Các chuyên gia ASEAN bàn thảo xây dựng thành phố thông minh
Các chuyên gia xây dựng chính sách ICT, quốc gia số từ các nước thành viên ASEAN đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về xây dựng chính sách phát triển thành phố thông minh (TPTM) ở ASEAN.
Viện Chiến lược TTTT, Bộ TTTT vừa chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hướng tới xây dựng các TPTM ở các nước thành viên cộng đồng ASEAN. Tham dự Hội thảo kéo dài 1 ngày tại Hà Nội có các chuyên gia cao cấp, các nhà hoạch định chính sách từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Tin học hóa, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Tần số Vô tuyến điện, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TTTT, Tập đoàn VNPT (Việt Nam) và đại diện các cơ quan phụ trách về thúc đẩy số từ các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm: Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Watanabe Eiichi, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết hội thảo là một sự kiện quan trọng để tăng cường hợp tác ASEAN - Nhật Bản, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng TPTM ở từng quốc gia thành viên. TPTM là một thành tố quan trọng trong xây dựng xã hội tương lai. Trên thực tế, nhiều thành phố trên thế giới, châu Á, và Đông Nam Á đang hướng tới xây dựng TPTM. Nhận thức được việc này, Nhật Bản đang tăng cường xây dựng hạ tầng cho TMTM và tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN.
Ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TTTT cho biết TPTM là một nội dung ưu tiên quan trọng trong các ưu tiên của các nước ASEAN trong phát triển hạ tầng ICT đến năm 2020 cũng như hoạt động của ASEAN. Đây cũng là một trong những hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của của ASEAN với Nhật Bản. ASEAN có 10 quốc gia nhưng mức độ xây dựng TPTM khác, theo đó các nước ASEAN cũng hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển TPTM ở mỗi quốc.
Cho biết về tình hình triển khai TPTM tại một số thành phố của Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết TP. HCM đã ban hành quyết định số 4693 ngày 8/9/2016 về thành lập Ban điều hành triển khai dự án “Xây dựng TP. HCM trở thành TPTM. Đề án “Xây dựng thành phố HCM trở thành đô thị thông minh 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được công bố vào ngày 26/11/2017. TP. HCM đã triển khai hệ thống vé thông minh trong vận tải công cộng bằng xe bus. Dự án có kinh phí đầu tư hơn 278 tỷ đồng sẽ được triển khai trong giai đoạn 2017 - 2032…
Tiếp theo là Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 thông qua Chương trình xây dựng một TPTM hơn ở Đà Nẵng. Bình Dương đã ban hành Quyết định 3206/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 về việc xây dựng thành phố Bình Dương trở thành TPTM. Kiên Giang đã ban hành xây dựng Phú Quốc trở thành TPTM trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, dự án xây dựng Phú Quốc trở thành TPTM bao gồm dự án lắp đặt camera theo dõi, Dự án giám sát môi trường, Dự án quản lý dân cư, CPĐT, Y tế, giáo dục, kiểm soát cháy rừng, quản lý du lịch. Các dự án được VNPT triển khai.
Năm 2015, Hà Nội đã đệ trình xây dựng một TPTM hơn với trọng tâm vào chính phủ điện tử (CPĐT), hiệu quả trong quản lý và quản trị, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông thông minh và phát triển nền kinh tế tri thức để đưa Hà Nội tham gia vào các diễn đàn thành phố trên toàn thế giới. Hiện tại, Hà Nội đã thử nghiệm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán việc trông giữ phương tiện thông qua điện thoại di động (iParking) ở hai phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, tiếp tục mở rộng ứng dụng này ở 4 quận khác.
Một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa và Quảng Ninh cũng đã ban hành nghị quyết thông qua dự án xây dựng và phát triển TPTM vào năm 2017. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố đã gửi các công văn đến Bộ TTTT để đánh giá về các chương trình và dự án phát triển TPTM.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng nhìn nhận một số thách thức trong triển khai ở Việt Nam như ngân sách, đầu tư giới hạn cho việc xây dựng TPTM; Khả năng kết nối thông tin giữa các cơ quan trung ương và địa phương còn giới hạn; Hạ tầng CNTT-VT và thiết yếu chưa đồng bộ; Còn thiếu kế hoạch và lộ trình toàn diện để phát triển TPTM; Các nguồn lực CNTT còn giới hạn.
