Người thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), ngày 3/6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ và đặc biệt là 700 đại biểu điển hình tiên tiến - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước.

Tại buổi Lễ, ông Trần  Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ TT&TT) đã vinh dự là đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc ngành TT&TT.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ TT&TT) đã vinh dự là đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc ngành TT&TT

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được thành lập ngày 28/4/2000, với chức năng chính là quản lý, phân bổ, giám sát và thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng Internet ở Việt Nam; thông tin hướng dẫn, thống kê về mạng Internet; tham gia các tổ chức quốc tế về Internet và tham gia các hoạt động, hợp tác với các tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến tài nguyên Internet và công nghệ IP; quy hoạch, quản lý, phân bổ địa chỉ Internet, số hiệu mạng ở cấp quốc gia; Quản lý tên miền quốc gia Việt Nam ".vn"; thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống máy chủ tên miền (DNS) quốc gia; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Internet. 

Trong quá trình hoạt động, VNNIC đã đạt được nhiều thành tích trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển, thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên tên miền, địa chỉ Internet tại Việt Nam. VNNIC đã xây dựng, củng cố mở rộng và duy trì hoạt động ổn định hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia không để xảy ra sự cố nào; Duy trì và phát triển mở rộng hoạt động hệ thống Trạm trung chuyển lưu lượng Internet trong nước VNIX đảm bảo tiết kiệm băng thông quốc tế, nâng cao hiệu năng và chất lượng của mạng Internet trong nước; Cấp phát và quản lý tốt hệ thống tên miền, địa chỉ IP, thúc đẩy việc đăng ký sử dụng và chuẩn bị chuyển đổi sang thế hệ địa chỉ mới IPv6 để đảm bảo cho Internet Việt Nam phát triển ổn định; Thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo số liệu Internet tại Việt Nam, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình phát triển Internet tại Việt Nam cho cộng đồng trong nước và quốc tế nhìn nhận, đánh giá, phân tích toàn cảnh về Internet cũng như tình hình phát triển kinh tế của đất nước; Điều chỉnh kịp thời các chính sách quản lý, thúc đẩy sử dụng tài nguyên Internet, từ cấp Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP)… 

Để có được thành công trên của VNNIC có sự đóng góp không nhỏ của Giám đốc Trần Minh Tân nói riêng. Với vai trò người đứng đầu, ông Trần Minh Tân đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ông đã trực tiếp xây dựng, đề xuất các mô hình, chính sách quy trình quản lý, có những điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy việc đăng ký sử dụng tài nguyên Internet, được cộng đồng người sử dụng đón nhận và ủng hộ cao. Việc triển khai, điều chỉnh chính sách quản lý tài nguyên tên miền, địa chỉ Internet giai đoạn 2010 - 2015 được thay đổi cơ bản theo hướng tinh gọn, hiệu quả, vừa đảm bảo được yêu cầu quản lý thông tin người sử dụng theo quy định vừa đồng bộ với mô hình quản lý chung quốc tế. Chuyển đổi mô hình quản lý tên miền Internet đã thay đổi từ quản lý tập trung tại Trung tâm sang mô hình quản lý tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước - nhà đăng ký tên miền “.vn”, thông qua đó, đẩy mạnh xã hội hóa việc đăng ký tên miền, đưa dịch vụ đăng ký sử dụng tên miền quốc gia ".vn" trở thành dịch vụ bình dân, dễ dàng tiếp cận và có tính cạnh tranh cao giữa các nhà đăng ký tên miền ".vn" để người sử dụng được hưởng lợi từ giá cả cho đến chất lượng dịch vụ.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (bên phải) tại Lễ tôn vinh

