Cu Ba muốn Việt Nam hỗ trợ đẩy nhanh phát triển ICT
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ TTTT luôn sẵn sàng hỗ trợ Cu Ba và hai nước có thể cùng nhau làm được nhiều việc để thúc đẩy phát triển lĩnh vực ICT.
Ngày 2/5/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TTTT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Truyền thông Cu Ba do Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Luis Perdomo Di-Lella làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc còn có các Cục, Vụ thuộc Bộ TTTT, các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam trong lĩnh vực ICT. Đoàn đại biểu Bộ Truyền thông Cu Ba có Thứ trưởng Ana Julia Marine Lospez, Đại sứ Cu Ba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera, các đơn vị gồm Vụ Tin học hóa, Vụ Hợp tác quốc tế và Ngoại thương, Vụ Điều hành an ninh và Tập đoàn ETECSA.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng |
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ vui mừng được đón Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cu Ba đến thăm, làm việc với Bộ TTTT Việt Nam và khẳng định hợp tác trong lĩnh vực Viễn thông, ICT giữa hai nước trong thời gian gần đây đã có những tiến triển mạnh mẽ. Việt Nam và Cu Ba là những người bạn trong trái tim, là những người anh em có thể chia sẻ với nhau rất nhiều điều.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Cu Ba đang còn nhiều khó khăn nhưng đất nước Cu Ba luôn kiên cường mạnh mẽ. Là bạn của nhân dân Cu Ba, Việt Nam nói chung và Bộ TTTT xác định là luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Cu Ba.
Bộ trưởng cũng đã thông báo tình hình phát triển các lĩnh vực tin học hóa, ATTT, Viễn thông, Tần số VTĐ, CNTT của Việt Nam.
Về lĩnh vực ATTT, Bộ TTTT đã thành lập Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, giám sát tình hình ATTT mạng của Việt Nam và hàng ngày giám sát 100 triệu thông tin trên không gian mạng. Việt Nam nhận thức công nghiệp an ninh mạng cũng giống như công nghiệp quốc phòng và có chiến lược trở thành cường quốc về an ninh mạng bởi an toàn an ninh mạng sẽ bảo vệ hoà bình cho Việt Nam, là yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế số Việt Nam. Trong số những người giỏi về an ninh mạng trên thế giới đều có người Việt Nam.
Về lĩnh vực Viễn thông, hiện nay, Việt Nam có 6 DN viễn thông, trong đó có 1 DN khai thác mạng riêng ảo vừa đi vào hoạt động. Năm nay, lĩnh vực Viễn thông đẩy mạnh phát triển 4G và chuẩn bị khai trương 5G vào năm 2020. Tỷ lệ sử dụng máy smartphone hiện nay của Việt Nam đạt khoảng 62%. Việt Nam phấn đấu đến năm 2022 mỗi người dân có 1 smartphone. Vào năm 2025, mỗi hộ gia đình phải có 1 đường cáp quang. Nhiệm vụ bao trùm của lĩnh vực này là đưa hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, trong đó có các hạ tầng quan trọng như điện toán đám mây, IoT, các ứng dụng (applications).
Việt Nam hiện nay cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT). Hiện Việt Nam đang xếp hạng 88 về CPĐT và phấn đấu trong năm nay tăng hạng lên thứ 75. Thành phố thông minh, chuyển đổi số cũng là những nội dung Việt Nam đang thúc đẩy.
Việt Nam cũng có chiến lược “make-in-Vietnam” và trong 5 năm tới, nâng số DN ICT của Việt Nam từ 500 DN hiện nay lên 100.000 DN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin những thế mạnh của các DN ICT Việt Nam, trong đó có Viettel, VNPT, FPT, BKAV. Các DN này đều đã trở thành những công ty công nghệ và đã làm chủ các sản phẩm từ thiết bị viễn thông, smartphone, ATTT và các sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Luis Perdomo Di-Lella |
Thông tin về tình hình ICT của Cu Ba, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Luis Perdomo Di-Lella cho biết Cu Ba đã có chiến lược về tin học hóa, sắp tới có quy định trong lĩnh vực ATTT.
Cu Ba đang thúc đẩy mạnh mẽ tin học hoá và cần sự đầu tư lớn vào hạ tầng Viễn thông - CNTT. Về lĩnh vực phần mềm, Cu Ba muốn DN Vệt Nam hợp tác thông qua đầu tư. Hiện Cu Ba đã xây dựng khu công nghệ cao, công nghiệp và mong muốn các DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác. Cu Ba cũng mong muốn gửi 3 nhà báo ICT của Cu Ba sang viết về kinh nghiệm tin học hoá của Việt Nam.
