Phó TT Vũ Đức Đam: Cần tạo phong trào thi đua về thuê dịch vụ CNTT

(ICTPress) - Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam cho biết phải làm cho nhanh lên, cần chạy đua nhưng tốc độ là phải đạt tới mục đích không phải tốc độ của từng công đoạn - hãy đặt tiến độ, tốc độ vào việc thuê dịch vụ CNTT, từng bước một phải thật bài bản, chắc chắn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”  được Hiệp hội Phần mềm VINASA tổ chức hôm nay 25/6 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn ICT Summit 2015

Phó Thủ tướng cho biết vẫn chưa có những bước tiến thật sự cần thiết như mong đợi trong thuê ngoài dịch vụ CNTT. Để làm được việc này Chính phủ đã bàn với Bộ TT&TT là căn cứ vào công bố của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử (CPĐT), căn cứ vào những dịch vụ công hiện nay có tới 104.000 dịch vụ công, phải đề ra một quy định nhà nước bắt buộc đối với cơ quan nhà nước, các cấp về lộ trình cung cấp dịch vụ công, và cùng với xã hội để trở thành một phong trào thi đua về thuê dịch vụ CNTT như chúng ta đã làm với việc thay đổi môi trường kinh doanh. Một khi được đòi hỏi cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4 cùng với cơ chế cho thuê dịch vụ thì bài toán được giải quyết. Không chỉ CQNN mà ngay cả cộng đồng CNTT phải thay đổi tư duy.

Theo thống kê, CNTT trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam đứng trong top 5  nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới. Trong lĩnh vực thuê ngoài, Việt Nam còn đứng đầu thế giới – chưa kể một loạt hiện tượng những cá nhân, doanh nghiệp trẻ, các startup mới không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài, có những sản phẩm cả thế giới thừa nhận. Trong niềm vui ấy vẫn có sự thôi thúc rằng phải chăng cộng đồng CNTT có thể làm tốt hơn, Phó Thủ tướng cho biết.

Một trong những con số được công bố khiến cộng đồng CNTT quan tâm là bảng xếp hạng CPĐT của Liên hợp quốc Phó Thủ tướng nêu là số liệu thống kê là từ giữa 2013 trở về trước và công bố vào 2014 – thứ hạng của Việt Nam tụt 19 bậc, đứng thứ 99. Bên cạnh những những giải thích xác đáng do chỉ số thống kê thay đổi tiêu chí và Việt Nam “siết” quản lý thuê bao (từ 200 triệu xuống còn khoảng 130 triệu) nên chỉ số tụt xuống, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta không thể quên rằng chỉ số dịch vụ công trực tuyến giảm - chính phủ, các bộ ngành, các cấp không thể hài lòng.

Việt Nam có trên 104.000 dịch vụ công - dịch vụ công cấp 1 cấp 2 lần lượt là 101, và 809 dịch vụ, cấp độ 3 là 2.300, cấp độ 4 là 111 dịch vụ. Trong khi đó Thủ tướng có một quyết định từ năm 2010 để thực hiện chiến lược CNTT, trong đó quy định chỉ từ năm 2010 để thực hiện chương trình chiến lược về CNTT là quy định - chỉ có hơn 200 dịch vụ cấp độ 3, thực tế đã có 2300 dịch vụ. Mà hiện nay chúng ta cũng chưa có quy định số lượng là bao nhiêu. Liên hợp quốc cũng như Việt Nam đến nay chỉ có số liệu về dịch vụ công đến cuối năm 2013. Từ đó có thể thấy, hành chính còn rất chậm, Phó Thủ tướng nêu.

Để thực hiện cung cấp dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng cho biết người làm CNTT, doanh nghiệp CNTT phải thay đổi, không “ăn xổi ở thì”, đi vào cung cấp dịch vụ nào thì phải theo đuổi, không phải mời thầu mới làm, mà căn cứ dịch vụ gì mà có thể cung cấp thì phải chủ động mời, nói với CQNN là làm được, đi trước vào dịch vụ mà nhà nước có thể, thanh toán lại dịch vụ mà nhà nước không phải đầu tư thêm.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của CNTT, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết sẽ cùng các cơ quan, tổ chức, các hiệp hội có liên quan trong đó có sự đóng góp của VINASA, sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm triển khai thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ông Trương Gia Binh, Chủ tịch Vinasa phát biểu khai mạc Diễn đàn cho biết nhìn lại 4 kỳ diễn đàn vừa qua, chúng ta vui mừng và lạc quan với những bước tiến nhanh chóng của đất nước về phát triển và ứng dụng CNTT trên tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Chúng ta đã có các kỳ diễn đàn với những chủ đề “CNTT với tương lai phát triển đất nước” “CNTT – Hạ tầng của hạ tầng”; “CNTT – phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia” và “CNTT- Phương thức phát triển mới kinh tế xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”. Và sau các Diễn đàn, chúng ta đã được vui mừng chào đón các quyết sách quan trọng của Đảng, Chính phủ để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi ngành, mọi cấp như Nghị quyết 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh; Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT, nhiều dự án lớn về ứng dụng CNTT đã và đang tích cực được triển khai, bước đầu đem lại sự tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp… Ngành CNTT Việt Nam cũng đạt được những bước phát triển phấn khởi. Việt Nam đã được xếp vị trí số 1 thế giới về dịch vụ phần mềm thuê ngoài; Việt Nam đã trở thành điểm hấp dẫn nhất thế giới về thu hút đầu tư CNTT.

Với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, Vietnam ICT Summit 2015  có 4 phiên tọa đàm sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp đề ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội: như dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.

HM

Tin nổi bật