Xuất khẩu Việt Nam: hướng tới sự phát triển tin cậy, nhanh và bền vững

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã tổ chức diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2018 với chủ đề “Hướng tới một nền xuất khẩu nhanh và bền vững”.

Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các DN, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá các cơ hội, triển vọng cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Việt Nam. Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về đổi mới cơ chế hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, đổi mới cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng hỗ trợ tập trung, có trọng tâm trọng điểm ngành hàng. Đồng thời, khuyến nghị các giải pháp hỗ trợ có lộ trình của nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hỗ trợ DN bước đầu củng cố thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường mới, tiến tới DN hoàn toàn chủ động trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Trần Thanh Hải cho rằng, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Có giữ được uy tín, chất lượng thì mới giúp hàng Việt Nam tiếp cận thị trường tốt hơn. Liên quan đến một số vụ việc hàng giả, hàng nhái gây bức xúc dư luận mới đây, ông Hải nhận định, những vụ việc như vậy không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm trong nước mà còn là “cái cớ” để các nước tẩy chay hàng Việt.

“Ngăn chặn các sản phẩm bẩn trong nước cũng chính là cách để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Xúc tiến thương mại không chỉ là vệc tìm kiếm bạn hàng mà chính là việc giữ gìn hình ảnh, chất lượng, uy tín sản phẩm” - Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, xuất khẩu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Bên cạnh đó dự báo tăng trưởng của các đối tác chính của Việt Nam tốt hơn sẽ tác động tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Môi trường đầu tư trong nước đã liên tục được đổi mới trong thời gian qua thông qua việc cải thiện các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh; tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ được đẩy mạnh; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành đã và đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.

Tham luận tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương và đa phương nhằm tiếp tục tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nỗ lực giảm thiểu những rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu; tiếp tục định hướng, tư vấn cho doanh nghiệp mở rộng thị trường…

Trong khuôn khổ diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2018, còn có hai phiên tọa đàm với chủ đề: “Phát triển sản phẩm xuất khẩu mới - nâng cao giá trị xuất khẩu” và “Xây dựng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, giải pháp xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt với ngành nông sản”.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ hoạt động nghiên cứu phát triển xuất khẩu, đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm và đưa ra sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường nước ngoài; chia sẻ về hình thức xúc tiến thương mại cụ thể phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của doanh nghiệp nhằm phát huy khả năng sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy và bền vững. 

Thu Hiền

Tin nổi bật