Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Andrew Viterbi - cha đẻ của thuật toán Viterbi

Andrew Viterbi, người phát minh thuật toán giải mã được sử dụng hầu hết trong các hệ thống thông tin trên các con tàu vũ trụ, tên lửa dẫn đường và các hệ thống thông tin di động (TTDĐ) tế bào, đồng sáng lập nhiều công ty viễn thông  như Linkabit, Qualcomm.

Nhưng ít ai biết được ông đã phải chạy trốn khỏi Bergamo, Italia cùng cha mẹ khi mới hơn 4 tuổi để sang định cư ở Mỹ với đôi bàn tay trắng năm ngày trước khi xảy ra thế chiến thứ 2. Những thành công ở các cương vị khác nhau kỹ sư thiết kế hệ thống, nhà kinh doanh, con đường khoa học với ông tất cả đều gói gọn trong bốn chữ “Đúng nơi đúng lúc”.

Andrew Viterbi (trái) trong lễ nhận giải thưởng IEEE/RSE Wolfson/James Clark Maxwell 2007 cho những đóng góp, phát minh và sự lãnh đạo có ảnh hưởng đến sự phát triển của thông tin không dây

Những thời khắc quan trọng  trong cuộc đời của Viterbi

Thời nhỏ cuộc sống của Viterbi rất khó khăn. Năm 10 tuổi, khi ngắm nhìn ngôi trường đại học công nghệ hàng đầu nước Mỹ, Viện công nghệ Massachusetts MIT từ bên này sông Charles, Viterbi luôn ao ước rằng mình sẽ phải là một sinh viên của trường khi tốt nghiệp trung học. Để thực hiện ước mơ đó, ông đã chọn cho mình một còn đường duy nhất đó là làm việc và học tập chăm chỉ. Quyết tâm học tập của ông đã mang lại cho ông một cơ hội  trở thành sinh viên trường MIT khi ông là một trong bốn học sinh có số điểm cao nhất khi tốt nghiệp trung học trên tổng số 225 sinh viên. Mặc dù được nhận vào học tại khoa Kỹ thuật Điện tại Đại học MIT, nhưng Andrew Viterbi vẫn không thể tập trung toàn bộ thời gian cho học tập, thay vào đó ông đã phải đăng ký học bán thời gian để có thời gian đi làm việc để kiếm sống. Sau năm năm ông đã có trong tay bằng đại học và thạc sỹ khoa học cùng một lúc vào năm 1957. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã được mời tham gia vào nhóm nghiên cứu về thông tin liên lạc tại trung tâm nghiên cứu JPL (Jet Propulsion Laboratory) tại California.

Viterbi đã giành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về việc bám và bắt tín hiệu cho hệ thống thông tin của vệ tinh Explore 1 được Mỹ phóng thành công vào tháng 2 năm 1958. Thời gian đó, Viterbi đã làm việc với thiết bị vòng khóa pha (phase lock loop) mà sau này đã được dùng phổ biến trong tất cả các hệ thống thông tin cả tương tự và số. Đối với Viterbi, được tham gia đóng góp vào sự thành công của Explore 1 là một vinh dự, nhưng lớn hơn nữa là những kinh nghiệm làm việc tại đây đã cho ông nhiều kinh nghiệm cũng như sự nghiệp mà sau này ông đã thành công với công nghệ trải phổ ở Qualcomm.

Ngoài cùng với JPL tham gia những dự án tiên phong trong hệ thống thông tin vũ trụ và tên lửa, Viterbi còn tham gia vào chương trình nghiên cứu sinh bán thời gian tại khoa Kỹ thuật Điện của trường đại học South California, đây có lẽ là một trong số ít các trường đại học tư của Mỹ lúc bấy giờ cho các nghiên cứu sinh ngoài làm nghiên cứu còn có thể đi làm việc cho các hãng. Vào năm 1962, khi nhận được tấm bằng tiến sỹ ông đã được mời làm trợ giảng tại trường Đại học California, Los Angeles. Đối với ông, đam mê nghiên cứu bao nhiêu thì ao ước được giảng dạy cũng nhiều bấy nhiêu. Vì vậy, ông quyết định về giảng dạy chuyên ngành lý thuyết thông tin và thông tin số tại trường đại học California. Khi giảng dạy chuyên đề về tách tín hiệu ra khỏi nhiễu, ông thấy rằng nếu giảng dạy cho sinh viên bằng cách thông thường thì quá phức tạp và khó hiểu. Lúc đó, ông nảy ra ý định tìm một cách nào đó để có thể giúp sinh viên của ông tiếp cận vấn đề một cách đơn giản nhất. Theo như ông nói [2], công trình nghiên cứu sinh của ông thì không có gì đáng bàn nhưng nó lại mang lại cho ông một nền tảng vững chắc cho những thành công sau này. Những nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc ở nhiều dự án lớn tại JPL đã giúp Viterbi tìm ra lời giải cho vấn đề của mình chỉ trong vòng 3 tháng. Lời giải đó sau này được mang tên ông "Thuật toán Viterbi".

Thuật toán Viterbi

Trong bất kỳ một hệ thống truyền dẫn vô tuyến nào từ tương tự đến hệ thống số, các tín hiệu đều phải được điều chế lên một tần số sóng mang nhất định để truyền dẫn qua không gian. Do đó, dù là các tàu vũ trụ, các tên lửa hay hệ thống thông tin tế bào thì vấn để tách tín hiệu ra khỏi nhiễu đóng vai trò cốt lõi thể hiện tính ưu việt của mỗi hệ thống thông tin.

Trong vũ trụ, tín hiệu luôn bị chìm sâu vào trong nhiễu do nhiễu vô tuyến từ các thiên hà hoặc quá trình phát xạ từ mặt trời. Hay như trên mặt đất, tín hiệu của một máy vô tuyến tế bào bị gây nhiễu bởi rất nhiều máy phát vô tuyến tế bào khác xung quanh nó. Vậy làm thế nào để có thể tách tín hiệu cần thiết ra khỏi nhiễu? Để thực hiện điều đó, người ta đã dùng giải pháp mã hóa kênh các tín hiệu để thêm vào thông tin gốc các bit dư để bảo vệ trước khi chúng được phát qua kênh truyền có nhiễu. Bằng cách mã hóa kênh như vậy, các bit thông tin (bit 0 hay 1) có thể được biểu diễn không chỉ biểu diễn bằng một góc dịch pha (Điều chế khóa pha M-PSK) mà còn có thể được biểu diễn bằng 4, 8 hoặc nhiều hơn nữa các ký hiệu. Với hệ thống dùng mã hóa kênh, ở phía thu chúng ta không tách các bit thông tin thực tế mà thay vào đó là các ký hiệu mã hóa để từ các ký hiệu đó chúng ta có thể khôi phục lại các bit thông tin gốc. Ý tưởng cơ bản của giải pháp lựa chọn mã hóa kênh là nếu như một trong số các ký hiệu phát qua kênh bị méo do nhiễu thì những ký hiệu bị ảnh hưởng bởi nhiễu ít hơn sẽ giúp giải mã các bit thông tin thực tế với độ tin cậy cao hơn.

Trong môi trường nhiễu, có một thực tế là nếu ngay khi nhận được tín hiệu thu chúng ta thực hiện giải mã các bit 0 hoặc 1 thì hiệu quả sẽ không cao. Thay vào đó, chúng ta chỉ đánh giá độ tin cậy, (rất tin cậy, tin cậy, tin cậy thấp , tin cậy rất thấp), khi giải mã bit 1 hoặc bit 0 dựa trên tín hiệu thu được. Với cách giải mã như vậy người ta gọi là quyết định mềm (soft decision). Những thông tin thể hiện độ tin cậy của quyết định mềm đó được đưa đến bộ giải mã để tìm ra bit thông tin gốc là 0 hay 1 thông qua việc so sánh kết quả với những bit thông tin lân cận. Giải thuật mềm như đã nêu ở trên sẽ rất phức tạp, độ phức tạp sẽ tăng theo hàm mũ khi độ dài các thanh ghi dịch trong bộ tạo mã tăng lên. Công trình nghiên cứu trong vòng ba tháng của Viterbi đã làm giảm độ phức tạp thông qua việc kết hợp các quyết định mềm để quyết định chuỗi bit thông tin nào là giống với chuỗi bit được phát đi nhất. Giải pháp này của Viterbi đã được chứng minh là cho kết quả giống với kết quả của phương pháp giải mã tối ưu với độ phức tạp cao ở trên. Với ưu điểm đó, JPL ngay lập tức sử dụng thuật toán giải mã Viterbi trong hệ thống thông tin vệ tinh cũng như vũ trụ của mình. Sau này các hệ thống thông tin quân sự cũng như các mạng thông tin số như các tuyến truyền dẫn viba hay hệ thống TTDĐ tế bào GSM, CDMA đều dùng thuật toán giải mã này giải mã mã xoắn.

Bước ra thương trường

Khi giảng dạy tại trường Đại học California, nơi công việc giảng dạy đã giúp ông tìm ra thuật toán mang tên mình đã được công nghệ và các hệ thống thông tin thực tế khẳng định. Ông bắt đầu bắt tay vào các dự án nghiên cứu nhỏ được ký kết với Bộ Quốc phòng và Trung tâm hàng không vũ trụ NASA (Mỹ) cùng các đồng nghiệp của mình. Những dự án ban đầu của ông rất thành công làm cho ông cùng các cộng sự nảy sinh ý định thành lập một công ty của riêng mình lấy tên là Linkabit. Lúc đó, Viterbi phải đứng trước một quyết định khó khăn: giảng dạy hay kinh doanh? Cuối cùng ông đã quyết định rời khỏi Đại học California để đến San Diego làm việc với Linkabit cùng với các cộng sự. Đến giữa những năm 70 thế kỷ 20, công ty của ông đã ký hợp đồng để xây dựng hệ thống vô tuyến hai chiều chống nhiễu cho hệ thống hàng không của Mỹ. Hệ thống mà Linkabit thiết kế lúc bấy giờ tương tự như các hệ thống không dây nội hạt hiện nay (WiFi).

Vào năm 1980, Linkabit được Microwave Associate Communications mua lại. Sự hội nhập của Linkabit vào Microwave lúc bấy giờ là cơ hội để Viterbi mở rộng thương mại các sản phẩm của mình như phát triển các modem sử dụng thiết bị đầu cuối anten độ mở nhỏ. Bên cạnh đó, Viterbi cũng tham gia vào dự án với Home Box Office (HBO) để xây dựng bộ ngẫu nhiên hóa đầu tiên để chống thu trộm tín hiệu truyền hình. Sau 5 năm làm việc với Microwave Associate Communications, do những trục trặc về quản lý nên Viterbi cùng với Irwin Jacobs và 5 nhân viên cũ của Linkabit trước đây thành lập công ty Qualcomm.

Ban đầu, Qualcomm tập trung chủ yếu vào các dự án quân sự. Không lâu sau, Qualcomm đã vươn sang các ứng dụng thương mại. Hệ thống thương mại đầu tiên trên băng tần thử nghiệm của FCC (Federal Communications Commission) là OmniTRACS, hệ thống thông tin sử dụng thông tin vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh cho phép các công ty vận tải đường dài có thể giữ liên lạc liên tục với các lái xe thông qua các bản tin ngắn. Ban đầu, hệ thống này triển khai trên 600 xe tải nhưng đến nay hệ thống đã được sử dụng cho nửa triệu thuê bao trên toàn thế giới. Đối với Qualcomm, OmniTRACS thực sự giúp cho công ty cất cánh và đi vào thương trường vì nguồn thu từ hệ thống này giúp cho Qualcomm phát triển hệ thống TTDĐ tế bào CDMA vào những năm 1990.

Vào những năm 1990, hệ thống thông tin tế bào tương tự sử dụng công nghệ truy nhập phân chia theo tần số (FDMA) bộc lộ nhiều nhược điểm, trong đó, chủ yếu là hạn chế về dung lượng của mạng. Thế giới lúc đó đã nghĩ về một hệ thống thông tin cải tiến hơn hệ thống tương tự hiện tại. Các nước châu Âu chủ yếu nghiên về lựa chọn công nghệ số TDMA (Đa truy nhập phân chia theo thời gian sau này sử dụng trong hệ thống GSM) là lựa chọn để tăng dung lượng hệ thống lên gấp khoảng 4-6 so với hệ thống tương tự trên cùng một bề rộng băng tần. Nhưng Qualcomm vẫn nghĩ rằng họ còn có một sự lựa chọn tốt hơn đó là dùng công nghệ đa truy nhập phân chia theo mã (CDMA), một ứng dụng của lý thuyết trải phổ đã được sử dụng trong thông tin quân sự của Mỹ rất lâu trước đó. Sau đó 3 năm thì bộ tiêu chuẩn về TTDĐ CDMA đã hoàn thành.

Năm 1995, hệ thống TTDĐ tế bào CDMA đầu tiên của Qualcomm đã được thử nghiệm đầu tiên tại Hồng Kông, tiếp theo là Los Angeles và Hàn Quốc. Đến những năm của cuối của thể kỷ trước, viễn thông thế giới một lần nữa ngồi lại với nhau để tìm ra một sự hội tụ chung về công nghệ cho TTDĐ tế bào, bởi lúc này nhu cầu dịch vụ trong mạng thông tin vô tuyến đã chuyển dịch từ dịch vụ thoại thông thường với mức QoS cố định sang các dịch vụ đa phương tiện đòi hỏi truyền dẫn ở tốc độ cao và thay đổi theo từng dịch vụ. Khi đó, công nghệ truy nhập vô tuyến CDMA đã chính thức được ITU-R (IMT-2000) lựa chọn là công nghệ truy nhập để nâng cấp các mạng thông tin thế hệ 2G sang 3G.

Quay về với công việc hàn lâm!

Vào năm 2000, ở tuổi 65 sau khi đã từng làm việc cho 13 công ty khác nhau ông quyết định rút lui khỏi thương trường để đầu tư toàn bộ thời gian còn lại cho những công việc hết sức có ý nghĩa: Viết báo, giảng dạy và làm khách mời danh dự cho các hội nghị về ngành kỹ thuật viễn thông, đầu tư vào các công ty mới thành lập. Năm 2004, ông đã thành lập một vốn đầu tư rất lớn với trị giá 52 triệu USD cho trường kỹ thuật tại Đại học South California, sau này trường đổi tên thành trường kỹ thuật Viterbi (Viterbi School of Engineering) để vinh danh những đóng góp của ông. Hiện nay, ngôi trường của ông đang đứng trong top 10 trường kỹ thuật tốt nhất ở Mỹ.

Gần 50 năm trên con đường sự nghiệp của mình, Viterbi luôn để lại dấu ấn và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển công nghệ viễn thông trên thế giới. Bên cạnh rất nhiều giải thưởng khác, năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập của Tạp chí Information Theory, ông là một trong số 17 nhà khoa học đã vinh dự nhận được giải thưởng Golden Jubilee dành cho các nhà khoa học đã có những khám phá, phát minh khoa học làm thay đổi nền khoa học công nghệ thông tin của thế giới [4].

Trong nhiều cương vị khác nhau, với trải nghiệm của mình ông mong mỏi các thế hệ đi sau mình hãy làm những gì mà mình thích, mình có thể làm được nhiều nhất vì đơn giản cơ hội chỉ đến một lần. Trên chặng đường sự nghiệp của ông, ông đã phải rất nhiều lần đưa ra quyết định và quyết định khó khăn nhất vẫn là rời bỏ công việc hàn lâm để tham gia vào thương trường. Nhưng rồi, ông lại rời bỏ thương trường để về với công việc hàn lâm trước đây với mục đích tạo cơ hội cho thế hệ trẻ sau ông tiếp tục xây dựng nền công nghệ thông tin thế giới. Với Viterbi, ra đi hay trở về đều là những lựa chọn “Đúng nơi đúng lúc”.

Nguyễn Trung Hiếu,  Lê Hải Châu

Tài liệu tham khảo

[1]. The quiet Genius: Andrew Viterbi by Trudy E. Bell

[2]. Interview #337, IEEE history Center

[3]. Andrew J. Viterbi and Jim K. Omura, Principles of Digital Communication and Coding.

[4]. http://www.itsoc.org/society/goldjub_tech.htm

[5].http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/usnews/edu/college/rankings/rankindex_brief.php

Đối mới Bưu điện Văn hóa xã trong thời kỳ cạnh tranh

Bùi Xuân Chung

Bài viết này trình bày những cơ hội và thách thức trong phát triển Điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) khi Việt Nam đã hội nhập, thị trường Viễn thông Việt Nam đã mở cửa cạnh tranh.

Điểm Bưu điện Văn hóa xã Lao và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang (Ảnh: YM)

 I. BĐ-VHX xã trong thời kỳ bao cấp chéo

1. Tại sao có BĐ-VHX

Tính đến năm 2009 đã trải qua 11 năm, kể từ khi thị trường Viễn thông có những thay đổi và phát triển vượt bậc, điều đó được minh chứng qua sự gia tăng số lượng thuê bao điện thoại và các nhà khai thác Viễn thông. Trong Nghị định 51/CP ngày 01/08/1995 của Chính phủ về phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Chính phủ giao về nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ công ích cho VNPT: “có nghĩa vụ đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các yêu cầu thông tin liên lạc khẩn cấp; bảo đảm các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông cơ bản trong cả nước, kể cả vùng xa xôi hẻo lánh”.

Như vậy, trách nhiệm xây dựng và phát triển BĐ-VHX là thuộc về VNPT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Viễn thông duy nhất lúc đó, là hoàn toàn hợp lý.

2. BĐ-VHX là của ai?

Xét về bản chất nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công nói chung và đầu tư BĐ-VHX thuộc về Nhà nước. Trong giai đoạn đó, Nhà nước sử dụng lực lượng tài chính của mình là các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ công. Những khoản đầu tư cho BĐ-VHX là cần thiết, bởi lẽ đây là nơi tuyên truyền đường lối, chính sách và duy trì văn hóa thông tin tại các vùng sâu vùng xa đồng thời góp phần ổn định an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, hệ thống BĐ-VHX được hình thành trên cơ sở chính sách phát triển của Chính phủ, nên cũng có thể hiểu đây là các tài sản của Nhà nước đặt tại doanh nghiệp. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐ-VHX là một thách thức được đặt ra trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu việc cung duy trì BĐ-VHX nếu dừng ở mức đơn vị cung cấp VNPT thì sẽ thiếu tính xã hội hóa trong phát triển hệ thống BĐ-VHX.

II. Tại sao cần đổi mới BĐ-VHX trong thời kỳ mở cửa cạnh tranh

1. Những điểm mạnh của chủ trương phát triển BĐ-VHX

Thứ nhất, quan điểm phát triển BĐ-VHX thể hiện nội dung của một chính sách công hướng đến và phục vụ đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, chủ trương thể hiện cam kết và quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến hơn 70% dân số Việt Nam.

2. Kinh nghiệm quốc tế

a. Kinh nghiệm từ cải cách Viễn thông và phát triển dịch vụ Viễn thông công ích của Mông Cổ

Mông Cổ được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) giúp đỡ trong tái cơ cấu thị trường Viễn thông trong đó có Viễn thông công ích, trong đó hai nội dung quan tâm nhất là:

Thứ nhất, điểm chuyển đổi giữa dịch vụ truy nhập (Universal access -UA) và dịch vụ phổ cập (Universal Service - US) là từ 30 máy/100 dân. Điều này gợi ý cho việc phổ cập nội dung và các dịch vụ tại các điểm BĐ-VHX chỉ khả thi với các vùng có mật độ thuê bao điện thoại trên 100 dân lớn hơn 30 thuê bao.

Hình 1. Điểm chuyển tiếp giữa UA và US

Thứ hai, mức độ hỗ trợ phải đảm bảo vượt qua mức lỗ, thời gian hỗ trợ ổn định trong thời gian 10 năm (Hình 2). Đây là cơ sở để các Nhà khai thác tập trung đầu tư và có đủ thời gian thu hồi vốn.

b. Kinh nghiệm của hợp tác IFC và Indonesia trong phát triển các dự án Viễn thông công ích

Danh mục dự án phát triển điểm truy nhập công cộng được Công ty Tài chính quốc tế  (International Finance Corporation- IFC) của Ngân hàng thế giới (WB) tư vấn phát triển như danh mục dự án rủi ro. Theo đó, các Nhà khai thác sẽ đấu thầu phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ nhưng họ phải đảm bảo duy trì điểm truy nhập (BĐ-VHX) với các yêu cầu về quy mô và thời gian phục vụ.

Hình 2. Thời gian và mức hỗ trợ đối với dịch vụ Viễn thông công ích

Kinh nghiệm này dẫn đến sự tách bạch giữa đầu tư và vận hành đem lại cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của BĐ-VHX. Dựa vào thị trường và hình thức đầu thầu để đầu tư mới phát triển các điểm BĐ-VHX, bên cạnh đó hình thức đấu thầu vận hành có hình thức giống như việc chia sẻ cơ sở hạ tầng cũng là cơ sở duy trì và vận hành các điểm BĐ-VHX một cách hiệu quả.

III. Mô hình cho sự đổi mới

1. Mô hình gia tốc đầu tư

Mô hình gia tốc đầu tư có thể hiểu theo hai cách:

- Trong xác định quy mô đầu tư cần xác định mức đầu tư của Nhà nước đảm bảo đủ để tạo tiền đề cho xã hội thực hiện đầu tư, thông thường trường hợp này sẽ đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

- Trong việc luân chuyển vốn và đảm bảo thu hồi vốn và phát triển bền vững cho các dự án công, khoản đầu tư ban đầu sẽ được thu hồi và luân chuyển vào dự án khác hoặc vùng khác. Một hình ảnh lan truyền, áp dụng thí điểm rồi đến quy mô diện rộng trên cơ sở quay vòng khoản vốn đầu tư để hạn chế và quản trị được rủi ro trong đầu tư cho Viễn thông công ích.

Mô hình khẳng định đầu tư Nhà nước có tính kích cầu trong phát triển kinh tế đất nước chứ không thay thế hoàn toàn được đầu tư xã hội. Trong thực tế, hình thức này sẽ chuyển từ mô hình cấp phát sang đầu tư để thu hồi vốn và luân chuyển và các dự án khác, nhờ đó vốn nhà nước không mất đi mà được lớn mạnh và luân chuyển vào các dự án khác để phục vụ mục tiêu phát triển khác của Chính phủ.

Về mặt kỹ thuật, ngoài vận tốc thì gia tốc phản ánh đầy đủ các thông số kỹ thuật của chuyển động gống như việc xem xét mô hình phát triển bền vững trong kinh tế. Như vậy mô hình gia tốc đầu tư là luận cứ quan trọng để phát triển BĐ-VHX một cách bền vững.

2.Vận dụng với trường hợp BĐ-VHX

Trong 8000 điểm BĐ-VHX Nhà nước đã đầu tư, Nhà nước nên chọn các điểm đủ điều kiện để tiếp tục đầu tư (Có thể là 1000 hoặc theo số khảo sát thực tế) để ngày nào đó đây là nhân tố hay “gia tốc” để phục hồi lại số lượng điểm BĐ-VHX lớn hơn 8000 điểm trước đây.

Hiện nay Nhà nước đang thực hiện việc kích cầu, cũng là thời điểm hợp lý xem xét lại mô hình BĐ-VHX.

IV. Gợi ý về kỹ thuật xây dựng báo cáo khả thi trong tái cấu trúc BĐ-VHX

Nhân tố sử dụng để đánh giá tính khả thi trong đầu tư BĐ-VHX gồm: Nhu cầu về thông tin tại vùng dự án, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tài chính, điều kiện hạ tầng Viễn thông tại vùng dự án… Hệ thống các nhân tố được thiết lập theo các tiến trình cơ bản trong Hình 3.

Hình 3. Tiến trình phát triển và xác định tính khả thi BĐ-VHX

Nhờ việc xác lập và tách đoạn các giai đoạn phát triển khác nhau gắn với nhu cầu về BĐ-VHX sẽ tránh được tính phong trào, nâng cao tính khả thi và hoàn vốn tại các điểm BĐ-VHX.

Thông qua việc xây dựng mô hình khả thi sẽ tính toán mức hỗ trợ cần thiết trên cơ sở kết hợp với đấu thầu và thị trường hóa cúng cấp dịch vụ cơ bản tại BĐ-VHX, nhờ vậy phần vốn đầu tư vào BĐ-VHX sẽ luân chuyển và đầu tư vào khu vực khác sau khi thị trường đã đảm nhận được việc duy trì điểm BĐ-VHX.

Một cách nhìn xa hơn, đây chính là tiền đề trong việc hình thành thị trường công trong lĩnh vực Viễn thông công ích gắn với mục tiêu của Chính phủ và nhu cầu của hơn 70% dân số Việt Nam./.


Những thách thức và cơ hội của NGN ở Việt Nam

TS. Đặng Đình Trang, ThS. Nguyễn Sơn Hải

Phát triển và kinh doanh mạng thế hệ mới NGN đã và đang là vấn đề nóng trong ngành viễn thông vài năm gần đây. Bài viết này trình bày tóm tắt các nghiên cứu đánh giá về thách thức và cơ hội mà NGN có thể tạo ra cho nhà khai thác viễn thông. Bài viết tập trung vào các vấn đề nổi cộm, gây ra nhiều tranh luận của NGN như khi nào nên triển khai NGN, Softswitch hay IMS, các vấn đề của chuyển đổi và kinh doanh NGN.

1. Giới thiệu

Mạng thế hệ mới (Next Generation Network - NGN) bắt đầu được đề xuất, nghiên cứu thảo luận nhằm chuẩn hóa từ khoảng năm 2003. NGN không phải là một ý tưởng cách mạng, NGN là sự phát triển tất yếu của quá trình tiến hóa công nghệ mạng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Có rất nhiều động lực thúc đẩy quá trình tiến hóa này: nhu cầu của khách hàng điện thoại chuyển từ cách chỉ dùng các dịch vụ do công ty cung cấp điện thoại truyền thống cung cấp sang thế giới Internet mở với khối lượng nội dung và năng lực liên lạc khổng lồ; sự hội tụ tất yếu của các mạng liên lạc trước đây chỉ dùng cho các mục đích riêng (ví dụ mạng PSTN nhằm cung cấp liên lạc điện thoại cố định, mạng GSM dành cho điện thoại di động) sang mạng sử dụng giao thức IP hoàn toàn (all-IP) có bản chất đa tính năng, có mặt tại mọi nơi mọi chỗ và chi phí thấp; sự tách biệt phần truyền tải của mạng và các dịch vụ chạy trên lớp truyền tải, cho phép sáng tạo ra các dịch vụ mới độc lập với lớp truyền tải, gây ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh và giá cước dịch vụ…

Ảnh minh họa: nextgenerationnetwork.ie

Trong mạng điện thoại truyền thống PSTN, kết nối liên lạc điện thoại dùng chuyển mạch kênh sử dụng một đường kết nối vật lý giữa người dùng tại hai đầu của mạng. Đường kết nối này bị chiếm dụng và phải được đảm bảo trong suốt quá trình liên lạc. Trên Internet, dữ liệu được truyền tải với giao thức IP. Thông tin được cắt nhỏ vào các gói dữ liệu chứa đầy đủ địa chỉ IP của bên gửi và bên nhận. Các gói thông tin được gửi tới các thiết bị định tuyến (router) tiếp nối nhau đến khi gói dữ liệu cuối cùng được gửi đến bên nhận. Các gói dữ liệu không nhất thiết phải đi theo cùng một đường đến bên nhận, vì vậy mạng IP cho phép thiết lập liên lạc không cần đường kết nối cố định. Mỗi loại mạng đều có các điểm mạnh và yếu riêng. Mạng NGN được xây dựng với mục tiêu kết hợp các tính năng tốt nhất của hai mạng PSTN và Internet.

Tuy nhiên, mạng PSTN được xây dựng và khai thác trong thế kỷ trước sẽ không thể thay thế được trong một sớm một chiều. Gác lại một bên những vấn đề về công nghệ của NGN - vốn đang được phát triển, chuẩn hóa và chưa thật sự chín muồi - bài viết này tập trung vào các thách thức mà các nhà khai thác viễn thông sẽ phải đối mặt khi lên kế hoạch triển khai mạng NGN trong tương lai. Nên hay không, khi nào nên bắt đầu tiến tới NGN, lộ trình chuyển đổi sang NGN, phải giải quyết như thế nào với khách hàng cũ, cơ sở hạ tầng cũ, cơ cấu tổ chức cũ. Triển khai NGN không đơn thuần là lắp đặt và khai thác mạng, nó kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan mật thiết như cơ cấu lại quy trình khai thác, kinh doanh trong môi trường mới, thiết lập lại các quy định kết nối trong và ngoài nước, tính cước, quản lý nhà nước… Chuyển đối sang NGN yêu cầu sự chuyển mình và đổi mới của toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vô số cơ hội mà NGN có thể mang tới như giữ chân khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu suất khai thác vận hành, giữ và tạo ra các nguồn lợi nhuận mới… Các nhà khai thác cần hiểu rõ và vận dụng một cách hợp lý, đúng thời gian và địa điểm để thu lợi nhiều nhất từ các cơ hội mà NGN mang đến.

