã thống nhất mong muốn thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam để cùng phát triển bền vững.
Theo đại diện của Vụ Bưu chính, Bộ TTTT, việc khảo sát và lấy ý kiến qua buổi tọa đàm đã thu được 11 phiếu từ 11 DN phản hồi. 11 DN đã đồng ý với khảo sát là phải thành lập Hiệp hội bưu chính và tham gia vào hiệp hội, trong đó có 7 DN muốn tham gia vào Ban thành lập Hiệp hội và hai DN bưu chính lớn là VNPost, Viettel Post tham gia ban vận động thành lập.
Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc VNPost |
Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết VNPost sẽ tham gia Ban vận động thành lập Hiệp hội. Việc thành lập Hiệp hội là cần thiết nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh bưu chính, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ môi trường kinh doanh và quyền lợi khách hàng.
Đại diện của VNPost cũng nêu một hiện trạng là một số DN cung cấp dịch vụ dưới giá thành đã ảnh hưởng đến các DN cạnh tranh tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, DN bưu chính được cấp phép cũng bị lợi dụng mạng lưới để trục lợi.
Bà Chu Kim Thoa, Phó Tổng giám đốc Viettel Post |
Đồng quan điểm, đại diện cho Viettel Post, bà Chu Kim Thoa, Phó Tổng giám đốc cho biết việc thành lập Hiệp hội là cần thiết trong thời điểm hiện này. Viettel mong muốn được đóng góp một phần vào chuyển đổi số của Chính phủ, phát triển bền vững của Bưu chính.
Theo bà Thoa, trong thời gian qua, sự phát triển của TMĐT đã làm bùng nổ lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhưng cũng nảy sinh ba vấn đề gồm: Việc cạnh tranh khốc liệt dẫn đến sự manh mún, mạnh ai nấy làm; Không thể hội nhập quốc tế; Không được tiếp cận các văn bản đầy đủ dẫn đến bị động trong một số tình huống như DN bưu chính được cấp phép bị trục lợi. Theo tính toán của Viettel, DN này sẽ phải đầu tư 3000 - 5000 tỷ đồng nếu đi một mình. Việc các DN bưu chính dùng chung hạ tầng sẽ tiết kiệm được đầu tư.
Việc thành lập Hiệp hội cũng sẽ mang lại các lợi ích về đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, truyền thông về chính sách; được tận dụng các thế mạnh của nhau để cùng phát triển như dùng chung hạ tầng như VNPost đã đầu tư logistics thì các DN bưu chính, chuyển phát có thể khai thác chung hoặc tận dụng xe chạy không một chiều. Việc tham gia Hiệp hội cũng mang lại nhiều cơ hội tương tác cho các DN… Theo đó, Viettel Post sẽ cùng các DN xây dựng đề án thành lập.
Đại diện của công ty NASCO cũng cho biết việc thành lập Hiệp hội là cần thiết vì mang lại lợi ích cho các DN bưu chính, chuyển phát.
Toàn cảnh Hội thảo |
Bà Hoàng Bảo Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TTTT cho biết thị trường bưu chính ngoài các DN có tiềm lực như VNPost, Viettel Post, DHL, UPS, hiện nay có hơn 400 DN, đa phần hoạt động với quy mô mạng lưới độc lập, đầu tư nhỏ, hẹp, không có khả năng đầu tư cho mạng lưới, nhân lực… nên việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, chia chọn là khó khăn, dẫn tới khó xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường, bởi vậy các DN có nhu cầu hợp tác để mang lại lợi thế cho xã hội.
Hiệp hội ra đời sẽ hỗ trợ, bảo đảm lợi ích của các DN. Quan điểm của Bộ TTTT là ủng hộ, tuy nhiên, việc thành lập Hiệp hội là việc của các DN. Các DN cần đi đến thống nhất về ý chí, nguyện vọng.
Hiện nay, có 3 văn bản liên quan tới quy định thành lập hiệp hội mà các DN cần nghiên cứu, gồm: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45; Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định 45 và Nghị định 33.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh các DN bưu chính cần xem xét kỹ lưỡng việc thành lập để chăm lo bảo vệ các quyền lợi của DN, đảm bảo Bưu chính phát triển bền vững. Các DN thống nhất và chủ động quyết định.
Lan Phương/ictvietnam.vn