Sẽ ban hành Danh mục các dịch vụ CNTT khuyến khích các CQNN thuê

(ICTPerss) - Bộ TT&TT sẽ lấy ý kiến các cơ Bộ, ngành về danh mục dịch vụ thuê dịch vụ CNTT và các tiêu chí kỹ thuật liên quan để khuyến khích cơ quan nhà nước (CQNN) thuê.

Nhiều cơ quan Nhà nước tính đến giải pháp đi thuê dịch vụ CNTT thay vì tự đầu tư. (Ảnh: Internet)

Đại diện các cơ quan chuyên trách CNTT thuộc các cơ quan, Bộ ngành Trung ương đã nhất trí nên ban hành danh mục các dịch vụ CNTT khuyến khích cơ quan nhà nước (CQNN) thuê tại buổi Tọa đàm về Danh mục Dịch vụ CNTT phục vụ CQNN triển khai thuê dịch vụ CNTT cuối tuần qua.

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Bộ TT&TT cho biết, để triển khai Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai việc thuê dịch vụ CNTT trong CQNN. Bộ hiện đang xây dựng danh mục dịch vụ CNTT sẵn có phục vụ CQNN.

Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội và doanh nghiệp CNTT đề nghị tổng hợp danh sách các dịch vụ CNTT sẵn sàng cho thuê kèm theo giá thuê dự kiến và đề nghị các doanh nghiệp chủ động, sớm công bố công khai giá thuê, cũng như chất lượng hoạt động, dịch vụ CNTT.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, tính đến tháng 3/2017, Bộ TT&TT đã nhận được ý kiến của 10/22 Bộ, 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời đã trực tiếp trao đổi với một số Bộ, ngành như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế để lấy ý kiến về danh mục này.

Sau khi phân tích tổng hợp các dịch vụ CNTT do các hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất, Bộ TT&TT nhận thấy, hầu hết doanh nghiệp CNTT chưa sẵn sàng công khai dịch vụ sẵn sàng cho thuê và giá thuê dự kiến kèm theo, kể cả những tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, CMC, FPT…. Do vậy, việc xây dựng danh mục hoạt động dịch vụ CNTT thông dụng trên thị trường tại thời điểm hiện tại chưa khả thi, ông Nguyễn Thanh Tuyên nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên đề xuất, trước mắt, Bộ TT&TT chỉ nên ban hành Danh mục một số hoạt động, dịch vụ sẵn có trên thị trường. Danh mục này nhằm tới mục tiêu tổng hợp dịch vụ CNTT do các hội, hiệp hội, doanh nghiệp CNTT cung cấp và ý kiến góp ý của các CQNN; Chi tiết hóa danh mục một số hoạt động, dịch vụ CNTT theo Điều 2, Quyết định 80/2014/QĐ-TTg; Tổng hợp các khuyến nghị về yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ccần đáp ứng đối với một số hoạt động, dịch vụ CNTT đã được các CQNN ban hành.

Danh mục một số hoạt động, dịch vụ sẵn có trên thị trường góp phần  xây dựng danh mục dịch vụ thông dụng, sẵn có trên thị trường, giúp các CQNN tham khảo khi xây dựng, lựa chọn, đề xuất kế hoạch, dự án thuê dịch vụ CNTT. 

Nguyên tắc xác định dịch vụ CNTT thông dụng do Bộ TT&TT đề xuất bao gồm: Dịch vụ đã được cung cấp bởi ít nhất 3 doanh nghiệp; Có đầy đủ thông tin về dịch vụ được cung cấp trên mạng Internet; Có công bố điều khoản cam kết chất lượng dịch vụ; Công bố danh sách các khách hàng đã sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Ông Tuyên cũng cho biết, trong thời gian vừa qua triển khai Quyết định 80, nhiều Bộ ngành, một số đơn vị đã bắt đầu triển khai được như Bộ Y tế triển khai với dịch vụ công trực tuyến quản lý trang thiết bị, công trình y tế, Bệnh viện huyết học, Bảo hiểm Xã hội, TP. Hà Nội triển khai được nhờ vận dụng quy định trong Quyết định 80. Tuy nhiên qua triển khai cũng thấy một số khó khăn, nhất là khâu lập dự toán và thẩm định dự toán. Một số dịch vụ hosting, đường truyền thì tương đối dễ, đã thực hiện thậm chí trước khi có Quyết định 80… nhưng các dịch vụ khác là khá khó khăn như một số dịch vụ mà các Bộ, ban ngành yêu cầu về kỹ thuật, phi chức năng thì chưa có văn bản nào.