2. Những điểm đáng lưu ý của NGN

2.1. NGN là gì?

NGN là một khái niệm rộng, khó định nghĩa một cách chính xác, ngắn gọn. Ngay cả các diễn đàn chuẩn hóa lớn nhất cũng có cách tiếp cận NGN đôi chút khác nhau. Bắt đầu từ tên gọi, Korea Telecom triển khai xây dựng mạng thế hệ mới với tên gọi Broadband convergence Network (BcN), British Telecom đặt tên mạng là 21CN, Telekom Global Network (TGN) là tên mạng NGN của Deutsche Telekom… Khi sử dụng khái niệm NGN, một số người muốn đề cập đến quá trình chuyển hóa từ PSTN sang mạng trên nền IP, một số khác muốn nói đến việc sử dụng công nghệ IP trên phần nào đó của mạng hay cuộc gọi [1]. Dưới một góc nhìn nào đó các cách hiểu này đều có lý do có thể chập nhận được.

NGN có thể phát triển, sử dụng nhiều công nghệ mạng bao gồm mạng quang, cáp, cố định, di động… Mục tiêu là chuyển đổi từ “mạng đơn dịch vụ” sang “mạng đa dịch vụ”. Đối với các nhà khai thác, NGN là công cụ quan trọng để giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường trong thế giới hội tụ của dịch vụ và nội dung, khi doanh thu từ điện thoại truyền thống ngày càng giảm sút. Trên thị trường viễn thông, động lực của NGN là nhu cầu dịch vụ điện thoại, dữ liệu, video tích hợp, mọi lúc mọi nơi, trên mạng cố định cũng như di động. Về mặt công nghệ, sự khác biệt của NGN là chuyển mạch gói so với chuyển mạch kênh truyền thống trên PSTN.

Nhóm nghiên cứu ITU-T SG13 định nghĩa NGN trong Khuyến nghị Y.2001 [9] như sau: “Mạng truyền tải gói cho phép cung cấp các dịch vụ liên lạc viễn thông và có khả năng sử dụng nhiều loại hình băng rộng, các công nghệ truyền tải đảm bảo QoS, trên đó các chức năng liên quan tới dịch vụ độc lập với các công nghệ truyền tải phía dưới. Nó cho phép người dùng truy nhập tự do tới các mạng, các nhà cung cấp dịch vụ và/hoặc các dịch vụ theo ý muốn của họ. Nó hỗ trợ tính năng di động (generalized mobility), khả năng cung cấp dịch vụ ổn định, mọi lúc mọi nơi”.

2.2. Lộ trình chuẩn hóa NGN

NGN đã và đang là một đề tài nóng trong lĩnh vực viễn thông trên toàn thế giới, nhiều diễn đàn, tổ chức và dự án đang hoạt động rất tích cực trong tiến trình chuẩn hóa NGN.

Trên hết phải nhắc tới vai trò chủ đạo của ITU-T trong chuẩn hóa NGN. Khởi đầu bằng hội thảo “Next Generation Netwroks: What, When and How?” tại trụ sở của ITU-T ở Geneva, Thụy Sỹ tháng 6/2003. Sau đó FGNGN (Focus Group on NGN) được thành lập để soạn ra các phác thảo chuẩn đầu tiên của NGN. Kết quả của nó được tiếp tục bởi ITU-T SG13, nhóm nhiên cứu hàng đầu về NGN, đưa ra các khuyến nghị chính thức của ITU-T về NGN. Sau FGNGN, NGN-GSI (Global Standards Initiative) được thiết lập là nhóm quản lý hệ thống tập trung về NGN, bao gồm các nhóm nghiên cứu SG11 (về các giao thức báo hiệu), SG17 (về an ninh mạng) và SG19 (về các mạng di động) [10]. Kết quả của các nhóm làm việc này đến thời điểm hiện nay là NGN Release 1 gần hoàn chỉnh tập trung vào các dịch vụ trên nền phiên (session-oriented), các Khuyến nghị Y.2xxx, Q.3xxx về lưu lượng và quản lý QoS, chuyển đổi từ PSTN/ISDN, quản lý mạng, an ninh, di động (mobility), báo hiệu… [11]. NGN Release 2 sẽ đi sâu vào các dịch vụ dòng (streaming) như IPTV và mở rộng sang di động.

Gần như song song với ITU-T, Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) bắt đầu dự án TISPAN (Giao thức và mạng hội tụ viễn thông và Internet cho các mạng tiên tiến) tháng 9/2003 để soạn thảo ra chuẩn châu Âu về NGN và cố gắng đưa chúng thành các chuẩn quốc tế ITU-T. 3GPP IMS được chọn là nền tảng cơ bản cho NGN. Mục đích của TISPAN là: (1) mở rộng IMS cho các khách hàng băng rộng, PSTN/ISDN; (2) cung cấp đầy đủ các dịch vụ PSTN/ISDN hiện tại cho các khách hàng trên mạng thế hệ mới để hỗ trợ các kịch bản chuyển đổi; (3) mở rộng các phạm vi thuộc về quản lý của IMS mà 3GPP chưa hỗ trợ như gọi khẩn cấp (Emergency calling), nghe trộm đúng luật (Lawful Interception), báo cuộc gọi có mục đích xấu (Malicious Call Indication - MCI), CLIP/CLIR… [3]. Các kết quả của TISPAN khá giống của ITU-T, TISPAN NGN Release 1 ban hành vào 2005 là các chuẩn nền tảng để phát triển và xây dựng NGN. Release 2 vẫn trong quá trình hoàn thiện tập trung vào tính năng di động, cung cấp nội dung và các dịch vụ mới với mức an ninh và quản lý mạng nâng cao [12].

Tiếp đó phải kể đến 3GPP, nơi khởi động mô hình IMS. IMS là một phần trong công việc chuẩn hóa công nghệ di động 3G trên mạng UMTS. Công việc này sau đó được 3GPP, 3GPP2, TISPAN mở rộng, hỗ trợ các mạng khác như wireless LAN, CDMA2000 và mạng cố định. 3GPP vẫn tiếp tục tập trung vào phát triển phần lõi của IMS. Họ đã phát hành các Release 99 (nền tảng), 4 (giới thiệu MMS và TD-SCDMA), 5 (HSDPA và IMS), 6 (nâng cao HSPA và IMS). Release 7 đang trong thời gian hoàn thiện, mở rộng IMS sang các mạng cố định.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến rất nhiều các dự án và diễn đàn nghiên cứu khác cùng đóng góp vào sự phát triển của NGN: Internet Engineering Task Force (IETF), MultiService Forum, các tổ chức liên quan tới Service Delivery Platform (SDP) như OSA/Parlay, JAIN, European Regulators Group…

2.3. Softswitch hay IMS?

Định nghĩa của ITU-T chỉ nêu ra khái niệm chung về mạng NGN mà không cụ thể hóa cách thức để xây dựng NGN. Nói đến NGN hiện nay chúng ta thường nhắc đến Softswitch (chuyển mạch mềm) và IMS (IP Multimedia Subsystem). Đó là hai hệ thống được biết đến rộng rãi trong thế giới NGN, nhưng cũng nên lưu ý rằng một nhà cung cấp hay khai thác mạng nào đó có thể có phương thức riêng để triển khai theo mục đích, nhu cầu của họ, không nhất thiết phải là Softswitch hay IMS.

Theo ý tưởng thiết kế ban đầu, Softswitch đúng nghĩa là software switch, dùng để thay thế cho TDM switch (tổng đài chuyển mạch TDM). Vì mạng điện thoại truyển thống dùng chuyển mạch kênh, Softswitch cần có giao diện với cơ sở hạ tầng đã có, bao gồm đường truyền thông TDM (media path) và báo hiệu SS7. Vì tính phân tán của mạng IP, cộng thêm sự ra đời ngày càng nhiều Softswitch, các chức năng của nó được tách ra thành các phần riêng: Media Gateway (MGW), Signaling Gateway (SGW) nằm tại biên mạng làm nhiệm vụ chuyển đổi lưu lượng (sang gói IP) và báo hiệu (sang H.248 hay SIP) và phần xử lý cuộc gọi tạm gọi là Call Control. Hình 1 trình bày các chức năng chính của Softswitch. Ban đầu, Softswitch cũng được thiết kế phù hợp với cấu trúc chuyển mạch truyền thống gồm có các tổng đài Class 4 và Class 5. Theo thời gian, cùng với việc chia tách các thành phần như MGW, SGW, Call Control của hệ thống Softswitch, sự tách biệt chức năng chuyển mạch Class 4/5 trở nên không cần thiết. Các Softswitch hiện nay đều cung cấp đầy đủ các chức năng chuyển mạch Class 4 và 5.

Hình 1. Các thành phần chính của hệ thống Softswitch [7]

Cấu hình IMS ban đầu được 3GPP xây dựng nhằm cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện (IP multimedia) cho khách hàng di động. IMS mô tả một cấu trúc lớp với các chức năng mạng cụ thể tại mỗi lớp, nhưng định nghĩa các thành phần hay thiết bị mạng cung cấp các chức năng đó. Các nhà cung cấp có thể tùy ý thiết kế và chào mua các thiết bị nhưng phải tuân theo các giao diện chuẩn để có thể kết nối, hoạt động tương thích với thiết bị IMS của nhà cung cấp khác. IMS có các chức năng chính như: P/S/I-CSCF (Proxy/Serving/Interrogating-Call Session Control Function), HSS (Home Subscriber Server), BGCF (Breakout Gateway Control Function), MGCF (Media Gateway Control Function), MRF (Media Resource Function), AS (Application Server)… (Hình 2). Với các mục đích và tầm nhìn rộng mà IMS đang hướng tới, có vẻ như IMS là hướng phát triển chủ đạo của mạng thế hệ mới NGN.

Hình 2. Cấu trúc chức năng của IMS [13]

Song song với IMS, các diễn đàn chuẩn hóa cũng đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Softswitch. Theo xu hướng phát triển IMS, tất cả các nhà cung cấp Softswitch đều vạch ra lộ trình chuyển đổi hay cải tạo hệ thống sang IMS trong tương lai. Một vài hiện thực nên xem xét tới khi phân tích quan hệ giữa Softswitch và IMS: (1) IMS chưa phải là một công nghệ chín muồi và khó có thể dự báo được thành công trong tương lai; (2) hệ thống Softswitch hiện nay đã khá phát triển và ngày càng có nhiều tính năng mới phù hợp với xu thế phát triển mạng và dịch vụ. Ranh giới giữa Softswitch và IMS ngày càng mờ; (3) tùy theo mục đích kinh doanh, tình trạng mạng hiện tại, năng lực thị trường, nhu cầu khách hàng… các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không nhất thiết cần đến IMS, một giải pháp Softswitch nâng cao có thể là phù hợp nhất với nhu cầu của họ; (4) có vẻ như sự tồn tại song song của cả hai công nghệ là phương án ít rủi ro nhất cho các nhà cung cấp dịch vụ: Softswitch cho kết nối thoại (hiệu quả và tin cậy) và IMS dành cho các dịch vụ nâng cao mới.

3. Những thách thức và cơ hội của NGN

Khi phân tích đánh giá những thách thức và cơ hội mà NGN có thể đem lại cho nhà khai thác viễn thông, bài viết này đi sâu vào ba lĩnh vực đáng lưu ý nhất: quyết định triển khai NGN, phương thức triển khai và phương án kinh doanh trên NGN.

3.1.  NGN: nên hay không?

Có thể khẳng định chắc chắn rằng NGN mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông. Điều này đã được thảo luận rất nhiều trong các hội thảo chuyên đề hay trong các bài nghiên cứu liên quan [1], [3], [4], [6], một vài ý chính có thể được tóm lược như sau:

(1) Kinh doanh thuần túy trên đường truyền thông (“pipe” business) và dịch vụ điện thoại cơ bản ngày càng trở nên thông dụng và có nhiều đối thủ cạnh tranh. Ví dụ trên thị trường viễn thông Việt Nam ngoài VNPT, nay đã có thêm các công ty viễn thông như Viettel, FPT, EVN, S-fone, HT và sắp tới là GTel. Các nhà khai thác phải cạnh tranh quyết liệt về giá cả, dẫn đến giảm lợi nhuận đáng kể. Nếu nhà khai thác muốn thành công trong hoàn cảnh mới, họ phải tìm ra cách tăng thêm giá trị vào dịch vụ truyền thông của họ. NGN là nền tảng để cung cấp các dịch vụ nâng cao mới, giữ chân khách hàng, mở ra những cơ hội thị trường mới, lợi nhuận mới.

(2) Mạng NGN tạo nền tảng cho các nhà khai thác mạng phát triển, cung cấp hiệu quả các dịch vụ mới, loại bỏ các phương thức xây dựng dịch vụ kém hiệu quả, đơn chiếc, cá thể, và không sử dụng lại được như hiện nay. NGN giúp giảm thời gian đưa ra thị trường (time-to-market) và chi phí cho vòng đời (life-cycle) của các dịch vụ mới.

(3) Năng lực của các giải pháp NGN (Softswitch hay IMS) đều lớn hơn nhiều so với các tổng đài chuyển mạch Class 4/5 cũ. Hơn nữa, NGN có chi phí khai thác và vận hành thấp hơn. Những tính năng này rất hấp dẫn không chỉ với các công ty mới tham gia thị trường, mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà khai thác truyền thống khi xem xét mở rộng hay thay thế mạng lưới hiện tại. Nền tảng IP cho phép hiệu quả hóa quản lý mạng và sử dụng tài nguyên mạng.

(4) Làm giảm nhu cầu vế số lượng cũng như không gian dùng để lắp đặt các tổng đài, thiết bị mạng. Việc này kéo theo tiết kiệm đáng kể về nhà đặt tổng đài, điểm kết nối và năng lượng tiêu thụ.

Chuyển đổi sang NGN là xu hướng tất yếu của ngành viễn thông. Tuy nhiên, một số nhà khai thác cũng có thể đưa ra lý do để không triển khai NGN. Hiện nay tại phần lớn các thị trường, số lượng khách hàng điện thoại cố định đã bão hòa và có xu hướng giảm dần. Mạng PSTN sẵn có vẫn có năng lực, chất lượng tốt cung cấp dịch vụ trong nhiều năm nữa. Tại sao lại đầu tư vào NGN với phần lớn các dịch vụ như cũ, sự tiếp nhận của khách hàng và thành công của các dịch vụ NGN mới chưa thật sự rõ ràng và chắc chắn? Đây là bài toán của một chiến lược kinh doanh dài hạn. Chiến lược kiểu “phòng thủ” nếu may mắn có thể giúp nhà khai thác giữ được vị thế trên thị trường đến một thời điểm nào đó. Thành công chỉ thật sự đến với sự sáng tạo trong kinh doanh và sự nắm bắt hợp lý các cơ hội. Với các cơ hội như đã trình bày ở trên, việc chọn lựa NGN hay không có lẽ tương đối dễ trả lời. Cái khó với các nhà khai thác viễn thông là việc tận dụng hợp lý các cơ hội của NGN. Trước tiên là quyết định khi nào nên bắt đầu triển khai NGN?

Triển khai NGN yêu cầu đầu tư ban đầu không nhỏ. Triển khai NGN quá sớm sẽ làm lãng phí năng lực mạng sẵn có. Bộ máy kinh doanh chưa sẵn sàng gây ra hiệu quả kinh doanh kém. Thị trường chưa chín muồi sẽ không bị hấp dẫn bởi các dịch vụ NGN mới. NGN là công nghệ vẫn đang phát triển, đầu tư sớm có thể có nhiều rủi ro, các thiết bị cũ sẽ không tương thích với các chuẩn NGN sau này. Triển khai NGN quá muộn cũng sẽ không tận dụng được các cơ hội NGN đem lại. Đối thủ cạnh tranh nào triển khai NGN trước sẽ chiếm lĩnh các lợi thế của NGN trên thị trường. Mặt khác, đầu tư tiếp vào mạng cũ là lãng phí khi chi phí đó có thể dùng để khởi động mạng NGN có năng lực và tính năng vượt trội. Vì vậy, quyết định triển khai NGN đúng đắn phải được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng theo hoàn cảnh cụ thể của thị trường, của mỗi nhà khai thác.

3.2. Chuyển đổi sang NGN

Nhà khai thác viễn thông sau khi đã quyết định triển khai NGN sẽ phải đối mặt với một thách thức tiếp theo: chuyển đổi sang NGN. Chuyển đổi mạng truyền thống PSTN – hình thức mạng về cơ bản là không đổi trong nhiều thập kỷ qua - sang NGN không đơn thuần chỉ là bài toán kỹ thuật. Chuyển sang NGN là sự thay đổi về hệ thống của toàn công ty, cần có một chiến lược chuyển đổi tổng thể rõ ràng. Kế hoạch chuyển đổi sang NGN sẽ liên quan, trực tiếp hoặc gián tiếp, đến nhiều lĩnh vực: chiến lược, kinh doanh và bán hàng, phát triển dịch vụ, các hệ thống IT (bao gồm OSS, BSS, khai thác và quản lý mạng…), hiệu quả hóa mạng, quản lý cung cấp thiết bị và các đối tác cung cấp thiết bị, nguồn nhân lực… Các vấn đề sau cần phải xem xét đến trong kế hoạch:

  • Các hạn chế và thách thức của nguồn nhân lực và tài nguyên mạng,
  • Những rủi ro có thể xảy ra trong chuyển đổi liên quan tới cung cấp dịch vụ liên tục và đảm bảo các dịch vụ và chuyển đổi khách hàng,
  • Đánh giá chi tiết về các chi phí chuyển đổi và các khoản tiết kiệm được trong quá trình thay đổi hệ thống,
  • Các nguồn lợi nhuận mới có thể thu được từ việc cung cấp các dịch vụ (NGN) mới trên thị trường.

Một kế hoạch chuyển đổi chung cho toàn hệ thống dịch vụ điện thoại POTS và dữ liệu thông thường mất khoảng 3 đến 8 năm, theo như kinh nghiệm của nhiều nhà khai thác trên thế giới. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nhà khai thác có thể chọn con đường chuyển đổi nhanh hay chậm trong khoảng thời gian trên. Chuyển đổi chậm, kéo dài có vẻ như là ít chi phí và ít rủi ro nhất, đảm bảo sự chuyển đổi trơn tru của các dịch vụ và khách hàng. Số lượng đường thuê bao phải chuyển đổi hàng ngày có thể được nhân lực sẵn có thực hiện. Thách thức có thể xảy đến khi chuyển đổi chậm là trong khoảng thời gian đó các nhà khai thác khác trên cùng thị trường có thể đã hoàn thành NGN trước, cung cấp trước các dịch vụ cạnh tranh hoặc mới với giá rẻ hơn. Do đó suốt quá trình chuyển đổi nhà khai thác phải liên tục nghiên cứu xem xét động thái của thị trường để có phản ứng, điều tiết phù hợp. Ngược lại chuyển đổi rất nhanh mang lại nhiều thuận lợi cho kinh doanh nhưng sẽ yêu cầu chi phí lớn cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro. Số lượng đường thuê bao phải chuyển đổi hàng ngày có thể rất lớn, vượt quá khả năng của nhân lực hiện tại. Bên cạnh đó đầu tư nhanh cũng khiến chi phí chuyển đổi cao. Thời gian ngắn hạn chế các thử nghiệm, nghiên cứu nhu cầu thị trường, vì vậy làm tăng rủi ro trong vận hành và khai thác mạng.

Một vấn đề quan trọng khác của chuyển đổi là việc sử dụng (lại) một cách hiệu quả nhất hệ thống, cơ sở hạ tầng hiện tại. Nhà khai thác truyền thống thường khai thác các mạng hạ tầng sau: mạng TDM (nội hạt, liên tỉnh, kết nối quốc tế), mạng dữ liệu/Internet, mạng pre-NGN (VoIP, SIP). Các hệ thống này có thể sử dụng tiếp/lại vào các mục đích hỗ trợ khách hàng truyền thống cho đến khi họ chuyển sang NGN, làm (một phần) mạng lõi cho mạng NGN mới, hay nâng cấp/chuyển đổi thành một phần của NGN mới. Có thể thấy trước rằng mạng cũ sẽ hoạt động song song với mạng mới trong suốt quá trình chuyển đổi và có thể thêm vài năm tiếp theo nữa. Thời điểm cần chấm dứt hoạt động của mạng cũ là khi chi phí vận hành nó đã lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Tuy không trực tiếp là mục tiêu của chuyển đổi nhưng mở rộng băng thông truy nhập của các thuê bao là việc nhất thiết phải thực hiện trong giai đoạn chuyển đổi để khách hàng thực sự trải nghiệm được các dịch vụ mới và các tiện ích sẽ được mời chào trong môi trường NGN. Nghiên cứu triển khai các công nghệ truy nhập tốc độ cao như ADSL2+ hay truy nhập quang FTTx, PON, GPON… cần được xem xét phát triển.

3.3. Kinh doanh và khai thác NGN

Có rất nhiều vấn đề về mô hình kinh doanh và khai thác NGN, tuy nhiên phần này tập trung vào một số điểm đáng chú nhất liên quan đến cơ hội và thách thức khi khai thác NGN; những thách thức và cơ hội khi NGN đã được lựa chọn và khai thác thương mại. Các điểm liên quan đến định vị chiến lược, marketing dịch vụ, và những thay đổi về tổ chức, mà trước mắt là khi hội tụ di động cố định sẽ được trình bày lần lượt.

3.3.1.  Định vị chiến lược của nhà khai thác dịch vụ 

Ngay trong định nghĩa về NGN của ITU thì dịch vụ viễn thông cũng chỉ là một loại dịch vụ cung cấp trên NGN. Các nhà khai thác viễn thông – bất kể là truyền thống (incumbent) hay mới hình thành (alternative) – đều có cơ hội mở rộng hoạt động của mình sang các lĩnh vực khác như cung cấp nội dung thông tin, các ứng dụng trực tuyến hay truyền thông… Ngay trong giai đoạn tiền NGN, nhiều nhà khai thác viễn thông đã tự định vị mình thành nhà cung cấp thông tin (China Mobile), nhà xử lý thanh toán (Smart Phillipines), nhà cung cấp hạ tầng cho phong cách sống (NTT DoCoMo). Hoặc như với SingTel, công ty không còn nhấn mạnh về một thế giới không khoảng cách (no distance), mà muốn biến thế giới thành một sân chơi (playground) cho khách hàng trẻ. Nhà khai thác có thể lựa chọn, tuy nhiên định vị chiến lược luôn là bước đi quan trọng nhất quyết định sự thành công, và cả thất bại.

Xét ở phạm vi hẹp hơn và truyền thống hơn, NGN đặt ra cơ hội và thách thức cho nhà khai thác viễn thông thay đổi vị trí chiến lược của mình trong chuỗi giá trị của các dịch vụ viễn thông, liên lạc.

Với khả năng xử lý rất mạnh, dung lượng không hạn chế, và tính mở của NGN như mong muốn của ITU có thể khiến cho NGN mở ra cơ hội tương đối bình đẳng giữa những thành viên tham gia thị trường: nhà khai thác mạng, nhà cung cấp dịch vụ, nhà bán lại dịch vụ, nhà cung cấp nội dung thông tin và cả người sử dụng cuối cùng. Trong môi trường NGN, người sử dụng cuối cùng - vốn thụ động trong các mô hình kinh doanh viễn thông trước đây - có thể tự thiết kế cho mình các dịch vụ với tính năng và yêu cầu rất riêng về chất lượng. NGN còn đưa nhà khai thác viễn thông gần hơn với khách hàng doanh nghiệp (DN), biến những đòi hỏi phức tạp và yêu cầu rất cao thành những giải pháp sẵn có và mềm dẻo. Một vấn đề quan trọng khác tính mềm dẻo và khả năng phân tán kiểm soát của NGN có thể làm cho nhiều người trên thị trường trở thành nhà bán lại dịch vụ; các nhà bán lại dịch vụ này chính là khách hàng mua buôn của nhà khai thác.

Vậy nhà khai thác sẽ phân định ranh giới với “khách hàng” ở điểm nào, sẽ dành cho họ mức độ linh hoạt ra sao để vừa thỏa mãn được khách hàng mà vẫn giữ được quyền kiểm soát và mức lợi nhuận đủ hấp dẫn? Tại Việt Nam khi mà các đối thủ cạnh tranh tiềm năng đến từ bên ngoài ngành viễn thông chưa đủ mạnh, thì lợi thế nghiêng nhiều hơn về các nhà khai thác viễn thông.

3.3.2. Marketing dịch vụ

Một số khía cạnh marketing dịch vụ NGN sẽ được phân tích như sau:

Về phát triển dịch vụ: Từ cách đặt vấn đề, NGN sẽ có khả năng rất lớn để cung cấp các dịch vụ sáng tạo. Tuy nhiên, thế giới mới chỉ đưa ra dự báo về xu hướng phát triển dịch vụ và những đòi hỏi cần có của chúng; và hiện chưa biết dịch vụ nào sẽ đắt khách, sẽ là động lực cho sự phát triển của NGN. Trong trường hợp này, người phát triển dịch vụ đứng trước mặt trái của quyền được lựa chọn, đó là: không biết chọn gì. Tuy nhiên, việc bứt phá khỏi khuôn mẫu dịch vụ cũ, tư duy hướng khách hàng và dám thử nghiệm sẽ là những điều cần thiết để tận dụng cơ hội phát triển dịch vụ từ NGN. Một điều chắc chắn và dễ nhận ra đó là việc gộp các dịch vụ lại thành những gói dịch vụ hội tụ, giữa cố định - di động - nội dung - dữ liệu, sẽ là một cơ hội để bán kèm dịch vụ và tạo rào cản thay đổi nhà cung cấp.

Về định giá: NGN có lợi thế là khả năng tính cước mạnh và mềm dẻo. Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh trên NGN vẫn dựa trên hiệu ứng mạng (network effect) - “càng đông càng vui” - nên trước tiên là phải định giá nhằm mở rộng thị trường, nhanh chóng đạt quy mô đủ lớn. Hiệu ứng mạng sẽ biến kẻ lớn mạnh thành lớn mạnh hơn và kẻ yếu thành yếu hơn; điều này đồng thời tạo ra cả thách thức và cơ hội cho nhà cung cấp dịch vụ NGN. Điều dễ nhận thấy là giá cước sẽ phải tính theo gói vì NGN là mạng đa truy nhập và đa dịch vụ; như vậy cũng phù hợp với xu hướng hội tụ.

Về bán hàng và phân phối: NGN sẽ thách thức nhà cung cấp với khái niệm khách hàng và kênh phân phối. Khách hàng không chỉ phân biệt giữa cá nhân và DN; và kênh phân phối sẽ có nhiều biến đổi, chủ yếu là ngắn lại. Một đối tượng khách hàng “hiếu chiến” nhất đó là các DN viễn thông hoặc các nhà bán lại dịch vụ. Đối tượng khách hàng này có doanh số mua lớn, nhưng lại luôn tìm cách mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị, và thực tế là muốn lấn át nhà khai thác. Kênh bán hàng cho đối tượng này cũng hết sức chuyên biệt. Tuy vậy, ngay trong mô hình kinh doanh cũ, đến 80% lợi nhuận của các khách hàng này lại chảy về nhà khai thác mạng. Do đó, việc cạnh tranh và hợp tác cũng như phát triển quan hệ hai chiều là rất cần thiết. Đối tượng khách hàng đáng nói tiếp theo đó là các đối tác cùng kinh doanh; đó là các nhà cung cấp nội dung thông tin, cung cấp các dịch vụ kết hợp trong gói dịch vụ hội tụ… Đối tượng này về cơ bản đem lại cơ hội cùng thắng (win-win) và sẽ được tận dụng bằng các hoạt động cùng tiếp thị (co-marketing).

Về chăm sóc khách hàng (CSKH): Một trong những đặc điểm của NGN đó là: công nghệ ngày càng hội tụ, nhưng khách hàng ngày càng phân ly/tán. Khả năng truy nhập không hạn chế và cá thể hóa mềm dẻo chính là lý do của hiện tượng này. Ngoài ra, công nghệ và đặc tính dịch vụ đã trở nên tinh vi và khó sử dụng hơn. Do đó việc thông tin, CSKH là một thách thức lớn. Quá trình CSKH đòi hỏi nhiều thông tin, và thông tin cá thể hóa nhiều hơn. Tuy nhiên, NGN lại có khả năng thu thập rất nhiều thông tin từ khách hàng, đặc biệt là mô thức sử dụng. Do đó, nguồn thông tin từ CSKH là rất có giá trị. Bản thân việc quản lý và khai thác thông tin khách hàng trên NGN cũng là một dạng kinh doanh đầy tiềm năng. Như đã nói trên đây, hiện cả thế giới vẫn đang đi tìm các dịch vụ ăn khách, tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp, và nói một cách khác, các nhà khai thác đang “thử nghiệm trên khách hàng”; do đó quá trình chăm sóc, quan sát khách hàng đem lại nhiều lợi ích cho kinh doanh trên NGN.

2.3.3. Thay đổi về tổ chức

Chuyển đổi sang NGN sẽ kéo theo những thay đổi sâu sắc về mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của nhà khai thác viễn thông.

Đầu tiên có thể nhận thấy là số người cần thiết để vận hành mạng NGN sẽ giảm mạnh. Nhiều nhà tư vấn cho rằng họ có thể giảm đến 60% chi phí nhân công vận hành mạng khi chuyển sang NGN. Tuy nhiên, việc làm và nhân sự luôn là một vấn đề nan giải cho mọi cuộc cải cách mà NGN không phải là ngoại lệ; và điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức với nhà khai thác.

