“Hồ sơ Panama”: Thời đại của báo chí xuyên biên giới đã đến
Vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” xuất phát từ tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung đã mở ra một cơ hội đưa hợp tác điều tra lên tầm cao mới.
Vụ ‘Hồ sơ Panama’ đưa hợp tác điều tra lên tầm cao mới. (Nguồn: dw.com) |
Tổng biên tập Wolfgang Krach của Suddeutsche Zeitung vừa chia sẻ thêm về những tài liệu mà tòa báo đã nhận được hồi đầu năm 2015, cùng quyết định hợp tác điều tra với Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).
Từ “Hồ sơ Panama” gồm 11,5 triệu tài liệu nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, có thể thấy rằng cuộc điều tra này là chưa hề có tiền lệ.
2,6 terabyte dữ liệu trong suốt 40 năm hoạt động của hãng luật kể trên lớn hơn gấp vài lần tổng số lượng thông tin được Wikileak tiết lộ năm 2012, số tài liệu tình báo mà Edward Snowden công bố năm 2013, hồ sơ thuế Luxembourg năm 2014 và hồ sơ HSBC năm ngoái.
“Chỉ riêng số lượng dữ liệu và thông tin cũng đã là một con số khổng lồ. Ngay từ tài liệu đầu tiên, chung tôi đã thấy sự dính líu của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi biết rằng vụ điều tra này không phải là việc chúng tôi có thể tự làm một mình,” Krach chia sẻ.
Suddeutsche Zeitung đã quyết định chia sẻ số dữ liệu này với Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Tổ chức này sau đó đã xây dựng cơ sở dữ liệu và tập hợp một đội ngũ toàn cầu gần 400 nhà báo từ hơn 100 hãng tin và tòa soạn thuộc 80 quốc gia tham gia điều tra.
Đây không phải lần đầu ICIJ tổ chức một cuộc điều tra hợp tác quốc tế – đầu năm 2013, tổ chức này đã bắt đầu xây dựng các nhóm phóng viên quốc tế điều tra hoạt động ngân hàng hải ngoại, tham nhũng chính phủ và trốn thuế.
Tuy nhiên, với quy mô của Hồ sơ Panama, đây là đội ngũ nhà báo lớn nhất tham gia điều tra.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao không tờ báo lớn nào ở Mỹ đưa vụ “Hồ sơ Panama” lên trang nhất hôm thứ Hai vừa rồi. Một số ý kiến cho rằng các tờ báo Mỹ không được mời cộng tác vì họ không có tinh thần làm việc nhóm, hoặc do ICIJ không có đủ kinh phí mời các hãng truyền thông Mỹ tham gia.
Do mức độ nhạy cảm của dữ liệu, đội điều tra của ICIJ đã tiến hành nhiều biện pháp an ninh dự phòng ở mức tối đa, và các nhà báo liên lạc với nhau qua các kênh được mã hóa. Toàn đội ngũ chỉ gặp nhau 2 lần – một lần ở Washington D.C. và một lần ở Munich – để thảo luận kết quả điều tra và lên lịch trình đăng tin bài.
“Chúng tôi đã làm mọi điều trong khả năng để giữ bí mật, và thật tuyệt khi có thể nói rằng chẳng có sự rò rỉ thông tin nảo xảy ra trong đội ngũ 400 người này. Trước đây chưa từng có cuộc điều tra báo chí nào đạt tới quy mô này, và chuyện này thật đáng kinh ngạc! Đây là lần hợp tác hiệu quả nhất từ trước đến giờ,” Krach chia sẻ.
Trong tương lai, Krach tin tưởng rằng thế giới sẽ chứng kiến các cuộc hợp tác điều tra ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực báo chí dữ liệu.
“Tôi không chắc chúng ta có một tổ chức truyền thông có khả năng tiến hành những công việc và nghiên cứu xuyên biên giới liên quan đến hàng nghìn con người, hàng nghìn công ty như thế này chưa. Nhưng tôi khá chắc rằng đây là một cú nổ lớn khởi đầu cho một hình thức báo chí xuyên biên giới mới”.
Nguồn: Vietnamplus