Những dấu ấn đậm nét của VNPT năm 2017

(ICTPress) - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng vừa thông báo một số kết quả SXKD năm 2017 của Tập đoàn này tại Hội nghị triển khai công tác 2018 sáng nay 26/12/2017. Theo Chủ tịch HĐTV Trần Mạnh Hùng năm 2017 đã khép lại với nhiều dấu ấn đậm nét.

Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng thông báo một số dấu ấn đậm nét của VNPT

VNPT đã tham gia mạnh mẽ và đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-eOffice) được sử dụng tăng gấp 4 lần, phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) tăng gấp 3 lần, cổng thông tin điện tử (VnPortal) tăng 1,2 lần, phần mềm giáo dục tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. VNPT cũng đã chủ động đầu tư trực tiếp nâng cao chất lượng mạng lưới lắp đặt phủ sóng với số lượng trạm BTS lớn nhất từ trước đến nay.

Kết quả SXKD năm 2017 đạt được rất đáng ghi nhận. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2017 tăng 7% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận toàn Tập tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của Tập đoàn đạt mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của Tập đoàn năm 2017 đạt 20,15 triệu đồng/1 tháng.

Cụ thể, theo báo cáo của VNPT, lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 5.010 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và là năm thứ 4 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%; Tổng doanh thu đạt 144.747 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 4.116 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2017 của VNPT đạt 8,2%, vượt 5,1% so với kế hoạch.

Tổng số thuê bao điện thoại của VNPT đạt trên 34 triệu thuê bao, trong đó có 31,1 triệu thuê bao di động; tăng 21% so với năm 2016, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 4,1 triệu thuê bao, tăng 52% so với năm 2016.

Công tác phát triển thuê bao di động đi vào thực chất, VNPT đã triển khai nghiêm túc các nội dung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ; trong năm đã loại bỏ 627.562 SIM do không đủ thông tin; thực hiện chặn 11.618.537 tin nhắn rác.

Theo công bố của Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance, VNPT và VinaPhone đều nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017: VNPT đứng thứ 3 với giá trị 726 triệu USD, VinaPhone đứng thứ 8 với giá trị 314 triệu USD (tăng một bậc và tăng 11% giá trị so với năm 2016).

Hạ tầng mạng lưới không ngừng được mở rộng

Theo VNPT, năm 2017, VNPT đã triển khai phát sóng thêm trên 20.000 trạm di động (2G, 3G, 4G), nâng tổng số trạm toàn mạng lên xấp xỉ 75.000 trạm; tổng băng thông Internet quốc tế tăng hơn 83% so với năm 2016; tổng năng lực caching của VNPT tăng hơn 2,1 lần.

Trong năm 2017, VNPT đã đưa vào khai thác tuyến cáp biển băng thông rộng AAE1 từ tháng 10/2017. Tổng băng thông Internet quốc tế tăng hơn 83% so với năm 2016; tổng năng lực Caching của VNPT tăng hơn 2,1 lần so với năm 2016. Đến hiện tại, chất lượng download/upload mạng băng rộng FTTH của VNPT đã vươn lên vị trí số 1.

Trong năm qua, VNPT đã triển khai phục vụ thông tin liên lạc, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn thông tin cho các sự kiện lớn của đất nước trong năm, đặc biệt là thành tích của Tập đoàn trong phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ TT&TT ghi nhận và khen thưởng.

Công tác an toàn thông tin được đặc biệt quan tâm triển khai. Năm 2017, đã thành lập các bộ phận chuyên trách về ATTT tại Tổng công ty VNPT-Vinaphone và Tổng công ty VNPT-Media. Một số đơn vị thuộc VNPT đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ATTT ISO/IEC 27001:2013. Tập đoàn đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ATTT và được một số UBND tỉnh/TP lựa chọn là đơn vị tư vấn ATTT.

