Một số điểm mới của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2010/NĐ-CP
Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, dự án Luật Bưu chính đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và ngày 17/6/2011, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính đã được Chính phủ ban hành và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011. Sau đây một số điểm mới của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP:
Ảnh minh họa: Internet |
1. Thống nhất cách gọi chung cho 2 dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát
Lĩnh vực |
Bưu chính |
Chuyển phát |
Định nghĩa |
Pháp lệnh BCVT “Dịch vụ bưu chính” là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng lưới bưu chính công cộng |
Nghị định 128/2007/NĐ-CP Dịch vụ chuyển phát là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản và kiện, gói, hàng hóa. |
Phân loại |
Dịch vụ bưu chính bao gồm: - Dịch vụ bưu chính cơ bản - Dịch vụ bưu chính cộng thêm |
Dịch vụ chuyển phát bao gồm: - Chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản - Chuyển phát nhanh là dịch vụ chuyển phát có yếu tố gia tăng về tốc độ… |
Nhà cung cấp |
Bưu chính Việt Nam |
- Các doanh nghiệp chuyển phát và Bưu chính Việt Nam |
Cách phân loại, định nghĩa này đã bộc lộ những bất cập trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, cụ thể như sau:
Trước đây, trong Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông, việc phân biệt hai dịch vụ này được thực hiện dựa trên tiêu chí nhà cung cấp dịch vụ, nói chính xác hơn là dựa vào mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh mới, tiêu chí phân biệt này không còn phù hợp bởi thực tế là các doanh nghiệp khác về mạng lưới trên cơ sở hợp đồng hoặc hợp tác kinh doanh để cung ứng dịch vụ và ngược lại bản thân doanh nghiệp bưu chính ngoài việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cũng đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường chuyển phát.
Bên cạnh đó, khi xét đến yếu tố quyết định việc phân loại là đặc tính cơ bản của dịch vụ thì thấy rằng: Hai dịch vụ này đều có chung một hoạt động cơ bản là thu gom – vận chuyển - phát, có chung một đối tượng vật gửi. Ngoài 2 đặc tính cơ bản trên thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát cùng hoạt động và chia sẻ khách hàng, thị trường. Đồng thời hai dịch vụ này lại nằm trong cùng một hệ thống phân ngành dịch vụ: Bưu chính, chuyển phát.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì đa số các nước đều chỉ quản lý chung 1 lĩnh vực là bưu chính.
Do vậy, việc đưa ra một định nghĩa dịch vụ một cách khoa học, phù hợp với vận động và phát triển của dịch vụ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự đồng bộ và đơn giản cho hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành.
Từ những lý do trên, Luật bưu chính đã thống nhất cách gọi chung cho 2 dịch vụ này là dịch vụ bưu chính với các lý do sau:
Thứ nhất: Xét về góc độ lịch sử (xét về khía cạnh pháp lý và thực tế) có thể thấy dịch vụ bưu chính xuất hiện trước. Một minh chứng là rất rõ là trước đây, Việt Nam chỉ có hệ thống văn bản pháp luật cho dịch vụ bưu chính và trong hệ thống ngành nghề đăng ký kinh doanh của Việt Nam chỉ có dịch vụ bưu chính. Ngoài ra, trong hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hiệp quốc (UNCPC), nếu chỉ tính đến phân ngành thì cũng chỉ có phân ngành dịch vụ bưu chính (Division 75). Do vậy, khi có một dịch vụ có bản chất tương tự trên thị trường thì việc quy vào dịch vụ đã tồn tại sẵn là bưu chính sẽ thể hiện được tính kế thừa, thuận tiện và hợp lý hơn.
Thứ hai: Việc sử dụng thuật ngữ bưu chính không chỉ quen thuộc với người sử dụng, doanh nghiệp mà còn phù hợp với tập quán quốc tế do dịch vụ bưu chính tồn tại và phát triển từ lâu.
