Tỷ lệ người dùng IPv6 toàn cầu đang gia tăng gấp đôi hàng năm
(ICTPress) - Hoạt động của IPv6 trên Internet toàn cầu đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Tỷ lệ người dùng IPv6 toàn cầu đang gia tăng gấp đôi hàng năm.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy sử dụng tài nguyên địa chỉ IP/ASN một cách hiệu quả; cập nhật, phổ biến các quy định, chính sách quản lý địa chỉ và thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam, ngày 13/7/2018, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Hội nghị Giao ban thành viên địa chỉ 2018. Hội nghị có sự tham gia của Đại diện của Trung tâm Thông tin mạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNIC) cùng sự tham gia của các thành viên địa chỉ IP tại Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại ba điểm Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị Giao ban thành viên 2018 đã tập trung 3 phần nội dung chính: Cập nhật, chia sẻ quy định, chính sách trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN; Thúc đẩy triển khai thế hệ địa chỉ IPv6 tại Việt Nam và thảo luận các vấn đề trong đăng ký, sử dụng IP/ASN.
Đại diện VNNIC trình bày tổng quan công tác quản lý tài nguyên địa chỉ Internet tại Việt Nam |
Tính đến hết tháng 6/2018, VNNIC có tổng số 346 thành viên địa chỉ. Tổng số địa chỉ Internet và số hiệu mạng của Việt Nam là: 15.929.856 IPv4, 77 khối /32 và 46 khối /48 IPv6, 297 ASN đang được sử dụng trên mạng Internet Việt Nam. Việt Nam hiện đứng thứ 8 khu vực Châu Á, thứ 2 khu vực ASEAN về số lượng IPv4.
Xu thế đăng ký sử dụng tài nguyên IP/ASN tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy ngày càng nhiều các tổ chức đăng ký địa chỉ IP độc lập và số hiệu mạng riêng để kết nối Internet. Điều này đồng nghĩa với việc mạng lưới Internet Việt Nam ngày càng đa dạng, mở rộng. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động mạng lưới và dịch vụ Internet, việc đăng ký, sử dụng địa chỉ IP/ASN tại Việt Nam cần tuân thủ chính sách chung của khu vực đồng thời bắt kịp các xu thế công nghệ toàn cầu.
Bà Anna Mulingbayan, đại diện APNIC chia sẻ về các cập nhật trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN |
Đối với công tác đăng ký, sử dụng địa chỉ IP/ASN, thông qua chương trình Hội nghị, các thành viên địa chỉ Việt Nam được phổ biến để nắm bắt những nội dung cốt lõi trong việc sử dụng tài nguyên. Thành viên địa chỉ cần duy trì thông tin dữ liệu chính xác, khai báo bản ghi định tuyến, khai báo tên miền ngược và xử lý các vấn đề phát sinh trong phạm vi tài nguyên số được cấp để đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của mạng lưới và dịch vụ đang sử dụng các vùng địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN được cấp trên hệ thống Internet.
Đối với vấn đề triển khai địa chỉ Internet IPv6, Hội nghị cập nhật hiện trạng triển khai IPv6 mới nhất của Việt Nam cũng như trong khu vực và trên toàn cầu. Theo báo cáo hiện trạng triển khai IPv6 tại thời điểm 2018, Hiệp hội Internet toàn cầu (ISOC) đánh giá hoạt động của IPv6 trên Internet toàn cầu đã bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Tính đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu đạt khoảng 24%. Tỉ lệ người dùng IPv6 toàn cầu đang gia tăng gấp đôi hàng năm. Dự báo, đến cuối năm 2019, tỷ lệ triển khai IPv6 toàn cầu qua Google đạt xấp xỉ 100%, ứng dụng chung toàn cầu đạt khoảng 50% đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động.
Đón trước xu thế chuyển đổi IPv6 để bảo đảm sự phát triển ổn định, cung cấp dịch vụ Internet với chất lượng cao hơn, triển khai các xu thế công nghệ, dịch vụ gắn liền với công nghiệp 4.0 như IoT, thành phố thông minh, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy và chuẩn bị chuyển đổi IPv6 từ năm 2008 - Bắt đầu từ Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 và Quyết định số 433/QĐ-BTTTT ngày 29/3/2011 Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 1509/QĐ-BTTTT ngày 20/10/2014).
Dưới sự chỉ đạo đúng hướng của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, Việt Nam đã có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 tốt và được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tính đến đầu tháng 6/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 15% đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 4 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia) (nguồn APNIC) với hơn 7.600.000 người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco). Mạng IPv6 quốc gia trên cơ sở Hệ thống máy chủ DNS quốc gia và Hệ thống trung chuyển VNIX quốc gia được duy trì ổn định với 12/17 ISP kết nối VNIX qua IPv6, là nền tảng triển khai IPv6 tại Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn VNPT chia sẻ về kế hoạch triển khai IPv6 |
Hội nghị năm nay, ngoài các nội dung quy định, chính sách về công tác quản lý địa chỉ IP/ASN, điểm nhấn của chương trình năm nay là chủ đề thúc đẩy triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp trước xu thế phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ mới trên Internet như thành phố thông minh, Internet of Things (IoT). Đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp đã trao đổi những chủ đề hấp dẫn xung quanh vấn đề này như “Công nghệ 4.0 và yêu cầu chuyển đổi IPv6 cho thành viên địa chỉ” hay “Thúc đẩy triển khai IPv6 trong khối cơ quan Đảng và Nhà nước” và những điển hình thành công trong việc chuyển đổi IPv6 cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các thành viên địa chỉ cũng đã trao đổi với các Đơn vị quản lý nhà nước và đại diện của các tổ chức quản lý tài nguyên cấp khu vực (APNIC). Đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận từ các thành viên địa chỉ. Qua trao đổi, có thể thấy, so với những năm trước, nhận thức về công tác triển khai IPv6 của thành viên địa chỉ năm nay đã nhiều thay đổi đúng đắn, tích cực. Trong kỷ nguyên nền kinh tế số với Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, IPv6 là xu hướng để đảm bảo kết nối Internet trong tương lai.
Minh Anh