Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Giải pháp nào cho đồng bộ và bảo mật mạng 3G

(ICTPress) - Hội thảo đã tập trung vào nhiều giải pháp cho mạng viễn thông của VNPT, trong đó có hai giải pháp đồng bộ và bảo mật cho mạng di động 3G.

Hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) thuộc Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT), hội thảo khoa học thường niên lại được Viện tổ chức. Hội thảo năm nay được tổ chức trước ngày kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất vào ngày mai 17/9.

Hội thảo lần này đã tập trung vào nhiều giải pháp cho mạng viễn thông của VNPT, trong đó có hai giải pháp đồng bộ và bảo mật cho mạng di động 3G được các nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khả thi và đã được áp dụng trên mạng lưới.

Từ năm 2009, các nhà cung cấp dịch vụ di động như MobiFone, Vinaphone, Viettel… đã triển khai hạ tầng mạng di động 3G. Mạng truyền tải cũng dần được chuyển đổi từ TDM truyền thống sang Mobile Backhaul. Do vậy việc đồng bộ cho mạng 3G trở nên phức tạp hơn. Giải pháp sử dụng tín hiệu đồng bộ qua PTP IEEE-15888 để đồng bộ các node của mạng 3G được phân tích là hiệu quả nhất. Đây là giải pháp tiêu chuẩn trong kết nối nội bộ mạng, tín hiệu đồng bộ thời gian cũng được truyền cùng lưu lượng và nhiều hãng cung cấp thiết bị node B đã tích hợp PTP Client vào trong thiết bị, tín hiệu đồng bộ có thể phục hồi để hỗ trợ mạng có nhiều kết nối và rộng, chất lượng của tín hiệu đồng hồ được quản lý. Giải pháp này được nhóm nghiên cứu khuyến nghị áp dụng phổ biến trong việc triển khai phân phối trong mạng 3G.

Tại hội thảo này bài trình bày các giải pháp bảo mật hệ thống thông tin di động 3G hiệu quả đã thu hút sự quan tâm. Người sử dụng 3G hiện nay có thể nhận được rất nhiều ứng dụng đa phương tiện phong phú như Gọi video (Video Call), Internet di động (Internet Mobile), Truyền hình di động (Mobile TV), Băng rộng di động (Mobile Broadband)… Do đó, các mạng di động 3G không chỉ bị tác động bởi các tấn công trên đường truyền truy nhập vô tuyến giống như ở mạng 2G truyền thống mà còn có thể bị tấn công bởi các loại virus, worm và Trojan đặc chủng trong môi trường di động, các tấn công từ chối dịch vụ (DoS)… từ các tin tặc hoặc các tổ chức tội phạm khác nhau. Giải pháp bảo mật mạng 3G theo các miền bảo mật từ bảo mật miền truy nhập vô tuyến đến bảo mật miền mạng được Dự án đối tác thế hệ thứ 3 (3GPP) khuyến nghị.

Ngoài ra để bảo vệ mạng thông tin di động 3G của mình và bảo vệ khách hàng, nhóm nghiên cứu về vấn đề bảo mật mạng 3G đã đề xuất nhiều công việc cho các nhà mạng. Trong đó, có việc kêu gọi các nhà khai thác mạng di động cần hợp tác với nhau, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác để đảm bảo rằng mức độ bảo mật nhỏ nhất vẫn rất mạnh chống lại các tấn công. Hơn nữa, các nhà mạng cần đặc biệt chú ý nhiều hơn đến lưu lượng báo hiệu bởi vì lưu lượng báo hiệu trên IP có những nguy cơ bảo mật mới.

PGS. TS. Nguyễn Minh Dân, Thành viên Hội đồng thành viên VNPT, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện cho biết năm nay VNPT nỗ lực đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng. Doanh thu này xoay quanh các dịch vụ viễn thông. VNPT đánh giá cao các nghiên cứu khoa học và đưa vào áp dụng trong thực tế của Viện.

 NBM

Vai trò của CNTT&TT trong nền kinh tế tri thức và trường hợp của Việt Nam

TS. Đặng ThVit Đức, TS. Nguyễn Thanh Tuyên

Mở đầu

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, các nhà kinh tế học đã phát hiện ra những hiện tượng mới trong nền kinh tế mà các lý thuyết kinh tế cũ không thể giải thích được. Nền kinh tế, thay vì dựa trên việc sử dụng và phân phối các yếu tố vật chất như trước, chuyển sang dựa ngày càng nhiều trên các yếu tố phi vật chất là thông tin, tri thức và sự sáng tạo (Solow 1957, Machlup 1962). Năm 1969, lần đầu tiên khái niệm nền kinh tế tri thức được đưa ra. Sau hơn 50 năm được nghiên cứu, tới nay kinh tế tri thức đã trở thành xu hướng không thể phủ nhận. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế của cấu trúc kinh tế mới, các quan hệ kinh tế mới phát sinh dựa trên đầu vào cốt lõi mới là thông tin, tri thức. Nền kinh tế tri thức tạo cơ hội cũng như thách thức đối với mọi quốc gia.

Ảnh minh họa: guardian

Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của nền kinh tế tri thức là sự phát triển và ứng dụng sâu rộng của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) (ICT). Becker G.S. nhà kinh tế nổi tiếng của đại học Chicago và Standford, Mỹ nghiên cứu và kết luận rằng từ năm 1995 tới năm 2000, phần lớn tăng trưởng năng suất lao động ở Mỹ là nhờ việc đầu tư ứng dụng CNTT hoặc nhờ những tiến bộ của các sản phẩm CNTT (Becker 2003). ICT được coi là nhân tố mở đường cho nền kinh tế tri thức. Nhiều học giả nhấn mạnh hơn rằng chính ICT làm xuất hiện hiện tượng kinh tế mới, dẫn tới các lý thuyết về nền kinh tế thông tin, kinh tế mạng, kinh tế số, kinh tế không trọng lượng v.v.

Đối với các nước đang phát triển, việc phát triển ICT còn có ý nghĩa lớn hơn vì ICT sẽ là cầu nối giúp các nước này kế thừa tri thức từ các nước phát triển. Nhiều quốc gia đang phát triển đã và đang đưa ICT trở thành chiến lược trọng tâm cho phát triển kinh tế, tin rằng ICT sẽ tạo ra cơ hội tiên quyết để hòa nhập và đuổi kịp nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, sự thất bại của nhiều dự án đầu tư vào CNTT trong những năm qua đã dấy lên sự hoài nghi về vai trò của ICT trong nền kinh tế mới (Heeks 2005). Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng việc nhìn nhận quả đơn giản về ICT đã dẫn tới những thất bại đó. Câu hỏi về vị trí của ICT trong nền kinh tế hiện đại đã được nêu lên nhiều lần nhưng chưa được giải quyết một cách toàn diện.

Để giúp trả lời câu hỏi trên, bài viết tập trung phân tích các khía cạnh khác nhau về vị trí của ICT trong nền kinh tế tri thức. Trước hết bài viết sẽ hệ thống hóa bốn quan điểm khác nhau về ICT trong nền kinh tế mới bao gồm quan điểm ICT là một công nghệ, một ngành công nghiệp, một bộ phận cấu thành nền kinh tế tri thức và cuối cùng là đòn bẩy thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tri thức. Trong phần hai bài viết sẽ đi sâu hơn vào lý thuyết khuôn mẫu công nghệ (Technological paradigm theory), được tác giả coi là một mô hình có nhiều gợi ý đúng đắn về phát triển ICT trong nền kinh tế. Cuối cùng bài viết đề cập tới các vấn đề phát triển ICT của Việt Nam, xác định những cơ hội và nguy cơ trong phát triển ICT cho phát triển kinh tế.

Các quan điểm về CNTT-TT trong nền kinh tế

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ICT là gì trong nền kinh tế hiện đại, các nhà kinh tế đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, mỗi quan điểm sẽ dẫn tới hệ quả lý luận về chính sách kinh tế khác nhau nhằm phát triển nền kinh tế tri thức. Bài viết phân tích 4 cách nhìn về ICT trong nền kinh tế bao gồm (1) ICT là một công nghệ, (2) ICT là một ngành công nghiệp, (3) ICT là một bộ phận cấu thành và (4) ICT là đòn bẩy của nền kinh tế.

Trong những mô hình giải thích kinh tế tri thức đầu tiên như các mô hình tăng trưởng mới (New growth theory) của Romer (1986), ICT không được đề cập. Lúc này, ICT chỉ đơn giản là một công nghệ trong rất nhiều công nghệ mới được phát triển và ứng dụng trong sản xuất. Công nghệ là biểu hiện của tri thức, tham gia như một yếu tố đầu vào của sản xuất. Sở dĩ tri thức công nghệ có vị trí quan trọng nổi bật hơn các yếu tố đầu vào khác vì tri thức có thể chia sẻ, dồn tích và đóng góp vượt trội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Có hai điều có thể rút ra từ cách nhìn nhận ICT là một công nghệ. Thứ nhất, do ICT chỉ là một công nghệ như bao công nghệ khác nên trên quan điểm của toàn nền kinh tế sẽ không cần phải đầu tư trọng điểm vào ICT. Thứ hai, vì công nghệ phát triển trên nền tảng khoa học, nên để phát triển CNTT-TT chỉ cần hai yếu tố cơ bản đầu tư cho khoa học gắn kết với sản xuất và đầu tư phát triển ứng dụng thành tựu nghiên cứu vào sản xuất mà thôi.

Quan điểm ICT là một ngành công nghiệp gần gũi với quan điểm ICT là một công nghệ đã trình bày phía trên. Năm 1962, nhà kinh tế học người Mỹ Machlup F. là người đầu tiên đưa ra khái niệm ngành công nghiệp tri thức. Machlup chỉ ra 6 ngành công nghiệp sản xuất tri thức chính gồm (1) Giáo dục), (2) Nghiên cứu và phát triển (R&D), (3) Nghệ thuật, (4) Truyền thông, (5) Dịch vụ thông tin và (6) Thiết bị thông tin (Machlup 1962). Cách tiếp cận này sau đó được tiếp thu bởi nhiều nhà kinh tế và tổ chức kinh tế quốc tế. Khi ICT được coi là ngành một công nghiệp thì mối quan tâm sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Một ngành công nghiệp có thể có quy mô rất lớn, nhưng vẫn bị giới hạn ở các mối quan hệ đầu ra, đầu vào và phụ trợ nhất định, vì vậy mức độ ảnh hưởng sẽ khó lan tỏa để bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Năm 1999, Ngân hàng thế giới đưa ra một mô hình tối giản nhất nhằm hướng dẫn các quốc gia xây dựng nền kinh tế tri thức. Theo đó nền kinh tế tri thức phát triển dựa trên 4 trụ cột (Hình 1). Trụ cột đầu tiên Hệ thống thể chế và các kích thích kinh tế nhằm đảo bảo sự lưu chuyển, phân bổ các nguồn lực hiệu quả, kích thích hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức. Trụ cột thứ hai Giáo dục và nguồn nhân lực hướng tới việc tạo mới, thu nhận và sử dụng tri thức. Trụ cột thứ ba là một Hệ thống sáng chế hiệu quả của các doanh nghiệp (DN), các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học. Trụ cột thứ tư chính là Hạ tầng thông tin để hỗ trợ truyền và xử lý thông tin nhanh chóng. Trụ cột thứ tư có vị trí đặc biệt quan trọng với các nước đang phát triển vì nó tạo cầu nối, giúp các nước này tận dụng và phát triển các tri thức đã tồn tại sẵn tại các nước phát triển. Mô hình này đưa đến một kết luận rõ ràng là muốn xây dựng và phát triển kinh tế tri thức việc phát triển ICT là một trọng tâm. Tuy nhiên, việc coi ICT là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức vô hình chung lại làm ICT kém quan trọng hơn. ICT sẽ được phát triển ngang bằng và đồng thời với ba trụ cột khác. Không có trụ cột nào là cốt lõi hay trọng yếu hơn.

Hình 1. Mô hình nền kinh tế tri thức của Ngân hàng thế giới (Nguồn: World Bank 1999)

Các nghiên cứu gần đây đều đồng thuận rằng ICT có vị trí thực tế quan trọng hơn đã từng được ghi nhận. ICT không phải là một công nghệ bình thường như mọi công nghệ khác vì sức ảnh hưởng của nó sâu và rộng khắp các hoạt động kinh tế. ICT có vị trí hơn một ngành kinh tế. Hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng tác động của ICT tới phát triển  của các ngành kinh tế khác thực sự lớn và quan trọng hơn nhiều chính bản thân đóng góp của ngành sản xuất và kinh doanh ICT đối với tổng giá trị quốc dân. Việc coi ICT là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức tỏ ra hợp lý hơn hai quan điểm trên. Tuy nhiên, như đã phân tích quan điểm này thực chất chưa nhấn mạnh vai trò của ICT đủ để phản ánh hiện tượng ICT gắn liền với bước chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức mà các nhà kinh tế đã đồng thuận trước đó.

