Việt Nam - Hàn Quốc ký kết Hiệp định hợp tác lĩnh vực truyền hình

Ngày 26/3/2019, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và của Tổng thống Hàn Quốc, tại Bộ TTTT, đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về hợp tác đồng sản xuất chương trình truyền hình. Hiệp định được Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc Lee Hyo-seong ký kết.

Tham dự Lễ ký có có đại diện các đơn vị liên quan của Bộ TTTT, VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam và Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc Lee Hyo-seong ký kết Hiệp định

Nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát truyền hình, Chính phủ hai nước đã chính thức phê duyệt việc ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về hợp tác đồng sản xuất chương trình truyền hình.

Theo Hiệp định này, “đồng sản xuất chương trình truyền hình” có nghĩa là một chương trình truyền hình như phim truyền hình, phim hoạt hình, các chương trình giải trí và các chương trình phim tài liệu (trừ phim điện ảnh), bao gồm các chương trình truyền hình được cung cấp trực tuyến thực hiện bởi một hoặc nhiều nhà đồng sản xuất của một nước phối hợp với  một hoặc nhiều nhà đồng sản xuất của nước kia, được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên. Quy mô các chương trình đồng sản xuất có thể được mở rộng thông qua thoả thuận giữa các bên.

“Nhà đồng sản xuất” có nghĩa là một người có quốc tịch Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam và một người có quốc tịch Hàn Quốc hoặc pháp nhân Hàn Quốc tham gia vào việc đồng sản xuất một chương trình truyền hình.

Các nhà sản xuất chương trình truyền hình của Việt Nam và Hàn Quốc có thể nộp bản đăng ký tới các cơ quan có thẩm quyền mỗi bên để được phê duyệt việc đồng sản xuất các chương trình truyền hình.

Các cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên sẽ ra quyết định về việc phê duyệt hồ sơ trong vòng 50 ngày và phải nêu rõ lý do bằng văn bản trong trường hợp từ chối. Việc phát sóng các chương trình này phải tuân thủ theo đúng các quy định và luật lệ mỗi bên.

Mỗi nhà sản xuất sẽ đóng góp ít nhất 10% về tài chính và sáng tạo cho chương trình. Chương trình truyền hình đồng sản xuất phải được thực hiện bởi các nhân sự Việt Nam và Hàn Quốc.

Hai nước sẽ cho phép công dân của nhau được đến, nhập cảnh và ở lại trong lãnh thổ của mình để thực hiện, sử dụng và quảng bá các chương trình truyền hình đồng sản xuất. Hiệp định cũng quy định về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá tạm nhập nhằm phục vụ việc thực hiện các chương trình truyền hình.

Các chương trình đồng sản xuất được phê duyệt trên cơ sở Hiệp định này sẽ được hưởng những quyền lợi như sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và được công nhận là chương trình trong nước. Bản quyền và việc chia sẻ doanh thu sẽ được quyết định bởi các nhà đồng sản xuất.

Trước Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc Lee Hyo-seong đã có buổi làm việc song phương và khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai nước là quan hệ đặc biệt và ngày càng được củng cố, tăng cường.

Toàn cảnh buổi làm việc song phương

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Hàn Quốc luôn trong top đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước là quan hệ chiến lược, trong đó quan hệ kinh tế rất nổi bật. Hiện đang có nhiều người Hàn Quốc đến làm việc, sinh sống và du lịch tại Việt Nam và cũng ngày càng có nhiều người dân, du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc sinh sống, học tập và du lịch.

Trước đây, hai nước đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình chất lượng. Việc truyền tải hình ảnh đất nước, con người, văn hoá ở mỗi nước cần được tăng cường hơn nữa, là động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc ký kết Hiệp định là một bước tiến lớn giữa hai nước trong lĩnh vực truyền hình. Sau ký kết Hiệp định, Bộ TTTT và Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực truyền hình và nội dung.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị hai bên thành lập tổ công tác chung để thúc đẩy Hiệp định đi vào thực hiện. Việt Nam có hơn 70 đài truyền hình ở cả trung ương và địa phương, 300 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh truyền hình nước ngoài, bao gồm 2 kênh truyền hình Hàn Quốc là KBS và Arirang. Hàn Quốc cũng có nhiều đài truyền hình. Theo đó, hai bên cần có đầu mối phối hợp, hợp tác truyền hình giữa hai nước. Hàn Quốc có thể hỗ trợ để Việt Nam phát kênh truyền hình Việt Nam tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc có ngành công nghiệp truyền hình, giải trí rất phát triển. Việt Nam cũng rất mong muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực, các công ty công nghệ hiện đang “lấn sân” sang ngành truyền hình sản xuất, cung cấp các dịch vụ nội dung. Đây là thách thức đối với truyền hình, nội dung.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết hai bên có thể tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác và ứng xử trước các xu hướng trong tương lai, đặc biệt là các xu hướng sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm truyền hình. Bộ TTTT có thuận lợi là cơ quan quản lý lĩnh vực ICT, nội dung số và lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình nên khả năng hỗ trợ từ ngành ICT cho lĩnh vực truyền hình rất lớn.

Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên tổ chức những đợt tập huấn, trao đổi phóng viên trong lĩnh vực truyền hình giữa hai nước.

Việc ký kết hợp tác Hiệp định sẽ mở ra một trang mới để lĩnh vực truyền hình hai nước cùng hợp tác, cùng phát triển. Mỗi một năm, hai bên sẽ ký chương trình hành động có nội dung hoạt động cụ thể.

Trước các đề xuất công tác của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc Lee Hyo-seong đã nhất trí và bày tỏ kỳ vọng việc thành lập tổ công tác để cấp kỹ thuật của hai bên thảo luận chi tiết hành động, đẩy nhanh hợp tác giữa cấp quản lý và các đài truyền hình của hai nước. Hai bên sẽ bàn thảo chương trình trao đổi phóng viên, đào tạo trong lĩnh vực truyền hình thật tốt để chia sẻ kinh nghiệm. “Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc sẽ nỗ lực hợp tác để hợp tác đạt kết quả thực chất”.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc, một xu thế ở Hàn Quốc là nhiều người trẻ dùng điện thoại để xem truyền hình và xu thế này đang phát triển nhanh. Người trẻ Việt Nam cũng sẽ có xu thế như vậy, Bộ TTTT có thể nghiên cứu và có chiến lược phù hợp.

Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc cho biết Uỷ ban này sẽ tổ chức hội thảo đồng sản xuất chương trình truyền hình, dự kiến tháng 6/2019 và sẽ dành cho Việt Nam một khu đặc biệt để các đài truyền hình hai nước trao đổi, giao lưu và mong các đài truyền hình ở Việt Nam có thể tham gia vào Hội nghị.

Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc cũng sẽ thành lập nhóm công tác nội dung toàn cầu và hi vọng có sự tham gia của Việt Nam để trao đổi nội dung định hướng truyền hình tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhất trí với các trao đổi của Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Hàn Quốc và khẳng định: “Hợp tác ICT giữa hai nước đã rất phát triển và hợp tác trong lĩnh vực nội dung truyền hình cũng có sự hợp tác phát triển tương đương. Lĩnh vực truyền hình hai nước ngày càng phát triển hơn sẽ tạo đà cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước hơn nữa”.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Tin nổi bật