5 hành động thiết thực Bộ TT&TT đang hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS

Trên cơ sở chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí, trong năm vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm giúp các cơ quan báo chí tiếp cận với các giải pháp CĐS.

Bộ TT&TT là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí truyền thông. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ về chiến lược CĐS báo chí tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trình bày tham luận tại Hội thảo báo chí quốc tế Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, cho biết trên cơ sở chiến lược CĐS báo chí, trong năm vừa qua Bộ TT&TT đã có nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm giúp các cơ quan báo chí tiếp cận với các giải pháp CĐS.

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT.

Thứ nhất, Bộ TT&TT đã xây dựng bản đồ công nghệ số trong lĩnh vực báo chí. Nhiều chuyên gia của ASEAN và các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tham gia lựa chọn và đưa ra bản đồ này, giúp các cơ quan báo chí đánh giá xem hiện nay mức độ áp dụng công nghệ CĐS của mình đang đâu, trong những năm tới những công nghệ nào sẽ là những công nghệ được ứng dụng trong công tác làm báo hiện đại. Từ đó, các cơ quan báo chí có sự chuẩn bị đầu tư và lựa chọn chiến lược phát triển.

Thứ hai là bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành, CĐS báo chí với 5 trụ cột và 41 tiêu chí.

Các cơ quan báo chí đã được tập huấn, cung cấp phần mềm để đánh giá các nội dung, tiêu chí mà mình đã thực hiện.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ chỉ số này sẽ được công bố cuối tháng 12 năm nay và sẽ đánh giá các cơ quan báo chí của Việt Nam đang ở mức độ nào của hành trình CĐS báo chí. Hội đồng chuyên gia sẽ đánh giá, thẩm định.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết 12 giờ trưa ngày 7/12/2023 sẽ kết thúc vòng một đánh giá thẩm định, sau đó các cơ quan báo chí sẽ rà soát và xem mình có thể bổ sung thêm những kết quả, minh chứng CĐS nào.

Hội đồng thẩm định sẽ tiếp tục thẩm định lần hai và sau đó công bố kết quả. “Đây là một sản phẩm lần đầu tiên chúng tôi áp dụng để giúp đánh giá lại thực trạng CĐS báo chí tại Việt Nam cũng như giúp các cơ quan báo chí đánh giá xem mình đang đứng ở đâu và cần phải tiếp tục chuẩn bị những gì để CĐS thành công”, bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết.

Thứ ba là đề tài nghiên cứu hub media để giúp các cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

Bộ TT&TT đã nghiên cứu và đã để 44 cơ quan báo chí tham gia ứng dụng với đầy đủ tính năng để thử nghiệm, giúp cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền, đo quét các hành vi vi phạm bản quyền.

"Bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số là một vấn đề trăn trở của các cơ quan báo chí", bà Đặng Thị Phương Thảo cho hay.

Thứ tư là giải quyết vấn đề nguồn nhân lực.

Bộ TT&TT đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, các trung tâm, học viện và đặc biệt là phối hợp với Google khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam trong năm qua đã tổ chức rất nhiều các khóa tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về CĐS, về kinh tế báo chí trên môi trường số, về ứng dụng công nghệ AI trong, viết tin, bài và sản xuất nội dung tin, bài; sử dụng các công nghệ để có các sản phẩm media tốt hơn, giúp cơ quan báo chí trong việc thực hiện CĐS.

Cách đây một tuần, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã làm việc với Google ở khu vực Đông Nam Á và đại diện Google tại Việt Nam”, lãnh đạo Cục Báo chí cho biết. Các tổ chức cam kết tiếp tục hợp tác và sẽ lựa chọn một số cơ quan báo chí có tiềm năng và có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc CĐS để Google tiếp tục hỗ trợ.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí tham quan phần trưng bay chuyên đề tại Hội thảo

Thứ năm chính là điều các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí đã trao đổi rất nhiều, đó là việc làm, kinh tế báo chí trên môi trường số.

Trong năm qua, Bộ TT&TT đã tạo ra “whitelist” và “blacklist”. Theo đó, những trang thông tin, những kênh hoặc trang mạng xã hội uy tín sẽ được xếp trong whitelist, và những trang bị cảnh báo sẽ thuộc nhóm blacklist, nhằm “nắn” dòng kinh tế báo chí, hướng các nhãn hàng đầu tư quảng cáo vào các trang được Bộ TT&TT chứng thực có bạn đọc, hoạt động lành mạnh./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Tin nổi bật