ICT là công cụ và nhân tố quan trọng trong kiến tạo và truyền bá tri thức do ICT làm chi phí truyền tải và tái tạo tri thức trở nên rẻ chưa từng thấy. Bản thân việc nhận thức vị trí quan trọng của tri thức trong nền kinh tế có sự góp phần quan trọng của sự phát triển và sử dụng rộng rãi ICT. Do việc sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, cũng như khả năng hỗ trợ các công nghệ khác, ICT có thể dẫn tới những thay đổi trong phương thức sản xuất và định hình lại nền kinh tế (Helpman 1998, Shiller 2000, Freeman 2005). Nói cách khác, ICT là đòn bẩy để phát triển kinh tế tri thức.

Do việc tồn tại song song nhiều quan điểm khác nhau về ICT, việc phát triển kinh tế sử dụng ICT có thể dễ dẫn tới sai lầm. Có nghĩa là trong khi các nền kinh tế cố gắng phát triển ICT để phát triển kinh tế tri thức theo quan điểm ICT là đòn bẩy của nền kinh tế tri thức, họ lại sử dụng định nghĩa quá giản đơn về ICT,ví như ICT là một công nghệ hoặc một ngành công nghiệp. Kết quả là nền kinh tế bỏ khoản đầu tư lớn vào ICT trong khi không thu được hiệu quả tương ứng thậm chí còn làm nền kinh tế mất phương hướng. Nhiều nhà kinh tế (Perez 2004, Freeman 2005) chỉ ra rằng tác động của ICT tới nền kinh tế còn phụ thuộc vào những thay đổi tương ứng trong cấu trúc tổ chức, xã hội và thể chế. ICT một mặt thúc đẩy nền kinh tế tri thức, mặt khác, đòi hỏi các chủ thể kinh tế phải nâng cao tri thức của mình để vận dụng nó. Nền kinh tế tri thức chỉ có thể phát triển dựa trên sự phát triển song song của hai khía cạnh này.

Lý thuyết khuôn mẫu công nghệ (Technological paradigm)

Lý thuyết khuôn mẫu công nghệ được một số học giả như Dosi (1982) và Perez (1983, 2004) đưa ra, ban đầu để giải thích sự vận động có tính chu kỳ của nền kinh tế mà theo họ nguyên nhân cốt lõi của sự vận động ấy nằm ở sự thay đổi công nghệ nền tảng. Về sau, lý thuyết này khi được vận dụng với CNTT-TT đã trở thành lý thuyết hữu hiệu giải thích bản chất của ICT trong nền kinh tế tri thức.

Trung tâm của lý thuyết khuôn mẫu công nghệ là khái niệm “khuôn mẫu công nghệ” (technological paradigm)1. Thuật ngữ “khuôn mẫu công nghệ” được vận dụng từ  thuật ngữ “khuôn mẫu khoa học” (science paradigm) của Thomas S. Kuhn trong cuốn The Structure of Scientific Revolutions để ám chỉ một tập các niềm tin, các nguyên lý, các quy tắc, các chuẩn mực mà một “cộng đồng khoa học” cùng chia sẻ và tuân theo. Điều này dẫn họ đến những thành tựu khoa học cũng như sai lầm khoa học thuộc cùng một hệ thống. Khuôn mẫu công nghệ bao gồm một nhóm các công nghệ cơ bản được tạo ra và chi phối bởi những nguyên lý và các quy tắc thực hành nhất định. Nhóm công nghệ cơ bản khi là “khuôn mẫu” phải có ảnh hưởng đột phá, sâu rộng không chỉ trên khía cạnh kỹ thuật  mà còn cả cấu trúc tổ chức - quản lý, thực sự tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ logic sản xuất và nền kinh tế.

Shiller (2000) và Freeman (2005) gọi tên “khuôn mẫu ICT” tương ứng với nền kinh tế tri thức. ICT đã giúp các nền kinh tế nhìn nhận rõ hơn vị trí trung tâm của tri thức trong sản xuất. ICT buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cấu trúc tổ chức, cách thức quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng hướng tới không ngừng kiến tạo tri thức để không bị đào thải khỏi thị trường. ICT tác động đến lối sống, thói quen sinh hoạt và làm việc của dân cư… Và cuối cùng chúng ta có được một trật tự kinh tế hoàn toàn mới của nền kinh tế tri thức. Theo cách lý luận đó, ICT là đòn bẩy, mấu chốt mở ra kinh tế tri thức. Mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của ICT tới các hoạt động kinh tế đã được nhấn mạnh đâu đó, chẳng hạn trong lý thuyết về công nghệ mang mục đích chung (Helpman 1998). Tuy nhiên, chỉ lý thuyết khuôn mẫu công nghệ mới khẳng định chắc chắn rằng sự tác động của ICT là toàn diện trên cả mặt chất và lượng, cả cấu trúc của hệ thống kinh tế- kỹ thuật (techno-economic system) và hệ thống xã hội-thể chế (socio-insitutional system) của nền kinh tế.

Theo lý thuyết khuôn mẫu công nghệ, một chu kỳ lớn của một nền kinh tế trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn nảy sinh và hình thành một khuôn mẫu công nghệ mới với sự gắn kết giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất. Có hai nhóm chủ thể đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn này: (1) các viện nghiên cứu, nơi nghiên cứu phát triển công nghệ mới và (2) các chủ thể kinh tế chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đi đầu ứng dụng những giải pháp kỹ thuật, thương mại mới cho dù các lợi ích tương lai còn chưa rõ ràng. Theo Dosi (1982), các chủ thể chấp nhận rủi ro chỉ có thể là những DN nhỏ tham vọng và chưa có nhiều đề mất, cho dù trước đó công nghệ mới được đầu tư nghiên cứu ở các DN lớn. Ngược lại, Perez (1983) lại nhấn mạnh vai trò của các DN lớn. Perez phân tích hai nhóm DN sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong giai đoạn hình thành khuôn mẫu công nghệ gồm “nhóm mang” (carrier branches) và “nhóm thúc đẩy” (motive branches). Nhóm mang là những khách hành đầu tiên của công nghệ khuôn mẫu mới. Nhóm thúc đẩy chịu trách nhiệm sản xuất ra các sản phẩm công nghệ khuôn mẫu (ngành sản xuất ICT trong trường hợp khuôn mẫu ICT). Theo Perez, chỉ những DN lớn mới có thể là những chủ thể đầu tiên chạm tới giới hạn của khuôn mẫu công nghệ mới, và cũng chỉ những DN này mới đủ tiềm lực để phát triển công nghệ mới.

Trong giai đoạn thứ hai, khi một khuôn mẫu công nghệ đã hình thành bước đầu, những lợi ích của khuôn mẫu công nghệ mới cũng rõ ràng hơn, khuôn mẫu công nghệ sẽ dần dần tác động thay đổi toàn diện nền kinh tế. Đầu tiên, các chủ thể kinh tế - kỹ thuật bắt đầu áp dụng công nghệ mới do nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng. Sau đó các yếu tố của hệ thống xã hội-thể chế bắt đầu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự tác động không đơn giản, tuyến tính một chiều. Trong giai đoạn phát triển của khuôn mẫu công nghệ, người ta thấy sự tương hỗ qua lại, đan xen phức tạp của các yếu tố kinh tế- kỹ thuật và các yếu tố xã hội-thể chế. Một công nghệ mới khi áp dụng đòi hỏi một cách thức tổ chức mới, các quan hệ kinh tế, xã hội, thể chế mới để dung nạp nó. Những thay đổi này lại là tiền đề cho sự trưởng thành hơn của khuôn mẫu công nghệ. Cứ tiếp tục vòng xoáy như vậy cho đến một lúc mọi trật tự của nền kinh tế xã hội được sắp xếp lại và chúng ta có một nền kinh tế hoàn toàn khác. Các học giả của lý thuyết khuôn mẫu công nghệ gọi nền kinh tế xã hội là một hệ tiến hóa gồm 2 hệ con: hệ kinh tế- kỹ thuật và hệ xã hội-thể chế. Sự đồng tiến hóa và tương tác giữa hai hệ con sẽ tạo “khuôn” cho hệ tổng thể. Việc kết thúc một khuôn mẫu công nghệ và chuyển qua một khuôn mẫu khác cũng sẽ là kết quả của quá trình đồng tiến hóa, tương tác này.

Trường hợp của Việt Nam và kết luận

Năm 2000, hội thảo đầu tiên về kinh tế tri thức tại Việt Nam có tên Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam được Ban Khoa giáo của Đảng, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Trong văn kiện Đại hội lần thứ 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, lần đầu tiên thuật ngữ “kinh tế tri thức” xuất hiện. Cuối năm 2000, Bộ Chính trị cũng chính thức ban hành Chỉ thị 58 (58-CT/TW) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT. Từ thời điểm này, có thể nói kinh tế tri thức và CNTT đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Việc Việt Nam tiếp cận kinh tế tri thức và phát triển ICT hoàn toàn phù hợp với vị thế của mình và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Chỉ thị 58 của Bộ chính trị về CNTT chỉ rõ “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội của thế giới hiện đại”. “Ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế…” Việc nhấn mạnh về ứng dụng CNTT trong Chỉ thị 58 chứng tỏ quan điểm vĩ mô về ICT khá rõ ràng: ICT vượt qua khỏi giới hạn của một công nghệ và một ngành công nghiệp và trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế tri thức mà chúng ta hướng tới, mặc dù vị trí của ICT vẫn chưa được nhấn mạnh đầy đủ. Chỉ thị 58 cũng chỉ rõ phương hướng để phát triển ICT cho Việt Nam gồm bốn hướng đồng thời: Ứng dụng ICT, Hạ tầng ICT, Giáo dục đào tạo về ICT và Công nghiệp ICT.

Một thập kỷ qua kể từ Chỉ thị 58, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực CNTT-TT. Từ vị trí không có tên trên bản đồ CNTT-TT thế giới những năm 90 của thế kỷ thứ 20, đến nay Việt Nam đã đạt tới mức phát triển trung bình của thế giới và châu Á. Về hạ tầng CNTT, năm 1990, Việt Nam chỉ có tổng cộng khoảng 140,000-150,000 thuê bao điện thoại, tức là khoảng 500 người chung 1 thuê bao. Đến 11/2010, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt xấp xỉ 163,8 triệu thuê bao, tức 2 thuê bao/1 người, tỷ lệ dân số Internet của Việt Nam đã trên 30% cao hơn mức trung bình của thế giới (26,6%). Công nghiệp CNTT-TT tăng trưởng nhanh, đạt mức 20-25%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2009 đạt 13 tỷ USD gấp 15 lần năm 2001, đóng góp 6,7% GDP của cả nước. Đã hình thành ngành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao, bình quân 33% năm, với các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu trên thế giới. Về ứng dụng ICT, trong khu vực quản lý nhà nước từ những năm 1996-1997 ICT đã được đẩy mạnh ứng dụng theo Đề án 112 và vẫn đang tiếp tục. Trong lĩnh vực kinh doanh, hầu hết các DN đều sử dụng ICT để hỗ trợ các hoạt động của mình cho dù mức độ đầu tư cho ICT còn thấp và đơn giản (Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT 2010).

Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi CNTT-TT. Tháng 9/2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (Quyết định 1755/QĐ-TTg). Tháng 12/2010, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT tổ chức họp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, trong đề xuất kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước, Ban chỉ đạo nhấn mạnh quan điểm “Ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong giai đoạn 2011-2020 là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tạo sự đột phá chiến lược, là nền tảng và động lực cho hiện đại hóa và tri thức hóa nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Việt Nam phấn đấu tới năm 2020, với sự trợ giúp của ICT làm thay đổi cấu trúc kinh tế, Việt Nam về cơ bản sẽ trở thành một nền kinh tế tri thức (Huyền Chi 2009). Nhưng cùng lúc đó những hoài nghi về vai trò và đường hướng phát triển ICT cũng xuất hiện. Không hiếm các chuyên gia cho rằng mục tiêu của chính phủ không chắc đạt được. Cả ICT cũng như kinh tế tri thức suy cho cùng không có cái quyền năng như đã được khoác lên.

