Giám khảo nói gì về 4 bức thư hay nhất cuộc thi viết thư UPU 43

(ICTPress) - Ban tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014 tại Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao giải cuộc thi.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43 của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức.

Tại Lễ trao giải cuộc thi, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Vũ Quang Vinh đã thay mặt Ban giám khảo đánh giá chất lượng của cuộc thi.

Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong, Phó Trưởng Ban giám khảo cuộc thi Vũ Quang Vinh nhận xét về cuộc thi

Ban giám khảo của cuộc thi năm nay đã đánh giá chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay là chủ đề hay, hấp dẫn nhưng tương đối khó đối với sự cảm thụ của trẻ em Việt Nam vì các em chưa được tiếp cận nhiều với âm nhạc. Tuy nhiên, nhờ việc hội nhập, giao thoa văn hóa ngày càng phát triển, nên đời sống âm nhạc của lớp trẻ ngày càng phong phú. Không chỉ yêu thích, say mê các bản nhạc, ban nhạc các em còn tìm được những “thần tượng” của mình.

Ban tổ chức cuộc thi năm nay cho biết đã nhận được 1.324.212 bức thư gửi về, một con số kỷ lục trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU từ trước tới nay.

Hai cái “khó” của cuộc thi năm nay

Tuy nhiên, đề tài về âm nhạc có hai cái khó. Khó thứ nhất là bức thư. Đây là một thể loại văn học rất là khó, mặc dù ai cũng đã dùng đến như viết thư bằng tin nhắn, viết thư qua email, bằng giấy, nhưng để thành thạo một bức thư mà không phải em nào cũng thể được.

“Khó” thứ 2 là khó khi viết về âm nhạc. Âm nhạc tất cả chúng ta đều biết, các nước châu Âu có câu phương ngữ “Cuộc sống không có âm nhạc giống như mặt trời không có nắng, giống như dòng sông không có nước”. Như vậy để chúng ta thấy rằng âm nhạc có một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống, đặc biệt trong đời sống tình cảm của mỗi con người. Tuy nhiên, để cảm thụ được âm nhạc là một việc khó, diễn tả cái sự cảm thụ của mình, chia sẻ sự cảm thụ của mình đối với mọi con người và thông qua một bức thư lại càng khó hơn.

Chính vì vậy chúng ta đã nhận được 1.324.212 triệu bài nhưng những bài thư có chất lượng không quá nhiều. Các em đều có thể nêu được những vai trò, tác dụng to lớn của âm nhạc trong đời sống nhưng chủ yếu các em nhắc lại những điều Ban Tổ chức, Ban giám khảo đã gợi ý cho các em còn những việc sáng tạo để có những bức thư hay rất là ít. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, các em dự thi của chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc thể hiện bức thư để diễn tả sự lay động của âm nhạc trong đời sống con người. Các em đã gửi thư rất nhiều cho các đại diện, từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban- Kimun, Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin cho tới các nhân vật siêu nhiên, như là những vị thần âm nhạc, trên trời. Các em cũng hóa thân thành các sự vật, con vật để các em diễn tả vai trò của âm nhạc trong cuộc sống. Trong một số bức thư các em đã thể hiện sự tìm tòi khám phá của mình.

Ban giám khảo đã chấm rất công phu. Để vào chung kết các em phải trải qua 5 vòng chấm thi. Đến vòng chung khảo còn 50 bài hay nhất. Ban giám khảo đã dọc phách bằng hình thức đánh máy lại 50 bài và bỏ địa chỉ của các em để chấm thi khách quan và công bằng nhất. Ban giám khảo đã chọn được 42 bài hay nhất để trao giải: 1 Giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 Giải Khuyến khích và 3 giải phụ đặc biệt được trao cho các em đã có bức thư vào chung khảo cuộc thi: Y Hạnh, dân tộc Sê Đăng, học sinh lớp 8A, trường Dân tộc Nội trú Ngọc Yêu, Huyện Tubrong, tỉnh KonTum; Đào Duy Khánh, học sinh khuyết tật khiếm thị lớp 5A4, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Minh Hạnh, học sinh lớp 5, trường Quang Phục, Huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương sinh ngày 25/10/2003, học sinh nhỏ tuổi nhất, chưa tròn 11 tuổi.

30 học sinh được trao giải Ba của cuộc thi
Đào Duy Khánh và Nguyễn Minh Hạnh là các em học sinh khuyết tật và nhỏ tuổi nhất đã có bức thư dự thi lọt vào Chung khảo

Về những bức thư đạt giải Ba, giải Khuyến khích là những bức thư đã có những cố gắng chọn đối tượng dự thi thể hiện chủ đề âm nhạc gắn bó và tác động tới đời sống con người.

4 bức thư đạt điểm cao nhất của cuộc thi

Bức thư thứ nhất của em Phạm Thùy Linh, học sinh lớp 8B trường Tô THCS Tô Hoàng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gửi cho bố đang làm chiến sĩ tại Quần đảo Trường Sa, đạt giải Nhì cuộc thi. Bức thư của em kể lại những tình cảm của các em thiếu nhi đối với các anh bộ đội đang làm nhiệm vụ ở ngoài đảo Trường Sa. Qua lời kể của ba, các chiến sĩ trường sa sau những giờ tập luyện, trực chiến rất vất vả thì ngồi quây quần bên nhau để ca hát và em khẳng định rằng âm nhạc là một chất keo đặc biệt để gắn kết những người lính trẻ từ rất nhiều vùng miền khác nhau trở thành một khối thống nhất với sự chia sẻ, đồng cảm và đặc biệt với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bức thư đạt 16,40 điểm

Bức thư thứ hai của em Nguyễn Thị Phương Ngọc, học sinh 10 văn trường chuyên Long An, đạt giải Nhì cuộc thi. Em đã hóa thân thành sứ giả của Thượng Đế. Em đã biến thành một con chim và bay đi khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu và thực hiện sứ mệnh mà Thượng Đế trao cho là hãy tìm một thế giới cao đẹp nhất trong tâm hồn con người. Em đã đi rất nhiều nước trên thế giới và chứng kiến sự tác động của âm nhạc đối với đời sống con người. Ví dụ, ở một nước em nhìn thấy một em bé đang ngồi cạnh giường bệnh có người cha đang ốm rất nặng và một thanh niên bước vào hỏi làm sao em buồn như vậy. Và em trả lời cha của mình sắp mất mà không thể nào nhắm được mắt vì ông đang nhớ tới hình ảnh người vợ, người mẹ của em bé đã mất nên không nhắm mắt được. Người thanh niên liền ngồi vào cây đàn dương cầm và đánh một bản nhạc. Và khi bản nhạc kết thúc, ông đã rất tươi cười và nhắm mắt một cách thanh thản. Điều này cho thấy âm nhạc có một vai trò quan trọng. Bức thư đạt 16,50 điểm.

Ông Vũ Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện và ông Vũ Quang Vinh, Phó trưởng Ban giám khảo trao các giải Nhì cho các em Phạm Thùy Linh, Nguyễn Thị Phương Ngọc, Nguyễn Phương Thảo

Bức thư thứ ba là của em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 6/4, trường THCS Lý Thường Kiệt Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đạt giải Nhì cuộc thi. Em Nguyễn Phương Thảo hóa thân thành 1 trong những hoàng tử của 18 nước chư hầu viết một bức thư cho Thạch Sanh. Trong chuyện cổ tích Thạch Sanh, 18 nước Chư Hầu mang quân vây đánh nước Đại Việt thì chính Thạch Sanh mang cây đàn của mình ra đánh lúc êm ái, du dương, cao vút, lúc não nề. 18 nước chư hầu nghe tiếng đàn của Thạch Sanh đã nghe tiếng đàn và rơi vũ khí. Nước Đại Việt trưởng thành cũng là nhờ vào tiếng đàn. Đây là một bức thư hay. Bức thư đạt 16,65 điểm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM Lê Quốc Phong trao Giải Nhất cho em Phạm Phương Thảo

Bức thư của em Phạm Phương Thảo, Bức thư em đã hóa thân thành cây đàn violon để viết thư gửi cho bà chủ của ngôi nhà mà nơi em đang sống. Bà chủ có một đứa con bị mù từ nhỏ, sống đơn côi, không thiết một cái gì nữa nhưng mà nhờ có cây đàn violon, tiếng nói của âm nhạc mà em này đã thay đổi hẳn về bản chất, mục đích sống và mơ ước trở thành diễn viên có ngày biểu diễn trên sân khấu để mọi người thưởng thức âm nhạc của mình. Duy chỉ có một điều ông chồng của bà chủ nhà đã bỏ bà ra đi theo một cô chơi violon và rất căm ghét cây đàn violon. Mỗi lần nhìn thấy bà đập và vất cây đàn vào góc nhà. Những khi mẹ ra khỏi nhà là em ôm cây đàn chơi một cách tha thiết. Bức thư đạt 16,95 điểm. Đây là một bức thư viết rất cảm động và tầm của thế giới.

Nguyễn Dung (ghi)

Tin nổi bật