Đồng thời, đẩy mạnh việc tin học hóa các quy trình quản lý, giải quyết hồ sơ đăng ký, rút ngắn thời gian đăng ký xuống mức trực tuyến, các yêu cầu đăng ký tên miền hợp lệ đều được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện. Việc quản lý cấp phát tên miền triển khai theo mô hình mới đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam về dịch vụ đăng ký tên miền “.vn”, đưa tên miền quốc gia “.vn” thành nguồn tài nguyên phổ biến, phát triển mạnh ra cộng đồng, nâng tổng số tên miền “.vn” sử dụng trên mạng tăng từ con số 100.000 tên miền tại thời điểm tháng 01/2010 lên đến trên 350.000 tên miền ở thời điểm hiện tại, liên tục giữ vững vị trí đứng đầu trong các quốc gia thuộc khối ASEAN và tạo ra thế cân bằng, cạnh tranh cao với tên miền quốc tế. 

Mặt khác, thực hiện chủ trương đẩy mạnh đưa thông tin thuần Việt lên Internet, ông Trần Minh Tân đã chủ trì, chỉ đạo thúc đẩy đăng ký, sử dụng tên miền tiếng Việt ra cộng đồng; hoàn thiện các quy định về mặt pháp lý để tên miền tiếng Việt được chính thức cho phép đăng ký tự do (Thông tư số 189/2010/TT-BTC); chỉ đạo chuẩn bị cơ sở hạ tầng, phần mềm tiếp nhận các yêu cầu đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt, cho đến việc triển khai các hoạt động hợp tác để có các gói sản phẩm cung cấp dịch vụ miễn phí kèm theo cho tên miền tiếng Việt. Qua đó đã thay đổi nhận thức về giá trị của tên miền tiếng Việt và làm bùng nổ nhu cầu đăng ký sử dụng khi được chính thức mở cho đăng ký tự do từ tháng 04/2011. Bởi vậy, số lượng đăng ký tên miền tiếng Việt tăng vượt bậc, từ con số vẻn vẹn có 3.500 tên miền đăng ký trong cả giai đoạn 2007-2010 trước đó, chỉ sau 3 năm (2011-2014) tên miền tiếng Việt đã đạt số lượng 1 triệu tên miền vào tháng 7/2014, vươn lên vị trí đứng đầu các nước trên thế giới về số lượng đăng ký tên miền có dấu tiếng bản địa. Vị thế và uy tín của tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" được nâng cao trên trường quốc tế, thông qua đó mang lại các giá trị nhận dạng thương hiệu cho các chủ thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tên miền ".vn" và thúc đẩy Internet Việt Nam phát triển ổn định.

Song song cùng quá trình vận hành, điều tiết các chính sách quản lý, thúc đẩy sử dụng tên miền, địa chỉ Internet trong nội bộ của Việt Nam, giai đoạn 5 năm qua (2010-2015) cũng có nhiều biến động, tác động từ vận động của xã hội cho đến các thay đổi của tình hình, chính sách quản lý tên miền, địa chỉ Internet quốc tế. Với vai trò là thành viên Ban soạn thảo Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, ông Trần Minh Tân đã chủ trì, đề xuất, tiếp thu hoàn thiện các nội dung về quản lý tài nguyên tên miền, địa chỉ Internet, thúc đẩy sử dụng địa chỉ IPv6 để đưa vào Nghị định số 72/2013/NĐ-CP trình Chính phủ phê chuẩn, ban hành, đồng thời hoàn thiện các chế tài quản lý, xử lý vi phạm đưa vào trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, thúc đẩy phát triển Internet. Cùng với các chính sách định hướng vĩ mô, ông còn chủ trì tổ chức thực hiện việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg) quy định chi tiết về đấu giá, chuyển nhượng tên miền để thực thi trong giai đoạn phát triển mới, đáp ứng các xu thế, yêu cầu quản lý, phát triển của Internet giai đoạn hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh việc xây dựng các chính sách quản lý, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, ông Trần Minh Tân đã triển khai công tác quản lý và điều hành, tổ chức triển khai hiệu quả việc cấp phát, tên miền, địa chỉ Internet tại Việt Nam. Công tác quản lý cấp phát tên miền theo mô hình mới đã được hoàn thiện và có công cụ giám sát chặt chẽ kịp thời đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính đến mức tối đa, có đối soát thường xuyên nhằm hạn chế không để xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện. Các vấn đề phát sinh mới, thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đã được tổ chức nghiên cứu, thực hiện triệt để đảm bảo sự đồng thuận của xã hội... 