Những bối rối trong phát triển ICT đưa chúng ta về những câu hỏi ban đầu: ICT là gì? Tại sao phải phát triển ICT? Cần nhấn mạnh những khía cạnh nào trong phát triển ICT? Ai là người dẫn dắt công cuộc phát triển ICT trong mỗi giai đoạn phát triển?... Như bài viết đã phân tích ở trên, quan điểm đúng đắn phát triển ICT cho phát triển kinh tế nên là quan điểm ICT là đòn bẩy của nền kinh tế, là khung mẫu công nghệ của nền kinh tế. Nhưng cũng như đã phân tích ở trên, quá trình phát triển ICT hướng tới nền kinh tế tri thức dễ bị rơi vào “cái bẫy” mà nguyên nhân chính là sự sai khác giữa nhận thức và hành động. Khi say sưa phát triển ICT, các chủ thể kinh tế dễ vì lợi ích trước mắt chẳng hạn như giá trị đóng góp của ngành ICT hay mức độ hiện đại của ứng dụng ICT mà nhìn nhận về ICT quá đơn giản như là một công nghệ hoặc một ngành công nghiệp. Kết quả là ICT và nền kinh tế có thể bị phát triển chệch hướng và dẫn tới những hoài nghi về con đường đã chọn. Vì vậy, ngay lúc này chính phủ, các tổ chức, DN, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng sử dụng ICT cần xem xét lại và củng cố lại cách nhìn nhận đúng đắn về ICT trong nền kinh tế. Hơn nữa, các chính phủ và chủ thể kinh tế phải xác định rõ được trạng thái phát triển của khung mẫu công nghệ ICT. Việc nhìn nhận và định vị  đúng sẽ giúp Việt Nam có những bước đi phù hợp để phát triển ICT cho phát triển nền kinh tế quốc gia.

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban chấp hành trung ương Đảng, 2000, Chỉ thị số58-CT/TW: Về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 17/10/2000.

[2]. Becker, G.S., 2003, “The Productivity Boom is just Warning Up”, BusinessWeek, 20 October, p.16.

[3]. Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, 2010, Tổng kết 10 năm chính phủ thực hiện chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của bộ chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, tháng 12/2010.

[4]. Freeman, C., 2005, “The ICT Paradigm”, in Mansell, R. et al. (ed.), The Oxford Handbook of Information and Communication Technologies, U.S.: Oxford University Press.

[5]. Dosi, G., 1982, “Technical Paradigms and Technological Trajectories”, Research Policy, 11, pp.147-162.

[6]. Helpman, E. (ed.) , 1998, General Purpose Technologies and Economic Growth, Cambridge, MA: MIT Press.

[7]. Heeks, R., 2005, ICTs and the MDGs: On the Wrong Track? Information for Development Net, retrieved from www.i4donline.net/feb05/perspective.pdf on 20 October 2008.

[8]. Huyền Chi, 2007, “Internet: Nền tảng công nghệ cho xã hội tri thức”, VietnamNet, ngày 15/5, lấy từ http://vietnamnet.vn/cntt/2007/05/695302/ ngày 1/6/2009.

[9]. Machlup, F., 1962, The Production and Distribution of Knowledge in the United States, Princeton: Princeton University Press.

[10]. Perez, C., 1983, “Structural Change and Assimilation of New Technologies in the Economic and Social systems,” Future, October, pp. 357-375.

[11]. Perez, C., 2004, “Technological Revolutions, Paradigm Shifts, and Socio-Institutional Change”, in Erik, R. (ed.), Globalization, Economic Development and Inequality: An Alternative Perspective, Cheltenham, UK, Northampton, MA, USA: Edward Elgar, pp. 217-242.

[12]. Romer, P.M, 1986, “Increasing Returns and Long-run Growth”, Journal of Political Economy, 94(5), pp. 1001-1035,

[13]. Shiller, R., 2000, Irrational Exuberance, New York: Princeton University Press.

[14]. Sollow, R.M., 1957, “Technical Change and the Aggregate Production Function”, Review of Economics and Statistics, 39(1957), pp. 312-320

[15]. World Bank, 1999, Knowledge for Development, World Development Report 1998-1999.

Chú thích:

[1] Nguyên gốc tiếng Anh của từ dịch có khác nhau giữa các tác giả. Dosi (1982) sử dụng thuật ngữ “technological paradigm”, Freeman (1983) là “technological system” và Perez (1983) là “technological style”, tuy nhiên giải thích của các tác giả này đều thống nhất với nhau.

Kinh doanh LTE - Mô hình nào là phù hợp?

(ICTPress) - Khi lựa chọn một mô hình kinh doanh phù hợp cho LTE, một nhà khai thác cần xem xét cả hai tiêu chí là tài chính và chiến lược. 

Các nhà khai thác trên toàn thế giới hiện nay đang đánh giá vai trò của LTE trong toàn bộ công việc kinh doanh của mình, bởi vì LTE sẽ mang lại những lợi ích như tiết kiệm hơn do sự sẵn sàng của phổ tần bổ sung và người sử dụng sẽ được trải nghiệm cao hơn nhờ có những cải tiến về công nghệ.

Phổ tần mà LTE có thể được triển khai sẽ sẵn sàng thông qua các phân bổ mới (700/800MHz, 2.6GHz) hay xác định lại (1.8GHz).

- Sự sẵn sàng của phổ tần bổ sung trong những băng tần này cho phép các mạng hiệu quả hơn về chi phí đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho dữ liệu từ các máy cầm tay và các mdeom USB.

- LTE sẽ cho phép các nhà khai thác cung cấp các dịch vụ với các tốc độ cao có thể so sánh với các tốc độ của băng rộng cố định.

Các nhà khai thác đang đánh giá ba mô hình kinh doanh cho LTE, như tóm tắt trong Hình 1.

  1. LTE mọi nơi: Một triển khai mạng mạnh mẽ với sự hợp lý trong kinh doanh để cung cấp một dịch vụ tốt trên thị trường cũng như khả năng làm giảm các chi phí mạng khi được đánh giá trong giai đoạn 5 đến 7 năm. Chi phí mạng thấp hơn là kết quả của việc tránh các đầu tư do công suất thúc đẩy vào HSPA trong những năm đầu. Điển hình, các nhà khai thác di động thuần túy (như CSL ở Hong Kong) là các nhà khai thác có thể chấp nhận mục tiêu này.

  2. LTE vùng nóng: Các triển khai LTE tập trung ở vùng nóng để giảm nghẽn mạng và dần mở rộng vùng phủ theo một tiến hóa công nghệ được quản lý. Trong khi đó cũng có một số khả năng để tăng ARPU (ví dụ, bằng cách cung cấp các tải cao LTE chỉ trong các gói cuối cao hơn, hợp lý chính cho chiến lược này là quản lý các yêu cầu công suất ngắn hạn và các chi phí hiệu quả. Điển hình các công ty tích hợp hiện nay (như T-Mobile ở Đức) có thể chấp nhận xu hướng này.

  3. LTE để tiếp thị: các triển khai hạn chế và chọn lựa để sử dụng như là một thông điệp tiếp thị trong việc gián nhãn thế hệ sau cho các khách hàng. Điển hình, các nhà khai thác bị ràng buộc phổ tần (như M1 ở Singapore) phần lớn là có thể chấp nhận xu hướng này.

Khi lựa chọn một mô hình kinh doanh phù hợp cho LTE, một nhà khai thác cần xem xét cả hai tiêu chí là tài chính và chiến lược:

Để đánh giá tiêu chí tài chính cần tính đến các chi phí đáp ứng các yêu cầu cung sử dụng các vị trí/nhà khai thác HSPA:

- Các chi phí nâng cấp mạng lên LTE

- Doanh thu phía trên từ các dịch vụ di động điển hình ARPU cao hơn

- Sự phổ biến (được mong đợi) của các máy cầm tay và modem USB giá cạnh tranh

- Chiến lược phổ tần toàn diện của nhà khai thác, bao gồm vai trò tiềm năng phổ tần kép TD-LTE

Để đánh giá tiêu chí chiến lược cần tính đến sự thay đổi trong hành vi người sử dụng và sự linh hoạt cạnh tranh tiềm năng xuất phát từ việc triển khai LTE. Ví dụ:

- LTE tiềm năng mang lại cho các nhà khai thác di động cơ hội thúc đẩy sử thay thế cố định-di động cho băng rộng, mặc dù các thách thức khả năng lợi nhuận là có.

- Chấp nhận LTE có thể mang lại cho nhà khai thác một vị trí dẫn đầu công nghệ đặc biệt là giải quyết các phần mảng giá trị cao như phân mảng khách hàng doanh nghiệp.

Linh Hoàng

Tham khảo: AnalysysMason.com, telecomasia

Nội dung Luật tần số vô tuyến điện (Phần 3)

Luật Tần số VTĐ gồm 8 chương, 49 điều đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, bao quát được các vấn đề liên quan đến công nghệ, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước. Phần 3 này giới thiệu Chương 5 đến Chương 8 của Luật Tần số VTĐ.

Ảnh minh họa: Internet

V. Chương 5. Kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 34 đến Điều 40) quy định đối tượng và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ; các hình thức kiểm tra; các biện pháp hạn chế nhiễu có hại, nguyên tắc, thủ tục xử lý nhiễu có hại; quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ.

Để có thể kiểm soát thường xuyên các sóng VTĐ đang được sử dụng của Việt Nam cũng như của nước ngoài phát đến Việt Nam cần có hệ thống trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại, công nghệ cao (bao gồm các trạm kiểm soát cố định, trạm kiểm soát lưu động, trạm kiểm soát điều khiển từ xa, các xe thiết bị chuyên dùng, máy định vị, máy đo với độ chính xác cao…) mà hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí đầu tư mua sắm khá lớn.

Nhờ có hệ thống kiểm soát hiện đại, từ năm 1993 đến nay, có khoảng 860 vụ can nhiễu đã được giải quyết, trong đó có nhiều vụ xác định nguồn nhiễu hết sức khó khăn phức tạp như nhiễu cho hệ thống điều hành bay hàng không, nhiễu cho các mạng thông tin di động; đã phát hiện và xử lý là gần 9000 vụ vi phạm quy chế sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, các vụ lợi dụng tần số VTĐ để phá hoại sản xuất, kinh doanh viễn thông trái pháp luạt (sử dụng lậu các trạm thông tin vệ tinh VSAT để cung cấp dịch vụ viễn thông, các hãng taxi phá sóng của nhau, v.v…).

1. Đối tượng chịu sự kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ

Tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị VTĐ trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về tần số VTĐ.

2. Trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ

Luật này phân định rõ trách nhiệm của các Bộ về kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ trong cả 3 lĩnh vực dân sự - an ninh – quốc phòng.

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát chung trên phạm vi cả nước; được phép thành lập đoàn kiểm tra và quy định các nội dung kiểm tra cũng như thủ tục kiểm tra, trách nhiệm của đối tượng chịu sự kiểm tra.

Bộ Công An và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát tần số dành riêng cho mục đích quốc phòng và an ninh.

Điểm mới trong điều luật này là quy định kết quả kiểm tra, kiểm soát, thu, đo tham số kỹ thuật của cơ quan nhà nước là bằng chứng để xác định và xử lý hành vi vi phạm pháp luật cũng như xử lý nhiễu có hại.

3. Các hình thức kiểm tra

Gồm có 2 hình thức: định kỳ và đột xuất.

Kiểm tra định kỳ là kiểm tra theo chương trình đã lên kế hoạch trước. Kiểm tra đột xuất chỉ thực hiện khi giải quyết nhiễu có hại hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.

4. Biện pháp hạn chế nhiễu có hại

- Chỉ phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép.

- Giảm mức phát xạ không mong muốn xuống mức nhỏ nhất.

- Sử dụng phương thức phát có độ rộng băng tần chiếm dụng nhỏ nhất tương ứng với công nghệ sử dụng.

- Hạn chế thu, phát ở những hướng không cần thiết.

- Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để bảo đảm chất lượng thông tin.

5. Nguyên tắc xử lý nhiễu có hại

- Ưu tiên xử lý cho tần số phát trong độ rộng băng tần cho phép.

- Ưu tiên cho các nghiệp vụ chính trước. Trường hợp cần phải thay đổi tần số hoặc các tham số kỹ thuật để xử lý nhiễu có hại thì các nghiệp vụ chính được ưu tiên giữ nguyên tần số, nghiệp vụ phải đổi tần số hoặc điều chỉnh các tham số kỹ thuật.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng đài gây nhiễu được yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục như thay đổi tần số, hạn chế công suất phát, thay đổi chiều cao, hướng tính, phân chia lại thời gian làm việc…

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ gây nhiễu phải thực hiện các biện pháp loại bỏ nhiễu hoặc ngừng sử dụng nếu gây nhiễu cho dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh cho đến khi khắc phục xong nhiễu.

- Khi không sử dụng đúng quy định của giấy phép mà gây nhiễu thì phải chịu chi phí cho việc chuyển đổi tần số, thiết bị và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

- Khi gây nhiễu phải khắc phục nhiễu và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Thủ tục xử lý nhiễu có hại

- Thông báo cho cơ quan quản lý về nhiễu theo mẫu quy định để cung cấp các thông tin liên quan đến nhiễu.

- Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ để xác định nguồn nhiễu, nguyên nhân và biện pháp xử lý nhiễu theo hướng dẫn.

7. Hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ

Hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ nhằm đảm bảo các đài VTĐ (đặc biệt là đài định hướng sóng VTĐ, đài thông tin vệ tinh…) không bị che chắn sóng bởi các cấu trúc, công trình xung quanh, làm ảnh hưởng đến tính năng hoạt động của đài.