Về Viễn thông, Cu Ba hiện nay đã có mạng đường trục cáp quang từ thủ đô La Habana đến các tỉnh, nhưng cáp quang đến hộ gia đình, khách hàng, trường học thì chưa có. Cu Ba đang muốn hợp tác với Việt Nam để mở rộng mạng 4G.
“Mạng viễn thông di động Cu Ba cần phát triển mạnh hơn trước vì đây là nhu cầu phát triển của Cu Ba và Việt Nam có thể hợp tác sâu rộng với Cu Ba về phát triển mạng 4G, xây dựng các nhà máy sản xuất smartphone, cáp quang tại Cu Ba”, Bộ trưởng Jorge Luis Perdomo Di-Lella cho biết.
Về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Cu Ba đã hợp tác với BKAV để phát triển phần mềm diệt virus và mong Việt Nam hỗ trợ về đào tạo, thành lập Trung tâm an ninh mạng thuộc Bộ Truyền thông Cu Ba.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Cụ thể hơn về lĩnh vực tin học hoá của Cu Ba, Vụ trưởng Vụ Tin học hóa Miguel Gutiérrez Rodríguez cho biết Cu Ba đang tập trung vào CPĐT, thương mại điện tử và mong hỗ trợ, chia sẻ của Việt Nam. Cu Ba cũng muốn các DN phần mềm này gắn kết chặt chẽ với tin học hoá, phần mềm và ứng dụng mà Việt Nam, Cu Ba cùng phát triển có thể mở rộng tại thị trường khu vực Mỹ la tinh và Caribe.
Theo Tập đoàn ETECSA, Cu Ba hiện có có 8 triệu thuê bao điện thoại, trong đó 5,3 triệu thuê bao di động và 2 triệu thuê bao Internet băng rộng. Trong thời gian tới, nhu cầu dịch vụ viễn thông của Cu Ba ngày càng tăng và cần đầu tư, mở rộng mạng lưới viễn thông, trong đó có 4G.
Cu Ba cũng quan tâm đến giải pháp quản lý đến hệ thống quản lý viễn thông IMS, thử nghiệm thoại trên 4G, OCS (tính cước thời gian thực), mở rộng mạng cáp quang.
Hai Bộ trưởng và đoàn công tác của hai Bộ |
Trước những đề nghị hợp tác của Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cu Ba, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cụ thể những công việc để hai Bộ đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Về lĩnh vực an ninh mạng, Việt Nam khuyến nghị Cu Ba xây dựng trung tâm SOC (Security Operation Center). Cu Ba cũng nên đầu tư cho mạng viễn thông khả năng chặn lọc những rủi ro… Cục ATTT sẽ chia sẻ chi tiết việc xây dựng các quy định pháp luật về xây dựng luật an toàn, an ninh mạng và các quy định dưới luật.
Về lĩnh vực tin học hoá, Cục Tin học hoá sẽ chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kiến trúc CPĐT. Vụ CNTT, VINASA sẽ hỗ trợ Cu Ba để thúc đẩy hợp tác giữa các DN phần mềm hai nước. Các DN phần mềm Việt Nam cũng có thể mở văn phòng tại Cu Ba vì tin học hoá tốt nhất là phải cùng làm.
Về Viễn thông, chiến lược của hai nước hiện nay đều tập trung vào phát triển băng rộng, trong đó có cáp quang đến hộ gia đình và mạng 4G, 5G. Cục Viễn thông sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển viễn thông của Việt Nam. Các nhà mạng Việt Nam có thể hỗ trợ thiết kế, lặp đặt, đào tạo cán bộ về triển khai mạng 3G, 4G cho Cu Ba.
Về thành lập các nhà máy sản xuất smartphone, cáp quang tại Cu Ba, Bộ TTTT sẵn sàng ủng hộ dựa trên nhu cầu của Cu Ba.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Việt Nam luôn là người bạn thấu hiểu của Cu Ba và luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hai người bạn có niềm tin với nhau thì cái gì cũng có thể làm được. Bộ TTTT và cá nhân tôi lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ Cu Ba phát triển ICT”.
Lan Phương/ictvietnam.vn