Kinh nghiệm xây dựng TPTM ở Nhật Bản và ASEAN
Cũng tại Hội thảo, ông Shintaro Ikeda, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã giới thiệu việc xây dựng các TPTM ở Nhật Bản thông qua các ứng dụng ICT. Tại Nhật Bản, ngày càng nhiều người dân đổ ra đô thị, dân số đang già hóa (tính hơn 65 tuổi) tăng từ 23% năm 2010 lên 38% vào năm 2050. Nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng và hiệu ứng nhà kính cũng tăng. Theo đó, việc xây dựng các TPTM ở Nhật Bản hướng tới xây dựng các thành phố thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích hợp cho người lớn tuổi.
Từng Bộ, ngành ở Nhật Bản đang làm việc để tiến tới các TPTM theo nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đều cúng hướng tới ba trụ cột quan trọng là “Môi trường”, “Năng lượng” và “ICT”.
Tại Hội thảo, kinh nghiệm xây dựng “Quốc gia thông minh” (Smart Nation) của đại biểu Singapore đã nhận được nhiều sự chú ý. Theo tầm nhìn được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra tại lễ công bố sáng kiến Quốc gia thông minh năm 2014 là: Singapore sẽ trở thành quốc gia thông minh, nơi mọi người có được cuộc sống ý nghĩa và đầy đủ, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, mang lại nhiều cơ hội thú vị cho tất cả mọi người.
Các tiến bộ về công nghệ số đã mở ra các khả năng mới để tăng cường cách thức mọi người dân sinh sống, làm việc, nghỉ ngơi và tương tác. Theo đó, Singapore nỗ lực trở thành một quốc gia thông minh để hỗ trợ cuộc sống tốt hơn, và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người. Và sự “thông minh” không phải là chỉ được đo lường bởi công nghệ tiên tiến mà còn cách thức cả xã hội ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức hiện tại. Công dân là trọng tâm của tầm nhìn quốc gia thông minh không phải là công nghệ. Cũng giống như Nhật Bản, một trong những mục tiêu xây dựng quốc gia thông minh của Singapore cũng một phần để đáp ứng dân số đang già hóa.
Tầm nhìn “Quốc gia thông minh” của Singapore được điều phối bởi Văn phòng quốc gia thông minh và Chính quyền số thuộc Văn phòng Thủ tướng với sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ. Chính phủ có vai trò trong xây dựng chính sách phù hợp, các yếu tố thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy phát triển hạ tầng, các điển hình ứng dụng phù hợp, đánh giá rủi ro.
Quốc gia thông minh Singapore xác định xác định tác động đến 5 lĩnh vực chính: Giao thông, Gia đình và Môi trường, hiệu suất của doanh nghiệp, Y tế và dân số già và các dịch vụ công. Ở các lĩnh vực này, công dân và doanh nghiệp được khuyến khích sáng tạo ra các giải pháp có tác động để giải quyết các thách thức.
Cơ quan thúc đẩy kinh tế số Thái Lan, đại diện cho Thái Lan tại Hội thảo đã chia sẻ về chiến lược 4.0 của Thái Lan gồm Công nghiệp thông minh + TPTM + Con người thông minh (Smart Industry + Smart City + Smart People). Thái Lan xác định xây dựng các TPTM để giải quyết các vấn đề của thành phố, tạo ra thị trường công nghệ số với chiến lược 5 năm, mỗi tỉnh có 1 TPTM, tổng số là có 77 TPTM. Bangkok, Phuket, Chiangmai, Khonkaen… là một số thành phố được ưu tiên triển khai TPTM từ năm đầu của Chiến lược 5 năm.
Đại diện cho Malaysia, Ủy ban Thông tin và Truyền thông Đa phương tiện của Malaysia cho biết về Chương trình quốc gia số thông minh, bao gồm các nhiệm vụ: triển khai băng rộng đến 95% khu vực dân cư, đến tất cả các hộ gia đình ở các thành phố và các khu vực đông dân với tốc độ 100Mbps, 50% các hộ gia đình nông thôn truy cập băng rộng 20Mbps vào năm 2020; Tăng cường hợp tác và thúc đẩy cạnh tranh giữa chính quyền bang và cơ quan địa phương về lập kế hoạch và triển khai hạ tầng số; Tăng cường hạ tầng xây dựng TPTM. Việc sử dụng dữ liệu mở sẽ giúp cho việc hoạch định các TPTM.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Từ các trao đổi tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TTTT nhấn mạnh: Tất cả các bài trình bày và báo cáo của các quốc gia đã đóng góp vào thành công của Hội thảo và là tài liệu để tiếp tục được phân tích và đánh giá. Các ý kiến, kiến nghị tại Hội thảo về thúc đẩy xây dựng TPTM cũng sẽ được tổng hợp gửi tới Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN để tham chiếu.