Với công tác quản lý cấp phát địa chỉ IP, giai đoạn 2010-2014 và đặc biệt là năm 2015 là giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ khi Việt Nam chính thức kết nối Internet tới nay. Sự cạn kiệt của IPv4 năm 2011 đã đưa các doanh nghiệp Internet của Việt Nam vào tình trạng khó khăn khi mà lượng IPv4 còn lại không đủ cho nhu cầu sử dụng trong khi IPv6 chưa thực sự được triển khai cho các dịch vụ thực tế. Do nhìn nhận, đánh giá đúng về tình hình này nên ngay từ năm 2009, ông Trần Minh Tân đã nghiên cứu, xây dựng báo cáo tham vấn cho lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo định hướng các doanh nghiệp chuẩn bị dự trữ nguồn tài nguyên IPv4 cho kế hoạch dài hạn và nghiên cứu IPv6 để phục vụ cho công tác duy trì mạng lưới, chuyển đổi đồng bộ. Kết quả là Việt Nam hoàn toàn chủ động, không bị rơi vào tình trạng bị xáo trộn do hết IPv4, các hoạt động cung cấp dịch vụ Internet được đảm bảo bình thường, ổn định và tiếp tục phát triển tốt. 

Bên cạnh việc tổ chức hướng dẫn kịp thời công tác thông tin về tình hình cạn kiệt IPv4 giúp các doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị chuyển đổi sang IPv6, giai đoạn này, ông cũng đã chủ trì thực hiện việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, trình Bộ trưởng ký ban hành. Với vai trò là thành viên Thường trực của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, ông đã tổ chức thực hiện các hoạt động và đôn đốc, tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi sang IPv6 đúng theo lộ trình. Ngày 06/5 hàng năm được chọn là "Ngày IPv6 Việt Nam" để làm động lực thúc đẩy quá trình triển khai chuyển đổi IPv6. Đến nay, tiến trình chuyển đổi sang IPv6 của Việt Nam đi đúng hướng và bắt nhịp đồng bộ với lộ trình chung của thế giới. Các hoạt động thử nghiệm, thúc đẩy sử dụng IPv6, hội thảo quốc tế về IPv6 tại Việt Nam và các chủ đề hoạt động khác liên quan đến IPv6 nhân sự kiện "Ngày IPv6 Việt Nam" hàng năm được tổ chức thực hiện tốt. Những kết quả trên đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức quản lý Internet toàn cầu (ICANN), Tổ chức quản lý Internet Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và cơ quan quản lý Internet các nước đánh giá cao. Từ vị thế một quốc gia kết nối Internet muộn, còn phải học hỏi các nước từ những ngày đầu, đến nay nhiều tổ chức quản lý Internet hàng đầu như ICANN, APNIC và các quốc gia mạnh về Internet như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,... đã chủ động đặt vấn đề hợp tác lâu dài và đề xuất ký kết các thỏa thuận phối hợp, hợp tác với Trung tâm Internet Việt Nam.