Khả năng mở rộng, lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh mới sẽ kéo theo việc hình thành những người lao động mới, với chuyên ngành mới. Ngoài ra, khi chuỗi giá trị dịch vụ viễn thông trên NGN thay đổi, quy trình cung cấp dịch vụ, mô hình tổ chức cũng phải thay đổi theo. Việc hình thành những đối tượng khách hàng mới, có mức độ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận như khách hàng là các nhà khai thác khác, là nhà bán lại dịch vụ…sẽ thúc đẩy hình thành các bộ phận bán buôn, các nhân viên quản lý khách hàng lớn chuyên quản (account manager).

Sự hội tụ về công nghệ, dịch vụ cũng thúc đẩy quá trình hội tụ về mô hình khai thác và bán hàng. Xu hướng “riêng và rõ” các dịch vụ như trước đây không còn phù hợp. Quá trình hội tụ không nhất thiết phải bắt đầu bằng hội tụ công nghệ, mà, đôi khi chỉ đơn giản là sự hội tụ về hành động, về khai thác hoặc mục tiêu kinh doanh.

Xu hướng “hội tụ” cố định - di động ở thị trường viễn thông vào loại lớn nhất thế giới là Trung Quốc là một ví dụ. Những vụ “hội tụ” thuần túy về kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn: China Mobile với China Tietong, China Unicom (GSM) với China Netcom và China Telecom với China Unicom (CDMA). Tương tự như vậy, ở Việt Nam, Nga, Pháp, Hàn Quốc… đều có việc tái cấu trúc các nhà khai thác viễn thông. Quá trình “hội tụ” thông qua sáp nhập, mua lại như trên có ảnh hưởng lớn về tổ chức, con người và hệ thống kinh doanh khai thác. Với quá trình “hội tụ thực sự” trên NGN thì thì việc tổ chức kinh doanh của nhà khai thác sẽ hoàn toàn khác

Tất cả những sự thay đổi này đều nhằm mục đích tận dụng cơ hội; tuy nhiên thách thức luôn nằm ở phương pháp và hiệu quả thực hiện.

4. Kết luận

Bất cứ sự thay đổi nào cũng ẩn chứa cơ hội và thách thức. Chuyển đổi sang mạng NGN trên nền IP thậm chí còn nhiều thách thức hơn vì đây là sự thay đổi toàn diện về hệ thống của mạng PSTN được phát triển và khai thác suốt trong nhiều thập kỷ qua. Từ góc nhìn khác, mạng NGN mới sở hữu những tính năng vượt trội phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp thông tin và truyền thông, là nền móng vững chắc cho cạnh tranh và kinh doanh sáng tạo trong thế giới thương mại tự do và toàn cầu hóa hiện nay và tương lai. Nhà khai thác viễn thông đứng trước quyết định chuyển đổi cần phải có cái nhìn toàn diện và sâu rộng về các cơ hội cũng như thách thức của việc triển khai NGN. Mục đích của bài viết này là chỉ ra và phân tích một số thách thức và cơ hội, với mong muốn cung cấp thêm thông tin, hỗ trợ nhà khai thác viễn thông ra quyết định khi triển khai NGN.

Tài liệu tham khảo

[1]. T. Cohen, Next Generation Networks (NGN) Regulation Overview, Global Symposium for Regulators, Dubai, UAE, 5-7 February, 2007.

[2]. K. Knightson, N. Morita, T. Towle, NGN Architecture: Generic Principles, Functional Architecture, and Implementation, IEEE Communications Magazine, October 2005.

[3]. C. Lee, D. Knight, Realization of the Next-Generation Network, IEEE Communications Magazine, October 2005.

[4]. T-Systems, Next Generation Network: Motivation and Challenges for Incumbents, White Paper.

[5]. I. Jenkins, NGN Control Plane Overload and its Management, MSF-TR-ARCH-007-FINAL, MultiService Forum, February 2006.

[6]. P. Dailey, The Softswitch – Driving a New Vision of Communication as the Central Element in the Next-Generation Network, Frost & Sullivant.

[7]. IMS & the Future of Softswitches in Next-Gen Network, Heavy Reading, Vol. 4, No. 19, December 2006.

[8]. S. Marcus, Interconnection in an NGN Environment, ITU Background Paper, NGN/02, 23 March 2006.

[9]. ITU-T Recommendations Y.2001, General Overview of NGN, December 2004.

[10]  N. Morita, H. Imanaka, O. Kamatani, T. Oba, K. Tanida, Overview and Status of NGN Standardization Activities at ITU-T, NTT Technical Review.

[11]. International Telecommunication Union, http://www.itu.org

[12]. TISPAN, http://www.tispan.org

[13]. I. Gronbaek, NGN, IMS and Service Control – Collected Information, Telenor R&I Research Note, R&I N 31/2006.

Pháp luật giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam và một số nước trên thế giới (Bài 4)

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

 1. Về cơ quan giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Cùng với những quy định trong Luật Cạnh tranh, Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (BCVT) và những văn bản hướng dẫn thi hành. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam bao gồm: Tòa án, Trọng tài thương mại, Cơ quan quản lý (CQQL) cạnh tranh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Tương ứng với bốn cơ quan này là bốn hình thức giải quyết tranh chấp: (1) Khởi kiện lên toà án giải quyết theo trinh tự tố tụng dân sự; (2) Yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết; (3) Khiếu nại lên cơ quan giải quyết cạnh tranh; (4) Hiệp thương, giải quyết tranh chấp tại Bộ TT&TT.

Trong bốn cơ quan nêu trên, để đảm bảo tính độc lập, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết, thì Tòa án và Trọng tài thương mại là hai cơ quan đáp ứng được yêu cầu. Bộ TT&TT vừa là cơ quan hoạch định chính sách vừa là cơ quan thực thi chính sách. Còn với CQQL cạnh tranh (Hội đồng cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh), là đơn vị chức năng thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), do Thủ tướng quyết định thành lập, trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thương mại. Vấn đề đặt ra là, hiện nay tại Việt Nam, cơ quan có đủ sự độc lập, khách quan về mặt tổ chức, nhân sự lại không có khả năng, kinh nghiệm và trình tự, thủ tục hợp lý để giải quyết tranh chấp kết nối viễn thông, trong khi tổ chức hội tụ đủ hai yếu tố đó lại không độc lập khách quan về tổ chức, nhân sự.

Ảnh minh họa: zoriah

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, mặc dù có thể là Tòa án, Trọng tài, CQQL cạnh tranh hay CQQL hành chính về Viễn thông có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối, nhưng các cơ quan này, nhìn chung đều là những cơ quan có địa vị pháp lý cao, độc lập về tổ chức, tài chính và nhân sự. Tại Pháp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối được trao cho một CQQL độc lập gọi là CQQL Viễn thông (ART). Ở Anh, Văn phòng quốc gia về Viễn thông (Oftel) là bộ máy tự trị được hỗ trợ tài chính bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp (DTI), đồng thời cũng đảm trách luôn nhiệm vụ giải quyết tranh chấp kết nối. Bộ Quan hệ Công cộng và Viễn thông (Ministry of Internal Affair and Communications – MIC) là cơ quan giải quyết tranh chấp kết nối tại Nhật Bản. Tại Ấn Độ, trước năm 2000, cơ quan giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông được trao cho TRAI (Telecom Regulatory Authority of India) - CQQL hành chính trong lĩnh vực Viễn thông, sau năm 2000 quyền phán xét thuộc về một tòa án độc lập viết tắt là TDSAT (Telecom Dispute Settlement & Appellate Trubunal). Đối với Australia, Ủy ban Người tiêu dùng và Tranh chấp Australia (ACCC) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Ủy ban này được Quốc hội duyệt kinh phí hoạt động hàng năm. Riêng Trọng tài, hầu hết các quốc gia đều cho phép tham gia giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Cùng với trung gian hòa giải (mediation), trọng tài được các quốc gia coi như một trong những cơ quan giải quyết mang tính bổ sung, thay thế (Alternative dispute revolution-ADR) hoặc kết hợp với cơ quan quản lý hành chính như trường hợp của Guantemala hay Singapore (đối với những tranh chấp kết nối không liên quan đến nhà cung cấp chủ đạo, Sigapore có thể coi như hợp đồng kinh tế, dân sự thông thường để giải quyết tại Tòa án hay trọng tài).

2. Về nhân lực tham gia giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Ngoài Bộ TT&TT, tất cả những cơ quan còn lại đều thiếu nhân lực đủ trình độ giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ thông tin và Viễn thông như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Trọng tài viên, Điều tra viên, người tiến hành tố tụng khác. Trong khi, nếu tòa cấp Huyện cũng có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp kết nối Viễn thông như hiện nay, thì chúng ta cần đến một số lượng tương đối thẩm phán chuyên xét xử về tranh chấp kết nối Viễn thông. Ngay các chuyên gia được giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp kết nối tại Bộ TT&TT, ngoài chuyên môn Viễn thông vững vàng, kiến thức pháp lý cơ bản cũng rất cần thiết. Ở đây, điều chúng tôi muốn bàn tới là, chúng ta đang thiếu những quy định liên quan đến tiêu chuẩn của nhân lực làm công tác giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông.

Tại Ấn Độ, tiêu chuẩn để một người được chọn vào phục vụ trong cơ quan giải quyết tranh chấp Viễn thông TDSAT phải là thẩm phán có kinh nghiệm (đương chức hoặc đã nghỉ hưu) tại Tòa tối cao liên bang hoặc chánh tòa Bang (đối với Chủ tịch), những cựu quan chức cấp cao trong chính phủ, có kiến thức và kinh nghiệm đồng thời trong lĩnh vực công nghệ Viễn thông, hành chính, thương mại và công nghiệp (đối với những thành viên còn lại).

Tại Australia, trong cơ cấu của ACCC có một nhóm chuyên gia về pháp luật và công nghệ Viễn thông (ACCC’s Telecommunication and legal group). Nhóm này chịu trách nhiệm hỗ trợ trực tiếp cho các Ủy viên (Commmisioners) trong việc điều tra, xác minh vụ việc và ra quyết định giải quyết. Tại Mỹ, trọng tài viên tham gia giải quyết phải là chuyên gia có kinh nghiệp về Viễn thông và am hiểu thủ tục giải quyết trọng tài của AAA, đồng thời đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình giải quyết.

Như vậy, yêu cầu chung về trình độ nhân lực tham gia giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông phải đảm bảo hai yếu tố tối thiểu, hiểu biết về Viễn thông và kết nối Viễn thông, nhưng cũng phải thông thạo những kiến thức pháp lý. Đây là đòi hỏi tất yếu khách quan tại Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa Hội nhập như hiện nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biết hơn các doanh nghiệp Viễn thông 100% vốn đầu tư nước ngoài.

3. Về thời hạn giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Trong lĩnh vực Viễn thông, kết nối mạng lưới là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như tính liên tục, thông suốt của thông tin liên lạc. Đảm bảo sự thông suốt trong liên lạc Viễn thông một mặt bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng (NSD), mặt khác còn liên quan mật thiết đến đời sống kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của một quốc gia. Chính vì vậy, việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời.

Về vấn đề này, trên thế giới hiện có hai xu hướng, xu hướng thứ nhất quy định rõ thời hạn tối đa để kết thúc giải quyết tranh chấp. Thời gian này là 6 tháng ở Pháp, 2-5 tháng ở Phần Lan, 10 tuần ở Đức, Tây Ban Nha là 6 tháng, Ấn Độ không quá 90 ngày .v.v… Xu hướng thứ hai, trao quyền ấn định thời gian giải quyết cho chính cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điển hình cho xu hướng này là Australia. Tại Australia, ACCC được quyền quyết định tiến độ giải quyết trên cơ sở công bằng và hợp lý với từng vụ việc cụ thể.  

4. Về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Hiện nay, tại Việt Nam đang đồng thời tồn tại bốn trình tự, thủ tục có thể được áp dụng để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, bao gồm: Tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài thương mại, tố tụng cạnh tranh và thủ tục giải quyết quy định tại Pháp lệnh BCVT, Nghị định 160/2004/NĐ-CP và Quyết định 12/2006/QĐ-BBCVT. Điều này tạo ra sự đa dạng trong việc lựa chọn cách giải quyết, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên, mặc dù trên thực tế, chỉ có duy nhất trình tự quy định tại Nghị định 160/2004/NĐ-CP và Quyết định 12/QĐ-BBCVT được áp dụng giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông thời gian qua. Tuy nhiên, sự đa dạng về thủ tục cũng đặt ra một số vấn đề:

Thứ nhất, chúng ta cần một số lượng lớn những trọng tài viên, người tiến hành tố tụng có hiểu biết chuyên sâu về kêt nối và tranh chấp kết nối Viễn thông bên cạnh kiến thức pháp luật vững vàng. Điều này không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Cử cán bộ đi đào tạo, thực tập tại nước ngoài hoặc một số công ty luật lớn, có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực giải quyết, tư vấn về kết nối cũng là một giải pháp. Chủ trương và cũng là xu hướng phát triển của nhiều nước hiện nay trên thế giới là chỉ cấp phép một số lượng hạn chế các nhà cung cấp hạ tầng mạng, điều đó có nghĩa là số lượng những vụ tranh chấp kết nối thời gian tới chắc chắn sẽ còn tăng, nhưng cũng chắc chắn là không thể tăng quá nhiều. Thực tế này buộc chúng ta phải tính toán, cân nhắc kỹ liệu tập trung đầu tư vào một trình tự giải quyết hay vẫn để tồn tại cùng một lúc nhiều trình tự giải quyết như hiện nay. Cùng với sự tồn tại của nhiều trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, số lượng cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng phải được thành lập một cách tương ứng và như vậy thì kèm theo đó là trang thiết bị đặc thù và cơ sở vật chất v.v.

Trên thế giới hiện đang có hai trường phái tương đối rõ rệt trong việc xây dựng các văn bản pháp lý điều chỉnh quan hệ tranh chấp kết nối Viễn thông. Ở những quốc gia mạnh về đội ngũ nhân lực tham gia giải quyết các khía cạnh đặc thù có tính kỹ thuật cao của tranh chấp kết nối thì cho phép tồn tại cùng lúc nhiều trình tự pháp lý giải quyết khác nhau như: thương lượng, hoà giải, trọng tài, toà án, giải quyết thông qua CQQL.v.v... Điển hình cho nhóm quốc gia này là Anh, Mỹ và một số nước Bắc Mỹ khác.v.v… Nhưng cũng có quốc gia lựa chọn xu hướng ngược lại, đó là thành lập một cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, điển hình cho xu hướng này là Singapore, Australia, Ấn Độ.v.v… Thực tế là, với đặc thù mang nặng chất công nghệ cao của tranh chấp kết nối, chỉ những chủ thể có đội ngũ nhân lực mạnh về kiến thức công nghệ, theo một trình tự, thủ tục đặc biệt mới đáp ứng được kỳ vọng của các bên trong tranh chấp.

Thứ hai, có hay không sự ưu tiên áp dụng một trong những trình tự này trước trình tự kia? Trên thực tế, xuất hiện không ít quan điểm cho rằng, trình tự giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông quy định trong Pháp lệnh BCVT là trình tự đầu tiên được ưu tiên áp dụng trong giải quyết tranh chấp kết nối. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây là trình tự duy nhất tại Việt Nam có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Rõ ràng là còn có nhiều cách hiểu không thống nhất, và nguyên nhân một phần được cho là do có nhiều trình tự giải quyết tranh chấp cùng môt lúc đều có khả năng điều chỉnh, trong khi giữa các Văn bản pháp luật không có quy định rõ về mối quan hệ này.

Thứ ba, đặc thù trong lĩnh vực Viễn thông đòi hỏi phải có những trình tự, thủ tục đặc biệt, không áp dụng chung với các tranh chấp thương mại thông thường. Việc áp dụng chung cả Tố tụng dân sự, tố tụng cạnh tranh sẽ dẫn đến những bất hợp lý. Ví dụ như:

- Trong tố tụng cạnh tranh, tố tụng dân sự có những quy định cho phép CQQL cạnh tranh chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý hình sự nếu phát hiện thấy dấu hiệu tội phạm trong vụ tranh chấp đồng thời, bên vi phạm luôn đối mặt với nguy cơ bị xứ lý hành chính. Có thể những quy định này là phù hợp với các DN kinh doanh thương mại khác, nhưng trong lĩnh vực Viễn thông, những quy định như vậy, một mặt gây tâm lý e ngại cho các DN Viễn thông, mặt khác dẫn đến tình trạng “sứt mẻ”, thậm chí cắt đứt hẳn quan hệ giữa các bên tranh chấp kết nối, do đó không phù hợp với mục tiêu cần đạt được trong việc giải quyết tranh chấp kết nối, đó là: Hai bên hiểu biết và phối hợp, tạo điều kiện cho nhau một cách chặt chẽ hơn để đảm bảo tính thông suốt của thông tin liên lạc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NSD dịch vụ. 

- Theo quy định của Luật Cạnh tranh, Bộ luật tố tụng dân sự, những phần Quyết định giải quyết tranh chấp chưa có hiệu lực hoặc bị khiếu nại thì chưa được thi hành. Quy định này không phù hợp với lĩnh vực Viễn thông. Trong lĩnh vực Viễn thông, trước tiên phải đảm bảo liên lạc thông suốt, không bị gián đoạn, ngay kể cả trong giai đoạn giải quyết tranh chấp nguyên tắc này cũng không được phá vỡ. Quy định như Luật Cạnh tranh trên đây sẽ không đảm bảo được nguyên tắc kể trên.

- Nhiều chế tài xử phạt hành chính trong Luật cạnh tranh không phù hợp trong lĩnh vực Viễn thông như: Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Tịch thu tang vật, phương tiện được dùng để vi phạm pháp luật cạnh tranh, thu hồi giấy phép .v.v…Việc tịch thu một tổng đài điện thoại, một hệ thống mạng lưới truyền dẫn giữa tổng đài và NSD trong một khu vực nào đó là điều không thể. Hơn nữa, để cơ cấu lại DN lớn trong lĩnh vực Viễn thông như VNPT không chỉ đơn giản thông qua một phán quyết của Cơ CQQL cạnh tranh. Đây là chiến lược của Quốc gia, liên quan mật thiết tới toàn bộ nền kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng.

Kinh nghiệm một số nước cho thấy, bên cạnh tố tụng trọng tài, dân sự, cạnh tranh dành cho những tranh chấp thương mại thông thường, để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, các nước thường xây dựng một trình tự, thủ tục đặc thù riêng.

Tại Mỹ, Hiệp hội trọng tài (AAA) và Hiệp hội Viễn thông, Internet (CTIA) đã cùng nhau xây dựng trình tự, thủ tục giải quyết riêng cho tranh chấp kết nối Viễn thông. Thủ tục giải quyết của AAA với tranh chấp kết nối Viễn thông chia làm 3 loại: 1/ Regular Track Procedures (áp dụng cho những vụ tranh chấp có trị giá từ 2000 usd -500,000usd); 2/ Fast Track Procedures (áp dụng cho những vụ tranh chấp có trị giá dưới USD 2,000); 3/ Large/Complex Case Track Procedures (áp dụng cho những vụ tranh chấp có trị giá dưới ít nhất từ USD 500,000). Mỗi loại này khác nhau về trình tự giải quyết, về trọng tài viên về việc xem xét lại phán quyết và về thời gian giải quyết.v.v…

Jordan cũng có những quy định tương tự trong pháp luật của mình. Năm 2003, Ủy ban quản lý Viễn thông Jordan (TRC) đã thông qua đạo luật giải quyết tranh chấp kết nối. Nhưng, thay vì quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, đạo luật này lại nhằm đến những quy định hướng dẫn các bên tiến hành thỏa thuận bằng việc ban hành văn bản hướng dẫn: “Guidelines for negotiations between the parties or disputants in the dispute to propose a solution himself or by means of a mediator or persons appointed for this purpose..”. Theo quy định pháp luật Jordan, việc các bên tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp kết nối trước khi trình vụ việc lên TRC là một thủ tục bắt buộc và trước khi thụ lý, TRC phải chắc chắn rằng, các bên đã qua thủ tục thỏa thuận này. Luật Jordan cũng quy định rõ việc cho phép các bên lựa chọn trọng tài thay vì TRC để giải quyết tranh chấp. Trường hợp vụ việc được trình lên TRC, TRC có thể sẽ ủy quyền, chỉ định cho một bên trung gian như chuyên gia, trọng tài khác để giải quyết vụ việc và chi phí này sẽ do các bên tự gánh chịu1. Tại Ấn Độ, Tòa án giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông (TDSAT) có đầy đủ thẩm quyền của một tòa án dân sự như lại không buộc phải tuân theo mọi trình tự, thủ tục chặt chẽ và dài dòng của Tòa dân sự mà chỉ phải tuân theo luật hợp lý, tự nhiên2.

Tại Australia, Quy trình giải quyết được quy định trong Trade Practice Act 1974 (sửa đổi năm 1997) và được bổ sung bằng Telecommunication Act 1997 và Telecommunication  Competition Act 2002. Trên cơ sở những đạo luật trên, ACCC ban hành những hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục để giải quyết một vụ tranh chấp Viễn thông. Theo đó, quy trình giải quyết được chia ra làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất (Preliminary phase), ACCC sẽ xác định những vấn đề nào là vấn đề trọng tâm của tranh chấp, bên tranh chấp bao gồm những ai, tìm kiếm, lựa chọn bên thứ ba hỗ trợ, tìm kiếm chuyên gia tư vấn thích hợp.v.v…Giai đoạn thứ hai (Substantive phase) ACCC bắt tay vào  xem xét từng vấn đề trong tranh chấp, tìm kiếm thông tin, kể cả thông tin do các bên cung cấp, tìm kiếm tư vấn của các chuyên gia.v.v…Giai đoạn cuối cùng (Determination phase): ACCC sẽ đưa ra quyết định giải quyết vụ việc. ACCC được giao toàn quyền trong việc quyết định thời gian giải quyết đối với từng vụ tranh chấp cụ thể trên cơ sở công bằng và hợp lý nhưng không quá 10 tuần. Quyết định giải quyết của ACCC có thể được xem xét lại nếu một trong các bên tranh chấp có đơn yêu cầu Tòa cạnh tranh liên bang (Australia Competition Tribunal) xem xét lại. Thời gian nộp đơn yêu cầu là trong vòng 21 ngày kể từ ngày có Quyết định giải quyết của ACCC. Tòa cạnh tranh quốc gia có thể xem xét và giải quyết lại vụ việc như ACCC. Ngoài ra, Quyết định của ACCC còn có thể bị kiện lên Tóa án liên bang trong vòng 28 ngày kể từ ngày có Quyết định của ACCC để được xem xét lại theo trình tự quy định tại Administrative Decision Act 1977. Tòa án liên bang không giải quyết lại vụ việc, chỉ xem xét quyết định của ACCC có tuân thủ đúng quy trình pháp lý hay không. 

Tại Việt Nam, hiện nay, thủ tục giải quyết tranh chấp trong Pháp lệnh BCVT, Nghị định 160/2004/NĐ-CP và Quyết định 12/QĐ-BBCVT được coi là thủ tục hợp lý nhất và cũng được các DN Viễn thông áp dụng nhiều nhất trên thực tiễn.

 

1 (ITU Jordan Mini Case Study 2003: Dispute Resolution and Consensus Building in Interconnection at http://www.itu.int/ITU-D/treg/Case_Studies/Disp-Resolution/Jordan.pdf).

2 (Tham khảo bài phát biểu của Mr. Justice D.P.Wadhaw, Chủ tịch của TDSAT ngày 2 tháng 12 năm 2004 tại Hội thảo khu vực châu Âu về giải quyết tranh chấp tổ chức tại Geneva).

Tài liệu tham khảo

[1]. Resolution of telecommunication access disputes - a guide, March 2004, Australia Compatative and Comsumer Commmision

[2]. ITU Jordan Mini Case Study 2003: Dispute Resolution and Consensus Building in Interconnection at http://www.itu.int/ITU-D/treg/Case_Studies/Disp-Resolution/Jordan.pdf.

[3]. Bài phát biểu của Mr. Justice D.P.Wadhaw, Chủ tịch của TDSAT ngày 2 tháng 12 năm 2004 tại Hội thảo khu vực châu Âu về giải quyết tranh chấp tổ chức tại Geneva).

[4]. Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003

[5]. Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005.

[6]. Luật cạnh tranh năm 2005

[7]. Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

[8]. Pháp luật Viễn thông các nước: Australia, Anh, Mỹ, Canada.

[9]. Pháp luật kết nối Viễn thông Australia, Mỹ, Botswana, Phần Lan, Đức, Tây Ban Nha, Guantemala, Sigapore.

[10]. Dispute Resolution in the Telecommunications Sector: Current Practices and Future Directions, ITU-World Bank, 2004.

[11]. Reflections on Regulation and Dispute Resolution in the Indian Telecommunication Sector, Rory Mac Millan, Journal of the Indian Law Institute, Vol. 47:1 (2005).

[12]. Ban Giá cước – VNPT, Đề tài Khoa học cấp Tổng Công ty: “Xây dựng nội dung, quy trình đàm phán và mẫu thoả thuận cung cấp dịch vụ Viễn thông giữa Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp khác

 

Pháp luật giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay (Bài 3)

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

 - Về hình thức trọng tài

Các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông có thể lựa chọn Trọng tài vụ việc (ad-hoc) hoặc Trọng tài thường trực (hoạt động thường xuyên). Điều 19, Pháp lệnh quy định: “Các bên có quyền lựa chọn Trung tâm Trọng tài hoặc Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo quy định về tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Hình thức trọng tài ad-hoc khá đơn giản, thời gian tiến hành tố tụng có thể nhanh chóng và ít tốn kém, phù hợp với tranh chấp nhỏ, giữa các bên đương sự có am hiểu về luật pháp, dày dạn trên thương trường và có kinh nghiệm tranh tụng và không bị giới hạn về phạm vi lựa chọn trọng tài viên. Bên cạnh trọng tài ad-hoc, còn có loại hình trọng tài thường trực. Xét về bản chất, trọng tài thường trực là sự pha trộn giữa toà án và trọng tài vụ việc. Cũng được quyền lựa chọn trọng tài viên như trọng tài vụ việc nhưng các DN Viễn thông chỉ được lựa chọn trong danh sách có sẵn của Trung tâm trọng tài (Điều 25, Pháp lệnh trọng tài thương mại). Mặt khác đối với trọng tài thường trực các DN Viễn thông buộc phải tuân theo các quy chế xét xử của từng Trung tâm  trọng tài.

Ảnh minh họa: telecoms.com

Để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài, các bên phải tuân theo trình tự, thủ tục sau đây:

Bước 1: Nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi Trung tâm trọng tài. Kèm theo đơn kiện là bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài, bản chính bản sao các tài liệu chứng cứ, bản sao phải có chứng thực hợp lệ.

Bước 2: Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn kiện của nguyên đơn và những tài liệu chứng cứ kèm theo mà nguyên đơn đã gửi (trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn kiện).

Bước 3: Bị đơn gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ (Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiện và các tài liệu có liên quan).

Bước 4: Nguyên đơn phải nộp tạm ứng phí trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác. Bước 5: Thành lập hội đồng trọng tài và lựa chọn trọng tài viên.

Bước 6: Giải quyết vụ việc.

Trọng tài viên có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, ngoài ra có thể nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ, các bằng chứng và tài liệu khác có liên quan hoặc cũng có thể tìm hiểu sự việc từ người thứ ba. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng trọng tài có thể tự mình thu thập chứng cứ, mời giám định theo yêu cầu của một hoặc các bên (Điều 31, 32 Pháp lệnh). Trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn đến toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 33, Pháp lệnh). Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, các bên cũng có thể tự tiến hành hoà giải hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài tiến hành hoà giải, nếu hoà giải thành thì chấm dứt quá trình tố tụng (Điều 37 Pháp lệnh).

Phiên họp giải quyết tranh chấp là nơi diễn ra quá trình tranh tụng, theo đó các bên tranh chấp phải phát biểu và trả lời các câu hỏi của hội đồng trọng tài. Phiên họp giải quyết tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Các bên có quyền mời nhân chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự phiên họp. Trường hợp được các bên yêu cầu, hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên. Hội đồng trọng tài phải lập biên bản phiên họp giải quyết tranh chấp, đây là văn bản ghi nhận tiến trình của thủ tục trọng tài, cũng như nội dung của quá trình tranh luận (Điều 38, 39, 40, 43 Pháp lệnh). Hội đồng trọng tài phải đảm bảo đủ thời gian để tranh luận, các bên có thể trình bày quan điểm và đưa ra chứng cứ chứng minh cho lập luận của mình. Hội đồng trọng tài có thể đặt câu hỏi để làm rõ một số điểm. Phiên họp giải quyết tranh chấp là một thủ tục bắt buộc của quá trình tố tụng. Vì vậy, việc hội đồng trọng tài từ chối tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp có thể bị coi như sự vi phạm quy tắc giải quyết và có thể dẫn đến việc toà án từ chối công nhận hoặc thi hành quyết định trọng tài.

Quyết định trọng tài là quyết định do hội đồng trọng tài đưa ra để giải quyết mâu thuẫn trong vụ tranh chấp. Quyết định trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số (trừ trường hợp do trọng tài viên duy nhất giải quyết). Quyết định trọng tài có thể được công bố ngay tại phiên họp cuối cùng hoặc sau đó, nhưng chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng (Điều 45 Pháp lệnh).

Thi hành quyết định trọng tài: Khoản 1, Điều 57 Pháp lệnh quy định, sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, cũng không yêu cầu huỷ theo quy định tại Điều 50 của Pháp lệnh này, bên được thi hành quyết định trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở của bên phải thi hành, thi hành quyết định trọng tài.