Thứ ba: Trong các nghiên cứu của UPU và châu Âu đã cho thấy xu hướng mở rộng phạm vi của lĩnh vực bưu chính bao trùm cả dịch vụ chuyển phát.
2. Điều chỉnh khái niệm thư
Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 157/2004/NĐ-CP: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilogram (02 kg) và có địa chỉ nhận. Những chỉ dẫn chung về nơi nhận cũng được coi là địa chỉ nhận”.
Khái niệm thư trong Nghị định 157/2004/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 21) được quy định như sau: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilogram (02kg) và có địa chỉ nhận. Những chỉ dẫn chung về nơi nhận cũng được coi là địa chỉ nhận”. Với quy định như trên, khái niệm thư đã thể hiện theo bản chất (“thông tin trao đổi dưới dạng văn bản”) và có kết hợp thêm 1 số yếu tố khác như “không quá 2kg” hoặc “đóng gói, dán kín”. Tuy nhiên, chính việc kết hợp các yếu tố khác này dẫn đến khái niệm thư này chưa thể hiện chính xác nội dung mà khái niệm biểu thị và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc một bưu gửi có phải là thư hay không phải là thư hoàn toàn không lệ thuộc vào khối lượng hay hình thức đóng gói. Khối lượng hay hình thức đóng gói chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan cá nhân của người gửi và điều này thay đổi đối với mỗi người gửi khác nhau. Qua nghiên cứu cho thấy, đa phần Luật bưu chính của các nước đều định nghĩa thư không có khối lượng và không yêu cầu đóng gói dán kín.
Việc xuất hiện các yếu tố như “đóng gói, dán kín” hoặc “không quá 2kg” trong khái niệm “thư” hiện tại đã gây nên một số bất cập:
- Làm cho khái niệm trở nên hẹp hơn so với bản chất thực của “thư”, thậm chí làm méo mó khái niệm thư. Với cùng bản chất như nhau nhưng chỉ chênh nhau một chút về khối lượng đã bị coi thành một đối tượng quản lý khác.
- Nhiều doanh nghiệp đã cố tình “mở” (cắt góc thư” để không vi phạm quy định, không phải xin cấp giấy phép chuyển phát thư.
- Hạn chế tính ổn định của khái niệm.
Những bất cập này gây ra hiệu quả là tạo ra các tác động tiêu cực đối với người sử dụng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Các yếu tố không có tính ổn định cao hay nói cách khác là các yếu tố/điều kiện nhằm phục vụ cho công tác quản lý (phụ thuộc và phải thay đổi cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế trên thị trường) không nên đưa vào khái niệm mà cần đưa vào từng nội dung quản lý liên quan. Hiện nay, Việt Nam đang quản lý thị trường thư chặt chẽ thông qua hình thức cấp phép và việc không ổn định của khái niệm “thư” sẽ ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của chính sách quản lý thị trường và ngược lại.Do vậy, nhằm minh bạch và ổn định chính sách quản lý thì cần thiết phải ổn định khái niệm thư.
Trên cơ sở các phân tích nêu trên, Luật Bưu chính đã quy định khái niệm thư như sau: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí”.
Với khái niệm này, một số bất cập đã cơ bản được giải quyết:
- Phản ánh được bản chất của thư
- Đảm bảo tính khoa học, mạch lạc để các đối tượng điều chỉnh (người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ) có thể đối chiếu hoặc áp dụng mà không gặp khó khăn nhưng vẫn có tính bao quát chung và loại trừ được những loại hình thức khác dễ lẫn với thư.
- Phù hợp với các thông lệ quốc tế (đa phần các nước không quy định “đóng gói, dán kín” và loại trừ “sách, báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ” trong khái niệm thư), do đó sẽ tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Giải quyết được những bất cập hiện nay trong quá trình triển khai chính sách (hạn chế được việc lách luật thông qua việc cắt góc thư, khái niệm thư được giữ tương đối ổn định, không bị thay đổi khi điều chỉnh chính sách cấp phép…).