Tại buổi Tọa đàm, nhiều đại diện chuyên trách CNTT đến từ các Bộ, ngành đã nêu một số khó khăn, theo đó cần phải làm rõ khái niệm thuê dịch vụ CNTT. Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT cho rằng dịch vụ CNTT là dịch vụ đặc thù nên việc thuê dịch vụ CNTT không thể giống việc thuê xe ô tô hay thuê bàn ghế, dùng xong trả lại. Khi doanh nghiệp cho thuê dịch vụ CNTT, họ đều phải sửa đổi (customize) cho phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.

Còn ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhận định, hiện nay số lượng CQNN thuê dịch vụ CNTT chưa nhiều. Theo đó, Bộ TT&TT cần có định hướng khung về nội hàm trong Hợp đồng thuê dịch vụ CNTT, đề cập đến những vấn đề như: Sau khi kết thúc hợp đồng, dữ liệu được trao trả lại cho CQNN như thế nào, việc đảm bảo ATTT cho dữ liệu trong và sau hợp đồng ra sao, quyền lợi của doanh nghiệp thế nào. 

Đại diện cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành đều bày tỏ trăn trở, mặc dù Quyết định 80/2014/QĐ-TTg đã ban hành được một thời gian nhưng số lượng các Bộ, ngành thuê dịch vụ CNTT vẫn còn rất hạn chế. Đa phần các dịch vụ CNTT các Bộ, ngành muốn thuê đều mang tính đặc thù, ví dụ phần mềm tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần mềm quản lý bệnh viện của ngành y tế, các dịch vụ về hộ chiếu, quốc tịch, hộ tịch của Bộ Ngoại giao…

Đại diện Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế trong những năm gần đây đã triển khai mạnh ứng dụng CNTT. Với 20 đơn vị, 1.000 bệnh viên, 12.000 trạm y tế xã, đến nay ngành y tế đã kết nối được 94% cơ sở y tế. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo phải kết nối toàn bộ các cơ sở y tế, không để chừa một cơ sở nào.

Đại diện của Bộ Ngoại giao cũng cho biết nhu cầu dịch vụ CNTT, trang thiết bị cũng rất lớn, mong muốn sớm có hướng dẫn để triển khai Quyết định 80. Về cơ bản các dịch vụ CNTT, đối với Bộ Ngoại giao đa phần là dịch vụ “may đo” như quốc tịch, hộ tịch, hộ chiếu, xuất nhập cảnh… thực tế trên thị trường chưa có doanh nghiệp làm theo đơn đặt hàng. Lâu nay, Bộ Ngoại giao cũng đều phải đi thuê mua của DN, tự làm rất ít. 

Theo đó, đại diện của Bộ Ngoại giao cho biết rất cần sự hướng dẫn cụ thể để triển khai Quyết định 80 có hiệu quả.

Tổng kết tọa đàm, ông Nguyễn Quang Tuyên cho biết, ngay sau Tọa đàm này, Bộ TT&TT sẽ gửi công văn đến các Bộ, ngành lấy ý kiến về danh sách các dịch vụ thuê CNTT và các tiêu chí kỹ thuật liên quan, theo đó, các cơ quan chuyên trách sớm gửi các ý kiến đóng góp sớm sau để hoàn thành xây dựng Danh mục các dịch vụ CNTT  khuyến khích các CQNN thuê. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ có thể ban hành Danh mục này trong tháng 4.

HM

Tin nổi bật