Một điểm cần lưu ý khi đưa vụ tranh chấp kết nối Viễn thông ra Trọng tài là quá trình giải quyết của Trọng tài có vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án. Trọng tài vốn không phải là cơ quan tư pháp của nhà nước, nên không có thẩm quyền cưỡng chế. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của toà án, thì trọng tài nhất định không thể giải quyết tranh chấp tốt, thậm chí quyết định trọng tài cũng khó có thể thi hành được. Mặt khác, sự giám sát của toà án với tư cách là cơ quan công quyền đối với hoạt động trọng tài có thể làm cho các bên trong tranh chấp yên tâm hơn khi lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp. Hoạt động hỗ trợ của Toà án thể hiện ở một số mặt sau đây:

Thứ nhất, Toà án hỗ trợ trong việc thi hành thoả thuận trọng tài. Khi vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại toà án thì toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu (Điều 5 Pháp lệnh). Trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án, toà án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài, thì toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo cho đương sự (Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP).

Thứ hai, Toà án hỗ trợ các bên trong việc lựa chọn trọng tài viên. Việc lựa chọn này là quyền của các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng có thể tự lựa chọn được hoặc cùng nhau thống nhất lựa chọn một trọng tài viên hay lựa chọn trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch hội đồng trọng tài. Trong những trường hợp như vậy, để các bên có thể thành lập hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, thì sự hỗ trợ của toà án đối với các bên trong việc lựa chọn là hết sức cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, các bên có yêu cầu thay đổi trọng tài viên và họ phải  từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp do pháp luật quy định (khoản 1, Điều 27). Trong trường hợp không quyết định được hoặc nếu hai hay trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết thì đối với vụ tranh chấp do hội đồng trọng tài được các bên thành lập giải quyết, theo yêu cầu của nguyên đơn, toà án tỉnh nơi bị đơn có trụ sở quyết định và quyết định này là chung thẩm (Điểm b, Khoản 4 Điều 27, Pháp lệnh).

Thứ ba, Toà án xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài về tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài, về thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp (Điều 30 Pháp lệnh). Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không phải mọi thoả thuận trọng tài đều được thể hiện một cách chuẩn xác theo đúng các quy định của pháp luật, do đó các bên không tránh khỏi các tranh chấp phát sinh liên quan đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài như tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu. Trong trường hợp đó, Toà án là cơ quan thực hiện nhiệm vụ giải quyết. Điều 30 Pháp lệnh, trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu nại của một bên về việc hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp; vụ tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, hội đồng trọng tài phải xem xét, quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của hội đồng trọng tài, các bên có quyền yêu cầu toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài đã ra quyết định, xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án toà án giao cho một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 10, kể từ ngày được giao, Thẩm phán phải xem xét, quyết định.

Thứ tư, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều 33, Pháp lệnh có quy định, trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, thì các bên có quyền làm đơn đến toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như: Bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu huỷ hoặc có nguy cơ bị tiêu huỷ; Kê biên tài sản tranh chấp; Cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp; Cấm thay đổi kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; Kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; Phong toả tài khoản tại ngân hàng.

Thứ năm, Toà án có quyền huỷ quyết định trọng tài. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trọng tài, nếu một trong các bên không đồng ý với quyết định trọng tài thì có quyền làm đơn gửi toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài, yêu cầu huỷ quyết định trọng tài (Điều 50 Pháp lệnh). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý, Chánh án toà án chỉ định một hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa và phải mở phiên toà xét đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài. Tòa án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài, nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng hội đồng trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau: Không có thoả thuận trọng tài; Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh; Thành phần hội đồng trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên theo quy định của Pháp lệnh này; Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ pháp luật quy định; Quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Thứ sáu, Toà án hỗ trợ trọng tài trong việc lưu giữ hồ sơ. Đối với việc giải quyết vụ tranh chấp do Trung tâm trọng tài tổ chức thì đương nhiên hồ sơ, quyết định trọng tài, biên bản hoà giải.v.v…được lưu trữ tại Trung tâm. Tuy nhiên, đối với hình thức trọng tài vụ việc, sau khi giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài tự giải tán, vì vậy cần phải có một cơ quan lưu giữ hồ sơ của vụ tranh chấp này. Cơ quan đó chính là toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết tranh chấp. Khoản 2, Điều 48 Pháp lệnh có quy định, đối với việc giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài do các bên thành lập, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố quyết định trọng tài hoặc biên bản hoà giải, hội đồng trọng tài phải gửi quyết định trọng tài, biên bản hoà giải kèm theo hồ sơ giải quyết vụ tranh chấp cho toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài hoặc lập biên bản hoà giải để lưu trữ.

- Thi hành quyết định trọng tài về việc giải quyết vụ tranh chấp kết nối

Trọng tài là cơ quan tài phán phi chính phủ, các quyết định của trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước, vì vậy không đương nhiên được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước. Tuy nhiên, khi Nhà nước đã thừa nhận sự tồn tại của trọng tài thì Nhà nước cần phải có cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyết định trọng tài.

Tại Việt Nam, Pháp lệnh trọng tài thương mại quy định, quyết định trọng tài không những có tính chất chung thẩm, mà còn được cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh cưỡng chế thi hành khi bên thua kiện không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tự nguyện, mà không cần phải thông qua thủ tục toà án phê chuẩn. Điều 57 Pháp lệnh quy định: “Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, cũng không yêu cầu huỷ theo quy định tại Điều 50 của Pháp lệnh, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành, thi hành quyết định trọng tài.” Như vậy, DN Viễn thông được thi hành quyết định giải quyết tranh chấp kết nối của Trọng tài có quyền yêu cầu thi hành án cấp tỉnh cưỡng chế thi hành.

Một số ưu điểm của hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài đó là: Tính mềm dẻo trong việc giải quyết, sự đảm bảo bí mật kinh doanh, thời gian giải quyết được rút ngắn và đặc biệt là sau khi giải quyết các bên vẫn giữ được mối quan hệ tốt. Điều này phù hợp với một trong những đặc điểm nổi bật của tranh chấp kết nối Viễn thông so với tranh chấp thương mại thông thường: Tranh chấp để cùng tồn tại, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, cũng cùng chung tình trạng với Bộ luật tố tụng dân sự và Luật cạnh tranh, Pháp lệnh trọng tài thương mại, cho đến thời điểm này, chưa có vụ tranh chấp kết nối Viễn thông nào được đưa ra giải quyết tại Trọng tài.

4. Pháp lệnh BCVT và những văn bản hướng dẫn thi hành - Pháp luật chuyên ngành giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Pháp lệnh BCVT được Quốc Hội thông qua ngày 07/6/2002, là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực Viễn thông hiện nay. Pháp lệnh BCVT không chỉ chứa đựng những quy định mang tính hình thức, mà bao gồm cả những quy định về nội dung kết nối. Thực tiễn giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông thời gian qua cho thấy, Pháp lệnh BCVT và Nghị định 160/2004/NĐ-CP là hai văn bản duy nhất được các bên áp dụng vào giải quyết tranh chấp phát sinh.

Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối mạng Viễn thông, Điểm c, Khoản 2, Điều 43, PL BCVT quy định: “Các DN Viễn thông tiến hành đàm phán, ký kết thoả thuận kết nối...; trường hợp các bên không đạt được thoả thuận kết nối theo thời hạn quy định hoặc có tranh chấp trong việc thực hiện thoả thuận kết nối, thể theo đề nghị của một trong các bên tham gia kết nối, CQQL nhà nước về BCVT tổ chức hiệp thương giữa các bên, nếu sau hiệp thương các bên vẫn không đạt được thoả thuận thì CQQL nhà nước về BCVT xem xét, quyết định”. Với tư cách là một thứ “hiến pháp” trong lĩnh vực Viễn thông, liên quan đến tranh chấp kết nối mạng Viễn thông, Pháp lệnh BCVT chỉ đưa ra những nguyên tắc chung về giải quyết tranh chấp mà không quy định cụ thể trình tự, thủ tục, do vậy, việc áp dụng vào vụ tranh chấp là không thực tế.

Để chi tiết hoá Pháp lệnh BCVT, ngày 03/9/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 160/2004/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh BCVT về Viễn thông (NĐ160). NĐ160 gồm 12 Chương, 65 Điều, chủ yếu hướng dẫn các nội dung liên quan đến khía cạnh kỹ thuật Viễn thông, Internet... Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về kết nối Viễn thông, NĐ 160 đã hướng dẫn chi tiết hơn một số vấn đề đã được đề cập trong Pháp lệnh BCVT. Cụ thể là, tại Chương X, Nghị định 160/2004/NĐ-CP (Điều 59 và Điều 60) quy định về “Giải quyết tranh chấp”, trong đó chứa đựng những quy định về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông:

Một là, hình thức giải quyết tranh chấp bao gồm: 1/ Thương lượng (Khoản 1, Điều 59, NĐ 160); 2/ Hiệp thương (Điều 60, NĐ 160); 3/ Khiếu nại (Điểm b, Khoản 2, Điều 60, NĐ 160); 4/ Khởi kiện (Điểm b, Khoản 2, Điều 60, NĐ 160).

Hai là, Bộ BCVT (Khoản 1, 2, Điều 60, NĐ 160) hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 59, NĐ 160) là những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Ba là, thủ tục giải quyết liên quan đến thỏa thuận kết nối được quy định tại  Điều 60 NĐ 160, theo đó, các bên có quyền yêu cầu Bộ BCVT giải quyết; Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của DN, Bộ BCVT phải xem xét vụ việc. Nếu không giải quyết, Bộ BCVT có trách nhiệm giải trình rõ lý do. Trường hợp giải quyết thì tiến hành theo các bước sau đây: 1/ Trong thời hạn chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp, Bộ BCVT phải tổ chức hiệp thương; 2/ Sau khi hiệp thương, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, Bộ BCVT sẽ quyết định vụ việc trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc hiệp thương; 3/ Nếu chưa thỏa đáng, các bên có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc đưa vụ việc ra tòa.

Những quy định trong Pháp lệnh và NĐ 160 trên đây đã được áp dụng để giải quyết một số vụ tranh chấp. Tuy nhiên, quá trình giải quyết này bộc lộ nhiều bất cập, do vậy, ngày 26/4/2006, Bộ trưởng Bộ BCVT đã ký quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ban hành kèm theo Quy định về việc thực hiện kết nối giữa những mạng Viễn thông công cộng, trong đó có chi tiết hóa trình tự giải quyết tranh chấp kết nối. Quyết định gồm 5 Chương: Quy định chung; Đảm bảo dung lượng kết nối; Báo cáo việc thực hiện kết nối; Giải quyết tranh chấp và điều khoản thi hành. Kèm theo Quyết định là 5 Phụ lục, đưa ra những tiêu chí làm cơ sở cho quá trình xem xét giải quyết tranh chấp, đó là: Phương pháp tính tổng dung lượng kết nối liên mạng; Mẫu biểu báo cáo đột xuất theo các hướng kết nối hoặc tại một điểm kết nối cụ thể; Mẫu biểu báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình thực hiện các Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối với các doanh nghiệp khác; Tiêu chí xác định mức độ sử dụng hiệu quả tuyến trung kế kết nối và quy trình xác định năng lực dư thừa của tổng đài kết nối, tiến độ bổ sung cổng kết nối dư thừa chống nghẽn kết nối; Tiêu chí xác định nghẽn kết nối và quy trình, tiến độ thực hiện bổ sung dung lượng kết nối. Theo quy định của ba văn bản pháp luật kể trên, Hiệp thương được thừa nhật là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Để vụ việc được giải quyết theo trình tự này, trước tiên DN Viễn thông yêu cầu phải có Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp gửi Tổ Kết nối, Bộ BCVT (Nay là Bộ TT&TT). Hồ sơ bao gồm: Công văn đề nghị giải quyết tranh chấp; Các chứng cứ, tài liệu về kinh tế, kỹ thuật liên quan kèm theo; Các kiến nghị, đề xuất (Điều 11, QĐ 12/2006/QĐ-BBCVT). Trên cơ sở Hồ sơ này, Tổ Kết nối quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp hoặc từ chối giải quyết tranh chấp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ khiếu nại hợp lệ hoặc văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của DN. Trường hợp nội dung Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tổ Kết nối, Tổ Kết nối có trách nhiệm trả lời DN bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và các hướng dẫn (nếu có) cho DN. Trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp, Tổ Kết nối sẽ tiến hành theo 4 bước sau: Bước 1: Xác minh tính hợp lệ, các nội dung trong Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp; Bước 2: Tổ Kết nối tổ chức hiệp thương giữa các bên; Bước 3: Tổ Kết nối ra thông báo hoặc quyết định giải quyết tranh chấp; Bước 4: Thi hành thông báo và quyết định giải quyết tranh chấp.

Trường hợp DN không nhất trí với nội dung được yêu cầu trong thông báo và quyết định giải quyết tranh chấp của Tổ Kết nối, DN có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ TT&TT để được xem xét, giải quyết. Trong thời gian tiếp tục yêu cầu và chờ đợi việc giải quyết tranh chấp tiếp theo, các bên có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Tổ Kết nối. Nếu DN không nhất trí với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ TT&TT, DN có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà để được giải quyết theo các quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 60 NĐ 160/NĐ-CP). Trong thời gian tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà hai bên vẫn phải chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ TT&TT.

Như vậy, hiệp thương thực chất là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba. Là trường hợp đặc biệt của hình thức trung gian hòa giải, trong đó, bên tổ chức hiệp thương (bên đứng ra hòa giải) là CQQL nhà nước về Viễn thông - Bộ TT&TT.

Trên thế giới, hoà giải tranh chấp kết nối Viễn thông thường xuất hiện ba dạng. Thứ nhất là CQQL về Viễn thông trực tiếp đứng ra hoà giải (như trường hợp hiệp thương tại Việt Nam hiện nay), thứ hai là CQQL nhà nước về Viễn thông chỉ định, tìm kiếm hoặc thuê một bên hoà giải thứ ba để giải quyết tranh chấp và thứ ba là những tổ chức, cá nhân hoà giải độc lập được các bên đồng ý đề nghị tham gia quá trình giải quyết tranh chấp. Tại một số nước, vụ tranh chấp kết nối không được cơ quan giải quyết thụ lý nếu các bên chưa tiến hành tìm kiếm một bên đứng ra hòa giải vụ việc. Trong giải quyết tranh chấp thông qua trung gian hoà giải, bên trung gian thường kéo các bên về với bản chất của tranh chấp và những mâu thuẫn cơ bản nhất cần giải quyết, trên cơ sở hài hoà hoá lợi ích giữa các bên khi mâu thuẫn được giải quyết, bên trung gian sẽ đề xuất phương án tối ưu nhất để các bên lựa chọn.

Ưu điểm của hình thức hiệp thương giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông thể hiện ở một số điểm dưới đây:

Thứ nhất, Bộ TT&TT dựa trên lợi ích của các bên liên quan để giải quyết thay vì dựa vào vị thế. Những động cơ tiềm ẩn bên trong, những mâu thuẫn về tài chính, về nhân sự, về điều hành hay cơ cấu tổ chức sẽ được làm sáng tỏ, tạo cơ sở cho việc đưa ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp với các bên. Thông thường, Bộ TT&TT sẽ chỉ rõ cho các bên thấy được lợi ích của giải pháp giải quyết tranh chấp thay vì chi phí cả hai sẽ phải bỏ ra nếu tiếp tục kéo dài thời gian tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản giữa hình thức thoả thuận và hình thức hiệp thương. Trên cơ sở lợi ích của các bên, Bộ TT&TT sẽ đưa ra phương án giải quyết vừa phù hơp với quy định pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích các bên và lợi ích chung toàn xã hội. Có lẽ đây cũng là điểm mà bên tranh chấp, đặc biệt là DN mới tham gia thị trường kỳ vọng vào vai trò của Bộ BCVT.

Thứ hai, chi phí mà các bên phải trả so với chi phí ra trọng tài, hoặc toà án hay CQQL cạnh tranh là thấp hơn rất nhiều.

Thứ ba, việc giải quyết được thực hiện theo 2 cấp: Tổ công tác kết nối và Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Thứ tư, nghĩa vụ chứng minh, giải quyết vụ việc sẽ do các bên và Tổ kết nối cùng thực hiện.

Thứ năm, thời gian giải quyết tối đa theo quy định tại NĐ 160 là 120 ngày (30 ngày thụ lý Hồ sơ, 60 ngày hiệp thương, 30 ngày Quyết định vụ việc). Theo quy định trong QĐ 12, thời gian thụ lý hồ sơ giảm xuống còn 10 ngày, do đó, tổng thời gian giải quyết giảm xuống còn 100 ngày. Quy trình 100 ngày có thể được lặp lại không giới hạn hoặc đưa ra Tòa án.

Những ưu điểm này đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn so với hình thức trung gian hòa giải khác hoặc so với hình thức thoả thuận. Cho đến thời điểm này, tất cả các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam đều được DN Viễn thông lựa chọn trình tự này để giải quyết như phương án lựa chọn đầu tiên và duy nhất.

5. Thỏa thuận để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam

Thoả thuận là hình thức giải quyết tranh chấp không có sự xuất hiện của bên thứ ba (trừ trường hợp bên thứ ba tham gia với tư cách đại diện cho một trong hai bên). Trong tiếng Anh, người ta sử dụng từ “Negotiation” để diễn đạt hình thức giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, khi chuyển tải sang tiếng Việt chưa có sự thống nhất, có tài liệu, văn bản pháp luật dịch là thoả thuận, có tài liệu dịch là thương lượng. Trên thực tế, thương lượng và thoả thuận đều có nghĩa như nhau, cùng diễn tả hình một thức giải quyết tranh chấp, trong đó chỉ có sự tham gia của các bên trong tranh chấp.   

Ưu điểm của hình thức thoả thuận thể hiện ở sự đơn giản, chủ động trong thủ tục, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo bí mật kinh doanh. Giải quyết tranh chấp bằng hình thức thoả thuận, nếu được sự nhất trí của các bên, cam kết sẽ được tôn trọng thực hiện triệt để và giữ được mối quan hệ hòa khí với nhau. Một ưu điểm nữa của hình thức thoả thuận là các bên có thể chủ động về thời gian, nhân lực.v.v..trong quá trình giải quyết tranh chấp, điều này cũng rất có ý nghĩa đối với một chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, không phải tranh chấp nào cũng có thể giải quyết bằng thỏa thuận, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: mối quan hệ thân thiện của các bên từ trước đến nay, tính chấp của tranh chấp (phức tạp hay đơn gian, căng thăng hay bình thường) v.v... Bên cạnh ưu điểm, giải quyết tranh chấp kết nối thông qua hình thức thoả thuận thường mắc phải một số điểm hạn chế như: Do thiếu chuyên gia pháp lý, nhiều trường hợp việc giải quyết không phù hợp với quy định pháp luật; Bên chiếm vị thế thường lợi dụng để đưa ra những thoả thuận có lợi cho mình; Tính pháp lý của cam kết không cao; các bên phải thiện chí.v.v…    

Trong các văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam, thỏa thuận luôn được coi là nguyên tắc đầu tiên và được khuyến khích. Điều 55, Pháp lệnh BCVT quy định khi xảy ra tranh chấp, trước tiên các bên tiến hành thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được mới giải quyết bằng các hình thức khác. Tinh thần này cũng được ghi nhận tương tự trong Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật cạnh tranh và Pháp lệnh trọng tài thương mại. Ngay kể cả khi thủ tục tố tụng đã được mở, hoặc thậm trí ngay tại phiên tòa (tố tụng dân sự) hoặc phiên điều trần (tố tụng cạnh tranh) nếu các bên đã thỏa thuận được với nhau, hoặc tự nguyện thực hiện thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng công nhận sự thỏa thuận này và đình chỉ việc giải quyết. Không chỉ Việt Nam, thỏa thuận cũng được thừa nhận như một trong những hình thức giải quyết mang tính thay thế (Alternative Dispute Revolution - ADR) trong hệ thống pháp luật nhiều nước trên thế giới. Việc thỏa thuận giải quyết có thể do các bên tự nguyện, hoặc cũng có thể thông qua việc ký kết một hợp đồng. Và cũng giống như Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền các nước cũng thường yêu cầu các bên tự giải quyết trước khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại cơ quan đó.3

Thoả thuận đòi hỏi các bên phải thực sự tôn trọng, tự giác và hiểu biết lẫn nhau.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đạo luật Viễn thông của Mỹ năm 1996

[2]. Dispute Resolution in the Telecommunications Sector-Current Practices and Future Directions-2004-McCarthy Tétrault LLP.

[3]. Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003

[4]. Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005.

[5]. Luật cạnh tranh năm 2005

[6]. Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

Pháp luật giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay (Bài 2)

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

 Để giải quyết một vụ tranh chấp, người ta phải căn cứ vào những quy phạm nội dung và những quy phạm hình thức. Quy phạm nội dung là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Quy phạm hình thức giúp cho việc giải quyết tranh chấp tuân thủ theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, chính xác. Các văn bản pháp luật tham gia giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông vì vậy cũng được chia làm hai nhóm. Nhóm các văn bản quy định về kết nối, bao gồm: Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (BCVT), Nghị định 160/2004/NĐ-CP và Quyết định 12/2006/QĐ-BBCVT. Nhóm các văn bản quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối, trong đó có Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, để phù hợp tính chất đặc thù của lĩnh vực Viễn thông, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối còn được quy định tại Pháp lệnh BCVT, Nghị định 160/2004/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh BCVT về Viễn thông và Quyết định 12/2006/QĐ-BBCVT của Bộ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).

Bài viết này tập trung chủ yếu vào phân tích thực trạng và bước đầu đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật để giải quyết vụ việc tranh chấp kết nối Viễn thông mà không đi sâu vào những quy định mang tính nội dung của kết nối.

Ảnh minh họa: WATblog

1. Áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Bộ luật tố tụng dân sự bao gồm 36 Chương, 418 Điều, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực từ 01/01/2005. Ngay trong Điều 1, Bộ luật tố tụng dân sự đã nêu rõ, Bộ luật quy định trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại; Trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về kinh doanh, thương mại tại Tòa án. Bằng quy định này, kể từ ngày 01/01/2005, mọi tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại đều có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Toà án nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết. Như vậy, khẳng định rằng, khởi kiện ra tòa là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay. Khi vận dụng Bộ luật tố tụng Dân sự vào giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, cần lưu ý một số quy định cơ bản sau đây:

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

Về xét xử sơ thẩm, hiện nay, tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh đều có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp kết nối Viễn thông. Bộ luật tố tụng Dân sự quy định, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (tòa án cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (Điều 29, Điều 33, Bộ luật Tố tụng dân sự). Tranh chấp kết nối là tranh chấp giữa các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông với nhau, đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận, do vậy, tranh chấp kết nối có thể được coi là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Theo Khoản 2, Điều 34, Bộ luật tố tụng Dân sự, tòa án cấp huyện có thẩm quyền thụ lý xét xử sơ thẩm nếu Tòa cấp tỉnh không lấy lên để giải quyết. Cũng tại cấp sơ thẩm, tòa án nhân dân  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể giải quyết những vụ tranh chấp kết nối Viễn thông, nếu tranh chấp ấy không thuộc thẩm quyền của tòa cấp huyện hoặc trong trường hợp tòa cấp tỉnh nhận thấy cần thiết lấy lên để giải quyết (Điều 34, Bộ luật tố tụng Dân sự) hoặc vụ tranh chấp kết nối viễn thông ấy có yếu tố nước ngoài (Khoản 2, Điều 20, Bộ luật tố tụng Dân sự).  

Về xét xử phúc thẩm, trường hợp có kháng cáo, kháng nghị, tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp của cấp xét sử sơ thẩm sẽ xét xử theo thủ tục phúc thẩm tranh chấp kết nối Viễn thông. Như vậy, chỉ có tòa án cấp tỉnh và tòa án tối cao mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục phúc thẩm các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Với thủ tục giám đốc thẩm vụ tranh chấp kết nối Viễn thông, thẩm quyền thuộc về: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị; Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa phúc thẩm, Tòa kinh tế của Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị; Tòa án có thẩm quyền cấp trên đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các cấp Tòa án khác nhau (Điều 291, Bộ luật tố tụng Dân sự).

Thủ tục tái thẩm vụ tranh chấp kết nối Viễn thông thuộc thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm tòa án nhân dân cấp Tỉnh và Tòa tối cao (309, Bộ luật tố tụng dân sự).

Tóm lại, nếu vụ tranh chấp kết nối Viễn thông được giải quyết theo con đường tòa án, thì với quy định như hiện nay trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, tòa án nhân dân cấp Huyện trở lên đều có khả năng thụ lý, giải quyết.

- Thủ tục khởi kiện vụ tranh chấp kết nối Viễn thông theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự

Để vụ việc được tòa án giải quyết, doanh nghiệp (DN) viễn thông có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phải tiến hành khởi kiện (Ðiều 162, Bộ luật tố tụng Dân sự). Đơn khởi kiện tuân thủ đầy đủ nội dung hướng dẫn tại Điều 164, Bộ luật tố tụng Dân sự như: Tên, địa chỉ người khởi kiện, những vấn đề cần giải quyết, tài liệu chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.v.v… Đơn được nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi theo đường Bưu điện. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ thông báo ngay cho DN Viễn thông khởi kiện biết để đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lý vụ án khi DN khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Thủ tục khởi kiện kết thúc. 

- Hòa giải trong tố tụng dân sự

Trong xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự vụ án kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp kết nối Viễn thông nói riêng, hòa giải vừa là nguyên tắc, vừa là một bước quan trọng của tiến trình giải quyết vụ việc. Ðiều 10, Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Về nguyên tắc, sau khi thụ lý, Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp kết nối trong trường hợp các bên đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án (Điều 192). Thủ tục hòa giải cũng có khi được tiến hành tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thông qua phiên hòa giải do thẩm phán chủ trì, hoặc tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm thông qua việc chủ tọa phiên tòa hỏi về việc các bên có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ tranh chấp hay không (Điều 220, 260, 268). Tranh chấp kết nối Viễn thông là dạng tranh chấp đặc thù, trong đó các bên vẫn phải quan hệ, hợp tác chặt chẽ với nhau sau khi tranh chấp, do vậy, hòa giải luôn là một hình thức cần thiết để phù hợp với đặc thù đó.

- Xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm

Sau khi thụ lý, vụ việc chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, Tòa sẽ tiến hành hòa giải các bên, trường hợp hòa giải không thành, sẽ chuyển sang xét xử.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự, vụ án kinh doanh thương mại, trong đó có tranh chấp kết nối Viễn thông sẽ được xét xử theo hai cấp. Xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Xét xử sơ thẩm là việc tòa án có thẩm quyền xem xét và giải quyết lần đầu tiên vụ tranh chấp. Nhìn chung, về cơ bản việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm được tiến hành qua các bước như: Thủ tục trước khi bắt đầu, Thủ tục bắt đầu phiên tòa, Thủ tục hỏi, Thủ tục tranh luận, cuối cùng là Nghị án và tuyên án.

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị đối với phán quyết tại phiên sơ thẩm, vụ tranh chấp được xét xử phúc thẩm. Phán quyết tại phiên phúc thẩm là chung thẩm và các bên buộc phải thi hành và chuyển sang giai đoạn thi hành án. Về thủ tục tại phiên Phúc thẩm, nhìn chung, giống như phiên sơ thẩm.

Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện những tình tiết mới hoặc có sai sót trong quá trình xét xử, bản án sẽ được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thủ tục tại phiên tòa Tái thẩm và Giám đốc thẩm có nhiều điểm tương đồng, về cơ bản như sau: Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Ðại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị. Các thành viên của Hội đồng thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Ðại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án.

- Thi hành án

Bản án, phần bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành. Trường hợp các bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án các cấp ra quyết định thi hành án. Bên yêu cầu phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án hoặc quyết định có yêu cầu được thi hành. Công tác thi hành án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, đôn đốc.

- Thời gian giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự

Từ khi nộp đơn khởi kiện đến thi hành án (sau phúc thẩm, chưa kể tái thẩm và giám đốc thẩm) là khoảng hơn 600 ngày (thụ lý, bổ sung đơn kiện, phân công thẩm phán, chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, gửi quyết định sang thi hành án, chưa kể quá trình thi hành án). Thời gian ngắn nhất để một vụ tranh chấp kết nối viễn thông có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự là 120 ngày, xảy ra khi các bên thỏa thuận được với nhau và được tòa án công nhận ngay trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. 

Trên đây là một số điểm đáng lưu ý trong trường hợp các bên có ý định đưa vụ tranh chấp kết nối viễn thông ra giải quyết tại Tòa án theo quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn tranh chấp và giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, chưa có vụ việc nào được giải quyết bằng con đường khởi kiện tại Tòa án, mặc dù giải quyết bằng con đường tòa án có những ưu điểm như: Độc lập, chặt chẽ, khách quan trong trình tự giải quyết, tính bắt buộc thực hiện phán quyết vụ việc..v.v…

2. Áp dụng Luật Cạnh tranh giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004 gồm 6 Chương, 123 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Điều 56, Luật Cạnh tranh quy định, việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật này. Về nguyên tắc, kể từ ngày 1/7/2005, tranh chấp kết nối Viễn thông giữa các DN Viễn thông mang dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể được giải quyết theo tố tụng cạnh tranh quy định tại Luật cạnh tranh. Như vậy, hiện nay, khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh là một trong những hình thức được lựa chọn để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam.