3. Bãi bỏ giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng
Điều 28 của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông quy định “Giấy phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư, các dịch vụ khác trên mạng bưu chính công cộng được cấp với thời hạn không quá 01 năm. Trước khi giấy phép hết hạn, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiền và có yêu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ thì được xem xét cấp giấy phép mới”.
Để cụ thể hóa Điều này, Điều 21 Nghị định 157/2004/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp phải “Đạt kết quả kinh doanh tốt đối với trường hợp phải thử nghiệm cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông mới đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong nước.
Qua kết quả nghiên cứu của chuyên đề “Đánh giá tác động của các văn bản pháp luật mới ban hành đối với lĩnh vực bưu chính” và chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá và tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dãn thi hành” cho thấy:
- Quy định về việc yêu cầu về thử nghiệm kinh doanh, báo cáo kết quả kinh doanh thử nghiệm tốt mới được xem xét cấp giấy phép chính thức để kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư đối với doanh nghiệp kinh doanh lần đầu là chưa phù hợp bởi hiệu quả kinh doanh tốt là mục tiêu của chủ đầu tư đối với tài sản của mình và của các đối tác tham gia góp vốn kinh doanh. Mặt khác, khi bắt đầu triển khai kinh doanh, nhất là cung cấp một loại hình dịch vụ thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt kết quả kinh doanh tốt ngay chỉ trong một năm đầu kinh doanh.
- Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ khác trên mạng công cộng (chuyển tiền, phát hành báo chí, bảo hiểm…), các dịch vụ này đã được điều chỉnh bởi quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Do vậy, việc gộp chung các quy định quản lý đối với các dịch vụ này vào chính sách quản lý bưu chính là chưa phù hợp.
- Việc quy định quản lý cấp phép thử nghiệm đã hạn chế nhiều sự phát triển dịch vụ.
Do vậy, Ban soạn thảo Luật bưu chính đã thống nhất cao đối với việc bãi bỏ quy định về giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng.
Do vậy, Ban soạn thảo Luật Bưu chính đã thống nhất cao đối với việc bãi bỏ quy định về giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng.
4. Quản lý nhà nước đối với hình thức chuyển nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam
Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn mới chỉ quy định quản lý đối với đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài bởi ở thời điểm này hình thức đại lý là hình thức phổ biến trong hoạt động cung cấp dịch vụ. Công tác quản lý nhà nước đối với đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài được quản lý bằng hình thức tiền kiểm (doanh nghiệp chỉ được làm đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài khi có sự xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý).
Tuy nhiên, khi Luật Thương mại 2005 ra đời thì ngoài loại hình đại lý như quy định ở Nghị định số 128/2007/NĐ-CP và Thông tư số 01/2005/BBCVT còn có thêm các loại hình hoạt động thương mại khác như nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân… Các hình thức này đã xuất hiện trong lĩnh vực bưu chính ở một số nước như Singapore và các nước châu Âu. Sự xuất hiện của các loại hình trung gian thương mại nêu trên là hình thức kinh doanh phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến thời điểm xuất hiện doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Do vậy, viêc bổ sung quy định quản lý đối với những hình thức này trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam là cần thiết.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường, Luật bưu chính đã điều chỉnh chính sách quản lý đối với các hình thức đại lý, nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân từ tiền kiểm sang hậu kiểm để phù hợp với xu hướng nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.
5. Điều kiện về tài chính để được cấp giấy phép bưu chính
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính, doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ kiền kiện về khả năng tài chính. Để làm rõ nội dung này nhằm minh bạch chính sách cấp phép, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính trong quá trình thực thi chính sách cũng như cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cung ứng dịch vụ trong thị trường bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải có tương ứng đối với từng loại hình cung ứng dịch vụ, cụ thể:
1. Điều kiện về khả năng tài chính nêu tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính được quy định như sau:
a) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
b) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của doanh nghiệp”.