Đối với công tác thông tin thống kê Internet, được tổ chức thực hiện quy củ, công bố kịp thời số liệu thống kê tình hình phát triển tài nguyên Internet Việt Nam hàng tháng, tạo thành nguồn thông tin quan trọng cho người sử dụng Internet trong và ngoài nước. Triển khai tốt việc phối hợp rà soát, cung cấp các thông tin thống kê, báo cáo về tài nguyên Internet Việt Nam, các ấn phẩm, tài liệu, cẩm nang hướng dẫn sử dụng tài nguyên Internet ra cộng đồng. Phổ biến, thực hiện chính sách, công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tên miền, địa chỉ sau đăng ký đã được chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Xây dựng kế hoạch phối hợp hàng năm với các cơ quan chức năng (Thanh tra Bộ, Thanh tra các Sở TT&TT, Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, cơ quan công an) trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến tên miền, địa chỉ IP và tổ chức triển khai hoàn thành kế hoạch... 

Bên cạnh việc lãnh đạo chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Giám đốc Trần Minh Tân còn tích cực tham gia và chủ trì nhiều công tình khoa học và công bố các công trình khoa học của cá nhân, của Trung tâm hiệu quả. Tổng cộng có 57 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Trung tâm đã được thực hiện và hoàn thành trong các năm 2010-2015. Đồng thời ông đã trực tiếp tham gia và chủ trì thực hiện và hoàn thành tốt các đề tài khoa học cấp Bộ về triển khai áp dụng thế hệ địa chỉ mới IPv6 và xây dựng mô hình chính sách quản lý địa chỉ IPv6 tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu đều gắn liền với công việc thực tế của Trung tâm, áp dụng hiệu quả, đúng định hướng nghiên cứu và phục vụ tốt cho sự phát triển của Trung tâm.

Riêng năm 2015, ông Trần Minh Tân đã chủ trì triển khai thành công các nội dung lớn về hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng Internet quốc gia. Cụ thể đã chủ trì xây dựng, soạn thảo và trình ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet đáp ứng và đón đầu để thực thi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên tên miền, địa chỉ Internet trong tình hình mới, vừa đảm bảo bao quát được các vấn đề phát sinh mới trong nước, vừa đón đầu giải quyết hài hòa, tránh những ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ việc thay đổi chính sách quản lý của Tổ chức quản lý Internet toàn cầu (ICANN) khi tăng cường ảnh hưởng của các loại tên miền cấp cao mới đối với tên miền mã quốc gia của các nước.
 
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo định hướng đúng chính sách quản lý, giải quyết các tranh chấp trong nước với chính sách chung quốc tế, năm 2015, ông đã chủ trì thành công “Hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam tại thời điểm tháng 10/2015”. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Tổ chức trọng tài quốc tế WIPO và Tổ chức quản lý Internet toàn cầu (ICANN) và các cơ quan quản lý, giải quyết tranh chấp tên miền của các quốc gia tiên tiến như Úc, New Zealand,...  đã mang đến cho cộng đồng Internet Việt Nam cái nhìn toàn cảnh về kinh nghiệm giải quyết, xử lý các tranh chấp quốc tế liên quan đến tên miền và là kinh nghiệm tham khảo quý báu để các cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng chính sách giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm liên quan đến tên miền tại Việt Nam… 
 
Ông Trần Minh Tân đã tham gia xây dựng nội dung trình Bộ TT&TT phê chuẩn để trình ban hành Thông tư số 189/2010/TT-BTC ngày 24/11/2010 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia và địa chỉ Internet của Việt Nam; Chủ trì đề tài cấp Bộ về “ Nghiên cứu xây dựng chính sách và giải pháp quản lý tài nguyên địa chỉ Internet (v4, v6) và số hiệu mạng ASN quốc gia”; Tham gia thực hiện đề tài cấp Bộ về "Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn về quy hoạch, quản lý và sử dụng địa chỉ IPv6"; Tham gia thực hiện đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ IPv6 cho hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia .VN trong nước"; Chủ trì xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet…

Ông là Chiến sỹ thi đua Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2008-2010 (năm 2010); Chiến sỹ thi đua Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2010-2012 (năm 2013); Huân chương Lao động hạng 3 cho giai đoạn 2004-2008 (năm 2010); và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT...

 Nguồn: Ngô Đăng Quý/mic.gov.vn

Tin nổi bật