Các sản phẩm CNTT của VNPT được thị trường đón nhận

Với lĩnh vực CNTT, xác định đây sẽ trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn trong giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đã có chiến lược đầu tư mạnh cho lĩnh vực này và đã gặt hái được thành quả trong năm 2017.

Bên cạnh việc, VNPT đã trở thành đối tác chiến lược về viễn thông - CNTT với 52/63 tỉnh/TP. VNPT cũng đã giới thiệu một số giải pháp CNTT khác cho các Bộ Văn hóa Thể thao, Tổng cục Du lịch, Bộ xây dựng, Ban Kinh tế Trung ương; ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM, hợp tác với Hyundai IT cung cấp các giải pháp CNTT cho Bệnh viện Việt Đức 2, Bệnh viện Bạch Mai 2 tại Hà Nam.

Sau một thời gian ra mắt thị trường, nhiều giải pháp CNTT của VNPT đã được đón nhận rộng rãi và được khách hàng đánh giá cao. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai và hiện diện ở 61 tỉnh/TP, trong đó 5 tỉnh/TP đã triển khai 100% đến cấp xã/phường; 14 UBND tỉnh/TP và Bộ Xây dựng đã được kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông Quốc gia. Các sản phẩm liên tục được hoàn thiện để đáp ứng  nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) tăng gấp 4 lần so với năm 2016; Phần mềm Một cửa điện tử (VNPT-iGate) tăng gấp 3 lần so với năm 2016; Cổng thông tin điện tử (vnPortal) tăng gấp 1,2 lần so với năm 2016; phần mềm giáo dục (vnEdu), số lượng sổ liên lạc điện tử tăng gấp đôi so với năm 2016. Đã bổ sung 02 sản phẩm mới: Quản lý lưu trú trực tuyến và Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ Hội đồng Nhân dân các cấp vào bộ Giải pháp Chính quyền điện tử.

Trong năm, Tập đoàn VNPT cũng đã đưa vào cung cấp nhiều giải pháp, dịch vụ CNTT mới như Giải pháp quản trị doanh nghiệp (VNPT ERP), Giải pháp quản lý kênh phân phối, điểm bán hàng (VNPT DMS-POS), Giải pháp giám sát và điều khiển hình ảnh từ xa (VNPT CAM), Dịch vụ truyền hình hội nghị trên nền tảng điện toán đám mây (VNPT Meeting), Giải pháp xác thực nguồn gốc hàng hóa (VNPT Check), Giải pháp quảng cáo thông minh (VNPT SmartAds), Dịch vụ lưu trữ (Smart Cloud) và Dịch vụ bảo mật (F-Secure SAFE).

Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ cao do chính VNPT phát triển

Năm 2017, tiếp tục thực hiện mục tiêu làm chủ phần thiết bị đầu cuối khách hàng, chủ động đảm bảo an toàn, an ninh mạng trên hệ thống, mảng sản xuất công nghệ công nghiệp tiếp tục được VNPT đẩy mạnh đầu tư và phát triển. Trong năm 2017, đã sản xuất trên 2,1 triệu sản phẩm, trong đó có 1,5 triệu ONT và nhiều sản phẩm mới trong các lĩnh vực IoT, LTE, cảm biến,…

Tổng sản lượng cáp quang sản xuất phục vụ nhu cầu phát triển mạng lưới đạt 52.066 km. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa, dịch vụ của VNPT sử dụng trên mạng, không phải nhập khẩu là 8.744 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016.

Tổng doanh thu xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Cuba, Myanmar, Hàn Quốc, Phillipines đạt 335 tỷ đồng. VNPT đã thành lập công ty liên doanh Stream Net kinh doanh mạng băng rộng và dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Việc mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các Hiệp hội, các tổ chức quốc tế đã góp phần đưa VNPT tiếp cận với các giải pháp CNTT tiên tiến trên thế giới, phục vụ trực tiếp cho hoạt động SXKD của VNPT cũng như mở ra những thị trường mới trong năm 2018.

HM

Tin nổi bật