Theo tinh thần các quy định trong Luật cạnh tranh, khi một bên tham gia tranh chấp kết nối Viễn thông xét thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật cạnh tranh như: Có dấu hiệu cho thấy, tranh chấp kết nối là hệ quả của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; Phân bổ cơ sở hạng tầng mạng không công bằng; Phân biệt giá cước kết nối nhằm hạn chế việc gia nhập thị trường; Tranh chấp kết nối nhằm mục đích hạn chế sự phân phối dịch vụ hoặc ngăn cản việc gia nhập thị trường của DN Viễn thông mới; Áp dụng cước kết nối cao hơn cước áp dụng cho DN thành viên hoặc DN khác; Buộc phải thực hiện các nghĩa vụ không liên quan đến kết nối; Từ chối dịch vụ; Lạm dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn cản dịch vụ của đối thủ .v.v…thì DN Viễn thông có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh, yêu cầu giải quyết theo trình tự, thủ tục của tố tụng cạnh tranh. 

Hồ sơ khiếu nại phải được gửi kèm chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm. Thời hiệu khiếu nại là 2 năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện (Điều 58, Luật Cạnh tranh). Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại về việc thụ lý hồ sơ. Bên khiếu nại nộp tạm ứng án phí cho việc xử lý (Điều 59, Luật cạnh tranh).

Sau khi thụ lý Hồ sơ khiếu nại, Cơ quan quản lý (CQQL) cạnh tranh, trong 30 ngày điều tra sơ bộ, quyết định có điều tra chính thức hay không (Điều 86). Nếu có cơ sở để quyết định điều tra chính thức thì thời hạn tối đa cho phép thực hiện điều tra chính thức là 360 ngày (chính thức, gia hạn và điều tra bổ sung). Những nội dung căn bản cần làm sáng rõ trong điều tra chính thức bao gồm: Xác minh thị trường liên quan; Xác minh thị phần trên thị trường liên quan của bên bị điều tra; Thu thập và phân tích chứng cứ về hành vi vi phạm. Trường hợp qua điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, điều tra viên phải kiến nghị ngay với Thủ trưởng CQQL cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.

Sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Hội đồng này có 30 ngày để ra quyết định mở Phiên điều trần xem xét, xử lý vụ việc. Phiên điều trần được tổ chức sau đó chậm nhất là 15 ngày. Phiên điều trần có thể được mở công khai hoặc xử kín. Tham gia Phiên điều trần có thể bao gồm: Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần; Bên bị điều tra; Bên khiếu nại; Luật sư; Điều tra viên đã điều tra vụ việc cạnh tranh; Những người khác được ghi trong quyết định mở phiên điều trần.

Sau khi nghe những người tham gia phiên điều trần trình bày ý kiến và tranh luận, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không bị khiếu nại.

Trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh. Trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Thủ trưởng CQQL cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại thì chưa được đưa ra thi hành. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại, Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền; Trường hợp đặc biệt phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được gia hạn, nhưng không quá 30 ngày.

Hội đồng cạnh tranh có quyền: 1/ Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu xét thấy việc khiếu nại là không đủ căn cứ; 2/ Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu quyết định này không đúng pháp luật; 3/ Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại trong các trường hợp: Chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ; Thành phần Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không đúng quy định của Luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về tố tụng cạnh tranh.

Khi xem xét, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của CQQL cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Thương mại có các quyền: 1/ Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu xét thấy việc khiếu nại là không đủ căn cứ; 2/ Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nếu quyết định này không đúng pháp luật; 3/ Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và yêu cầu CQQL cạnh tranh giải quyết lại trong trường hợp chứng cứ chưa được thu thập và xác minh đầy đủ.

Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký. Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền. Những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không bị khởi kiện ra Tòa án vẫn được tiếp tục đưa ra thi hành.

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, DN Viễn thông vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, DN Viễn thông vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: 1/ Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; 2/ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ngoài các hình thức xử phạt quy định trên đây, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị: Cơ cấu lại DN lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Chia, tách DN đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần DN đã mua; Cải chính công khai; Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm. Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh là những chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

DN Viễn thông có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cũng giống như Bộ luật tố tụng dân sự, thực tiễn về tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong thời gian qua cho thấy, tố tụng cạnh tranh chưa được sử dụng như một hình thức giải quyết tin cậy đối với các DN Viễn thông. Trên thực tế, mặc dù nhiều DN Viễn thông ý thức được về khả năng lựa chọn Luật cạnh tranh để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, các DN Viễn thông cũng không có ý định khiếu nại lên CQQL cạnh tranh để xử lý vụ việc (quan điểm của một số chuyên gia phụ trách kết nối và giải quyết tranh chấp kết nối tại một số DN lớn).

3. Áp dụng Pháp lệnh trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 gồm 8 Chương, 63 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2003. Điều 1 Pháp lệnh quy định, Pháp lệnh này quy định về tổ chức trọng tài, tố tụng trọng tài để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo sự thoả thuận của các bên. Như vậy, trường hợp các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông có sự thoả thuận thống nhất đưa vụ tranh chấp ra trọng tài để giải quyết thì những quy định về trình tự, thủ tục trong Pháp lệnh này sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc tranh chấp. Với quy định này, Trọng tài là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay. 

Có thể nói, trọng tài là một loại hình giải quyết tranh chấp truyền thống, phổ biến trong lĩnh vực thương mại nói chung và Viễn thông nói riêng, là trường hợp đặc biệt của giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba. Thông thường, người ta chia trọng tài thương mại thành hai loại: Trọng tài thường trực và trọng tài vụ việc. Đối với thủ tục trọng tài, việc lựa chọn trọng tài viên, trọng tài vụ việc hay thường trực .v.v…hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên. Thỏa thuận lựa chọn trọng tài có thể là một điều khoản trong hợp đồng chính (Thỏa thuận kết nối) hoặc lập một thỏa thuận khác. Riêng trong lĩnh vực Viễn thông, nhiều trường hợp việc lựa chọn trọng tài lại xuất phát từ sự khuyến khích hoặc ủy nhiệm trực tiếp của CQQL nhà nước về Viễn thông. Luật Viễn thông 1996 của Mỹ1 cho phép Ủy ban quản lý Viễn thông quốc gia sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Australia cũng có quy định tương tự khi cho phép ACCC (Ủy ban người tiêu dùng và tranh chấp Australia) lựa chọn trọng tài tham gia giải quyết vụ tranh chấp Viễn thông đã được các bên yêu cầu ACCC giải quyết. Chính sách trọng tài của Guatemala cho phép các DN Viễn thông được quyền yêu cầu cơ quan quản lý Viễn thông SIT thực hiện thủ tục trọng tài nếu các DN không được thỏa thuận trong vòng 40 ngày kể từ ngày có đề nghị kết nối chính thức.

Khác với một số nước trên thế giới có trình tự, thủ tục giải quyết bằng trọng tài dành riêng cho tranh chấp kết nối Viễn thông, hiện nay, tại Việt Nam việc giải quyết này được vận dụng chung với các tranh chấp thương mại khác. Điều này được thừa nhật tại Khoản 1, Điều 2, Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, theo đó, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận. Bằng việc đưa ra khái niệm “hoạt động thương mại” (Khoản 3, Điều 2),2 Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 đã cho phép trọng tài giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, trong đó có tranh chấp kết nối Viễn thông.

- Theo tinh thần các quy định trong Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài, phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, tranh chấp kết nối Viễn thông chỉ được giải quyết bằng trọng tài nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có thoả thuận trọng tài.

Hai là, khi giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư. Nếu không đạt được tiêu chuẩn này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính đúng đắn, chính xác, khách quan và khả năng thi hành của phán quyết trọng tài.

Ba là, nguyên tắc giữ bí mật phải được tôn trọng thực hiện. 

Bốn là, quyết định trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành quyết định trọng tài, trừ trường hợp toà án huỷ quyết định trọng tài.

Năm là, nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp. Theo quy định này, đối với vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp Viễn thông của Việt Nam, hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật tương ứng của Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

(Còn tiếp)

Khái niệm, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông (Bài 1)

Tranh chấp kết nối Viễn thông là một dạng tranh chấp đã, đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam. Nhưng bản chất của loại tranh chấp này như thế nào? Có gì khác biệt so với các dạng tranh chấp khác? Đây là những câu hỏi cần được giải đáp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình lập pháp, giúp các nhà làm luật xây dựng được trình tự, thủ tục pháp lý phù hợp, hướng tới một cơ chế ngày càng hoàn thiện hơn để giải quyết triệt để các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Hiện nay, có nhiều tài liệu đề cập đến kết nối Viễn thông như: Những bài viết của chuyên gia pháp lý tại một số công ty luật nổi tiếng trên thế giới, tài liệu hướng dẫn kết nối và giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh châu Âu (EU).v.v… Nhưng chưa có tài liệu nào lý giải đầy đủ, khoa học “tranh chấp kết nối Viễn thông” là gì? Tìm hiểu luật Viễn thông của các nước Anh, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Bungari, Ba Lan, Trung Quốc, Philipin, Macao.v.v…cũng chưa thấy quy định về “tranh chấp kết nối Viễn thông”, cho dù những quy định liên quan đến kết nối Viễn thông và cách giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông luôn được đề cập đến trong pháp luật Viễn thông của những nước này. Thay vì giải thích thuật ngữ “tranh chấp kết nối Viễn thông”, nhiều tài liệu dừng lại ở việc giải thích khái niệm “tranh chấp”. Theo đó, hầu hết các luận điểm đều thừa nhận “tranh chấp” là một dạng “xung đột”.

Ảnh minh họa: inc.com

Trong tiếng Anh, người ta dùng từ “dispute” như một thuật ngữ phổ biến để diễn tả “tranh chấp”, thuật ngữ này được giải nghĩa như một dạng của xung đột (conflict). Theo Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn hoá Thông tin năm 2001, “tranh chấp” là vận dụng sức (vật chất hay trí tuệ) để lấy hay giữ cho mình cái gì mà người khác cũng muốn có. Một cách tiếp cận khác thì cho rằng1, “tranh chấp” là một dạng xung đột mang tính pháp lý, được giải quyết thông qua con đường thương lượng, trung gian hoà giải hoặc sự giải quyết của bên thứ ba khác, việc giải quyết có thể được tiến hành trực tiếp giữa hai bên hoặc có sự tham gia của bên thứ ba. Có quan điểm lại chỉ khẳng định2,“Tranh chấp”, trên thực tế sẽ không tồn tại nếu không có sự phản đối của một trong các bên.

Vậy, “tranh chấp kết nối Viễn thông” được hiểu như thế nào? Để làm rõ khái niệm này, cần làm sáng tỏ nguyên nhân, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối Viễn thông cũng như bản chất, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông.

1. Nguyên nhân, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối Viễn thông

Như chúng ta đều biết, Viễn thông là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù và nhạy cảm. Điều này thể hiện ở hai điểm cơ bản:

Thứ nhất, thông tin liên lạc Viễn thông luôn gắn liền với yêu cầu đảm bảo An ninh quốc gia. Trong tình trạng khẩn cấp, pháp luật các nước cho phép huy động một phần hoặc toàn bộ mạng Viễn thông để sử dụng vào mục đích bảo vệ an ninh quốc gia. Ngoài ra, việc theo dõi thông tin trên mạng Viễn thông, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và phòng chống tội phạm, là nhiệm vụ mang tính thường xuyên của cơ quan chức năng nhiều nước trên thế giới. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Viễn thông trong việc bảo đảm An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Không chỉ ảnh hưởng tới An ninh quốc gia, sự trục trặc trong thông tin liên lạc còn gây tác động dây truyền tới toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế đất nước. Thiệt hại sẽ khó có thể lường hết, nếu một ngày nào đó, hệ thống cáp liên lạc quốc tế của một quốc gia đột nhiên bị cắt đứt. Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, pháp luật hình sự nhiều nước coi hành vi cắt trộm, phá hoại cáp Viễn thông là tội phạm hình sự cần phải xử lý nghiêm.

Thứ hai, chi phí đầu tư vào mạng lưới Viễn thông là rất lớn. Trong tổng đầu tư hạ tầng xã hội, đầu tư vào Viễn thông, đặc biệt là phát triển hạ tầng mạng lưới Viễn thông thường chiếm tỷ trọng đáng kể, không phải tập đoàn kinh tế nào cũng luôn sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu đó. Ngay cả khi Nhà nước trực tiếp là nhà đầu tư, để có được một mạng lưới Viễn thông theo kịp với nhu cầu phát triển cũng cần phải thực hiện theo lộ trình, nhất là với những quốc gia đang phát triển. Chủ thể nắm giữ hạ tầng Viễn thông đồng nghĩa với việc nắm giữ hàng loạt thông tin nhạy cảm, liên quan mật thiết đến bí mật của cộng đồng trong xã hội, bao gồm: bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh đến bí mật đời tư của từng cá nhân.v.v…, do vậy, các nước trên thế giới luôn xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như quyền lợi chính đáng của cộng đồng xã hội.

Với tính đặc thù nêu trên, lịch sử ngành Viễn thông trên thế giới cho thấy, ở mỗi quốc gia, vào thời kỳ đầu của sự phát triển ngành Viễn thông, thường có một chủ thể nắm giữ vị trí độc quyền và thuộc sở hữu Nhà nước.

Xu hướng mở cửa thị trường, tạo sự cạnh tranh, không chỉ giữa các thành phần, chủ thể kinh tế trong nước, mà có sự tham gia của cả các chủ thể nước ngoài đang là xu hướng phổ biến đối với các nền kinh tế, là đòi hỏi mang tính bắt buộc với các nước tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - sân chơi thương mại lớn nhất trên toàn thế giới. Cùng với xu thế cạnh tranh mang tính tất yếu nêu trên, thị trường Viễn thông xuất hiện những DN Viễn thông mới bên cạnh những DN vốn vẫn giữ thế độc quyền trước đây. Lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý - kinh doanh, thị phần và đặc biệt là hạ tầng mạng vật lý Viễn thông đã giúp cho các DN giữ thế độc quyền trước đây chuyển sang một vị thế mới mà luật pháp các nước thường định danh là: “DN Viễn thông chiếm thị phần khống chế” hay “DN có vị trí thống lĩnh thị trường” .v.v…

Với mục tiêu hướng tới thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực Viễn thông, một mặt bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, chống sự lũng đoạn, chi phối thị trường, nâng cao năng lực kinh doanh của các DN Viễn thông, giảm thiểu chi phí chung của toàn xã hội cũng như phát huy tối đa hiệu quả sử dụng mạng lưới Viễn thông công cộng, pháp luật các nước buộc các Nhà cung cấp dịch vụ (NCCDV) độc quyền trước đây phải chia sẻ hạ tầng mạng lưới của mình cho các chủ thể mới tham gia thị trường bằng cách, cho phép họ kết nối mạng lưới, dịch vụ vào hạ tầng sẵn có của mình. Để xác nhận và tiến hành việc kết nối, các bên cùng nhau ký một thoả thuận, gọi là “Thoả thuận kết nối”. Xét dưới góc độ quản lý nhà nước, điều này là cần thiết, hợp quy luật, mang lại lợi ích lâu dài, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, các NCCDV chiếm thị phần khống chế lại không nghĩ như vậy. Việc kết nối Viễn thông dẫn đến sự chia sẻ về lợi ích. Biểu hiện cụ thể là sự chia sẻ về sử dụng mạng lưới Viễn thông, dùng chung cơ sở hạ tầng, chia sẻ khách hàng, chi phí, giá cước, trình độ quản lý, nhân lực kỹ thuật.v.v… cũng đồng nghĩa với chia sẻ thị trường. “Miếng bánh Viễn thông” nay buộc phải phân chia làm nhiều phần, trong khi năng lực hạ tầng mạng không thể ngay lập tức “nhân đôi, nhân ba”, điều đó cũng có nghĩa là chất lượng dịch vụ phần nào bị giảm sút. Để bảo vệ vị thế của mình, một tình trạng phổ biến xảy ra trên thị trường giai đoạn này là các NCCDV cũ thường có những động thái nhằm ngăn cản, hạn chế bớt sự cạnh tranh của các DN mới. Vì vậy, tranh chấp luôn có nguy cơ và điều kiện để xảy ra, đặc biệt là ở những giai đoạn đầu của sự mở cửa thị trường. Thêm vào đó, ngày nay, công nghệ mới cho phép người sử dụng (NSD) có nhiều sự lựa chọn đối với các dịch vụ Viễn thông cơ bản. Một NSD thuộc DN Viễn thông này có thể dùng những thiết bị đầu cuối như: Điện thoại cố định, máy tính, điện thoại di động .v.v... để liên lạc với NSD hay khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ khác. Chỉ có thể thực hiện được như vậy khi có sự kết nối giữa những NCCDV với nhau. Tuy nhiên, đối với các NCCDV lớn, có khả năng chi phối thị trường thì luôn nghĩ ra vô vàn lý do để từ chối, hạn chế hoặc gây khó dễ đối với yêu cầu kết nối này để giữ thị phần. Đây cũng là lý do chính khiến dẫn tới tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Như vậy, nhìn chung, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối là thị trường tự do cạnh tranh, nguyên nhân cơ bản của tranh chấp kết nối Viễn thông là sự xung đột về lợi ích và vị thế trên thị trường giữa các NCCDV. Theo một tài liệu về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông3, một số nguyên nhân trực tiếp, phổ biến dẫn đến tranh chấp kết nối Viễn thông được thống kê, bao gồm:

(1) Khi NCCDV chi phối thị trường không ban hành, hoặc không tiêu chuẩn hoá Thoả thuận kết nối mẫu;

(2) Khi các bên không tuân thủ về thời gian kết thúc đàm phán;

(3) Không thoả thuận được về phí kết nối;

(4) Khi chất lượng của dịch vụ kèm theo kết nối không được đảm bảo;

(5) Khi các điều khoản khác trong Thoả thuận kết nối không được tuân thủ;

(6) Bên mới gia nhập thị trường tìm cách lôi kéo khách hàng của NCCDV độc quyền thông qua những hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

(7) NCCDV chi phối thị trường hạn chế thông tin về những khách hàng lớn.v.v...

b) Bản chất, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông

Để giành thị phần, các DN Viễn thông phải nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Sự cạnh tranh này diễn ra quyết liệt, không khoan nhượng. Nhưng cũng vì quyền lợi NSD và để mở rộng hơn nữa thị trường, nhiều DN Viễn thông cũng phải tìm cách thỏa thuận, hợp tác thông qua một văn bản gọi là “Thỏa thuận kết nối”, cho phép mạng cùng dịch vụ của các bên được kết nối với nhau. Vì vậy, có thể nói, thoả thuận kết nối Viễn thông mang bản chất của hợp đồng, một dạng hợp đồng đặc biệt. Sự đặc biệt này thể hiện ở động cơ đi đến ký kết hợp đồng. Nếu như trong những hợp đồng thương mại thông thường, các bên đều mong muốn hướng đến vì cả hai đều tìm thấy lợi ích của mình trong đó, nhưng đối với thoả thuận kết nối, dường như là một dạng hợp đồng “bắt buộc”, trong đó động lực của một trong hai bên (thường là bên đang giữ vị thế độc quyền) là không rõ ràng hoặc rất yếu. Chính vì “Thỏa thuận kết nối” là một dạng hợp đồng, do vậy, tranh chấp kết nối, mang bản chất của tranh chấp hợp đồng. Hơn nữa, là tranh chấp hợp đồng kinh tế, thương mại vì: Các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông là những chủ thể kinh doanh; Mục đích của tranh chấp cũng chủ yếu vì mục tiêu lợi nhuận. Căn cứ vào thực tiễn, các quy định pháp lý về Viễn thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới, tranh chấp kết nối Viễn thông có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh trong lĩnh vực Viễn thông. Lĩnh vực Viễn thông bao gồm nhiều quan hệ khác nhau, trong đó có thể phân ra 3 nhóm cơ bản: (1) Quan hệ giữa các chủ thể với cơ quan quản lý Viễn thông; (2) Quan hệ giữa NSD dịch vụ với các NCCDV; (3) Quan hệ giữa những NCCDV với nhau. Tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh trực tiếp từ nhóm quan hệ thứ ba. Trong quan hệ giữa các NCCDV với nhau, quan hệ quan trọng và phổ biến nhất là quan hệ liên quan đến kết nối mạng và dịch vụ Viễn thông. Chỉ được coi là tranh chấp kết nối Viễn thông khi tranh chấp giữa các NCCDV nảy sinh từ quan hệ kết nối Viễn thông.

Thứ hai, chủ thể trong tranh chấp kết nối Viễn thông luôn là những NCCDV Viễn thông (chủ yếu là thoại cố định và di động), mặc dù, ngoài DN Viễn thông, trong lĩnh vực Viễn thông còn có NSD, chủ mạng Viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ Viễn thông.v.v…Hiện nay, các NCCDV Viễn thông được phân chia thành nhiều loại khác nhau và căn cứ vào tiêu chí khác nhau có thể có nhiều cách phân loại. Ví dụ: Căn cứ vào dịch vụ cung cấp, người ta chia thành DN cung cấp dịch vụ thoại, DN cung cấp dịch vụ Internet .v.v... Trong các DN cung cấp dịch vụ thoại lại được phân chia nhỏ hơn: DN thoại cố định, thoại đường dài, thoại nội hạt, thoại di động, thoại quốc tế v.v… DN cung cấp dịch vụ Internet được chia thành: DN cung cấp dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ ứng dụng Internet .v.v…; NCCDV Viễn thông cũng có thể được phân thành DN chuyên cung cấp hạ tầng mạng Viễn thông (DN được phép đầu tư phát triển mạng lưới đường truyền vật lý và cho các NCCDV khác thuê lại để cung cấp dịch vụ Viễn thông đến khách hàng) và DN chuyên cung cấp dịch vụ Viễn thông. Thông thường, trên thực tế, việc phân loại trên chỉ là tương đối. Ví dụ như Việt Nam: Một NCCDV Viễn thông thường cùng một lúc kinh doanh nhiều loại dịch vụ Viễn thông, kinh doanh và phát triển cả đường trục, cho thuê mạng lưới Viễn thông.v.v…do vậy, đôi khi người ta không phân định rõ ràng khi nào NCCDV hoạt động với tư cách cung cấp dịch vụ Viễn thông, khi nào với tư cách phát triển đường trục .v.v…Về cơ cấu chủ thể của tranh chấp kết nối Viễn thông, cần lưu ý: Để sử dụng được dịch vụ Viễn thông, NSD cũng phải kết nối mạng Viễn thông của mình (thường khá đơn giản như chỉ gồm vài ba chiếc máy điện thoại, hoặc vi tính) với mạng của NCCDV. Về bản chất, đây cũng là thoả thuận kết nối. Tuy nhiên, tranh chấp giữa NSD liên quan đến việc chậm kết nối, hoặc trục trặc về kỹ thuật đường truyền, cước sử dụng hay cổng kết nối .v.v… không được gọi là tranh chấp kết nối Viễn thông. Pháp luật các nước và thông lệ quốc tế nhìn chung chỉ thừa nhận tranh chấp giữa các NCCDV trong quan hệ kết nối mới được coi là tranh chấp kết nối Viễn thông.

Thứ ba, về hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông.

Cũng giống như việc giải quyết các tranh chấp thương mại nói chung khác, hiện nay, trên thế giới tồn tại một số hình thức giải quyết tranh chấp kết nối viễn thông phổ biến như: Thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Bốn hình thức này chia làm hai loại.

+ Loại thứ nhất: Tự giải quyết tranh chấp

Tự giải quyết tranh chấp là hình thức các bên trong tranh chấp tự giải quyết mà không cần có sự xuất hiện của bên thứ ba. Hình thức này thường được gọi là Thương lượng”:

Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không có sự xuất hiện của bên thứ ba. Trong thương lượng, các bên cùng nhau trình bày quan điểm, chính kiến, bàn bạc, tìm các biện pháp thích hợp và đi đến thoả thuận thống nhất để tự giải quyết bất đồng. Thương lượng, nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, thương lượng đòi hỏi các bên phải có thiện chí, trung thực, hợp tác, và phải am hiểu về chuyên môn pháp lý. Gặp vụ việc phức tạp, các bên có thể chỉ định những chuyên gia, những tổ chức có trình độ chuyên môn thay mặt và đại diện cho mình để tiến hành thương lượng.

Kết quả của quá trình thương lượng là những cam kết, thoả thuận về những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất đồng phát sinh liên quan đến kết nối. Hình thức pháp lý ghi nhận kết quả thương lượng thường thể hiện bằng biên bản. Nội dung chủ yếu của nó bao gồm: Vướng mắc chính trong kết nối; ý kiến mỗi bên; đề xuất giải pháp và cam kết thực hiện. Khi biên bản thương lượng được lập một cách hợp lệ, những thoả thuận trong biên bản thương lượng được coi là có giá trị pháp lý như hợp đồng và đương nhiên nó có ý nghĩa bắt buộc đối với các bên. Trong trường hợp kết quả thương lượng không được một bên tự giác thực hiện vì thiếu thiện chí, biên bản thương lượng sẽ được bên kia sử dụng như một chứng cứ quan trọng để xuất trình trước cơ quan tài phán, để yêu cầu các cơ quan này thừa nhận và cưỡng chế thi hành những thoả thuận nói trên.

Thương lượng là hình thức khá phổ biến, thích hợp cho việc giải quyết  tranh chấp về kết nối. Hình thức này được các NCCDV ưa chuộng, vì nó đơn giản lại không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phiền phức, ít tốn kém hơn và nói chung không làm phương hại đến các quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên cũng như giữ được các bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức này còn vướng phải một hạn chế, đó là: việc tham gia thương lượng không chỉ đòi hỏi các bên có thiện chí, trung thực, hợp tác mà còn phải có kiến thức cần thiết về chuyên môn và pháp lý, điều này không phải dễ dàng có được đối với mỗi bên tranh chấp.

+ Loại thứ hai: Giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba

Thông qua bên thứ ba là những hình thức giải quyết tranh chấp được sử dụng nhiều nhất hiện nay, bao gồm: Hòa giải, Trọng tài, Toà án.

Hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập, do hai bên cùng chấp nhận hay chỉ định, làm vai trò trung gian để hỗ trợ cho các bên tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết xung đột nhằm chấm dứt tranh chấp bất hoà. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Hoà giải là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hay xích mích một cách ổn thoả”. Từ điển Luật học Anh-Mỹ của Black định nghĩa: “Hoà giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính riêng tư, trong đó hoà giải viên là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một thoả thuận”.

Hoà giải là giải pháp mang tính chất tự nguyện, tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Bên thứ ba với tính chất là trung gian hoà giải phải có vị trí độc lập đối với các bên. Điều đó có nghĩa là, bên thứ ba này không ở vị trí xung đột lợi ích đối với các bên hoặc không có lợi ích gắn liền với lợi ích của một trong các bên liên quan đến vụ việc đang có tranh chấp. Bên thứ ba làm trung gian hoà giải thường là cá nhân, tổ chức có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp lý và có kinh nghiệm về những vụ việc có liên quan đến những tranh chấp kết nối. Nhiệm vụ của họ là xem xét, phân tích, đánh giá và đưa ra những ý kiến, nhận định bình luận về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và những vấn đề khác có thể liên quan để các bên tham khảo; đề ra những giải pháp, những phương án thích hợp để các bên tham khảo, lựa chọn và quyết định. Trên thực tế, có hai hình thức hoà giải: Hoà giải ngoài tố tụng và hoà giải trong tố tụng. Hoà giải ngoài tố tụng là hình thức hoà giải thông qua người thứ ba được các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp. Hình thức này thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp mà ở đó, ngoài yếu tố thiện chí của các bên, còn có các vấn đề đòi hỏi chuyên môn, mà tự các bên khó có thể xem xét đánh giá chính xác, khách quan được. Hoà giải trong tố tụng là việc bên tài phán trước khi xem xét ra phán quyết yêu cầu các bên tự thoả thuận giải quyết tranh chấp như một nỗ lực, cố gắng cuối cùng trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của các bên. Hoà giải trong tố tụng là một bước bắt buộc của thủ tục tố tụng. Hoà giải trong tố tụng được tiến hành tại toà án hay trọng tài khi các cơ quan này giải quyết  tranh chấp theo yêu cầu của các bên.

Giải quyết tranh chấp kết nối bằng toà án là hình thức giải quyết  tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế. Do đó, các bên thường tìm đến sự trợ giúp của toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi họ thất bại trong cơ chế thương lượng, hoà giải hoặc không muốn lựa chọn trọng tài để giải quyết  tranh chấp.

Có thể nói, việc giải quyết tranh chấp bằng toà án được khẳng định là một hình thức giải quyết có trình tự tố tụng chặt chẽ và tính khả thi của hiệu lực phán quyết. Tuy nhiên, thủ tục này thường mất nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác. Thêm vào đó, nguyên tắc xét xử công khai tại toà án không được giới DN đánh giá là nguyên tắc có thể bảo vệ được bí mật kinh doanh và uy tín của họ trên thương trường. Điều đó làm hạn chế khả năng lựa chọn của các DN đối với toà án khi phát sinh tranh chấp. Cũng cần phải nói rằng, kết nối Viễn thông là một lĩnh vực liên quan mật thiết đến kiến thức kỹ thuật, công nghệ cao, do vậy, hiện nay, rất nhiều các thẩm phán không có đủ kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết tốt vụ việc.

Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực thương mại nói chung, viễn thông nói riêng. Có hai loại trọng tài, trọng tài thường trực và trọng tài vụ việc. Đặc điểm của giải quyết bằng trọng tài là hoàn toàn do các bên tự quyết định. Trọng tài chỉ có thẩm quyền tham gia theo ý chí của các bên. Trong lĩnh vực tranh chấp Viễn thông, trọng tài được coi là hình thức giải quyết thay thế, bổ sung, bên cạnh hình thức giải quyết chính thức.

Ngoài những hình thức giải quyết phổ biến trên đây, trong lĩnh vực Viễn thông, để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, các nước cũng hình thành nên một hình thức giải quyết khá đặc biệt, nó là tổng hòa những đặc trưng của giải quyết bằng hình thức tòa án, trọng tài, thỏa thuận, hòa giải, thêm vào đó là những yếu tố có tính kỹ thuật, công nghệ Viễn thông. Sự hòa quyện này cho ra đời một hình thức hòa giải khá linh động, mềm dẻo, phù hợp với đòi hỏi về tính liên tục, thông suốt của thông tin liên lạc. Hình thức này chưa được đặt tên cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên, có thể nó được giao cho Cơ quan quản lý Viễn thông quốc gia, một tòa án đặc biệt, trọng tài, hay cơ quan quản lý cạnh tranh đảm nhận. Đây cũng là một nét khác biệt khi nói về đặc thù của giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông.

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, tranh chấp kết nối Viễn thông mang bản chất của tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, không giống như đa phần các tranh chấp hợp đồng khác, tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh ngay cả khi các bên đang trong giai đoạn đàm phán. Đặc điểm này xuất phát từ quy định pháp lý tồn tại trong hệ thống pháp luật của hầu hết các nước, đó là: Các DN chiếm ưu thế trong thị trường phải chủ động đưa ra một thoả thuận kết nối mẫu làm căn cứ cho việc đàm phán và ký thoả thuận kết nối cho các DN mới bước vào thị trường. Hành vi không ban hành hoặc tiêu chuẩn hoá một thoả thuận kết nối mẫu của các NCCDV cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp về kết nối Viễn thông trên thế giới hiện nay. 

Thứ năm, Tranh chấp kết nối Viễn thông không mang tính “một mất, một còn”, mà các bên vừa là đối thủ, vừa là đối tác của nhau. Có thể nói tranh chấp kết nối Viễn thông là sự tranh chấp trong “hoà bình”. Với tranh chấp kết nối Viễn thông, quan hệ giữa các bên vẫn tiếp tục được duy trì, trong nhiều trường hợp, việc giải quyết tranh chấp mới chỉ là thời điểm bắt đầu của một giai đoạn quan hệ mới. Đặc điểm này tác động rất lớn đến quá trình xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Mọi cơ chế giải quyết không đảm bảo được tính mềm dẻo, linh hoạt và nhanh chóng đều không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp phải hướng đến mục tiêu đảm bảo vẫn gắn kết được mối quan hệ “hậu kết nối” giữa các chủ thể.  

Thứ sáu, tranh chấp kết nối Viễn thông liên quan mật thiết tới quyền lợi các bên thứ ba như: NSD dịch vụ, nhà nước.

Từ những phân tích trên có thể rút ra khái niệm: “Tranh chấp kết nối Viễn thông” là một dạng đặc biệt của tranh chấp thương mại, nảy sinh trong lĩnh vực Viễn thông, liên quan đến việc đàm phán, ký kết, thực hiện “Thoả thuận kết nối” giữa các DN cung cấp dịch vụ, nhằm mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ trên cơ sở một “Thỏa thuận kết nối” phù hợp với lợi ích các bên, lợi ích nhà nước và lợi ích của cộng đồng NSD dịch vụ.

2. Phân loại tranh chấp kết nối Viễn thông

Căn cứ vào nội dung của vụ tranh chấp, tranh chấp kết nối Viễn thông có thể phân thành:

- Tranh chấp liên quan đến việc NCCDV chi phối thị trường không ban hành, hoặc không tiêu chuẩn hoá Thoả thuận kết nối mẫu;

- Tranh chấp khi các bên không tuân thủ về thời gian kết thúc đàm phán;

- Tranh chấp khi các bên không thoả thuận được về phí kết nối;

- Tranh chấp khi chất lượng của dịch vụ kèm theo kết nối không được đảm bảo;

- Tranh chấp khi các điều khoản khác trong Thoả thuận kết nối không được tuân thủ;

- Tranh chấp khi NCCDV chi phối thị trường hạn chế thông tin về những khách hàng lớn (thường là những NCCDV khác cùng kết nối vào mạng của NCCDV độc quyền);

Tại Việt Nam, hiện nay theo Quyết định 12/2006/QĐ-BCVT, nội dung tranh chấp thực hiện kết nối bao gồm: Tranh chấp về đăng ký kế hoạch dung lượng kết nối; Tranh chấp về ký kết Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối; Tranh chấp về điều chỉnh kế hoạch dung lượng kết nối; Tranh chấp về thực hiện mở rộng dung lượng kết nối; Những tranh chấp khác khi thực hiện kết nối.

Căn cứ vào chủ thể tham gia tranh chấp, có thể phân thành:

- Tranh chấp kết nối giữa doanh nghiệp cung cấp dịch cố định với DN cung cấp dịch vụ di động.

- Tranh chấp giữa DN di động với nhau

- Tranh chấp giữa DN cung cấp dịch vụ Viễn thông nội hạt với đường dài.

- v.v…

Hiện nay, tại Việt Nam, theo Quyết định 12/2006/QĐ-BCVT, căn cứ vào chủ thể, có tranh chấp giữa các DN Viễn thông kinh doanh mạng Viễn thông cố định (nội hạt, đường dài trong nước, quốc tế) và mạng Viễn thông di động (nội vùng, toàn quốc) với nhau.

3. Tranh chấp kết nối Viễn thông và tranh chấp thương mại thông thường

Tranh chấp kết nối Viễn thông là trường hợp đặc biệt của tranh chấp thương mại, so với tranh chấp thương mại thông thường, tranh chấp kết nối Viễn thông có một số khác biệt cơ bản sau:

Thứ nhất, chủ thể trong tranh chấp thương mại là các thương nhân, bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên (Khoản 6, Điều 5 Luật Thương mại Việt Nam). Trong khi chủ thể tranh chấp kết nối Viễn thông là các DN Viễn thông, cũng là thương nhân, nhưng bao giờ cũng là pháp nhân mà không bao gồm chủ thể là cá nhân.

Thứ hai, tranh chấp kết nối Viễn thông luôn phát sinh từ thoả thuận kết nối (một dạng hợp đồng thương mại) và phát sinh ngay cả trong giai đoạn các bên chưa ký kết. Trong khi tranh chấp thương mại có thể là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng (sau khi ký), ngoài hợp đồng hoặc hành vi vi phạm pháp luật. 

Thứ ba, với tranh chấp thương mại thông thường, việc giải quyết được thực hiện thông qua hình thức thoả thuận, trọng tài, trung gian hoà giải hoặc toà án, nhưng trong tranh chấp kết nối Viễn thông, hình thức hiệp thương thông qua trung gian hoà giải của cơ quan quản lý hành chính nhà nước về Viễn thông vẫn đóng vai trò quan trọng và được thừa nhận như một trong những hình thức giải quyết phổ biến.

Thứ tư, tranh chấp thương mại có thể dẫn đến chấm dứt mối quan hệ giữa các bên (đôi khi mục tiêu của tranh chấp là để chấm dứt quan hệ). Trong khi với tranh chấp kết nối Viễn thông, quan hệ giữa các bên vẫn tiếp tục được duy trì, trong nhiều trường hợp, việc giải quyết tranh chấp mới chỉ là điểm bắt đầu của một giai đoạn quan hệ mới.  

 Thứ năm, trong đa số trường hợp, tranh chấp thương mại chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên tham gia, nhưng trong tranh chấp kết nối Viễn thông còn ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà nước và người tiêu dùng.

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

Tài liệu tham khảo

[1]. Brown and Marriot, ADR Principles & Practice, 2nd Edition, Nov. 1999, Sweet & Maxwell, page 2.

[2]. D. Foskett Q.C. in The Law and Practice of Compromise, quoted in Brown and Marriott, page 2.

[3]. Disputes resolution settlement procedures-Bornholm, October 2003 trong khôn khổ của CEPT- the European Conference of Postal and Telecommunications Administrations.

[4]. Commission Directive 2002/77/EC - 16 September 2002 - on competition in the markets for electronic communications networks and services.

[5]. Directive 2002/21/EC of the European Parliament and of the Council - 7 March 2002 - on common regulatory framework for electronic communications networks and services.

[6]. Luật Viễn thông các nước: Australia, Ba Lan, Anh, Mỹ, Bungary, Canada, Trung Quốc.

[7]. Luật kết nối Viễn thông Đan Mạch, Bỉ, Australia, ITU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, tanzania, Trung Quốc, Botswana.

[8]. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.

[9]. Nghị định 160/2004/NĐ-CP, ngày 3/4/2004, quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông.

[10]. Quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ngày 26/4/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông Quy định về thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng.

[11]. Luật thương mại Việt Nam

Truyền thông hợp nhất: nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp

TS. Trần Tuấn Hưng

1. Truyền thông hợp nhất và lợi ích

Trong ngôn ngữ của ngành công nghệ viễn thông nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, truyền thông hợp nhất (Unified Communications hay UC) là thuật ngữ để chỉ đến môi trường hợp nhất dùng cho kết nối và phối hợp tương tác. Sự hợp nhất có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh, hoặc liên quan đến sự hợp nhất của các công nghệ truyền thông trên một  nền tảng chung, hoặc là sự hợp nhất của nhiều tính năng, giải pháp phục vụ liên hệ tương tác giữa các cá nhân, giữa các bộ phận trong cùng một doanh nghiệp (DN), tổ chức.

Trong ngôn ngữ của ngành công nghệ viễn thông nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, truyền thông hợp nhất (Unified Communications hay UC) là thuật ngữ để chỉ đến môi trường hợp nhất dùng cho kết nối và phối hợp tương tác. Sự hợp nhất có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh, hoặc liên quan đến sự hợp nhất của các công nghệ truyền thông trên một  nền tảng chung, hoặc là sự hợp nhất của nhiều tính năng, giải pháp phục vụ liên hệ tương tác giữa các cá nhân, giữa các bộ phận trong cùng một doanh nghiệp (DN), tổ chức.

Ảnh minh họa: executivebrief

Từ khía cạnh thứ nhất, khi nói về UC, chúng ta nói về một nền tảng công nghệ hạ tầng chung cung cấp các dịch vụ truyền thông khác nhau. Hiện nay, khi truyền thông trên nền giao thức IP đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên lĩnh vực công nghệ, phát triển nền tảng truyền thông IP hợp nhất là hướng đi đầy triển vọng mà các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ truyền thông đang theo đuổi.

Xét từ khía cạnh thứ hai, UC là hiện thân của một tập hợp các giải pháp, công cụ và tính năng phục vụ cho quá trình phối hợp hoạt động, liên hệ, thảo luận, chia sẻ thông tin trong phạm vi một DN hoặc giữa các DN với nhau. Một hệ thống UC điển hình sẽ bao gồm những giải pháp tiện ích như cho phép theo dõi, hiển thị trạng thái có/vắng mặt của từng cá nhân trong tổ chức, thiết lập mạng thoại, thiết lập hội nghị thoại, hội nghị truyền hình, sử dụng chung trang Web hoặc cơ sở dữ liệu (CSDL) hợp nhất cho thoại, email, fax. Các hệ thống UC được thiết kế và phát triển với giao diện tiện lợi, dễ sử dụng cho người dùng, tạo điều kiện cho họ có thể khai thác tối đa những thành phần/ứng dụng trong hệ thống. Một vài ví dụ gần gũi về các giải pháp có hỗ trợ UC là hệ thống thư điện tử Exchange 2007 của Microsoft hay Lotus Domino UC của IBM, cho phép hợp nhất các hình thức thư điện tử, thư thoại (voice mail), fax trong cùng một CSDL, và cho phép truy cập đến các nội dung đó từ các thiết bị đầu cuối khác nhau (máy tính, PDA, điện thoại di động).

Với hai khía cạnh trình bày ở trên, khi nhắc đến một môi trường UC, về mặt công nghệ chúng ta có thể đề cập đến một hoặc nhiều thành phần chủ chốt như sau:

- Các giải pháp hạ tầng mạng IP

- Các giải pháp thoại trên nền IP (còn được biết đến với tên gọi IP telephony hay VoIP)

- Các ứng dụng/phần mềm cung cấp tính năng trao đổi công việc, phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin trên nền tảng IP

- Trung tâm liên hệ và chăm sóc khách hàng (contact center)

Nếu độc giả tìm hiểu các bài viết phân tích và quảng bá UC có trên Internet, có thể tổng hợp được rất nhiều lý do khác nhau giải thích tại sao DN nên đầu tư xây dựng hệ thống UC trong hoạt động của mình. Xét trên quan điểm kinh doanh và doanh thu, một loạt các yếu tố hấp dẫn có thể được liệt kê, nhưng tựu trung lại thì lý do cốt lõi là UC hoàn thiện và tăng cường khả năng kết nối, trao đổi, truyền tải nhanh thông tin giữa các cá nhân của một DN, hoặc giữa các DN với nhau. Điều này làm tăng hiệu quả hoạt động của DN và từ đó tăng giá trị kinh doanh cho DN.

Trong cơ cấu tổ chức của một DN thường có nhiều ban phòng, tổ chức với chức năng khác nhau. Quy mô DN càng lớn thì mạng lưới các ban phòng càng trở nên phức tạp hơn. Do tính năng kinh doanh rộng, một công việc hay dự án cần có sự hợp sức giải quyết của nhiều bộ phận khác nhau trong DN. Một phần lớn thời gian cho những công việc mang tính dự án như vậy là thời gian dành cho họp bàn (thống nhất lịch trình công việc, xem xét tiến độ công việc, giải quyết các vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh…). Môi trường UC sẽ giúp quá trình và phương thức phối hợp hành động, họp bàn trở nên dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng hơn. Các công cụ, ứng dụng của UC cho phép thảo luận công việc trực tuyến theo các phương thức sống động và đa dạng (như thoại có hình ảnh, hội nghị truyền hình, hội nghị qua Web), mang lại sự thuận tiện tối đa. Những người liên quan trong dự án có thể tham gia vào công việc thảo luận chung mà không bị cản trở bởi vị trí vật lý thực tế của họ trong khuôn viên của DN. Nói cách khác, họ có thể thảo luận và hội họp từ xa không khác gì khi tất cả mọi người tập trung tại một địa điểm phòng họp.

Hình 1. Sử dụng các ứng dụng UC trong quy trình hoạt động của dự án

Hình 1 là một ví dụ sử dụng nền tảng và các ứng dụng UC để giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong dự án [1]. Tất cả các quá trình từ lúc người quản trị dự án nhận được yêu cầu thay đổi (change request) đến khi anh ta tổ chức thành công và kết thúc cuộc họp trực tuyến đưa ra giải pháp được diễn ra nhanh chóng. Đó là do người quản trị dự án đã sử dụng tối đa tiện lợi của các ứng dụng UC, thiết lập hội nghị truyền hình qua Web, thảo luận và đưa ra quyết định qua phương pháp trực tuyến. Đồng thời còn ghi lại nội dung cuộc họp trực tuyến dưới dạng tệp (file) để gửi cho những cá nhân vắng mặt có thể xem lại và cùng cập nhật. Như vậy, thay vì phải tốn nhiều thời gian cho công việc tổ chức họp theo cách truyền thống là triệu tập mọi người đến cùng một phòng họp, UC đã làm giảm đáng kể thời gian xử lý tình huống.

Tổng kết lại, UC tăng cường khả năng:

- kết nối mọi lúc mọi nơi

- phản ứng nhanh của nhóm làm việc trước những biến đổi đợt xuất trong kế hoạch công việc

- chia sẻ kịp thời thông tin giữa các thành viên trong nhóm

- họp bàn trực tuyến thảo luận và thống nhất công việc. 

Nói một cách khác, UC thúc đẩy và tối ưu hóa các tính năng 3C (Connect, Communnication, Collaborate): kết nối, trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động. Điều này mang lại khả năng phản ứng nhanh, nhạy bén của DN trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, một yếu tố không thể thiếu cho thành công của DN.

2. Cùng xây dựng sự nhìn nhận chính xác về UC

Nhu cầu và tầm quan trọng của sự phối hợp hoạt động giữa các các cá nhân, giữa các bộ phận trong một DN hay tổ chức đã luôn luôn tồn tại, và đã được (hoặc ít nhất là phần nào đã được) giải quyết. Các hệ thống điện thoại cố định nội bộ PBX (Private Branch Exchange) đã được đưa vào sử dụng từ lâu. Vì thế câu hỏi thường được đặt ra từ phía các nhà điều hành DN là vậy có gì là động lực và động lực đó lớn đến đâu để đầu tư xây dựng một hệ thống UC trên nền tảng IP? Nhiều DN vẫn còn chần chừ trong việc đầu tư xây dựng và triển khai UC. Chủ yếu là do họ đang có những nhận định chưa hoàn toàn chính xác về UC. Trong phần này của bài viết, chúng ta cùng điểm qua về những nhận định thường gặp như vậy về UC và xem xét các lập luận phản biện đánh giá đúng bản chất của vấn đề [2].  

Nhận định thường gặp: Nếu không có sự cố gì xảy ra, không có lý do để sửa chữa. Vì vậy nếu DN đã có sẵn hệ thống PBX và hệ thống này đang hoạt động tốt thì không cần thiết phải chuyển đổi hệ thống sang UC trên nền tảng IP.

Lập luận phản biện: Với xu hướng hội tụ trong công nghệ, thực tế hiện nay là tất cả các hệ thống và hạ tầng truyền thông đều được đặt trên nền móng hạ tầng IP. Với hệ thống PBX trên nền tảng công nghệ TDM (Time Division Multiplexing), tuy rất thích hợp cho hệ thống điện thoại, DN sẽ không có được những tính năng nổi trội do công nghệ IP mang lại. Đó là các tính năng linh hoạt và mềm dẻo trong việc sử dụng tài nguyên mạng, chưa kể đến các tính năng không dây và di động. Sự phối hợp hoạt động có hiệu quả cao (điều mà với các hệ thống PBX chỉ đáp ứng được phần nào) do nền tảng IP và truyền thống hợp nhất mang lại sẽ giảm đáng kể thời gian và chi phí cho các chu trình hoạt động. Từ đó làm tăng giá trị kinh doanh của DN. 

Nhận định thường gặp: Công nghệ truyền thông bản chất là lưu chuyển thông tin. Vì thế giao thức lưu chuyển là IP hay TDM thì đều như nhau.

Lập luận phản biện: UC về bản chất là tập hợp những công nghệ bao phủ các thuộc tính rộng hơn rất nhiều so với các giao thức lưu chuyển thông thường. Truyền thông hợp nhất được tích hợp vào sự phối hợp trong nội bộ công ty, tích hợp với CRM (Customer Relationship Management), cho phép điều khiển và quản lý nguồn lực, giám sát thời gian và cung cấp một loạt các chức năng hoạt động khác. Một giao thức lưu chuyển thông thường không có được những tính năng như vậy.

Nhận định thường gặp: VoIP là ứng dụng cho người sử dụng (NSD) đầu cuối đơn lẻ, không nên dùng cho các công ty lớn vì thiếu tính bảo mật và độ tin cậy.

Lập luận phản biện: Skype, Yahoo Messenger và những ứng dụng trò chuyện trực tuyến khác cho phép NSD đầu cuối nói chuyện thoại với nhau dựa trên công nghệ VoIP. Tất nhiên khi lưu lượng VoIP được chuyển qua mạng Internet diện rộng, việc áp dụng các chính sách bảo mật và đảm bảo chất lượng dịch vụ là tương đối khó khăn và chưa được thực thi 100% tại thời điểm hiện nay. UC tuy cũng hoạt động trên nền tảng VoIP, nhưng được sử dụng trong mạng nội bộ (hoăc mạng LAN nội bộ hoặc sử dụng mạng WAN nhưng với những công nghệ thích hợp như mạng riêng ảo VPN) nằm trong tầm kiểm soát của DN. Khi sử dụng một giải pháp tổng thể về UC, các thiết bị định tuyến (router), các phần mềm ứng dụng đều có tính năng hỗ trợ quản lý và kiểm soát chất lượng và mức độ bảo mật của kết nối VoIP. NSD đầu cuối bên cạnh đó còn được cung cấp độ tương tác cao hơn các chương trình trò chuyện (chatting) thông thường. Ví dụ như các thiết bị điện thoại IP đầu cuối đều cung cấp giao diện hiển thị đa năng, cho phép NSD có thể tự thực hiện các điều chỉnh cấu hình một cách dễ dàng.

Nhận định thường gặp: VoIP là một trong những ứng dụng mạng của UC. Sự triển khai của VoIP sẽ làm giảm nhu cầu về các nhân lực đang có kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực thoại.

Lập luận phản biện: Đây là sự lo ngại của các chuyên gia về thoại. Theo nhận định ở trên, khi UC được triển khai, thoại cũng sẽ chỉ là một ứng dụng trên nền IP như bao ứng dụng khác. Vai trò và nhu cầu cho kiến thức chuyên môn về thoại sẽ không cần nữa, dẫn đến sự thất sủng của các chuyên gia về thoại. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu NSD, vẫn rất cần có các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về đặc tính của thoại. Có như vậy mới có thể đảm bảo được tốt nhất tính bảo mật cũng như chất lượng thoại trên nền IP. Vai trò và tầm quan trọng của các chuyên gia công nghệ thoại vì thế vẫn rất quan trọng và cần thiết.

Nhận định thường gặp: Quá trình chuẩn hóa cho UC trên nền tảng IP vẫn đang còn tiếp diễn. Vì vậy, cách khôn ngoan là đợi đến khi quá trình chuẩn hóa thật sự kết thúc thì mới nên triển khai UC trên nền IP

Lập luận phản biện:  DN lo ngại rằng sự phát triển nhanh của công nghệ sẽ làm lỗi thời và thay đổi các chuẩn hiện hành, dẫn đến những đầu tư cho UC hôm nay có thể sẽ bị nhanh chóng thay thế hoàn toàn, kéo theo sự lãng phí lớn về đầu tư. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Một mặt, đúng là sự phát triển của công nghệ IP làm xuất hiện những giao thức, công nghệ mới. Nhưng mặt khác những phát triển đó đều mang tính chất kế thừa, xuất phát từ các nền tảng đã có. Ví dụ SIP (Sesion Inition Protocol), IMS (IP Multimedis Subsystem), LDAP (Lightway Directory Access Protocol) là những công nghệ được sử dụng trong UC, đều đã có nguồn gốc từ lâu trong nền công nghệ IP. Chúng đều giữ được tính đồng hoạt động và có thể tích hợp thêm vào hạ tầng IP sẵn có mà không cần tái đầu tư toàn bộ. 

Nhận định thường gặp: Về mặt bảo mật, các hệ thống truyền thông trên nền tảng IP dễ bị tấn công hơn là những hệ thống truyền thông cổ điển thông thường.

Lập luận phản biện:  Thực tế không phải như vậy. Trong hệ thống UC, nhiều biện pháp và giải pháp bảo mật được đưa vào sử dụng cho cả tầng IP, tầng ứng dụng, và hệ thống thoại. Đó là những biện pháp tăng cường tính bảo mật như mã hõa luồng lưu lượng thoại, dùng cơ chế AES (Advanced Encryption Standard), các cơ chế xác thực, giải pháp tích hợp hạ tầng PKI (Public Key Infrastructure), các giải pháp điều khiển đầu vào (Network Admission Control). Ngoài ra, ngay cả luồng thông tin báo hiệu (signalling) cũng được bảo vệ, mã hóa bằng nhiều công nghệ như Transport Layer Security (TLS), Secure Sockets Layer (SSL), Secure Real-Time Protocol (SRTP).

Nhận định thường gặp: Để xây dựng hệ thống UC trên nền tảng IP, toàn bộ các tài nguyên của hệ thống hiện tại cần phải được thay thế, đầu tư mới.

Lập luận phản biện: Với một lộ trình xây dựng hợp lý, có sự tư vấn của các hãng cung cấp giải pháp, việc thay thế sẽ không xảy ra tức thời. Thay vào đó là sự chuyển đổi dần dần theo nhu cầu, vẫn đảm bảo không phí phạm sự đầu tư của hệ thống cũ, nhưng từng bước cung cấp được các tính năng của môi trường UC. 

3. Các nhà cung cấp giải pháp UC

Các công ty hàng đầu về cung cấp giải pháp và sản phẩm mạng (Cisco, Nortel, Avaya, Siemens, Alcatel…) cũng như phần mềm hệ thống (IBM, Microsoft,..) đều đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hoàn thiện và quảng bá các sản phẩm UC. Minh chứng rõ ràng nhất là mỗi công ty đều thành lập bộ phận chuyên sâu về các giải pháp UC: Microsoft có nhóm Unified Communications Group, Cisco có Unified Communications Business Unit, Avaya có Unified Communications Division.

Microsoft và Nortel đã công bố hợp tác trong lĩnh vực UC từ tháng 7/2006. Tính từ thời điểm đó Nortel và MS có công bố sự xuất hiện của các thiết bị phần cứng của Nortel (dòng Communications Softswitch) được tích hợp các công cụ phần mềm UC của Microsoft như Microsoft's Live Communications Server.

IBM và Cisco công bố kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực UC vào tháng 3/2007. Theo đó, nền tảng công nghệ chung được đặt tên là UC2 (Unified Communication and Collaboration). Trong khuôn khổ của sự hợp tác, Lotus Sametime client sẽ được tích hợp vào Cisco IP phones, voice mail và công nghệ hội nghị. Hai bên cũng lên kế hoạch thiết kế client chuẩn bao gồm API (Application Programming Interface) của cả 2 bên và tạo ra nền tảng cho các kỹ sư phát triển có thể sáng chế ra những ứng dụng UC mới. Cũng nằm trong chiến lược phát triển UC, tháng 3/2007 Cisco đã bỏ ra 3.2 tỷ USD để mua lại WebEx Communications, một công ty chuyên về các giải pháp hội nghị qua Web. Để củng cố thêm vị thế của mình trong mảng công nghệ UC, IBM cũng đã mua lại WebDialogs, một công ty khác chuyên về cung cấp giải pháp hội nghị qua Web và các dịch vụ truyền thông với 500.000 thuê bao trên toàn cầu vào tháng 8/2007.

Đi sâu vào các sản phẩm UC cụ thể, Microsoft cung cấp các sản phẩm như sau:

- Microsoft Office Communications Server 2007 (tên mới của Live Communications Server)

- Microsoft Office Communicator 2007: đây là UC client dùng với Communications Server 2007 thiết lập VoIP qua softphone

- Microsoft Office Live Meeting: cho phép tạo lập hội nghị thoại hoặc hội nghị video từ PC

- Exchange 2007 có hỗ trợ Unified Communication cho phép sử dụng mail, fax, voice trong cùng 1 hộp thư (mailbox) duy nhất.

Hãng Cisco phân loại các sản phẩm UC của mình theo các lĩnh vực:

- Các ứng dụng UC (Unified Communications Applications)

- Thoại trên nền tảng IP (IP  Telephony)

- Kết nối liên lạc tới khách hàng (Customer Contact)

- Quản trị mạng thoại (Voice Network Management)

- Hạ tầng cơ sở của mạng truyền thông (Communications Infrastructure)

Trong mỗi lĩnh vực như vậy, Cisco cung cấp một dải sản phẩm rộng và phong phú, đáp ứng nhu cầu của từng quy mô DN cụ thể. Sản phẩm UC tiêu biểu của Cisco là Cisco Unified Communications System phiên bản 6.0 (ra mắt tháng 3/2007), một bộ các sản phẩm và ứng dụng UC, bao hàm từ hạ tầng mạng, bảo mật, tính di động, quản lý mạng, đến quản lý vòng đời.

Alcatel cung cấp OmniTouch Unified Communication, một tập hợp của các ứng dụng trên nền mạng IP, cho phép sử dụng và điều khiển các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử, các thư viện, các công cụ cho phối hợp hoạt động và thông tin từ địa điểm bất kỳ, sử dụng bất cứ thiết bị đầu cuối nào và với bất cứ giao diện phần mềm nào.

Một thực tế là trong nhận thức của các DN, các hãng sản xuất cung cấp sản phẩm và giải pháp UC đã có một vị thế nhất định. Thống kê các câu trả lời cho câu hỏi “hãng sản xuất nào được DN đánh giá là nhà cung cấp giải pháp/sản phẩm UC hàng đầu?”  theo thăm dò của công ty Market Connections vào tháng 4/2007 (hỏi ý kiến 201 đại diện có tiếng nói quyết định tại các công ty viễn thông ở Mỹ) cho kết quả được hiển thị trong Hình 2 [3]. Theo đó, Cisco và Microsoft đang là những hãng được đánh giá cao nhất, chiếm 63% và 10% trong số các câu trả lời.

Hình 2. Đánh giá các nhà cung cấp giải pháp UC

3. Các bước triển khai UC

Như phân tích ở các phần trước, có sự tồn tại của một số nhận định ít nhiều chưa chính xác về sự cần thiết, tiềm năng và khả năng của UC. Đây cũng là một cản trở cần được khai thông cho sự phát triển hướng tới truyền thông hợp nhất. 

Một khi DN đã có nhận thức rõ về những lợi ích hệ thống UC có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của mình, câu hỏi tiếp theo sẽ là DN nên đi theo lộ trình triển khai nào. Mặc dù trong quá trình thực tế xây dựng UC, rất nhiều công việc và giai đoạn cần phải thực hiện, thậm chí phát sinh, nhưng về mặt tổng quan DN sẽ cần đi qua 4 bước cơ bản:

Bước 1: Đánh giá thực trạng và lượng hóa lợi ích của UC. Trong bước này, trước hết cần đánh giá toàn bộ và kỹ lưỡng thực chất cơ sở hạ tầng của DN, xem đã đáp ứng đến mức nào cho việc triển khai UC. Trên cơ sở đó và dựa vào thực tế các quy trình hoạt động đang diễn ra trong DN, xác định nên tích hợp các giải pháp UC ở mức độ nào, và liên quan đến đó là những lợi ích mà UC mang lại cho DN. Những lợi ích đó, nếu có thể, cần được cụ thể hóa và lượng hóa chi tiết đến mức tối đa (ví dụ như đánh giá các chỉ số về chi phí sở hữu TCO (Totalcost of Ownership), về hoàn vốn đầu tư ROI (Return of Investment) để làm cơ sở cho bước tiếp theo.  

Bước 2: Lựa chọn giải pháp. Sau khi xác định được mức độ UC phù hợp với nhu cầu và khả năng đầu tư, vấn đề tiếp theo là trong các hãng cung cấp giải pháp UC, hãng nào có những sản phẩm phù hợp nhất (bao hàm các mặt kỹ thuật, giá cả và những yếu tố liên quan khác) để lựa chọn. DN có thể lựa chọn giải pháp UC của nhiều nhà cung cấp khác nhau và tích hợp vào cơ sở hạ tầng của mình. Tuy nhiên, để sự đồng nhất trong hoạt động được đảm bảo ở mức độ tốt nhất, không nên chọn quá nhiều hãng cung cấp khác nhau, và thực tế khuyến cáo là không nên chọn nhiều hơn 2 hãng. Cần lưu ý rằng sự lựa chọn sản phẩm cụ thể sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số TCO, ROI (xem ví dụ cách đánh giá tại [4]).

Bước 3: Triển khai tích hợp giải pháp. Bước này tích hợp các giải pháp UC đã được lựa chọn vào cơ sở hạ tầng đang có. Ngoài ra, phạm vi công việc cũng bao gồm việc cung cấp cho NSD đầu cuối các thiết bị UC cần thiết, đào tạo cho họ làm quen và sử dụng môi trường UC cho công việc.

Bước 4: Thử nghiệm và đưa vào hoạt động. Sau khi Bước 3 được thực hiện, hệ thống UC sẽ được đưa vào sử dụng. Khuyến cáo nên sử dụng thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước khi sử dụng trong phạm vi toàn DN, đặc biệt là trong trường hợp quy mô của hệ thống UC lớn và phức tạp.

Ví dụ cụ thể cho một DN cỡ nhỏ (có dưới 250 NSD đầu cuối), sau khi phân tích kỹ những lợi ích của UC đã quyết định triển khai (Bước 1). Đánh giá cở sở hạ tầng sẵn có cho thấy UC có thể đạt được bằng việc xây dựng nền tảng VoIP và tích hợp thêm các ứng dụng cung cấp các tính năng đồng hoạt động phối hợp tương tác trên nền tảng đó. Để đạt đến mục đích này, giải pháp tổng thể của hãng Cisco cho môi trường UC của các DN nhỏ được lựa chọn (Bước 2). Đó là sử dụng các máy điện thoại IP (Cisco Unified IP phone) cho người dùng đầu cuối, sử dụng phần mềm điều khiển hệ thống Cisco Unified Communications Manager Express, phần mềm Cisco Unity Express để cung cấp voice mail và các dịch vụ trả lời tự động (automated attendant services), các  bộ chuyển mạch tích hợp (integrated services routers) tầm nhỏ hoặc vừa. Sau khi đã tích hợp các giải pháp và thiết bị trên (Bước 3), quá trình chạy thử nghiệm cho một bộ phận của DN được tiến hành và sau đó là chính thức đưa vào sử dụng (Bước 4).

4. Lời kết

Động lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ IT là để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu phát sinh trong công việc và cuộc sống. Đó cũng chính là mục đích của xu hướng UC, xét trên cả hai phương diện là nền tảng công nghệ IP chung và là những ứng dụng, giải pháp tích hợp cho phép hợp nhất các hình thái trao đổi thông tin, phối hợp, hợp tác trong nội bộ một tổ chức, DN hay giữa các tổ chức, DN với nhau. Bài viết đã giới thiệu khái niệm UC cùng những lợi ích liên quan, phân tích các nhận định về vai trò và tiềm năng của UC, cũng như giới thiệu ngắn gọn bức tranh toàn cảnh về các hãng cung cấp giải pháp UC.

Hiện nay tại Việt Nam, UC hiện chưa được thật sự chú ý đầu tư, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:

- quy mô DN và tính chất kinh doanh chưa làm phát sinh nhu cầu thật sự cần thiết về môi trường UC

- một số nhận định chưa chính xác về UC (như đã được trình bày) dẫn đến không/chưa có nhu cầu cho hệ thống UC

- ban lãnh đạo/quản lý DN chưa quan tâm đến UC như một công cụ hữu ích có thể làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động của DN

- phong cách và văn hóa làm việc trong DN  vẫn chưa tiếp nhận ngay cách làm việc hội họp, phối hợp trực tuyến mà không ngồi bàn bạc trực tiếp.

Tiềm năng, cơ hội triển khai UC tại Việt Nam hiện tại chỉ đang tập trung vào mảng thị trường bao gồm các công ty đa quốc gia có đại diện tại Việt Nam và các tổng công ty, DN lớn. Các công ty đa quốc gia có nguồn vốn và có nhu cầu cho UC vì họ yêu cầu sự phối hợp nhanh và hiệu quả giữa các chi nhánh trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các DN quy mô lớn trong nước và thực sự có nhu cầu về UC có thể là các hệ thống ngân hàng lớn có mạng lưới rộng trên toàn quốc (nhu cầu xây dựng trung tâm liên hệ, chăm sóc khách hàng), các tổng công ty  lớn như hàng hải, hàng không.

Xét tổng thể cho thị trường trong nước và thế giới, do nắm bắt sát nhu cầu của thực tế, UC đang và sẽ có những bước phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới, chiếm vị thế và tiềm năng ngày càng cao. Khẳng định này càng được củng cố thêm với dự đoán mới đây của công ty nghiên cứu và tư vấn IT có uy tín Gartner, theo đó UC sẽ là một trong mười công nghệ IT chiến lược hàng đầu trong năm 2008 của thế giới [5]. 

Tài liệu tham khảo

[1]. SIP: The Next Step in Converged IP Communications, Cisco White paper

[2]. Debunking the myths of Unified Communication, Cisco White paper  

[3]. Unified Communication Survey, Market Connections Inc, June 2007

[4] Unified Communication ROI for Microsoft Office Communication Server 2007, White Paper, July, 2007

[5] www.gartner.com and http://www.networkworld.com/news/2007/100907-10-strategic-technologies-g...

Các vấn đề của hội tụ cố định - di động

TS. Đặng Đình Trang, ThS. Nguyễn Sơn Hải

“Hội tụ” dường như là một từ được nhắc đến nhiều nhất trong ngành viễn thông những năm vừa qua. Tuy nhiên, cách nhìn nhận hay lộ trình hướng tới hội tụ không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết này giới thiệu tổng quan về hội tụ và các hướng triển khai hiện nay trên thế giới. Thị trường viễn thông Việt Nam và viễn cảnh của nó trên góc diện hội tụ cũng được phân tích nhằm đưa ra những đánh giá, khuyến nghị thực tế, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

1. Tổng quan về hội  tụ cố định - di động

1.1. Giới thiệu về FMC

Khi mới được đề cập đến trong ngành công nghiệp viễn thông, khái niệm hội tụ di động - cố định (Fixed Mobile Convergence - FMC) ngụ ý tới sự tích hợp của các công nghệ mạng có dây và không dây. Ngày nay, FMC không đơn thuần là hình thức hội tụ cụ thể nói trên, nó đã trở thành một khái niệm rộng lớn về sự hội tụ giữa các ngành công nghiệp truyền thông, dữ liệu và viễn thông. FMC cho phép khách hàng truy nhập đến rất nhiều dịch vụ liên lạc, thông tin và/hoặc giải trí với chất lượng dịch vụ ổn định, độc lập với thiết bị truy nhập, mạng truy nhập hay vị trí sử dụng của khách hàng.

Hình 1. Hội tụ cố định - di động FMC [2]

Khuyến nghị Q.1761 của ITU-T [1] định nghĩa FMC là “Cơ chế cho phép khách hàng (IMT-2000) có thể sử dụng dịch vụ thoại cơ bản cũng như các dịch vụ khác (của IMT-2000) thông qua mạng cố định tùy theo lựa chọn hợp đồng công nghệ truy nhập của họ”. Theo ETSI, “FMC liên quan tới khả năng cung cấp dịch vụ mạng độc lập với kỹ thuật truy nhập. Điều này không đòi hỏi nhất thiết có sự hội tụ về mặt vật lý của các mạng. Nó đề cập tới việc phát triển của một cấu hình mạng hội tụ cùng các tiêu chuẩn hỗ trợ. Tập hợp các tiêu chuẩn này có thể được dùng trong quá trình cung cấp dịch vụ cố định, di động hay dịch vụ lai ghép (hybrid services). Một tính năng quan trọng của FMC là sự tách biệt của thuê bao và dịch vụ với các vị trí và thiết bị truy nhập; cho phép khách hàng truy nhập tới các dịch vụ không đổi từ bất cứ thiết bị cố định hay di động nào thông qua các điểm truy nhập tương ứng…”

Để đạt được các mục tiêu của FMC, cần phải có 3 lớp hội tụ sau: (1) hội tụ mạng: sử dụng chung hạ tầng mạng cho các dịch vụ cố định và di động; (2) hội tụ dịch vụ: có thể truy nhập đến cùng một dịch vụ từ các loại thiết bị và mạng khác nhau; (3) hội tụ thiết bị khách hàng: một thiết bị duy nhất có thể dùng để truy nhập tới các dịch vụ khác nhau được các mạng khác nhau cung cấp.

FMC mang lại lợi ích cho cả khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ. Đối với khách hàng, hội tụ dịch vụ hay các gói, kết hợp dịch vụ làm giảm chi phí cho các hình thức liên lạc cơ bản. Kết hợp dịch vụ mang lại rất nhiều thuận tiện cho sử dụng: cài đặt đơn giản, một hóa đơn thanh toán, một hợp đồng thuê bao chung với một nhà khai thác. Bên cạnh đó khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ trơn tru mọi lúc mọi nơi, chỉ bằng khả năng của thiết bị truy nhập. Đối với các nhà khai thác, FMC đưa ra nhiều cơ hội giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Các hình thức gói, kết hợp dịch vụ làm giảm lượng khách hàng rời mạng, cho phép nhà cung cấp thiết lập quan hệ mật thiết với khách hàng và có thể dự báo tốt hơn nhu cầu khách hàng. Hội tụ mạng thay thế các mạng tách biệt bằng một mạng lõi duy nhất trên nền IP, tối thiểu hóa sự phức tạp của việc tích hợp và quản lý các thiết bị của nhiều hãng cung cấp khác nhau, giảm chi phí đầu tư và khai thác. Hội tụ cũng cho phép các nhà cung cấp triển khai nhanh và hiệu quả các dịch vụ và ứng dụng mới, tạo nguồn tăng trưởng lợi nhuận mới.

1.2. Các hướng phát triển FMC hiện nay

Tuy nhiên, sự hội tụ thật sự vẫn còn là một tương lai khá xa. Bên cạnh đó, công nghệ và khách hàng vẫn chưa sẵn sàng cho FMC. Cái mà chúng ta có thể nhận thấy hiện nay là các bước chuyển mình phù hợp với thực tế hiện tại, nhưng cũng nhắm tới sự hội tụ trong tương lai. Điều này hoàn toàn đồng nhất với ý kiến của nhiều nhà phân tích: FMC là nói về dịch vụ chứ không phải là công nghệ.

Thị trường cố định cũng như di động đã bão hòa cộng với xu hướng mở cửa thị trường viễn thông cho cạnh tranh trên khắp thế giới đã ngày càng thu hẹp các nguồn lợi nhuận của các công ty viễn thông. Phương án đơn giản là phải cố gắng nắm lấy tối đa các nguồn sinh lợi trên thị trường. Điều đó có thể thấy qua các sự kiện sáp nhập hay mua lại gần đây của các công ty cố định và di động để trở thành một nhà khai thác viễn thông tích hợp hoàn toàn cung cấp đầy đủ dải dịch vụ viễn thông. Thông qua đó, nhà khai thác viễn thông tích hợp có thể hấp dẫn và giữ chân khách hàng với các gói, kết hợp dịch vụ tùy theo nhu cầu của khách hàng, với sự đơn giản và tiện lợi của hình thức “một cửa”. Thông thường các công ty di động với vốn và năng lực lớn tìm cách mua lại các công ty kinh doanh cố định, ví dụ gần đây nhất là SFR sáp nhập với Neuf Cegetel tại Pháp hay VimpelCom mua lại công ty cố định Golden Telecom tại Nga [9].

Với sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước, một cách khác có thể giúp các nhà khai khác lấp đầy khoảng trống trong cung cấp dịch vụ là các mô hình nhà khai thác ảo (Virtual Network Operator - xVNO). Mô hình khai thác ảo có thể là cố định (FVNO - Fixed VNO) hay di động (MVNO - Mobile VNO). Khi băng thông, đường trục và tần số  không được độc quyền sử dụng, và khi các cơ quan quản lý hậu thuẫn, không có gì ngăn cản nhà khai thác cố định cung cấp dịch vụ di động cũng như nhà khai thác di động chào mời dịch vụ cố định. Các mô hình xVNO khá phổ biến ở châu Âu là nỗ lực của các tổ chức quản lý nhà nước nhằm mở cửa tự do hóa thị trường viễn thông tại châu Âu.

Các nhà khai thác (cố định/di động) không chỉ cạnh tranh với nhau trên thị trường truyền thống của họ mà còn cố gắng thâm nhập vào phần còn lại (thị phần, lợi nhuận hoặc/và khách hàng) của miếng bánh chung - thị trường viễn thông. Sự ra đời của các kỹ thuật, công nghệ mới cho phép các nhà khai thác di động cạnh tranh chiếm lợi nhuận từ các nhà khai thác cố định; theo hướng ngược lại, nhà khai thác cố định cố gắng thâm nhập thị trường di động bằng các dịch vụ tương tự di động. Trường hợp nhà khai thác di động cố gắng dành thị phần của mạng cố định được xem là Di động thay thế Cố định (Fixed Mobile Substitution - FMS); cách các nhà khai thác cố định thu hút một phần lưu lượng của mạng di động là thông qua dịch vụ lai ghép (dual-mode cố định – di động hay còn gọi là VCC, Voice Call Continuity), vì khi đó lưu lượng di động được truyền tải trên các giao thức “di động” tầm ngắn như Wi-Fi hay Bluetooth tới các đường truy nhập cố định. Tuy nhiên, trường hợp sau có vẻ như là gần với FMC tương lai hơn vì nó cần sử dụng hỗn hợp công nghệ hội tụ cho sản phẩm dịch vụ. Mô hình kinh doanh FMS đang nở rộ tại Việt Nam, sẽ được phân tích kỹ trong phần 3 sau đây. VCC đã được nhiều nhà khai thác triển khai như Korea Telecom, BT, T-COM…

Một phương án nữa cho các công ty viễn thông để tạo ra sự “hội tụ” về dịch vụ là mua buôn các sản phẩm dịch vụ từ các nhà cung cấp, từ đó tạo ra các gói, kết hợp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng và bán lại. True Corp tại Thái Lan là công ty khá thành công trong kinh doanh dịch vụ cho các khách hàng có các phong cách sống khác nhau bằng cách cung cấp năng lực liên lạc, truy nhập thông tin, kiến thức và giải trí dưới các phân loại dịch vụ như TrueMove (di động), TrueOnline (internet), TrueVisions (truyền hình), TrueMoney (thanh toán), và TrueLife (giải trí).

2. Dịch vụ hội tụ và thực tế triển khai

2.1. Phân loại dịch vụ hội tụ

Hiệp hội Hội tụ Di động Cố định (Fixed Mobile Convergence Association - FMCA) [8] được thành lập tháng 6/2004, liên kết các nhà khai thác như: Brazil Telecom, British Telecom, Korea Telecom, NTT Com, Rogers Wireless Inc. và Swisscom với mục tiêu là thúc đẩy sự chấp nhận của các công nghệ Hội tụ thông qua việc khuyến khích sự ổn định, nhất quán của các tiêu chuẩn về sản phẩm và thiết bị. FMCA đưa ra một số các phân loại dịch vụ hội tụ chính như sau:

Danh bạ Hội tụ - Dịch vụ cho phép lưu giữ các địa chỉ liên hệ cá nhân và danh bạ một cách an toàn trên mạng và có thể truy nhập vào từ bất cứ thiết bị nào. Các danh bạ lưu trên mạng được đồng bộ tự động với danh bạ cá nhân trên thiết bị một cách tương ứng.

Dịch vụ đa phương tiện Cá nhân - Dịch vụ cho phép truy nhập vào các nội dung đa phương tiện (được lưu trữ tại nhà hoặc trên mạng) từ bất cứ thiết bị nào, cho phép người sử dụng (NSD) tải lên/xuống nội dung từ bất cứ thiết bị nào, bất cứ lúc nào, vị trí nào. Dịch vụ đảm bảo sẽ chọn mạng lưới phù hợp nhất với tính chất của nội dung, ví dụ nhạc và video thì chỉ được tải xuống khi có kết nối băng rộng tốc độ cao. Dịch vụ còn cho phép cập nhật tự động các dịch vụ nội dung, và tự động tải chúng về khi có kết nối mạng phù hợp.

Dịch vụ Cuộc gọi đa phương tiện và Chia sẻ dữ liệu - Dịch vụ này cho phép NSD chuyển đổi giữa cuộc gọi thuần túy GSM/PSTN với các hình thức liên lạc khác. Dịch vụ tự động tìm kiếm các khả năng liên lạc khác sẵn có (các mạng nội bộ và thiết bị trong phạm vi lân cận), và cung cấp một giao diện đơn giản để quản lý mức độ của nội dung đa phương tiện và sự kết hợp của các phương tiện để sử dụng dịch vụ. Trong khi đàm thoại, người dùng có thể chia sẻ dữ liệu, ví dụ như hình ảnh, âm nhạc, với một người thứ ba. Dịch vụ sẽ tự động tìm kiếm và gửi dữ liệu đến người nhận theo một cách phù hợp nhất. Người dùng cũng có thể chuyển cuộc gọi dễ dàng từ thiết bị di động sang, ví dụ như, một kết nối VoIP/IM trên máy PC ở nhà để có thể cùng truy nhập Web.

Các dịch vụ kết hợp - Các dịch vụ dựa trên sự sẵn có của nhiều kết nối truy nhập (mạch hay dữ liệu) trên mạng hội tụ cố định - di động trong cùng một phiên liên lạc. Sử dụng nhiều kết nối trong cùng một phiên cho phép kết hợp các dòng dữ liệu/phương tiện và các thiết bị khác nhau để tạo ra các dịch vụ mới.

Giải pháp cho mạng hội tụ di động - cố định đảm bảo không có sự khác nhau trong trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, độc lập với mạng truy nhập, và độc lập với các dịch vụ khác nhau, các thiết bị khác nhau trên hai môi trường trong một cuộc gọi: ngoài trời - nơi chỉ có mạng GSM/UMTS và trong nhà - nơi có mạng WiFi/Bluetooth/Ethernet và GSM/UMTS.

Dịch vụ Kiểm soát và Theo dõi tự động - Dịch vụ cung cấp khả năng kiểm soát nhiều loại thiết bị gia dụng khác từ máy đầu cuối di động như nhiệt độ, cửa ra vào…, ngoài ra, còn cho phép theo dõi các vấn đề tại nhà như báo trộm, hoặc truyền hình tại nhà. Các dịch vụ hội tụ gắn kết các vấn đề ở nhà vào thiết bị di động người dùng đem theo người.

Dịch vụ Kiểm soát cuộc gọi Hội tụ - Dịch vụ cho phép tự động chuyển hoặc xử lý cuộc gọi theo thông tin của người dùng hoặc theo các thông số, sự kiện bên ngoài. Dựa theo các thông tin trong lịch điện tử của người dùng sẵn có trên mạng và mức độ quan trọng của người gọi, cuộc gọi có thể được định tuyến vào máy điện thoại hoặc xử lý theo một cách khác. Khi có thêm thông tin về vị trí của NSD, vị trí này có thể sẽ được sử dụng để quyết định cách thức mà cuộc gọi sẽ được xử lý. Ví dụ, nếu NSD đi vào đường cao tốc gặp khi trời mưa to hay bão tuyết, dịch vụ sẽ tự động chuyển cuộc gọi vào hộp thư thoại.

Dịch vụ đa phương thức (Multimodal Services) - Phân loại này bao gồm nhiều kịch bản dịch vụ khác nhau trong đó các phiên liên lạc thoại và dữ liệu được kết hợp với nhau. Có thể chia tiếp thành hai loại:

(a) Thoại và dữ liệu nối tiếp - khi cuộc gọi kết thúc thì lập tức khởi tạo phiên truyền hoặc chia sẻ dữ liệu. NSD có thể đặt độ trễ giữa hai hành động, hoặc theo kiểu chất lượng tốt nhất hoặc giá thấp nhất, ví dụ: Cuộc gọi Wi-Fi VoIP hoặc di động được nối tiếp ngay lập tức bằng việc gửi dữ liệu như địa chỉ liên lạc, bản đồ, URL, e-mail hay các dữ liệu đa phương tiện khác như hình ảnh, bài hát, nhạc chuông, video…

(b) Thoại và dữ liệu đồng thời – trong khi gọi điện thoại, một phiên dữ liệu được khởi tạo đồng thời để truyền tải hay chia sẻ dữ liệu. Ví dụ: khi gọi qua VoWLAN hoặc di động, chỉ bấm một phím đơn giản, người nhận cuộc gọi có thể nhận hoặc chia sẻ các dữ liệu như địa chỉ liên lạc, bản đồ, URL, e-mail hay các dữ liệu đa phương tiện khác như ảnh, bài hát, nhạc chuông, video…

2.2. Triển khai FMC trên thế giới

Như đã trình bày ở phần 1.2, có một vài xu hướng phát triển để tiến tới sự hội tụ thật sự trong tương lai. Trong số đó phương thức gần nhất về mặt kỹ thuật với hội tụ cố định - di động là các dịch vụ lai ghép (dual-mode). Phần này chỉ phân tích một vài điển hình triển khai FMC trên thế giới liên quan tới dịch vụ lai ghép.

British Telecom (BT) tung dịch vụ Fuson vào 2005, theo đó công ty cung cấp máy điện thoại di động lai ghép sử dụng công nghệ Truy nhập Di động không cần cấp phép (Unlicensed Mobile Access - UMA) để đóng gói lưu lượng chuyển mạch kênh GSM rồi truyền trên mạng cố định. Ban đầu việc kết nối được thực hiện thông qua Bluetooth tới thiết bị định tuyến DSL, nhưng nay thì được thực hiện qua WiFi hub tại nhà. Do BT không phải là nhà khai thác tích hợp hoàn toàn, công ty này phải kết hợp với Vodafone. Do ban đầu, Fusion là một dịch vụ thuần túy cho khách hàng cá nhân, sau đó được mở rộng sang khu vực doanh nghiệp. Chỉ một phân loại rất nhỏ thiết bị đầu cuối là sẵn có cho các dịch vụ này, như là Nokia 6136 hay Motorola A910. Trong 8 tháng đầu khai trương dịch vụ, chỉ có hơn 20 000 thuê bao đăng ký sử dụng.

Dịch vụ FMC Unico của Brasil Telecom được tung ra đầu năm 2006 và ban đầu dựa trên công nghệ Bluetooth nhưng được chuyển sang WiFi năm 2007. Ban đầu, thuê bao chỉ được sử dụng một thiết bị đầu cuối được gọi là “hệ thống điện thoại cầm tay cá nhân” (PHS), và sau đó vào cuối năm 2007, dịch vụ có thể được sử dụng trên hai máy đầu cuối, cùng một nhà cung cấp máy Motorola. Khi đưa các mẫu máy Motorola giá rẻ hơn, số thuê bao tăng lên đến 30 000 vào tháng 5/2007. Hiện chưa có dịch vụ cho doanh nghiệp vì nhà khai thác đang đánh giá sự  phát triển của thị trường dành cho cá nhân.

Dịch vụ T-One được Deutsche Telekom đưa ra thị trường vào tháng 7/2006, gói gộp ba công nghệ GSM/DSL/WiFi. Dịch vụ này, khác với các ví dụ nói trên, bán trợ giá máy đầu cuối lai ghép dưới thương hiệu của nhà khai thác (T-Com). Với số thuê bao dưới 10000 vào tháng 3/2007, dịch vụ đã bị ngừng cung cấp chỉ sau nửa năm để nhường chỗ cho một dịch vụ FMC khác của T-Mobile, cạnh tranh tốt hơn và thành công hơn. Theo một báo cáo thì dịch vụ T-One không thành công do giá quá đắt, tiếp thị kém và thiếu những tính năng hấp dẫn.

Korea Telecom tung ra thị trường dịch vụ Onephone tập trung vào thoại vào tháng 6/2004, chỉ nhắm vào khách hàng cá nhân. Dịch vụ sử dụng công nghệ không dây (Cordless Telephony Profile - CTP), và bao gồm một máy đầu cuối lai ghép Bluetooth/CDMA và điểm truy cập Bluetooth. Không giống như các nhà khai thác khác, công nghệ Bluetooth không bị thay thế bởi WiFi, mặc dù có nhiều máy đầu cuối được tung ra. Sau một năm kinh doanh, số lượng thuê bao phát triển không đạt được mục tiêu 200 000 vào cuối năm 2006. Dịch vụ đã ngừng cung cấp từ cuối năm 2007.

Có thể thấy thành công của FMC, cụ thể là các dịch vụ lai ghép tới thời điểm hiện tại, trên thế giới không thật sự rõ ràng. Khách hàng chưa sẵn sàng và chưa có nhu cầu thật sự cần thiết cho FMC. FMC hay liên lạc hợp nhất (Unified Communications) được các nhà sản xuất, khai thác thúc đẩy nhằm phản ứng lại các cạnh tranh hay sự thu hẹp của nguồn thu nhập trong môi trường kinh doanh của họ. Nhưng khách hàng không nhất thiết bị cuốn vào vòng xoáy của các nhà cung cấp. Dịch vụ FMC cần trở nên đơn giản, được quảng bá rộng rãi và trên hết rẻ hơn nhiều để có thể cuốn hút được người tiêu dùng. FMC cần thêm thời gian.

3. Thị trường Việt Nam

3.1. FMS

Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn trên đà phát triển, tuy tốc độ phát triển đã chậm lại đôi chút. Các mảng chính của dịch vụ viễn thông là cố định, di động và băng rộng đều chưa bão hòa và các nhà khai thác đều cố gắng tập trung vào việc phát triển thuê bao hơn là phát triển dịch vụ. Chưa có nhà khai thác nào cung cấp hay thử nghiệm dịch vụ FMC. Tuy nhiên việc cạnh tranh cung cấp dịch vụ di động thay thế cố định FMS lại đang rất sôi động trên thị trường.

Trên thị trường đã phát triển, các nhà khai thác đều phải cố gắng tìm kiếm các nguồn lợi nhuận có thể trên thị trường. Nhà khai thác tích hợp có vị thế thuận lợi hơn vì họ kinh doanh trên tất cả các mảng chính của thị trường. Nhà khai thác thuần túy cố định hay di động sẽ cố gắng vươn tới các phần còn lại của thị trường: nhà khai thác di động cạnh tranh về lưu lượng cố định và nhà khai thác cố định cung cấp các dịch vụ tương tự di động, cho phép khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ duy nhất thay vì chọn riêng nhà khai thác cố định và di động (xem Hình 2). Một trong những cách khá đơn giản để nhà khai thác di động thâm nhập thị trường cố định là cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định FMS.

 Hình 2. Xu hướng phát triển trên theo hướng hội tụ

Đối mặt với cạnh tranh mới này, nhà khai thác cố định hay tích hợp cần có phản ứng tương xứng để giữ hoặc tăng thị phần. Theo dõi và phòng chống thay thế thuê bao là rất quan trọng đối với nhà khai thác tích hợp, bởi vì mất đi một khách hàng cố định đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn mối liên hệ khách hàng cho đối thủ cạnh tranh; toàn bộ doanh thu bình quân trên thuê bao (Average Revenue Per Unit - ARPU) sẽ mất về tay nhà khai thác di động. Các dịch vụ gia tăng giá trị tận dụng rõ nét các lợi thế về băng thông của kết nối cố định là yếu tố quan trọng để thành công đối với các nhà khai thác cố định để khác biệt hóa so với nhà khai thác di động.

FMS do nhà khai thác di động cung cấp thường liên quan đến thiết bị đầu cuối có thể dễ dàng mang ra khỏi nhà và nhắm vào sự thay thế các dịch vụ cố định. Các thiết bị được thiết kế chỉ để sử dụng trong nhà như GPhone (VNPT) và HomePhone (Viettel) là nhằm cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định. Cung cấp dịch vụ FMS với máy đầu cuối để bàn có ý nghĩa với các vùng mà không có mạng PSTN, các vùng cao, vùng xa, nơi đặc điểm địa hình phức tạp hay mật độ NSD quá thấp dẫn đến chi phí đầu tư quá cao. Nhưng các khách hàng “GSM cố định” này sẽ phải trả thêm tiền để sử dụng các dịch vụ băng rộng do họ trước tiên phải chuyển từ GSM sang PSTN. Để tránh được rào cản này, bảo vệ, khuyến khích đầu tư hạ tầng cố định, tạo cơ sở cho kinh doanh dịch vụ giá trị cao như băng rộng hay IPTV, cho phép cung cấp rộng rãi “GSM cố định” cần phải là một câu hỏi mang tầm chiến lược của cơ quan quản lý viễn thông.

3.2. Viễn cảnh của FMC

Các động lực chính cho việc triển khai FMC và thành công trong kinh doanh là sự gia tăng cạnh tranh do thị trường bão hòa và sự phòng vệ từ phía nhà khai thác cố định hoặc tích hợp đối với các dịch vụ thay thế cố định của nhà khai thác di động.

Hiện nay tại Việt Nam, các dịch vụ Di động thay thế Cố định chủ yếu nhằm nâng mức độ sẵn có của dịch vụ cố định, chưa có dịch vụ sử dụng một thiết bị tại nhà và khi di chuyển. Do đó các máy điện thoại để sử dụng tại nhà, dù là GSM hay CDMA, không đem lại lợi thế cạnh tranh cho nhà khai thác di động, nhưng có thể thay thế các dịch vụ cố định bằng truy nhập di động tại các nơi quá đắt đỏ để kéo cáp hoặc dành cho khách hàng mong muốn GSM cố định. Do không có lợi thế cạnh tranh khi nhà khai thác di động cung cấp dịch vụ thay thế cố định, nhà khai thác tích hợp không nhất thiết cần phải cung cấp dịch vụ hội tụ FMC.

Tuy nhiên tại các vùng đô thị chính như Hà Nội hay TP. HCM, thị trường cố định gần như bão hòa và cạnh tranh có thể sẽ mạnh mẽ khi trong tương lai các nhà khai thác không có hoặc có ít thị phần cố định sẽ cố gắng nhanh chóng thâm nhập thị trường với các dịch vụ Di động thay thế Cố định có giá cước cạnh tranh; từ đó đi trước vào thị trường hội tụ với lợi thế cạnh tranh vượt lên trên nhà khai thác cố định hoặc tích hợp. Với sự dịch chuyển này của nhà khai thác thuần túy di động, các nhà khai thác cố định hoặc tích hợp cần phải chuẩn bị cung cấp dịch vụ hội tụ để giữ vị thế cạnh tranh.

Tại Việt Nam, do giá cước dịch vụ cố định thấp hơn nhiều so với dịch vụ di động, việc phòng chống các dịch vụ Di động thay thế Cố định là khả thi đối với nhà khai thác cố định. Hiện cước nội hạt chỉ từ 40-120đ/phút, trong khi cước di động là 1000-1500đ/phút; nhà khai thác di động khó có thể cung cấp dịch vụ với giá tương tự dịch vụ cố định tại các vùng đô thị đông đúc; lý do khó khăn cho triển khai mạng ở đây không phải là vùng phủ mà là dung lượng phủ sóng. Nếu dịch vụ GSM cố định được cung cấp cho khách hàng ở các vùng nông thôn - nơi hiệu suất sử dụng thấp - thì không cần nâng cấp dung lượng phủ sóng để cung cấp GSM cố định mà lại tận dụng mạng để tăng lợi nhuận. Khi cung cấp dịch vụ Di động thay thế cố định tại các vùng đô thị cần nâng dung lượng phủ sóng và lợi nhuận bổ sung nhờ có FMS phải bù cho chi phí bổ sung về đầu tư và khai thác. Thêm vào đó là yếu điểm về cung cấp dịch vụ băng rộng và mức độ sẵn sàng của FMS so với đường dây cố định. Vì vậy, kể cả khi cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định rộng rãi ở các vùng đô thị khó có thể xảy ra trong tương lai.

Nếu tính đến các lợi thế về giá cước và chi phí của các dịch vụ cố định và tính nhạy cảm cao về giá tại Việt Nam so với các nước có thu nhập cao, thị phần khách hàng FMC sẽ có thể cao hơn FMS. Tuy nhiên đây chỉ là một xu hướng tương đối, sức mạnh thực sự của FMC và FMS phụ thuộc nhiều vào giá cước hiện có, máy đầu cuối và cách định giá dịch vụ FMC cũng như mức độ cạnh tranh của các đối thủ.

4. Kết luận

Theo những phân tích và dẫn chứng trên đây, hội tụ cố định - di động dường như vừa xa xôi, vừa rất hiện thực, tùy theo quan điểm và cách triển khai trên từng thị trường. Trên bình diện thế giới, việc tìm kiếm các dịch vụ ăn khách, các mô hình kinh doanh phù hợp cho hội tụ là vấn đề lớn và còn thách thức. Tuy vậy, ở rất nhiều nơi, hội tụ lại là thực tế. Ở một mức đơn giản nhưng dễ nhận biết là sự hội tụ về kinh doanh, về tổ chức theo hướng tích hợp, sau đó là hội tụ về công nghệ và dịch vụ khách hàng.

Tại Việt Nam, dường như hội tụ cố định – di động (FMC) hay cạnh tranh thay thế mạng cố định (FMS) đang phát triển nhanh hơn so với các thị trường có cùng mức độ phát triển. Quan điểm và phản ứng của các tác nhân trên thị trường về vấn đề này sẽ là mối quan tâm sát sườn của từng doanh nghiệp và của cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. ITU-T Q.1761 “Principle and Requirements for Convergence of Fixed and Existing IMT-2000 Systems”.

[2]. M. V. Upadhayay, “Fixed Mobile Convergence”, White Paper.

[3]. J. V. Srivastava, M. Finger, “Fixed to Mobile Convergence (FMC): technological convergence and the restructuring of the European telecommunications industry”, SPRU 40th Anniversary Conference, Brighton, UK, September 11-13, 2006.

[4]. “FMC Market View”, Qualcomm Incorporated, December 2007.

[5]. “Evolution towards converged services and networks”, Ericsson White Paper, April 2005.

[6]. “Fixed-Mobile Convergence: Let’s keep it simple”, Nokia White Paper.

[7]. “Why Fixed Mobile Convergence?”, Nortel White Paper.

[8]. Fixed Mobile Convergence Association, www.thefmca.com

[9]. Total Telecom, February 2008.

Từ QoS đến QoE: Vấn đề cần quan tâm khi cung cấp các dịch vụ viễn thông

 Giới thiệu chung

Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, khái niệm chất lượng dịch vụ (QoS: Quality of Service) trên nền mạng IP đã được đưa vào nhận thức của đông đảo người sử dụng (NSD) cũng như các nhà cung cấp và khai thác dịch vụ mạng. QoS cũng chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự đầu tư của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông và sự tập trung cao độ của cộng đồng nghiên cứu lĩnh vực mạng, hướng tới các giải pháp có tính ổn định và hiệu quả cao nhằm đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ qua mạng.  

Trong nhận thức chung của cộng đồng chuyên ngành mạng, cũng như đã được chuẩn hóa bởi các tổ chức quốc tế có uy tín như Liên minh Viễn thông quốc tế ITU (ITU), QoS trong mạng viễn thông được định nghĩa cụ thể qua các tham số kỹ thuật được lượng hóa rõ ràng. Trên nền mạng IP, QoS được định nghĩa theo mức gói IP hoặc theo mức kết nối. Ở mức gói IP, các tham số QoS điển hình bao gồm độ trễ của các gói IP, độ biến thiên trễ của các gói IP, tỷ lệ mất gói IP. Ở mức kết nối/cuộc gọi, QoS có thể được đánh giá qua các tham số như tỷ lệ cuộc gọi/kết nối bị chặn, tỷ lệ các cuộc gọi/kết nối bị rớt giữa chừng.

Ảnh minh họa: v-net.tv

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các dịch vụ viễn thông trên nền mạng IP, đặc biệt là VoIP (Voice over IP), IPTV (Internet Protocol Television) ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng hơn, QoS không còn là yếu tố duy nhất mang tính quyết định trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Theo xu hướng chung, yếu tố dần trở nên quan trọng hơn để phân biệt mức độ và đánh giá các nhà cung cấp dịch vụ là những gói dịch vụ được thiết lập tốt đến mức nào theo nhu cầu cá nhân của NSD, có thể được tùy chỉnh theo yêu cầu cá nhân khách hàng đến đâu để thỏa mãn tối đa yêu cầu của họ. Đây chính là tiền đề dẫn đến khái niệm chất lượng trải nghiệm QoE (Quality of Experience), một khái niệm được đưa vào bức tranh cung cấp dịch vụ trong ngành công nghệ viễn thông. Một cách đơn giản nhất, chất lượng trải nghiệm QoE là nhận xét chủ quan của NSD đánh giá về dịch vụ họ đang sử dụng.

So với khái niệm QoS, QoE là khái niệm mới hơn và mới chỉ được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Tài liệu [1] thống kê so sánh số lượng các bài báo nghiên cứu viễn thông đã được đăng tải và lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu của tổ chức IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers), có chứa từ QoS trong phần tóm tắt với số lượng các bài báo có chứa từ QoE trong phần tóm tắt và đưa ra kết quả như trong Bảng 1. Tỷ lệ áp đảo của các bài báo liên quan đến QoS cho thấy QoE chỉ thực sự nằm trong sự quan tâm của các nhà nghiên cứu từ 2006 trở lại đây.

Năm

Quality of Service (QoS)

Quality of Experience (QoE)

Tỷ lệ giữa các bài báo liên quan đến QoS và các bài báo liên quan đến QoE

2002

1102

1

1102 lần

2003

1328

3

442 lần

2004

1540

3

513 lần

2005

1720

3

573 lần

2006

1681

10

168 lần

 Bảng 1. Thống kê về sự quan tâm đến khái niệm QoE và QoS

Chiều hướng tương tự cũng được biểu hiện nếu chúng ta thống kê số lượng các kết quả liên quan đến QoS và QoE khi sử dụng các công cụ tìm kiếm như www.google.com (địa chỉ tìm kiếm thông thường) hay http://scholar.google.com (địa chỉ tìm kiếm cho các tài liệu mang tính học đường, hàn lâm). Số các kết quả tìm kiếm liên quan đến QoS nhiều hơn 13 lần (trường hợp dùng google.com) và 50 lần (trường hợp dùng scholar.google.com) so với số lượng các kết quả tìm kiếm liên quan đến QoE.

Thành ngữ tìm

Tìm với Goggle.com

Tìm với http://scholar.google.com

QoS

13.300.000

619.000

QoE

938.000

11.700

 Bảng 2. Thống kê về mức độ phổ biến của khái niệm QoE và QoS (8/2008)

Liên quan giữa QoS và QoE

QoS đơn thuần đưa đến NSD những khái niệm kỹ thuật khá khô cứng về chất lượng dịch vụ. QoS chủ yếu tập trung vào mô tả các tiêu chí khách quan, mang tính kỹ thuật mà hạ tầng mạng hay ứng dụng cần phải đạt được để chất lượng dịch vụ được đảm bảo. Nói một cách khác QoS có thể coi là ngôn ngữ kỹ thuật chung của chất lượng mà các ứng dụng và hạ tầng mạng sử dụng.

Vấn đề nằm ở chỗ những khái niệm QoS như độ trễ, tỷ lệ mất của các gói IP không truyền tải những thông tin thiết thực cho đại đa số NSD đầu cuối. Điều mà NSD thật sự quan tâm là cảm nhận đánh giá cá nhân theo một cách diễn giải thông thường khi sử dụng dịch vụ, như chất lượng hình ảnh của đoạn phim có tốt không, hình ảnh và tiếng nói của trong phim có khớp nhau không vv. Xét từ góc độ thương mại cung cấp dịch vụ, mục tiêu cuối cùng của nhà cung cấp dịch vụ phải là sự hài lòng của khách hàng. Đây là yếu tố để thu hút NSD và mở rộng mạng lưới phục vụ của nhà cung cấp. Để đánh giá chất lượng của dịch vụ, rất cần thiết phải đặt tâm điểm vào mức độ hài lòng, yếu tố chủ quan mang tính chất con người của NSD đầu cuối. Chỉ có như vậy thì dịch vụ mới bám sát nhu cầu thị trường và có cơ hội phát triển, mở rộng.

Thực tế đó đòi hỏi phải thiết lập một cách diễn tả chung, dễ hiểu cho người dùng đầu cuối về chất lượng dịch vụ. Đó chính là lý do đưa ra khái niệm QoE. QoE là ngôn ngữ chung để các ứng dụng và NSD đầu cuối sử dụng khi tiếp cận vấn đề chất lượng của dịch vụ. Nói cách khác, QoE là thước đo sự hài lòng của NSD với dịch vụ họ đang sử dụng, dựa trên những đánh giá chủ quan. Như vậy, cũng có thể nhìn nhận QoE được tổng hợp từ các tham số thuần túy mang tính kỹ thuật QoS và các yếu tố khác không mang tính kỹ thuật như các đặc tính của hệ thống thị giác và thính giác con người, sự đơn giản khi đăng ký sử dụng dịch vụ, giá cả dịch vụ, nội dung dịch vụ, tính sẵn sàng hỗ trợ từ nhà cung cấp. QoE thường được biểu hiện bằng những đánh giá mang tính cảm nhận cá nhân như “xuất sắc”, “tốt”, “trung bình”, “tạm chấp nhận”, “kém”. 

Chúng ta cùng xem xét một ví dụ điển hình về vai trò của những yếu tố con người trong sự đánh giá chất lượng [2]. Trên Hình 1 có hai bức tranh về cùng một phong cảnh. Tham số QoS đo tỷ lệ giữa tín hiệu và nhiễu (PSNR: Peak-Signal-to-Noise-Ratio) của hai bức tranh được giữ ở mức như nhau. Như vậy, nếu chỉ thuần túy dựa trên tham số kỹ thuật PSNR thì hai bức tranh sẽ được đánh giá có chất lượng như nhau. Nhưng với hệ giác quan của NSD đầu cuối, tức là người trực tiếp xem hai bức tranh, rõ ràng là chất lượng của bức tranh bên trái tốt hơn nhiều so với bức tranh bên phải. NSD có thể xếp bức tranh bên trái vào mức “tạm chấp nhận”, thậm chí “trung bình”, nhưng bức tranh bên phải chỉ ở mức “kém”. Tại sao lại như vậy?

Cả hai bức tranh đều bị nhiễu. Tuy nhiên, bức tranh bên trái có nhiễu tần số cao, bức tranh bên phải có nhiễu ở tần số thấp. Hệ giác quan con người không cảm nhận được tốt (nói cách khác là “không nhìn thấy”) các nhiễu ở tần số cao như đối với nhiễu ở tần số thấp, do đó NSD hài lòng với bức tranh bên trái hơn so với bức tranh bên phải. Bên cạnh đó là nội dung của bức tranh. Nhiễu của bức tranh bên trái chỉ nằm ở phần dưới bức tranh (nơi có các khối đá xám, nước biển, với nhiều góc cạnh trên hình ảnh). Trên nền nội dung như vậy mắt thường của NSD rất khó nhận ra lỗi. Ngược lại, trong bức tranh bên phải, nhiễu có ở phần trên của bức tranh, nơi chi có thuần cảnh bầu trời mây xanh. Trên nền nội dung như vậy, tác động của nhiễu dễ dàng được mắt thường quan sát thấy. Như vậy nội dung của bức tranh, địa điểm có nhiễu xuất hiện, cũng rất quan trọng và có ảnh hưởng đến đánh giá của NSD.

Hình 1. Đánh giá theo hệ thị giác chủ quan của NSD

QoS như chúng ta đều biết có thể được thực hiện bằng các giải pháp, cơ chế áp dụng trong mạng, ví dụ như như điều khiển đầu vào (CAC Call Admisson Control), phân loại chất lượng dịch vụ, quản lý tài nguyên (resource management) hay cung ứng thừa tài nguyên (over-provisioning)... Các giải pháp QoS về bản chất là công cụ mà các nhà quản trị và khai thác mạng áp dụng để đem lại QoE. Tuy vậy, nếu chỉ đảm bảo đáp ứng tốt các tham số QoS chưa chắc chắn đã đem lại sự hài lòng về dịch vụ cho NSD vì như đã thảo luận ở trên, QoE còn bao hàm các nhân tố khác ngoài các tham số QoS. Cũng vì thế, đối với các nhà cung cấp dịch vụ, việc đo kiểm được QoE của người dùng và sau đó sửa đổi phù hợp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của NSD là rất quan trọng.

Đo đạc và kiểm soát QoE

Mặc dù mang tính chủ quan của người đánh giá, QoE cũng nên được lượng hóa đến một mức độ nhất định để có thể được sử dụng hữu ích cho các mục đích khác nhau như đưa vào hợp đồng thống nhất mức dịch vụ (Service Level Agreement - SLA) ký kết giữa nhà cung cấp và khách hàng, NSD. Phương pháp để đánh giá mức độ hài lòng QoE một mặt cần bao hàm những yếu tố mang tính tâm lý chủ quan của NSD, mặt khác cần phải đưa ra những kết quả sát thực tiễn và có thể tái dựng lại khi có nhu cầu. Điều này trước tiên đòi hỏi sự thấu hiểu về nhu cầu mà NSD đang có, nắm được yếu tố nào là nhân tố ảnh hưởng đến sự đánh giá chủ quan của NSD cho loại hình dịch vụ mà họ sử dụng.    

Phát triển các phương pháp để có thể đo đạc, lượng hóa QoE không phải là vấn đề đơn giản vì ngoài các yếu tố thuần túy kỹ thuật (như trong trường hợp QoS) còn cần phải xem xét những yếu tố mang tính con người. Để đánh giá QoE có thể đi theo phương thức là tạo ra ánh xạ từ các thông số kỹ thuật thuần túy QoS sang thông số mang tính chủ quan QoE. Sau đó chỉ cần đo đạc và kiểm soát các thông số QoS để qua đó kiểm soát và điều chỉnh QoE. Khó khăn lớn nhất của phương thức này là tạo ra cách ánh xạ phản ánh được chân thực nhất những yếu tố mang tính chủ quan của NSD, ví dụ như những tính chất của hệ thị giác con người. Hơn thế nữa, phải tổng hợp nhiều tham số QoS mới có thể ánh xạ sang QoE một cách hợp lý. Sự ánh xạ đòi hỏi phải có sự đúc kết từ nhiều thử nghiệm thực tế. Bảng 3 là một ví dụ về cách ánh xạ từ các tham số QoS bao gồm độ trễ (end-to-end delay), tỷ lệ mất gói (packet loss ratio), thông lượng trung bình (mean throughput) sang các mức độ QoE bao gồm xuất sắc (excellent), rất tốt (very good), trung bình (average), tạm chấp nhận được (fair), và kém (poor), dùng cho dịch vụ truy nhập web sử dụng WAP/ xHTML trong mạng di động [3].

Bảng 3: Ánh xạ từ các tham số QoS sang QoE của dịch vụ truy nhập web sử dụng WAP/ xHTML
trong mạng di động

Như đã đề cập, QoE được quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực VoIP và IPTV. Đây là hai mảng dịch vụ có thể nói là đầu tàu của các nhà khai thác viễn thông trên nền mạng IP hiện nay. Khái niệm QoE cho VoIP có thể được đánh giá bằng cách thực hiện thu thập đánh giá trải nghiệm về dịch vụ VoIP của số lượng lớn NSD và sau đó lượng hóa kết quả qua khái niệm MOS (Mean Opinion Score). MOS là thang điểm từ 1 đến 5. MOS càng cao thì QoE càng tốt, tức là NSD càng hài lòng với chất lượng dịch vụ VoIP. Từ khía cạnh kỹ thuật, để đánh giá QoE cho VoIP còn có thể sử dụng phương pháp “3SQM” được chuẩn hóa trong tài liệu ITU-T Rec. P. 563 (ITU-T Rec. P. 563: Single ended method for objective speech quality asessment in narrow-band telephony applications), hoặc phương pháp “E-model” chuẩn hóa trong tài liệu ITU-T Rec. G.107 (ITU-T Rec. G.107: The E-model, a computational model for use in transmission planning). Các phương pháp này ánh xạ các tham số kỹ thuật QoS của kết nối VoIP sang thang điểm MOS, tham số đánh giá của QoE. Cả hai phương pháp này đều không yêu cầu thực hiện so sánh giữa tín hiệu âm thanh gốc với tín hiệu âm thanh nhận được.

QoE cho IPTV cũng có thể được đánh giá bằng phương pháp mang tính chủ quan qua tham số MOS, định nghĩa trong tài liệu ITU-R BT 500 (ITU-R, “Recommendation BT. 500: Methodology for the subjective assessment of the quality of television pictures”). Một nhóm NSD sẽ được chọn lựa để cùng xem đoạn video và cho điểm chất lượng từ 1 đến 5 (5 tương ứng với chất lượng tốt nhất). Tham số MOS của đoạn video sẽ được lấy trung bình từ các kết quả cho điểm của NSD. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp xác định MOS của VoIP qua ý kiến NSD, phương pháp này chỉ khả thi trong môi trường phòng thí nghiệm, không áp dụng được trong môi trường ứng dụng thời gian thực.

Các phương pháp khác để đánh giá QoE cho IPTV dựa vào nguyên lý hoạt động truyền tải của IPTV nói riêng và của hình ảnh qua mạng IP nói chung. Các gói của luồng video được chuyển từ bộ mã hóa/nén của nguồn ảnh (compression), thành luồng dữ liệu (streaming) đi qua mạng (network) đến bộ đệm của bộ giải mã (de-compression) với tốc độ khác nhau. Bộ đệm có nhiệm vụ cung cấp các gói với tốc độ đều đặn cho bộ giải mã để tái hiện hình ảnh cho người xem. Tác động của mạng (network impairments) gây ra những biến đổi cho các gói trong luồng dữ liệu hình ảnh, làm cho các gói có thể đến bộ đệm với tốc độ nhanh chậm khác nhau, làm ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng (QoE) của NSD đầu cuối. Nếu các gói IP đến quá nhanh sẽ làm tràn bộ đệm, dẫn đến hiện tượng các gói bị mất do bộ đệm chỉ có dung lượng giới hạn. Với người xem, ảnh sẽ bị biến dạng và những chi tiết trong ảnh bị nhòe, hoặc bị mất. Ngược lại, nếu các gói IP đến quá chậm thì bộ đệm không có gì để đưa vào bộ giải mã, dẫn đến hiện tượng ngừng hình, giật hình khi xem.

QoE cho IPTV có thể được đánh giá một cách lượng hóa qua tham số MDI (Media Delivery Index). Về bản chất, MDI cũng là một tham số được ánh xạ từ các nhân tố QoS lớp mạng, cụ thể là độ trễ (Delay Factor - DF) và tỷ lệ mất nội dung (Media Loss Rate - MLR). MDI được hiển thị dưới dạng chuẩn DF:MLR. Ưu điểm của MDI là đại lượng này có thể được đo kiểm tại bất cứ điểm nào trên đường truyền từ nguồn ảnh đến người xem (NSD) và từ giá trị MDI có thể ánh xạ đến QoE để có được những hành động, biện pháp xử lý kịp thời. MDI đáp ứng được yêu cầu QoE về ảnh là DF vào khoảng 9-50ms, MLR tối đa là 0.004 cho SDTV (Standard Definition Television: truyền hình độ phân giải thông thường), VOD (Video on Demand: video theo yêu cầu) và 0.0005 cho HDTV (high-definition television: truyền hình phân giải cao) [4].

Hình 2. Mô hình đánh giá QoE cần sự so sánh giữa hình ảnh gốc và hình ảnh đầu nhận

Hình 3. Mô hình MPQM đánh giá QoE của IPTV

MPQM (Moving Picture Quality Metrics) và V-factor là hai mô hình khác để đánh giá QoE của dịch vụ IPTV. MPQM là mô hình đặt nền tảng trên những tính chất của hệ thống thị giác của con người và đánh giá sự suy giảm chất lượng qua vòng đời điển hình của ảnh video (nén, truyền, giải nén) có ảnh hưởng thế nào đến chất lượng hình ảnh qua cảm nhận của NSD đầu cuối [5]. Về mặt cấu trúc hệ thống, vị trí đánh giá MPQM trên đường truyền luồng video được hiển thị trong Hình 3 [6]. Có thể thấy là khác với các giải pháp đánh giá chất lượng video thông thường được phát triển trong môi trường phòng thí nghiệm (xem Hình 2), MPQM không cần đến sự so sánh giữa hình ảnh gốc và hình ảnh nhân được. Điểm cơ bản này mang lại tính khả thi và độ mở rộng cao cho MPQM trong thực tế. Trong môi trường IPTV, địa điểm của hình ảnh nhận được nơi NSD đầu cuối có thể cách xa nhiều cây số so với địa điểm hình ảnh gốc. Hơn thế nữa có rất nhiều kênh IPTV được truyền tải đến NSD sẽ làm cho những phương pháp đánh giá chất lượng hình ảnh cần có so sánh giữa hình ảnh gốc với hình ảnh cuối khó có thể thực hiện được trong thời gian thực (realtime operation).   

Từ đầu vào là xác suất mất gói (Packet Loss Probability), phân tích lượng thông tin được hình ảnh truyền tải (entropy analysis), độ biến thiên trễ (jitter), độ xung gốc (Program Clock Reference), loại mã hóa (MPEG2, H264), MPQM đưa ra thang điểm 5 cho chất lượng IPTV, “Excellent” tương ứng thang điểm 5, “Good” tương ứng thang điểm 4, “Fair” tương ứng thang điểm 3, “Poor” tương ứng thang điểm 2, “Bad” tương ứng thang điểm 1. Hình 4 mô tả mô hình MPQM ở mức tổng quan.

Hình 4. Mô hình MPQM

V-factor cũng là một sự triển khai dựa trên mô hình gốc MPQM. Tuy nhiên, ngoài việc “cho điểm” đánh giá chất lượng của hình ảnh, V-factor còn cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho việc theo dõi và phân tích các nguyên nhân gây ra vấn đề chất lượng, ví dụ như các tham số ở lớp mạng được định nghĩa trong tài liệu ITU Y. 1540/1541 (ITU Y. 1540/1541:Network performance objectives for IP-based services) hoặc IETF RFC2330 (RFC 2330: Framework for IP Performance Metrics). Hình 5 mô tả mô hình V-Factor ở mức tổng quan.

Hình 5. Mô hình V-factor

Lời kết

Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông trên nền mạng IP cần phải đảm bảo QoE ở mức tối ưu cho các khách hàng mới và cả các khách hàng đang có để giảm thiểu khả năng NSD đổi nhà cung cấp dịch vụ. Theo xu hướng đó, các nhà khai thác dịch vụ cần thiết lập/triển khai các phương pháp kiểm thử để đánh giá QoE của dịch vụ họ cung cấp. Ví dụ như trong lĩnh vực IPTV, hiện đang có khá nhiều các nhà cung cấp giải pháp đo kiểm và giám sát QoE bao gồm những tên tuổi như Agilent Technologies Inc., Bridge Technologies Co. AS, Spirent Communications plc, Symmetricom Inc., Witbe Inc.

Tuy nhiên cũng có nhiều nhận định từ giới chuyên môn cho rằng bức tranh toàn cảnh về QoE và sự chuẩn hóa, đồng nhất các nền tảng liên quan đến QoE trong cộng đồng viễn thông vẫn đang là mục tiêu cần hướng tới của cả giới nghiên cứu và các công ty phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ. Sự xuất hiện của khái niệm QoE và tầm quan trọng của nó nhiều khả năng sẽ dẫn đến những thay đổi nhất định trong cách tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Thay vì chỉ tập trung vào QoS, những vấn đề có liên quan đến QoE sẽ được đặt vào tâm điểm chú trọng. Xây dựng và áp dụng SLA với khách hàng trên cơ sở QoE, phát triển và áp dụng các phương pháp tính cước dựa trên QoE, phát triển các biện pháp đo kiểm, giám sát QoE để điều chỉnh chất lượng dịch vụ, phát triển và áp dụng các chính sách điều chỉnh dịch vụ dựa trên QoE là một vài ví dụ đơn cử cho chiều hướng phát triển trong những năm tới.

TS. Trần Tuấn Hưng

Tài liệu tham khảo

[1] K. Kilkki, Next Generation Internet and Quality of Experience, EuroFGI IA.7.6 Workshop on Socio-Economic Issues of NGI, Santander, Spain, June, 2007

[2] S. Winkler, Quality of Experience (QoE): An Important Measure of Success for  IP-based Video Services, Symmetricom white paper, October, 2007

[3] D. Soldani, M. Li, R. Cuny, QoS and QoE Management in UMTS Cellular System, John Wiley & Sons Ltd., 2006

[4] IPTV QoE: Understanding and Interpreting MDI Values, White paper from Agilent Technologies, 2006.

[5] Delivering Quality of Experience to IPTV and TVoIP Customers, White paper from Symmetricom, June, 2007.

[6] Y. Cognet, Measuring IPTV QoS Performance at the Box, Network Systems DesignLine, November, 2006.