6. Thông báo hoạt động bưu chính
Theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thì bên cạnh hình thức cấp phép đối với dịch vụ chuyển phát thư, công tác quản lý còn được thực hiện thông qua hình thức thông báo hoạt động kinh doanh và đăng ký được làm đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, Luật bưu chính đã bổ sung quy định quản lý một số loại hình trung gian thương mại như nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân… đồng thời điều chỉnh chính sách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua hình thức thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Theo đó, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã phân loại các hoạt động bưu chính thành đối tượng với các mục tiêu quản lý khác nhau để từ đó có chính sách quản lý khác nhau thông qua việc quy định hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
7. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính
Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô dưới 15 tỷ đồng Việt Nam phải thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên thì phải thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, khi thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư nói trên, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải lấy ý kiến thẩm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính theo phân cấp quản lý để đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý đầu tư và quản lý nhà nước về bưu chính.
8. Một số quy định về cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính
Ở thời điểm hiện tại, pháp luật chung về cạnh tranh đã có các quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh. Đặc biệt, trong pháp luật về cạnh tranh cũng đã quy định về hành vi cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ độc quyền và các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền nhằm ngăn chặn những hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ độc quyền.
Tuy nhiên, pháp luật chung về cạnh tranh không thể bao trùm hết được những nội dung đặc thù của lĩnh vực bưu chính. Hơn nữa, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đều chưa có các quy định cụ thể về lạm dụng vị trí độc quyền trong lĩnh vực bưu chính hay cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính. Do vậy, việc quy định các hình vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực bưu chính trong Luật bưu chính là cần thiết nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Qua các nghiên cứu cho thấy việc bù chéo giữa dịch vụ phổ cập và dịch vụ cạnh tranh là rất dễ xảy ra. Nó sẽ làm méo mó giá cả trên thị trường và không công bằng trong cạnh tranh. Điều này xảy ra khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phổ cập cung cấp dịch vụ cạnh tranh dưới giá thành, nhờ vào việc bù chéo từ phần được nhà nước hỗ trợ.
Bên cạnh đó thì việc đảm bảo cung cấp dịch vụ phổ cập một cách thường xuyên cũng cần có những biện pháp thích hợp.
Từ những lý do trên, Luật bưu chính đã quy định tại khoản 11 Điều 29 “Không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức” và khoản 6 Điều 33 “Không sử dụng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do việc cung ứng các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành”.
9. Bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Nghị định số 47/2011/NĐ-CP, việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi hoàn toàn thì được bồi thường theo quy định của doanh nghiệp đối với từng loại dịch vụ nhưng không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các khiếu nại liên quan đến dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi và đối với các khiếu nại mà người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.
Liên quan đến mức giới hạn bồi thường thiệt hại bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp tại các văn bản trước đây thì Nghị định đã điều chỉnh lại mức giới hạn bồi thường thiệt hại dựa trên cơ sở phương thức vận chuyển (vận chuyển bằng đường hàng không hoặc vận chuyển bằng phương thức khác) cho phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định việc thu hồi tiền bồi thường thiệt hại. Theo đó, khi tìm lại được một phần hoặc toàn bộ bưu gửi bị coi là đã mất và đã được bồi thường thiệt hại theo quy định thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm thông báo cho người nhận hoặc người gửi để định đoạt một phần hoặc toàn bộ bưu gửi đã tìm được; người nhận hoặc người gửi có quyền nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này nhưng phải hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; trường hợp người nhận hoặc người gửi từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này nhưng phải hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho doan nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; trường hợp người nhận hoặc người gửi từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này sẽ là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.
10. Điều khoản chuyển tiếp
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì các hoạt động nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam, làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài, làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trước khi Nghị định này có hiệu lực phải làm thủ tục thông báo hoạt động bưu chính. Bên cạnh đó doanh nghiệp đã được cấp giấy phép bưu chính trước khi Nghị định này có hiệu lực phải đảm báo số vốn theo quy định.
(Tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật 2011 – Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP)
Tin liên quan:
Nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP