Việt Nam - điểm đến đầu tư trong cuộc CMCN 4.0
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software đã nêu ra những lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Ngày CNTT Nhật Bản - ICT Japan Day 2018 vừa được tổ chức tại Việt Nam.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software |
Cụ thể, theo ông Tiến, chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0), cả thế giới cần đến những người làm về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), robot, chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT), xe không người lái… Tất cả các nước đều thiếu nhân lực làm về các nội dung này. Nhật Bản thiếu nhiều hơn và rất cần lực lượng làm về lĩnh vực này.
Các công ty Việt Nam dù còn có những giới hạn về trình độ, tiếng Nhật không giỏi lắm nhưng các công ty Việt Nam hiện nay biết làm về AI, big data, IoT... Ít nhất trong nhiều năm, nhiều công nghệ Việt Nam nào đều có thể đáp ứng các yêu cầu làm về các nội dung CMCN 4.0. “Việt Nam là điểm đến đầu tư trong cuộc CMCN 4.0 cho các công ty thế giới, trong đó có Nhật Bản”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến lấy ví dụ là Tập đoàn Toshiba vừa quyết định thành lập một phòng lab AI tại TP. Hồ Chí Minh. Phòng Lab này không chỉ làm việc với riêng FPT mà thông qua FPT có thể làm việc hàng chục trường đại học, các Viện nghiên cứu và các cá nhân của Việt Nam trên toàn cầu trong lĩnh vực AI.
Các công ty lớn nhất trên toàn cầu từ Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực viễn thông, máy bay, bảo hiểm, ngân hàng, các nhà máy sản xuất lớn trên thế giới hết sức khó tính cũng đã đến Việt Nam. Các công ty này muốn triển khai bài toán thực tế của họ ở trên toàn cầu liên quan đến ứng dụng IoT, AI, robot. Đặc biệt, gần đây có xu hướng nhiều công ty lớn yêu cầu công ty Việt Nam triển khai các ứng dụng liên quan đến nhà máy thông minh.
Các công ty Việt Nam đã và đang triển khai các một số công nghệ của CMCN 4.0 |
Một điểm nữa rất đáng chú ý được ông Tiến thông tin là hàng năm Việt Nam có khoảng 40.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp các trường đại học và số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này càng ngày càng tăng cùng với chất lượng ngày càng nâng cao. Các trường đại học Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn, nhanh chóng cập nhật các giáo trình và xu hướng mới nhất trên thế giới liên quan đến IoT, AI,… vào giảng dạy. Các trường đại học của Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ khi giảng dạy theo giáo trình, xu hướng mới nhất trên thế giới. Sinh viên Việt Nam hiện nay cũng khác ngày xưa. Các em sinh viên ngay từ năm học thứ 2, 3 đã bước vào các công ty để thực tập trong môi trường thực, để học những hướng mới nhất và được các trường khuyến khích là AI, robotic, big data… “Việt Nam có một lực lượng nhân lực trẻ, dồi dào, có sẵn và ngày càng đông hơn mà Nhật Bản đang thiếu hụt”. Theo MITEI, Nhật Bản thiếu hụt 369.000 kỹ sư CNTT vào năm 2020.
Với lợi thế trên, ông Tiến bày tỏ mong muốn: “Sẽ có nhiều DN lớn của Nhật Bản quan tâm và sang Việt Nam đầu tư, bởi hiện nay rất nhiều bài toán cụ thể liên quan đến nhận dạng hình ảnh, giọng nói, xử lý năng lực, liên quan đến dữ liệu lớn, các ứng dụng blockchain… đều đã và đang thực hiện tại Việt Nam. Các công ty Nhật Bản có thể nhanh chóng bắt đầu ngay các hợp đồng về AI, big data, blockchain, sắp tới là quantum computing… bởi nhiều công ty Việt Nam có thể làm việc ngay với các DN Nhật vì đã có kinh nghiệm làm với các công ty Nhật ít là 5 năm và nhiều là 10 năm”.
Không chỉ trong lĩnh vực mới, mà đối với ngành CNTT truyền thống, ông Tiến cho biết Nhật Bản trong nhiều năm tới vẫn thiếu các kỹ sư lập trình C++, Java… và qua nhiều năm các trường đại học, công ty Việt Nam đã có kinh nghiệm và lực lượng ngày càng nhiều. “Các bạn Nhật Bản hãy “khoan dung” một chút để các bạn trẻ tốt nghiệp đại học Việt Nam kịp thời lớn, trưởng thành trong các lĩnh vực truyền thống này để đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản”.
Ông Tiến cũng cho biết hiện nay trong lĩnh vực gia công phần mềm, gần 80% công việc trong lĩnh vực này các công ty Nhật Bản vẫn sử dụng nhân lực của Trung Quốc bởi vì trên thực tế mặc dù các công ty Việt Nam hết sức cố gắng nhưng vẫn có một khoảng cách về trình độ cũng như về năng lực của các công ty Việt Nam, trong đó có tiếng Nhật. Bên cạnh đó là liên quan đến chất lượng. Những cái gì kỹ sư Việt Nam nghĩ rằng đã làm tốt và hoàn hảo rồi thì vẫn còn khoảng cách khá lớn so với đòi hỏi từ phía Nhật Bản. Sau thời kỳ ban đầu dễ dàng hơn, hiện các công ty Nhật Bản đã có những yêu cầu khắt khe đối với cả các công ty Việt Nam liên quan đến sản phẩm, thiết kế, tổ chức sản xuất, triển khai… Hiện nay, các công ty Nhật Bản cũng chỉ giao cho các công việc đơn giản như là thiết kế, coding, kiểm thử (testing) và mong muốn DN Việt Nam phải lớn lên và làm hợp đồng trọn gói. Điều này gần như chưa có công ty Việt Nam hiện nay đáp ứng các yêu cầu đó, ông Tiến lưu ý.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng nêu một điểm đáng lưu ý là hiện nay công ty CNTT Việt Nam có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài nhiều hơn công ty Nhật Bản đến Việt Nam.
Lan Phương/ictivetnam.vn