Luật quy định xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT để quy định chi tiết các điều kiện về kỹ thuật, khoảng không gian cần thiết cũng như công bố Danh sách đài VTĐ có hành lang an toàn kỹ thuật phải được đảm bảo kèm theo địa chỉ, địa điểm lắp đặt.

VI. Chương 6. Đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 41 đến Điều 44) trong đó xác định đối tượng cần đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ cho hệ thống vệ tinh, hệ thống mặt đất và trong cả việc phối hợp trực tiếp với tổ chức sử dụng tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài.

Hợp tác quốc tế về tần số VTĐ bao gồm đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh, phối hợp tần số quốc tế. Hoạt động này được quy định trong Luật phù hợp với các chính sách chung về hợp tác quốc tế, như nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền bình đẳng cùng có lợi của các quốc gia nhưng cũng có một số điểm khác biệt.

Điều 41 của Luật quy định về 5 trường hợp phải đăng ký, phối hợp quốc tế. Điều 42, 43 của Luật này quy định rõ trách nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đàm phán, ký kết để tạo thêm nguồn lực, tăng cường khả năng phối hợp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi quốc gia trong lĩnh vực này. Điều 44 cho phép các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong nước phối hợp trực tiếp với tổ chức sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài nhưng kết quả của việc phối hợp này chỉ có hiệu lực khi được Bộ TT&TT phê duyệt trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia và phù hợp với quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế.

VII. Chương 7. Quản lý và sử dụng tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh

Chương này gồm 3 điều (từ Điều 45 đến Điều 47) quy định việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý sử dụng các băng tần được phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý và sử dụng thiết bị gây nhiễu dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

1. Phân bổ tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh

Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, không những đảm bảo quyền sử dụng tài nguyên tần số quốc gia cho an ninh, quốc phòng mà còn làm giảm khả năng can nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin phục vụ nhiệm vụ kinh tế xã hội với các mạng thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh các quy hoạch phổ tần số quốc gia, quy hoạch băng tần, quy hoạch phân kênh, Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, An ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục đích của việc này là phân chia một số đoạn băng tần để sử dụng: dùng riêng cho mục đích quốc phòng, mục đích an ninh, mục đích kinh tế - xã hội; hay để sử dụng chung.

Ở một số nước, việc phân chia này được quy định luôn trong quy hoạch phổ tần quốc gia, nhưng với Việt Nam việc phân chia được quy định trong một văn bản riêng. Theo từng thời kỳ, trên cơ sở Quy hoạch tần số VTĐ quốc gia, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo tỷ lệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định phân bổ băng tần giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội từ 9kHz đến 470 MHz (Quyết định số 257/2006/QĐ-TTg).

2. Quản lý, sử dụng tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, aninh

Việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thể hiện sự phân cấp quản lý của nhà nước đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong lĩnh vực tần số VTĐ. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng đúng mục đích các băng tần số được phân bổ. Việc làm này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, không những đảm bảo quyền sử dụng tài nguyên tần số quốc gia cho an ninh, quốc phòng, đồng thời còn làm giảm khả năng gây nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin phục vụ các mục đích kinh tế xã hội với an ninh và quốc phòng.

3. Quản lý và sử dụng thiết bị gây nhiễu

Lần đầu tiên, vấn đề quản lý và sử dụng thiết bị gay nhiễu đã được đưa vào trong Luật. Theo đó, việc sử dụng thiết bị gây nhiễu chỉ được cho phép đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, tổ chức không thuộc 2 Bộ này, muốn sử dụng phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

VIII. Chương 8. Điều khoản thi hành

Chương này gồm 1 điều (Điều 49) quy định thời gian có hiệu lực thi hành của Luật bắt đầu từ 1/7/2010, bãi bỏ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/PL-UBTVQH10 kể từ ngày 1/7/2010.

Kết luận

Về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, của Đảng và Nhà nước.

Kết cấu Luật gồm 8 chương, 49 điều đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, bao quát được các vấn đề liên quan đến công nghệ, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, những quy định của Luật đã giải quyết phần lớn các vấn đề bất cập của pháp luật nước ta trong lĩnh vực tần số VTĐ và phù hợp với các điều ước quốc tế về tần số VTĐ mà Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên./.

Nội dung Luật tần số vô tuyến điện (Phần 2)

Tần số vô tuyến điện (VTĐ) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật tần số VTĐ có hiệu lực từ 1/7/2010. Phần 2 này xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung chương IV của Luật Tần số VTĐ.

Ảnh minh họa: Internet

IV. Chương 4. Cấp giấy phép và sử dụng tần số VTĐ

Chương này gồm 18 Điều (từ Điều 16 đến Điều 33), trong đó quy định về các loại giấy phép tần số VTĐ; nguyên tắc, phương thức cấp phép tần số (cấp trực tiếp, thong qua việc đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số), điều kiện cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép; thu hồi giấy phép tần số VTĐ; chuyển quyền sử dụng tần số; cho thuê, mượn thiết bị VTĐ; sử dụng chung tần số VTĐ; các trường hợp được miễn cấp phép; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép; lệ phí, phí tần số VTĐ; chứng chỉ VTĐ viên; sử dụng tần số trong trường hợp khẩn cấp.

1.      Các loại giấy phép sử dụng tần số VTĐ

Có 3 loại giấy phép tần số:

a. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ

Đây là hình thức giấy phép được sử dụng nhiều nhất, dùng để cấp phép cho hầu hết các đài phát sóng vô tuyến như viba, bộ đàm taxi, đài phát thanh, truyền hình…

Riêng trong năm 2010, Cục Tần số đã cấp mới và gia hạn tổng cộng gần 29.000 giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ cho các loại (bao gồm các mạng phát thanh truyền hình, cố định vệ tinh, lưu động dùng riêng, viba, đài tàu, tàu cá, truyền thanh không dây).

Giấy phép này được cấp sau khi đã ấn định tần số thành công và quy định chi tiết các điều kiện sử dụng đối với VTĐ được cấp phép. Đây là loại giấy phép truyền thống, có thể cấp cho từng thiết bị hoặc mạng thông tin VTĐ.

b. Giấy phép sử dụng băng tần: Đây là loại hình giấy phép đã được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông trước đây. Giấy phép này chủ yếu áp dụng cho các hệ thống thong tin di động, cho phép các doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch sử dụng và thay đổi tần số, kịp thời giải quyết nhiễu nội bộ trong băng tần được cấp phép mà không phải xin cấp giấy phép trong từng trạm gốc (BTS) như trước đây.

Các giấy phép băng tần đã được cấp cho các mạng điện thoại di động thế hệ 2 (2G) của Mobifone, Vinaphone, Viettel ở băng tần 900 MHz và 1800 MHz, SFone và HTC ở băng tần 800 MHz, Công ty Viễn thông điện lực ở băng tần 450MHz, GTel băng 1800 MHz. Hiện nay cũng đã hoàn tất cấp giấy phép băng tần cho mạng thong tin di động 3G trong năm 2009.

c. Giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh: được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp để khai thác đài không gian tại vị trí quỹ đạo vệ tinh xác định. Đây là loại giấy phép mới do Luật Tần số VTĐ quy định, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý việc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh của Việt Nam.

2.  Thời hạn tối đa của các loại giấy phép tần số VTĐ

Luật Tần số VTĐ đưa ra thời gian tối đa tương ứng với giấy phép sử dụng thiết bị và tần số VTĐ là 10 năm, giấy phép băng tần là 15 năm và giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh là 20 năm sau khi đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành.

3.  Nguyên tắc cấp giấy phép

Khi cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép đều phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Công khai, minh bạch, đúng pháp luật

- Phù hợp với quy hoạch tần số VTĐ

- Đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ VTĐ

- Bảo đảm khả thi, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ VTĐ

- Nghiệp vụ chính được ưu tiên hơn nghiệp vụ phụ

- Đáp ứng nhu cầu sử dụng tần số VTĐ phục vụ lợi ích công cộng và thực hiện nhiệm vụ công ích của nhà nước.

- Việc cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao tuân theo quy luật có đi có lại.

Điều kiện quan trọng nhất để cấp được giấy phép là phải ấn định được tần số.

4. Phương thức cấp giấy phép:

Gồm 3 phương thức: xét cấp, đấu giá và thi tuyển.

Xét cấp trực tiếp là cấp phép căn cứ theo hồ sơ đề nghị, theo nguyên tắc đến trước, cấp trước. Đây là phương thức truyền thống từ trước tới nay đang áp dụng.

Đấu giá và thi tuyển là 2 phương thức mới được đưa vào Luật. Việc cấp phép theo hình thức đấu giá hoặc thi tuyển được thực hiện khi “cung” không đáp ứng được “cầu”, thường áp dụng đối với các băng tần có giá trị thương mại cao, như các băng tần để cung cấp dịch vụ thông tin di động.

Việc đưa đấu giá vào là hình thức cấp phép mới tức là chấp nhận việc thị trường hóa lĩnh vực viễn thông và tần số. Điều này là một tất yếu theo xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài. Việc từng bước thị trường hóa trong lĩnh vực viễn thông và tần số VTĐ sẽ giúp ta lựa chọn những doanh nghiệp xứng đáng nhất, có thể triển khai sử dụng một cách tốt nhất phổ tần số VTĐ, đồng thời làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp mà lợi ích cuối cùng mà nó mang đến là sự đa dạng về dịch vụ, hạ thấp giá thành, phục vụ đông đảo lợi ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Trong văn bản Luật của các nước thường không quy định cụ thể trường hợp nào thì đấu giá, trường hợp nào thì thi tuyển. Tiếp thu kinh nghiệm này, trong Luật này để việc quyết định trường hợp nào, điều kiện nào thì đấu giá hoặc thi tuyển sẽ căn cứ vào chính sách viễn thông của Việt Nam tại thời điểm đó, tình hình phát triển công nghệ, nhu cầu của thị trường... Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần nào được đưa ra đấu giá, thi tuyển và quy định chi tiết về đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về thi tuyển quyền sử dụng tần số sau khi xem xét tổng thể các yếu tố liên quan nhằm đảm bảo đe lại lợi ích tối đa cho đất nước.

5. Đối tượng được cấp giấy phép

Tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép tương ứng với từng loại. Riêng giấy phép sử dụng băng tần và giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, đối tượng được xem xét cấp phép không phải là cá nhân.

6. Điều kiện được cấp giấy phép

Về nguyên tắc chung, giấy phép sử dụng tần số VTĐ chỉ được cấp cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc biệt như viễn thông, phát thanh – truyền hình, thông tin vệ tinh sau khi đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép viễn thông tương ứng hoặc tuân theo các điều kiện quy định khi gia nhập WTO.

Thiết bị VTĐ đề nghị cấp giấy phép phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ.

Sử dụng tần số phải tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp quy hoạch.

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và có bảo đảm người trực tiếp khai thác thiết bị VTĐ phải có Chứng chỉ vô tuyến điện viên theo quy định.

Đối với trường hợp đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ, điều kiện cấp phép là doanh nghiệp phải thắng trong đấu giá hoặc trúng tuyển trong thi tuyển.

7. Gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số VTĐ

Việc gia hạn giấy phép phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép. Điều kiện để được gia hạn giấy phép là tổ chức cá nhân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định và khi thời hạn hiệu lực của giấy phép còn ít nhất 30 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ; 60 ngày đối với giấy phép sử dụng băng tần; 90 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị gia hạn không đúng quy định này sẽ không được gia hạn giấy phép và phải làm hồ sơ nhu thủ tục cấp mới giấy phép. Nếu hồ sơ gửi khi giấy phép đã hết hạn sử dụng, tổ chức, cá nhân có thể phải sử dụng tần số mới nếu tần số được cấp giấy phép trước đây đã được ấn định cho đơn vị khác.

Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép. Nếu lần đầu tiên đã được cấp với thời hạn tối đa thì chỉ được gia hạn tiếp theo 1 năm nữa để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thời gian thu xếp triển khai mạng thông tin mới nếu cần thiết. Hết thời hạn này, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục cấp mới giấy phép nếu còn nhu cầu sử dụng vào mục đích khác.

Việc sửa đổi, bổ sung cũng phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép và chỉ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn còn hiệu lực của giấy phép.

8. Thu hồi giấy phép sử dụng tần số VTĐ

Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số chống lại Nhà nước, gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng không đúng quy định của giấy phép gây thiệt hại nghiêm trọng đến Nhà nước và tổ chức, cá nhân khác cũng như việc gây nhiễu có hại trái phép, sử dụng tần số dành cho quốc phòng, an ninh, cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn vào mục đích khác gây hậu quả nghiêm trọng bị thu hồi giấy phép.

Tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí sử dụng tần số và các nghĩa vụ tài chính như thuế chuyển quyền, đấu giá… hoặc không triển khai thực tế các nội dung quy định trong giấy phép trong vòng 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thì cơ quan quản lý có trách nhiệm thu hồi giấy phép để tránh lãng phí về tần số.

Thu hồi tần số VTĐ đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 24/2010/TT-BTTTT.

9. Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ

Luật tần số VTĐ quy định chỉ thực hiện việc chuyển quyền sử dụng kênh tần số, băng tần số đối với các giấy phép được cấp thông qua đấu giá.

Hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ cho phép chuyển quyền sử dụng đối với hình thức đấu giá. Vì vậy, việc cho phép chuyển quyền sử dụng tần số là phù hợp với quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Việc chuyển quyền thực hiện khi giấy phép vẫn còn hiệu lực và đối tượng nhận chuyển quyền phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người được cấp phép, kể cả quyền lợi và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều này sẽ làm hạn chế đến mức tối thiểu các mối liên hệ giữa các bên sau khi chuyển quyền và đảm bảo việc không xảy ra tranh chấp khi chuyển quyền.

Việc chuyển quyền chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT. Quy định cụ thể về chuyển quyền do Thủ tướng Chính phủ quy định.

10.  Cho thuê, cho mượn thiết bị VTĐ

Luật tần số VTĐ cho phép: Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện giao thông có trang thiết bị VTĐ, chủ đài VTĐ nghiệp dư có thể cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn thiết bị VTĐ đã được cấp phép của mình để khai thác.

Luật quy định việc cho thuê, cho mượn thiết bị VTĐ để xác lập cơ sở pháp lý cho phép bên thứ ba có thể sử dụng một phần tần số, thiết bị của bên được cấp giấy phép theo các giới hạn nhất định, trong thời hạn tối đa bằng thời hạn của giấy phép. Việc quản lý và kiểm soát cho thuê, cho mượn được thực hiện thông qua quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện, thủ tục thực hiện, trách nhiệm của các bên liên quan… của Bộ TT&TT.

11.  Sử dụng chung tần số VTĐ

Tài nguyên tần số VTĐ ngày càng khan hiếm, đặc biệt tại các băng tần có mật độ sử dụng cao. Do vậy, đối với trường hợp sử dụng tần số với lưu lượng thấp hoặc lưu động trong phạm vi rộng, để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên tần số, nhiều nước đã áp dụng giải pháp dùng chung tần số cho các đối tượng này (như Mỹ, Anh, Úc, Đức,…), tạo hiệu quả cao trong việc tái sử dụng tần số. Ví dụ: công ty du lịch A có nhu cầu sử dụng các bộ đàm cầm tay công suất thấp dưới 10w trên toàn quốc, trong trường hợp này, công ty A sẽ phải dùng chung tần số với các công ty khác có mục đích sử dụng tương tự.

Để giảm thiểu xung đột, nhiễu có hại khi sử dụng chung tần số, dự thảo Luật (Điều 26) quy định Bộ TT&TT xây dựng quy định chi tiết về việc dùng chung (như: đối tượng, điều kiện, quy trình khai thác trên các tần số dùng chung, vấn đề mã hóa….).

12.  Miễn phí giấy phép sử dụng tần số VTĐ

Ngày nay, thông tin vô tuyến được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Các thiết bị vô tuyến nhỏ gọn, có công suất nhỏ, tầm liên lạc ngắn ngày càng được sử dụng khắp nơi, từ đồ chơi điều khiển bằng vô tuyến, chìa khóa vô tuyến mở cửa ô tô, gara, điện thoại kéo dài, các thiết bị cảnh báo, báo động…. Do đó công suất thấp, tầm làm việc hạn chế nên khả năng gây ra can nhiễu cho các hệ thống thông tin vô tuyến truyền thống là ít.

Do yếu tố thiết bị công suất nhỏ, khả năng gây nhiễu thấp, sử dụng phổ biến nên việc sử dụng các thiết bị này được miễn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị. Tuy nhiên, cơ quan quản lý quy định rõ điều kiện sử dụng các thiết bị này, như băng tần làm việc, công suất (EIRP, ERP), giới hạn phát xạ ngoài băng (out-of-band emisssions), phát xạ giả (spurious emissions).

Người sử dụng các thiết bị này không phải xin cấp giấy phép khi sử dụng nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện khai thác, sử dụng chung theo quy định của Bộ TT&TT để các thiết bị có thể hoạt động ổn định và không gây nhiễu cho các nghiệp vụ VTĐ khác.

Bộ TT&TT sẽ công bố danh mục các thiết bị VTĐ được sử dụng mà không cần giấy phép và quy định điều kiện khai thác, sử dụng đối với từng loại thiết bị cụ thể. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các thiết bị này phải công bố và đảm bảo thiết bị phù hợp với các điều kiện khai thác, sử dụng theo quy định. Cách quản lý này đáp ứng với yêu cầu cải cách hành chính nhưng vẫn đảm bảo khả năng kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý trong việc sử dụng phổ tần số VTĐ. Đây cũng là cách thức quản lý đa số các nước áp dụng.

Quy định mới nhất về danh mục các thiết bị miễn cấp phép kèm điều kiện khai thác, sử dụng là Thông tư số 36/TT-BTTTT ngày 3/12/2009 do Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.

12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ

Ngoài việc quy định những vấn đề mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực tần số VTĐ (Ví dụ như nộp phí, lệ phí, sử dụng tần số đúng quy định của giấy phép, tuân thủ thỏa thuận phối hợp quốc tế về tần số VTĐ, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, điểm mới của Luật tần số trong vấn đề này là cho phép tổ chức, doanh nghiệp được trực tiếp phối hợp tần số với tổ chức nước ngoài sử dụng tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh, được tham gia phối hợp tần số VTĐ với cơ quan quản lý tần số VTĐ của các quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì. Điểm mới này trong Luật giúp tăng cương vai trò, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh, đồng thời tạo thêm nguồn lực trong lĩnh vực hợp tác quốc tế (Điều 27, 29, 30, 42, 43, 44) để bảo vệ tốt hơn lợi ích về tần số VTĐ của các quốc gia.

13. Phí sử dụng tần số VTĐ, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ

Tần số là một tài nguyên đặc biệt, không nhìn thấy được, tồn tại vĩnh viễn và không thay đổi, không hao hụt trong quá trình sử dụng, nhưng chỉ có thể sử dụng được nhờ hoạt động quản lý và thông qua các ứng dụng khoa học công nghệ. Nhà nước chỉ trao cho các tổ chức, cá nhân quyền sử dụng tần số VTĐ trong một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó, tần số được thu hồi về nguyên vẹn. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa tài nguyên tần số với các tài nguyên khác như dầu, than, khoáng sản…

Việc sử dụng tần số VTĐ chỉ có thể hiệu quả, không bị nhiễu và không gây nhiễu có hại cho các hệ thống VTĐ khác nhờ có hoạt động quản lý của nhà nước thông qua công tác xây dựng quy hoạch tần số VTĐ, tính toán ấn định và cấp phép tần số VTĐ, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số và phối hợp tần số quốc tế.

Lệ phí cấp phép được thu một lần khi người sử dụng làm hồ sơ đề nghị cấp phép.

Phí sử dụng tần số có thể được thu một lần hoặc hàng năm (đối với loại giấy phép có thời hạn nhiều năm).

14. Chứng chỉ vô tuyến điện viên

Chỉ có ba nghiệp vụ VTĐ là hàng không, hàng hải và VTĐ nghiệp dư yêu cầu người vận hành thiết bị phải có chứng chỉ VTĐ viên vì: tần số VTĐ sử dụng cho 3 nghiệp vụ này không chỉ để liên lạc trong nước mà còn liên lạc với các nước trên thế giới. Thể lệ VTĐ của Liên minh Viễn thông quốc tế có quy định về quy trình khai thác, sử dụng các tần số thuộc 3 nghiệp vụ này và đồng thời quy định người khai thác thiết bị VTĐ thuộc các nghiệp vụ này phải có chứng chỉ VTĐ viên. Vì vậy, để đảm bảo không gây nhiễu trên phạm vi quốc tế, người vận hành thiết bị VTĐ thuộc ba nghiệp vụ này phải có đủ kỹ năng, hiểu biết luật khai thác, sử dụng chung của quốc tế. Cơ quan quản lý tần số VTĐ ở các nước có quyền kiểm tra chứng chỉ này khi các đài VTĐ đặt trên tàu biển, tàu bay của nước ngoài đến lãnh thổ của mình.

15. Sử dụng tần số VTĐ trong trường hợp khẩn cấp

Điều luật này cho phép các tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm tời tần số và thiết bị VTĐ chưa được cấp giấy phép để gọi cấp cứu trên các tần số dành riêng cho cấp cứu hoặc các tần số không dành riêng cho gọi cứu nạn. Tuy nhiên, việc sử dụng này không được tùy tiện, lạm dụng mà chỉ trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản.

Điều luật này cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi nghe thấy tín hiệu cấp cứu phải thực hiện hỗ trợ cần thiết, thông báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn.

(Còn tiếp)

Nội dung Luật tần số vô tuyến điện (Phần 1)

Tần số vô tuyến điện (VTĐ) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng và ban hành Luật tần số VTĐ để điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng tần số là một yêu cầu khách quan.

Chương I. Quy định chung

Chương này gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung của Luật như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Chính sách của nhà nước; Nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số VTĐ, Cơ quan quản lý chuyên ngành; Thanh tra tần số VTĐ; hợp tác quốc tế về tần số VTĐ và những hành vi bị nghiêm cấm.

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Luật này quy định về quản lý, sử dụng tần số VTĐ, thiết bị VTĐ, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ VTĐ, tương thích điện từ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số VTĐ.

- Luật này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước trong việc quản lý tần số VTĐ, đồng thời áp dụng với các tổ chức, cá nhân khác là đối tượng chịu sự quản lý về tần số VTĐ.

-  Cụm từ “quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện” được dùng chung trong toàn bộ nội dung của Luật để chỉ: Việc quản lý và sử dụng tần số VTĐ, thiết bị VTĐ, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ VTĐ, tương thích điện từ; các hoạt động sản xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ cũng thuộc hoạt động quản lý tần số, thiết bị VTĐ.

-  Quỹ đạo vệ tinh gắn chặt với việc sử dụng tần số VTĐ, đây là chủ quyền quốc gia, cần được khẳng định và điều chỉnh trong Luật. Do đó, Luật có một chương quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh.

-  Luật có các điều khoản quy định về quản lý chất lượng phát xạ VTĐ, thiết bị VTĐ, quản lý tương thích điện từ. Các tổ chức, cá nhân xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ cũng phải chịu sự điều chỉnh của Luật này.

2.  Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ (Điều 6)

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan quản lý nhà nước về tần số VTĐ. Để giúp Bộ trưởng thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tần số VTĐ có Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ là Cục Tần số VTĐ, trực thuộc Bộ TT&TT. Một số chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Cục Tần số là:

- Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy hoạch tần số;

-  Ấn định và cấp phép sử dụng tần số;

- Thu và nộp ngân sách lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép, phí sử dụng tần số VTĐ theo quy định của Bộ Tài chính.

-  Kiểm soát tần số, giám sát hoạt động của các hệ thống VTĐ, ngăn ngừa và loại trừ các nguyên nhân gây nhiễu VTĐ.

-  Kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm về tần số VTĐ;

-  Phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh, bảo vệ lợi ích quốc tế gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh. Đảm bảo thi hành các cam kết quốc tế về tần số VTĐ mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

- Thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ theo sự phân công, phân cấp của Bộ trưởng.

3.  Hợp tác quốc tế về tần số VTĐ

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ là hết sức quan trọng để bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Luật quy định một điều riêng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ (Điều 8).

Đặc điểm quan trọng của sóng VTĐ là truyền lan không bị hạn chế về biên giới quốc gia. Quốc gia về tần số nhiều khi không chỉ là các quốc gia có chung biên giới. Hoạt động phối hợp quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh diễn ra thường xuyên, theo những quy định quốc tế về pháp lý và kỹ thuật cụ thể và luôn được sửa đổi và bổ sung phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ VTĐ.

Công nghệ quản lý, sử dụng tần số VTĐ là công nghệ cao. Mặc dù chúng ta đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở trình độ thấp so với các nước phát triển. Do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số VTĐ để nâng cao trình độ quản lý và sử dụng tần số, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia.

II. Chương 2: Quy hoạch tần số VTĐ

Theo luật Tần số VTĐ, hệ thống quy hoạch tần số VTĐ sẽ bao gồm:

- Quy hoạch phổ tần quốc gia

- Quy hoạch băng tần

- Quy hoạch phân kênh tần số

- Quy hoạch sử dụng kênh tần số

1.  Nội dung của các loại Quy hoạch

a) Nội dung của Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia

Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia là quy hoạch quy định tổng thể việc sử dụng phổ tần số VTĐ cho các nghiệp vụ VTĐ.

Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia phân chia phổ tần số VTĐ thành các băng tần và quy định các nghiệp vụ VTĐ thành các băng tần và quy định các nghiệp vụ VTĐ được sử dụng trong mỗi băng tần.

Với một số băng tần, quy hoạch có thể quy định điều kiện sử dụng cụ thể cho từng nghiệp vụ hay hệ thống vô tuyến cụ thể. Các quy định đó thường được để trong các Chú thích (footnote) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hoặc của riêng nước đó.

b) Nội dung của Quy hoạch băng tần

Nếu như Quy hoạch phổ tần quốc gia phân chia phổ tần thành các băng tần dành cho một hay một số nghiệp vụ nào đó thì Quy hoạch băng tần quy định chi tiết các điều kiện, mục đích sử dụng một hay một số đoạn băng tần cho một loại nghiệp vụ hay một hệ thống thông tin vô tuyến cụ thể nào đó. Ví dụ, Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào trong các dải tần 821 – 960MHz và 1710  - 2200MHz.

Ví dụ, trong Quy hoạch phổ VTĐ quốc gia, chỉ quy định băng tần 824 – 890 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Cố định, Lưu động: 890 – 915 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Lưu động làm nghiệp vụ chính; 915 – 935 MHz được sử dụng cho nghiệp vụ Cố định, Lưu động thì trong Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam đến năm 2010, băng tần này được quy hoạch chi tiết hơn: các đoạn 882 – 890 MHz/927-935MHz được dành cho hệ thống di động toàn quốc (HT Mobile), đoạn 824 – 829 MHz/869-874MHz dành cho hệ thống CDMA nội tỉnh ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương đến năm 2010, đoạn băng tần 851 – 866 MHz được phân bổ cho các hệ thống trunking.

c. Nội dung của Quy hoạch phân kênh

Quy hoạch phân kênh thì quy định phân chia mỗi băng tần thành các nhóm kênh tần số dung cho một loại nghiệp vụ VTĐ cụ thể theo một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định. Ví dụ, năm 2009 Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 27/2009/TT-BTTTT kèm Quy hoạch phân kênh tần số và các điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo cho các hệ thống cố định và lưu động mặt đất trong băng tần 30 – 1000MHz và các hệ thống viba một chiều hoặc hai chiều sử dụng kỹ thuật song công phân chia theo tần số (FDD) trong băng tần 1 – 30 GHz.

Quy hoạch phân kênh có mục đích là thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số, thống nhất tiêu chuẩn cho các hệ thống thông tin vô tuyến, là cơ sở cho việc cấp phép tần số.

Việc thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần, hạn chế can nhiễu.

Do mang tính chất tiêu chuẩn nên Quy hoạch phân kênh cũng có vai trò quan trọng trong định hướng cho việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị VTĐ.

Ví dụ: nếu quy hoạch quy định khoảng cách song công của thiết bị vi ba trong băng tần nào đó là 119MHz thì không thể sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị viba có khoảng cách song công khác.

d. Nội dung của Quy hoạch sử dụng kênh tần số:

Nhằm bố trị và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đối với một hệ thống cho một loại nghiệp vụ VTĐ cụ thể.

Hiện nay, quy hoạch cho các đài phát thanh – truyền hình thuộc loại này. Các đài VTĐ được phân theo vị trí cụ thể, được phát các kênh tần đã được quy định sẵn trong quy hoạch với các điều kiện cụ thể về vi phạm phủ sóng, công suất phát. Trong thời gian tới, sẽ có thể tiếp tục xây dựng quy hoạch cho các đài bờ, đài thông tin VTĐ phục vụ phòng chống lụt bão,…

Trong số các loại quy hoạch tần số VTĐ thì Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc sử dụng tần số của các Bộ, ngành. Đây là cơ sở để các Bộ, Ngành định hướng sử dụng và đầu tư, trang thiết bị kỹ thuật VTĐ. Quy hoạch này đặt nền móng cho việc quản lý, phân bổ, cấp giấy phép tần số VTĐ và thiết lập trật tự thông tin VTĐ.

4. Nguyên tắc xây dựng quy hoạch (Điều 10)

a. Quy hoạch phổ tần VTĐ quốc gia được xây dựng trên cơ sở:

-  Các quy định của Thể lệ VTĐ đối với Khu vực 3, là khu vực Việt Nam nằm trong đó. Quy hoạch của Việt Nam sẽ không mâu thuẫn với quy định trong Thể lệ VTĐ.

-  Đặc thù sử dụng VTĐ của Việt Nam, trong đó ưu tiên hợp lý cho các công nghệ mới, đảm bảo an toàn thong tin và an ninh quốc gia.

Ví dụ:

Băng tần 890 – 924 MHz được ITU phân bổ cho các Nghiệp vụ Lưu động, Cố định, Quảng bá là nghiệp vụ chính ở Khu vực 3. Nhưng tại Việt Nam, do phần lớn băng tần này dùng cho các hệ thống di động GSM (thuộc nghiệp vụ lưu động) nên Quy hoạch phổ tần VTĐ quốc gia của Việt Nam đã bỏ nghiệp vụ quảng bá ra khỏi quy hoạch, đưa nghiệp vụ Cố định thành nghiệp vụ phụ trong các đoạn băng tần của GSM (890 – 915/935-960MHz).

b. Quy hoạch băng tần:

-  Có nhu cầu sử dụng băng tần đó để triển khai một hệ thống, một công nghệ cụ thể nào đó trong phạm vi rộng (khu vực hay toàn bộ lãnh thổ).

- Việc quy hoạch cho hệ thống, công nghệ đó phải phù hợp với Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia.

- Thực trạng sử dụng băng tần đó, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí thấp nhất.

c. Quy hoạch phân kênh được sử dụng trên các sở cứ chủ yếu sau:

- Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia

- Các khuyến nghị phân kênh của ITU

-  Thực trạng sử dụng tần số của Việt Nam, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí thấp nhất

-  Đáp ứng nhu cầu sử dụng kênh tần số trong tương lai gần và khả năng ứng dụng công nghệ mới, linh hoạt trong ấn định tần số.

d. Quy hoạch sử dụng kênh tần số: tương tự như Quy hoạch phân kênh.

5.      Thẩm quyền phê duyệt và thực hiện quy hoạch

a.  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ quốc gia

b. Trên cơ sở Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT ban hành các quy hoạch sử dụng kênh tần số.

Ở cấp độ quốc gia, Quy hoạch tần số VTĐ quốc gia là quy hoạch tần số có mức độ pháp lý cao nhất, trong đó quy định việc phân chia phổ tần số VTĐ thành các băng tần dành cho nghiệp vụ VTĐ. Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quyết định 125/2009/QĐ-TTg ngày 23/10/2009.

Trên cơ sở Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và ban hành Quy hoạch băng tần, Quy hoạch phân kênh, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác lien quan đến việc sử dụng, khai thác và quản lý phổ tần số VTĐ. Các quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật này phải tuân thủ và không được trái với Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia.

c. Thực hiện Quy hoạch

Sau khi các quy hoạch được cấp có thẩm quyền có ban hành, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số VTĐ và các cơ quan quản lý có liên quan phải chấp hành quy định của các quy hoạch này.

d. Thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ để thực hiện quy hoạch

Trường hợp quy hoạch mới được xây dựng có thay đổi về mục đích hoặc đối tượng được sử dụng các băng tần so với quy hoạch trước đây thì sẽ phải thực hiện thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ đã cấp cho tổ chức cá nhân để thực hiện theo quy hoạch mới. Thu hồi có thể là một phần hay toàn bộ quyền sử dụng băng tần, kênh tần số khi giấy phép có hiệu lực. Các băng tần, kênh tần này sau khi được thu hồi sẽ được chuyển đổi mục đích hoặc đối tượng sử dụng.

Tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyền sử dụng tần số VTĐ sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan quản lý, sau khi quy hoạch ban hành thì phải có trách nhiệm công bố công khai về thời gian, kế hoạch chuyển đổi tần số, thiết bị VTĐ và đồng thời thông báo cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi.

III. Chương 3. Quản lý chất lượng phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ

Chương này gồm 3 điều (từ Điều 13 đến Điều 15) quy định về quản lý chất lượng phát xạ và tương thích điện từ đối với thiết bị VTĐ; quản lý tương thích điện từ đối với các thiết bị điện, điện tử và đảm bảo an toàn bức xạ VTĐ.

1. Hình thức quản lý

a. Công bố danh mục thiết bị

Các cơ quan quản lý nhà nước công bố Danh mục các thiết bị quản lý. Cụ thể:

  • Bộ TT&TT công bố các danh mục sau:

-  Danh mục thiết bị VTĐ có khả năng gây nhiễu có hại

- Danh mục thiết bị VTĐ, thiết bị ứng dụng song VTĐ có khả năng gây mất an toàn bức xạ VTĐ

- Danh mục thiết bị VTĐ bắt buộc kiểm định về an toàn bức xạ VTĐ;

- Danh mục thiết bị VTĐ, thiết bị viễn thông và thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

  • Bộ Khoa học Công nghệ ban hành danh mục sau khi thống nhất với Bộ TT&TT:

- Danh mục thiết bị điện, điện tử có bức xạ VTĐ có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

b. Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy đối với các thiết bị thuộc các danh mục trên

Tùy theo từng loại thiết bị có thể phải đảm bảo 1, 2 hoặc cả 3 quy định về chất lượng phát xạ VTĐ, an toàn bức xạ VTĐ và tương thích điện từ. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các thiết bị thuộc danh mục do Cơ quan quản lý công bố phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy theo quy định.

c. Chỉ định tổ chức kiểm định:

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chỉ định các tổ chức đủ điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về kiểm định tại một trong các tổ chức này.

d. Kiểm định

Các tổ chức được Bộ TT&TT chỉ định có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về kiểm định theo quy định.

Thiết bị VTĐ khi được lắp đặt anten, nhà trạm để chuẩn bị cho việc khai thác, sử dụng thì phải được kiểm định về phát xạ và về an toàn bức xạ VTĐ. Việc kiểm định ở đây là việc đo, đánh giá sự phù hợp với các quy định về bức xạ và an toàn bức xạ điện từ của một hệ thống thiết bị VTĐ.

2. Nội dung quản lý

a. Quản lý chất lượng phát xạ VTĐ

Trong lĩnh vực tần số VTĐ, việc quản lý phát xạ VTĐ được áp dụng đối với thiết bị VTĐ.

b. Quản lý an toàn bức xạ VTĐ

Hiện nay xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng của bức xạ VTĐ đối với sức khỏe người dân. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp phù hợp ngăn ngừa những ảnh hưởng này. Lần đầu tiên trách nhiệm quản lý về an toàn bức xạ VTĐ được xác định rõ trong Luật là thuộc về Bộ TT&TT mà không phải thuộc sự quản lý của Bộ Y tế hay Bộ Tài nguyên Môi trường…

Quản lý an toàn bức xạ VTĐ áp dụng cho các đài VTĐ, thiết bị VTĐ, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ.

Nguồn bức xạ VTĐ có thể do các thiết bị VTĐ, hoặc các thiết bị điện, điện tử khác gây ra như đường dây tải điện cao áp. Mức độ ảnh hưởng của bức xạ điện từ đến sức khỏe con người phụ thuộc vào tần số, mật độ công suất tác động lên cơ thể. Vì vậy, cần thiết lập và kiểm soát giới hạn bức xạ VTĐ để đảm bảo an toàn cho con người, môi trường. Hiện nay, trên thế giới cách thức quản lý vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ VTĐ phổ biến là thông qua việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bức xạ và yêu cầu trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn bức xạ VTĐ.

Tương tự như cách quản lý của các nước, Luật tần số VTĐ quy định trách nhiệm của Bộ TT&TT trong việc ban hành Danh mục thiết bị cần kiểm soát về giới hạn an toàn bức xạ VTĐ; quy định các quy chuẩn kỹ thuật liên quan; chỉ định các tổ chức đủ điều kiện thẩm định an toàn bức xạ VTĐ. Luật đồng thời quy định trách nhiệm của người sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thiết bị thuộc Danh mục.

c. Quản lý tương thích điện từ

Quản lý tương thích điện từ áp dụng đối với thiết bị điện, điện tử.

Các thiết bị điện, điện tử có thể sinh ra các sóng VTĐ một cách không chủ đích, không vì mục đích thông tin hoặc các mục đích hữu ích khác (ví dụ máy sấy tóc, bugi xe máy, đèn tuýp…). Các bức xạ sóng VTĐ không mong muốn này có thể gây nhiễu có hại đến các thiết bị, hệ thống thiết bị khác trong môi trường điện từ.

Thực tế tại Việt Nam đã xảy ra nhiễu do bức xạ cao tần của máy ép ni lông gây nhiễu tới kênh truyền hình TP. Hồ Chính Minh; nhiễu từ đèn tuýp, máy sấy tóc gây ảnh hưởng đến chất lượng máy thu tín hiệu phát thanh, truyền hình; nhiễu của trạm bơm nước đến mạng thông tin VTĐ của Bộ Công an; nhiễu điện thoại kéo dài đến hệ thống thong tin điều hành bay của hàng không v.v…

Vì vậy, yêu cầu quản lý tương thích điện từ đối với các thiết bị điện, điện tử là rất cần thiết.

Luật tần số VTĐ quy định trách nhiệm quản lý tương thích điện từ của Bộ TT&TT, Bộ KHCN; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị thuộc danh mục có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ.

(Còn tiếp)

Nghiên cứu định lượng đánh giá tính sẵn sàng trong cung cấp dịch vụ công

Bùi Xuân Chung

Trong bài báo PPP đã gõ cửa ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tác giả đã luận bàn các điểm quan trọng về mô hình PPP, để có thể vận dụng mô hình PPP trong cung cấp dịch vụ công và dịch vụ công trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (Viễn thông công ích, Chính phủ điện tử, Bưu chính công ích, Báo chí công ích…)  các nội dung đánh giá về sự sẵn sàng của mô hình PPP là cần thiết.

Mô hình đánh giá tính sẵn sàng thường được sử dụng trong hai giai đoạn: Giai đoạn khởi động sử dụng phục vụ việc ra quyết định; Giai đoạn kết thức sử dụng mô hình như một công cụ định lượng đánh giá tác động. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, các ý kiến chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông chúng tôi đề xuất một nghiên cứu định lượng trong đánh giá tính sẵn sàng trong cung cấp dịch vụ công (Dịch vụ chính phủ điện tử). Tuy rằng, các kết quả này có phảm vi phỏng vấn hẹp nhưng kết quả phân tích sẽ là một gợi ý tốt cho các nhà tạo lập chính sách. 

Ảnh: TTH

I. Mô hình đo lường mức độ sẵn sàng trong cung cáp dịch vụ công ngành TT&TT bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá

1.1  Mục đích

Mục đích của mẫu đánh giá tính sẵn sàng PPP là cung cấp một công cụ chẩn đoán để xác định các lĩnh vực chính mà chính phủ cần phải giải quyết để khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Chức năng chính của đánh giá là nó sẽ được sử dụng để dự đoán các vấn đề trong việc thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng như khác biệt bằng cách sử dụng nó để phát triển các tiêu chuẩn chống lại mà thành phần khác nhau trong đầu tư cung cấp dịch vụ công.

1.2  Thiết kế khung phân tích

Mục đích xây dựng khung phân tích để xây dựng các câu hỏi, mà trong đó tất cả các câu hỏi có thể được trả lời bởi các bên thảo luận về môi trường đầu tư cho PPP. Trạng thái tốt nhất, các nhóm câu hỏi trên liên quan với lợi ích đầy đủ của các bên tham gia. Ví dụ, một nhóm khu vực công và khu vực một nhóm tư nhân. Trên cơ sở các thông tin từ các câu hỏi về rào cản đối với mỗi bên, chúng ta có thể thảo luận chung và sự khác biệt trong nhận thức của họ về môi trường PPPs. Dựa trên thông tin thu được từ câu hỏi, chúng ta có thể đề xuất kế hoạch hành động. Quá trình đánh giá toàn bộ được tóm tắt trong Hình 1.

Hình 1.Khung phân tích

Bảng câu hỏi thu thập thông tin được chia tách thành hai phần.

Phần I với các câu hỏi tập trung vào các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư chung trong cả nước. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm:

- Môi trường kinh tế vĩ mô

- Môi trường kinh doanh

- Môi trường tài chính

- Môi trường pháp lý và quản trị.

Phần II với câu hỏi tập trung vào câu hỏi cụ thể liên quan đến PPP và có chất lượng. Các lĩnh vực mà tập trung những câu hỏi bao gồm:

- Quy phạm pháp luật và chế định cung cấp PPP

- Khung chính sách liên quan đến PPP

- Năng lực thực hiện PPP

- Quá trình kế hoạch dự án và ký kết hợp đồng PPP

- Quá trình lựa chọn PPPs

- Nhân thức xã hội về PPP

Việc cho điểm đối với cả hai phần được dựa trên tiêu thức sau:

- Rất tốt = 4 điểm;

- Tốt  = 3 điểm;

- Trung bình = 2 điểm;

- Tạm chấp nhận = 1 điểm;

- Không có ý kiến = 0 điểm.

Trong khuôn khỏ bài báo này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực TT&TT. Kết quả phỏng vấn và phân tích được đề cập trong phần II dưới đây. Kết quả phỏng vấn trong quy mô nhỏ không tránh khỏi các hạn chế, tuy nhiên đây sẽ là một gợi ý tốt trong việc xây dựng chính sách PPP trong ngành TT&TT.

a. Hệ thống câu hỏi và bản đồ nhận thức

Mục đích của đánh giá là thu thập thông tin thông tin về sự nhận thức và thách thức đối với việc cung cấp dịch vụ công theo hình thức PPPs. Tổng quan nhất nếu, các nhóm nên bao gồm của các bên liên quan với lợi ích chung, ví dụ: một nhóm khu vực công và khu vực một nhóm tư nhân. Việc trả lời bảng câu hỏi, các nhóm có thể thảo luận về tính phổ biến và sự khác biệt trong nhận thức của họ về môi trường PPP. Dựa trên các câu hỏi chúng tôi xây dựng bản đồ nhận thức về mức độ sẵn sàng trong cung cấp dịch vụ công trong Hình 2.

Hình 2. Bản đồ nhận thức

II. Thực hiện phỏng vấn xây dựng số liệu mô phỏng và phân tích

Trên cơ sở nội dung phân tích tại mục 1 chúng tôi tiến hành thu thập số liệu để mô phỏng lại bản đồ nhận thức về tính sẵn sàng trong cung cấp dịch vụ công, các nội dung cụ thể về phân tích và xử lý số liệu được đề cập trong các nội dung dưới đây.  

2.1. Thu thập và phân tích số liệu

Trong quá trình phỏng vấn chung tôi đã tiến hành phỏng vấn ba loại đối tượng cơ bản, các nhà tạo lập chính sách, các thành phần trong nước, các thành phần Quốc tế, kết quả tổng hợp được thể hiện trong bảng dữ liệu số 1 sau đây.

Bảng 1. Tổng hợp số liệu nhân thức về tính sẵn sàng hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ công ngành Thông tin và Truyền thông

2.2 Những phát hiện

Những kết quả phân tích cho thấy sự sai khác trong nhận thức của các chủ thể trong xây dựng mô hình PPP. Sự sai khác này có thể nhìn nhận theo chủ thể và theo các khía cạnh đánh giá.

Theo sự sai khác của các chủ thể (Chiều ngang) chúng ta có thể nhận thấy mức độ sẵn sàng như sau:

- Chính phủ mong muốn xây dựng mô hình quan hệ công tư (70%), biến hình thức hợp tác công tư thành một giải pháp để phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công cộng.

- Các thành phần phi nhà nước nội địa đã quan tâm đến hình thức hợp tác công tư (46%).

- Các thành phần phi nhà nước Quốc tế chưa nhiều quan tâm đến hình thức hợp tác công tư (43%).

Những kế quả đo lường theo chủ thể cho thấy Chính phủ cần khuyến khích hơn các thành phần tham gia hợp tác công tư để cung cấp dịch vụ công trong ngành Thông tin và truyền thông.

Đánh giá mức độ sẵn sàng theo các nhân tố (Chiều dọc) chúng tôi phản ánh qua chỉ số trung bình tỷ trọng, trong tương lai khi số mẫu phỏng vấn đủ lớn chung tôi sẽ sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phả để vẽ lại hành vi chung về tính sẵn sàng trong thực hiện PPP để cung cấp dịch vụ công trong ngành TT&TT.

Kết quả phân tích theo tỷ trọng để vẽ lại bản đồ nhận thức trong Hình 3.

Hình 3. Kết quả Bản đồ nhận thức

Các phân tích theo chiều dọc đã chỉ ra hai nội dung là môi trường tài chính và hệ thống quy định pháp lý là thấp nhất. Qua phân tích theo nhân tố đã chỉ ra nhiệm vụ của Chính phủ trong việc xây dựng mô hình PPP strong cung cấp dịch vụ công là hoàn thiện và phát triển các quy định pháp lý liên quan đến PPPs và phát triển thị trường tài chính và tiền tệ để khơi thông dòng vốn PPPs vào cung cấp dịch vụ công trong ngành Thông tin và truyền thông.

Để có hình ảnh tổng hợp hơn chúng tôi đã vẽ lại sự liên hệ các nhân tố theo bản đồ rada trong Hình 4.

Hình 4. Kết quả Bản đồ nhận thức

III. Những gợi ý từ việc phân tích tính sẵn sàng PPP trong cung cấp dịch vụ công

3.1 Gợi ý về việc xây dựng chính sách PPP tại Việt Nam

Những ý kiến về phân tích mức độ sẵn sàng hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ công có thể đem lại vài gợi ý quan trọng cơ bản sau.

Thứ nhất, khi hệ thống luật pháp khung liên quan đến PPP chưa có, nếu Chính phủ muốn phát triển quan hệ công tư thì cần quan tâm đến các dự án cụ thể có kỳ hạn từ năm năm trở lên. Các nội dung luật pháp sẽ được cụ thể hóa trong các bản cam kết của dựa án, trong đó các cam kết của dự án được hiểu như các điều ước Quốc tế sẽ khuyến khích các Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào cung cấp dịch vụ công với công nghệ và chất lượng quản lý quốc tế tại Việt Nam.

Thứ hai, các cam kết của Chính phủ trong dự án đặc biệt là các cam kết tài chính là cơ sở cho các Nhà đầu tư trong nước bỏ vốn đầu tư cung cấp dịch vụ công.

Thứ ba, hệ thống luật pháp liên quan đến vận hành quan hệ công tư cần phải giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Bảo vệ sở hữu và Quyền đầu tư

- Qui định về chuyển nhượng nghĩa vụ cung cấp

- Quy định về chính sách quản lý của Nhà nước với PPP

- Quy định về hợp đồng và nghĩa vụ hợp đồng PPP

- Quy định về đánh giá chất lượng dịch ụ cung cấp theo phương thức PPP

- Quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ trong PPP

- Quy định về nghĩa vụ đảm bảo trong thực hiện PPP

3.2  Gợi ý về việc tạo lập nguồn vốn xã hội trong đầu tư hạ tầng

Những nhu cầu trong lĩnh vực công rất đa dạng, đi cùng với nhu cầu đó là giới hạn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực công. Việc mở rộng mô hình công tư là một trong cách thức tốt để có vốn đầu tư chung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh dòng vốn tài chính còn có dòng vốn nhân lực do các dơn vị cung cấp dịch vụ công mang theo vào các dự án PPPs. Gợi ý này là một điểm quan trọng trong bù đắp các thiếu hụt nhân lực cao của khu vực công di chuyển sang khu vực tư.

Những nhu cầu của Chính phủ về nguồn vốn nhân lực cao cấp sẽ là một tín hiệu tốt khẳng định nhu cầu nhân lực cao cấp trong lĩnh vực công.

3.3  Gợi ý phát triển thị trường dịch vụ công

Để hình thức PPPs hoạt động hiệu quả rất cần sự hiện dịch của thị trường công. Thị trường là một công cụ hiệu quả để giám sát, phát triển, bình trọn và nâng cao hiệu quả trong việc đầu tư công.

Các minh chứng về nhu cầu đầu tư công sở, các dịch vụ công cơ bản.. đã khẳng định sự tồn tại nhu cầu trong thị trường công. Vấn đề cần giải quyết là khơi thông kênh cung cứng các dịch vụ công.

Bên cạnh các nỗ lực của Chính phủ trong tạo lập hành lang pháp lý cần đến “bàn tay” của thị trường. Do đó sự tồn tại và phát triển thị trường dịch vụ công cũng cần một “cú hích” của Chính phủ như việc công bố thông tin đấu thầu trong các dự án cung cấp dịch vụ công dài hạn và ổn định.   

3.4  Gợi ý về phát triển nhân lực trong cung cấp dịch vụ công

Trước khi ban hành luật cán bộ công chức năm 2009, các vấn đề liên quan đến cán bộ công chức như: đãi ngộ, sử dụng, và giữa chân công chức v.v… được bàn luận rộng rãi. Khó khăn trong việc phát triển cán bộ công chức được nhấn mạnh trong câu nói của đại diện Bộ nội vụ “vấn đề cán bộ công chức vẫn cần xem xét trong nguồn lực cụ thể”.

Việc mở ra hình thức hợp tác công tư cúng là hình thức tốt để giữ cân người giỏi thông qua việc cử cán bộ công chức vào giám sát các công ty cung cấp dịch vụ công. Thực tế làm việc tôi đã gặp các CEO của Chính phủ trong giám sát làm việc trong các dự án hợp tác Quốc tế của các tập đoàn Huyndai, LG, Samsung tại các dự án hợp tác tại Việt Nam.

Bên cạnh sự hợp tác công tư trong vốn nhân lực, sự tham gia của các CEO là một minh chứng cụ thể nhất trong quyết tâm đưa chính sách quản lý của Nhà nước vào thực tế đời sống kinh tế - xã hội. 

Tài liệu tham khảo

[1]. Lê Chi Mai (2007), Tài liệu Giảng dạy chuyên viên cao cấp của Việt Nam, Chuyên đề: Xã hội hóa và tư nhân hóa, đổi mới cung cấp dịch vụ công, Hà Nội.

[2]. Nhóm phóng viên giáo dục (2008), “Ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tăng tốc "con tàu" xã hội hóa”, Báo Thanh Niên, (11), Hà Nội.

[3]. Chu Văn Thành (2007), Dịch vụ công - Đổi mới quản lý và cung ứng ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Chu Văn Thành (2004), Dịch vụ Công và xã hội hóa dịch vụ công - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5]. Antonio Estache (2007), PPPs in transport, Washington DC.

[6]. Canada government (1999), Public Private Partnership A Guide for Local Government, Canada.

[7]. Mona Hammami (2006)- Diterminants of PPPs in infrastructure, IMF,Washington DC.

[8]. United kingdom (2006), Public private partnerships - The government’s approach, London.

[9]. World Bank (2005), Assesing and reforming Public Financial Management - A new approach,Washington DC.

[10]. World Bank (2005), Fiancing information and communication infrastructure needs in the developing World - Public and private role,Washington DC.

[11]. World Bank (2004), Telecommunications challengers in developing countries,Washington DC.

[12]. J.J. Hox (2003), An Introduction to Structural Equation Modeling, Family Science Review

Xem thêm:

PPP đã gõ cửa ngành Thông tin và Truyền thông

Một số điểm mới của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2010/NĐ-CP

Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, dự án Luật Bưu chính đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và ngày 17/6/2011, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính đã được Chính phủ ban hành và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011. Sau đây một số điểm mới của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP:

Ảnh minh họa: Internet

1. Thống nhất cách gọi chung cho 2 dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát

Lĩnh vực

Bưu chính

Chuyển phát

Định nghĩa

Pháp lệnh BCVT

“Dịch vụ bưu chính” là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện thông qua mạng lưới bưu chính công cộng

Nghị định 128/2007/NĐ-CP

Dịch vụ chuyển phát là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn thu gom, chia chọn, vận chuyển và phát, bằng các phương tiện vật lý, thông tin dưới dạng văn bản và kiện, gói, hàng hóa.

Phân loại

Dịch vụ bưu chính bao gồm:

- Dịch vụ bưu chính cơ bản

- Dịch vụ bưu chính cộng thêm

Dịch vụ chuyển phát bao gồm:

- Chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản

- Chuyển phát nhanh là dịch vụ chuyển phát có yếu tố gia tăng về tốc độ…

Nhà cung cấp

Bưu chính Việt Nam

- Các doanh nghiệp chuyển phát và Bưu chính Việt Nam

Cách phân loại, định nghĩa này đã bộc lộ những bất cập trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, cụ thể như sau:

Trước đây, trong Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông, việc phân biệt hai dịch vụ này được thực hiện dựa trên tiêu chí nhà cung cấp dịch vụ, nói chính xác hơn là dựa vào mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh mới, tiêu chí phân biệt này không còn phù hợp bởi thực tế là các doanh nghiệp khác về mạng lưới trên cơ sở hợp đồng hoặc hợp tác kinh doanh để cung ứng dịch vụ và ngược lại bản thân doanh nghiệp bưu chính ngoài việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cũng đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường chuyển phát.

Bên cạnh đó, khi xét đến yếu tố quyết định việc phân loại là đặc tính cơ bản của dịch vụ thì thấy rằng: Hai dịch vụ này đều có chung một hoạt động cơ bản là thu gom – vận chuyển - phát, có chung một đối tượng vật gửi. Ngoài 2 đặc tính cơ bản trên thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính và chuyển phát cùng hoạt động và chia sẻ khách hàng, thị trường. Đồng thời hai dịch vụ này lại nằm trong cùng một hệ thống phân ngành dịch vụ: Bưu chính, chuyển phát.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì đa số các nước đều chỉ quản lý chung 1 lĩnh vực là bưu chính.

Do vậy, việc đưa ra một định nghĩa dịch vụ một cách khoa học, phù hợp với vận động và phát triển của dịch vụ, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự đồng bộ và đơn giản cho hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành.

Từ những lý do trên, Luật bưu chính đã thống nhất cách gọi chung cho 2 dịch vụ này là dịch vụ bưu chính với các lý do sau:

Thứ nhất: Xét về góc độ lịch sử (xét về khía cạnh pháp lý và thực tế) có thể thấy dịch vụ bưu chính xuất hiện trước. Một minh chứng là rất rõ là trước đây, Việt Nam chỉ có hệ thống văn bản pháp luật cho dịch vụ bưu chính và trong hệ thống ngành nghề đăng ký kinh doanh của Việt Nam chỉ có dịch vụ bưu chính. Ngoài ra, trong hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hiệp quốc (UNCPC), nếu chỉ tính đến phân ngành thì cũng chỉ có phân ngành dịch vụ bưu chính (Division 75). Do vậy, khi có một dịch vụ có bản chất tương tự trên thị trường thì việc quy vào dịch vụ đã tồn tại sẵn là bưu chính sẽ thể hiện được tính kế thừa, thuận tiện và hợp lý hơn.

Thứ hai: Việc sử dụng thuật ngữ bưu chính không chỉ quen thuộc với người sử dụng, doanh nghiệp mà còn phù hợp với tập quán quốc tế do dịch vụ bưu chính tồn tại và phát triển từ lâu.

Thứ ba: Trong các nghiên cứu của UPU và châu Âu đã cho thấy xu hướng mở rộng phạm vi của lĩnh vực bưu chính bao trùm cả dịch vụ chuyển phát.

2. Điều chỉnh khái niệm thư

Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 157/2004/NĐ-CP: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilogram (02 kg) và có địa chỉ nhận. Những chỉ dẫn chung về nơi nhận cũng được coi là địa chỉ nhận”.

Khái niệm thư trong Nghị định 157/2004/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 21) được quy định như sau: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín, có khối lượng đơn chiếc không quá hai kilogram (02kg) và có địa chỉ nhận. Những chỉ dẫn chung về nơi nhận cũng được coi là địa chỉ nhận”. Với quy định như trên, khái niệm thư đã thể hiện theo bản chất (“thông tin trao đổi dưới dạng văn bản”) và có kết hợp thêm 1 số yếu tố khác như “không quá 2kg” hoặc “đóng gói, dán kín”. Tuy nhiên, chính việc kết hợp các yếu tố khác này dẫn đến khái niệm thư này chưa thể hiện chính xác nội dung mà khái niệm biểu thị và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc một bưu gửi có phải là thư hay không phải là thư hoàn toàn không lệ thuộc vào khối lượng hay hình thức đóng gói. Khối lượng hay hình thức đóng gói chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan cá nhân của người gửi và điều này thay đổi đối với mỗi người gửi khác nhau. Qua nghiên cứu cho thấy, đa phần Luật bưu chính của các nước đều định nghĩa thư không có khối lượng và không yêu cầu đóng gói dán kín.

Việc xuất hiện các yếu tố như “đóng gói, dán kín” hoặc “không quá 2kg” trong khái niệm “thư” hiện tại đã gây nên một số bất cập:

- Làm cho khái niệm trở nên hẹp hơn so với bản chất thực của “thư”, thậm chí làm méo mó khái niệm thư. Với cùng bản chất như nhau nhưng chỉ chênh nhau một chút về khối lượng đã bị coi thành một đối tượng quản lý khác.

- Nhiều doanh nghiệp đã cố tình “mở” (cắt góc thư” để không vi phạm quy định, không phải xin cấp giấy phép chuyển phát thư.

- Hạn chế tính ổn định của khái niệm.

Những bất cập này gây ra hiệu quả là tạo ra các tác động tiêu cực đối với người sử dụng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Các yếu tố không có tính ổn định cao hay nói cách khác là các yếu tố/điều kiện nhằm phục vụ cho công tác quản lý (phụ thuộc và phải thay đổi cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế trên thị trường) không nên đưa vào khái niệm mà cần đưa vào từng nội dung quản lý liên quan. Hiện nay, Việt Nam đang quản lý thị trường thư chặt chẽ thông qua hình thức cấp phép và việc không ổn định của khái niệm “thư” sẽ ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của chính sách quản lý thị trường và ngược lại.Do vậy, nhằm minh bạch và ổn định chính sách quản lý thì cần thiết phải ổn định khái niệm thư.

Trên cơ sở các phân tích nêu trên, Luật Bưu chính đã quy định khái niệm thư như sau: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận, trừ ấn phẩm định kỳ, sách, báo, tạp chí”.

Với khái niệm này, một số bất cập đã cơ bản được giải quyết:

-  Phản ánh được bản chất của thư

-  Đảm bảo tính khoa học, mạch lạc để các đối tượng điều chỉnh (người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ) có thể đối chiếu hoặc áp dụng mà không gặp khó khăn nhưng vẫn có tính bao quát chung và loại trừ được những loại hình thức khác dễ lẫn với thư.

-  Phù hợp với các thông lệ quốc tế (đa phần các nước không quy định “đóng gói, dán kín” và loại trừ “sách, báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ” trong khái niệm thư), do đó sẽ tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

-  Giải quyết được những bất cập hiện nay trong quá trình triển khai chính sách (hạn chế được việc lách luật thông qua việc cắt góc thư, khái niệm thư được giữ tương đối ổn định, không bị thay đổi khi điều chỉnh chính sách cấp phép…).

3. Bãi bỏ giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng

Điều 28 của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông quy định “Giấy phép thử nghiệm dịch vụ chuyển phát thư, các dịch vụ khác trên mạng bưu chính công cộng được cấp với thời hạn không quá 01 năm. Trước khi giấy phép hết hạn, nếu doanh nghiệp có đủ điều kiền và có yêu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ thì được xem xét cấp giấy phép mới”.

Để cụ thể hóa Điều này, Điều 21 Nghị định 157/2004/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp phải “Đạt kết quả kinh doanh tốt đối với trường hợp phải thử nghiệm cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Bưu chính, Viễn thông mới đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát trong nước.

Qua kết quả nghiên cứu của chuyên đề “Đánh giá tác động của các văn bản pháp luật mới ban hành đối với lĩnh vực bưu chính” và chuyên đề “Nghiên cứu đánh giá và tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dãn thi hành” cho thấy:

- Quy định về việc yêu cầu về thử nghiệm kinh doanh, báo cáo kết quả kinh doanh thử nghiệm tốt mới được xem xét cấp giấy phép chính thức để kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư đối với doanh nghiệp kinh doanh lần đầu là chưa phù hợp bởi hiệu quả kinh doanh tốt là mục tiêu của chủ đầu tư đối với tài sản của mình và của các đối tác tham gia góp vốn kinh doanh. Mặt khác, khi bắt đầu triển khai kinh doanh, nhất là cung cấp một loại hình dịch vụ thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt kết quả kinh doanh tốt ngay chỉ trong một năm đầu kinh doanh.

- Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ khác trên mạng công cộng (chuyển tiền, phát hành báo chí, bảo hiểm…), các dịch vụ này đã được điều chỉnh bởi quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Do vậy, việc gộp chung các quy định quản lý đối với các dịch vụ này vào chính sách quản lý bưu chính là chưa phù hợp.

- Việc quy định quản lý cấp phép thử nghiệm đã hạn chế nhiều sự phát triển dịch vụ.

Do vậy, Ban soạn thảo Luật bưu chính đã thống nhất cao đối với việc bãi bỏ quy định về giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng.

Do vậy, Ban soạn thảo Luật Bưu chính đã thống nhất cao đối với việc bãi bỏ quy định về giấy phép thử nghiệm kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và giấy phép cung cấp các dịch vụ khác trên mạng công cộng.

4. Quản lý nhà nước đối với hình thức chuyển nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam

Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn mới chỉ quy định quản lý đối với đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài bởi ở thời điểm này hình thức đại lý là hình thức phổ biến trong hoạt động cung cấp dịch vụ. Công tác quản lý nhà nước đối với đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài được quản lý bằng hình thức tiền kiểm (doanh nghiệp chỉ được làm đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài khi có sự xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý).

Tuy nhiên, khi Luật Thương mại 2005 ra đời thì ngoài loại hình đại lý như quy định ở Nghị định số 128/2007/NĐ-CP và Thông tư số 01/2005/BBCVT còn có thêm các loại hình hoạt động thương mại khác như nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân… Các hình thức này đã xuất hiện trong lĩnh vực bưu chính ở một số nước như Singapore và các nước châu Âu. Sự xuất hiện của các loại hình trung gian thương mại nêu trên là hình thức kinh doanh phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến thời điểm xuất hiện doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Do vậy, viêc bổ sung quy định quản lý đối với những hình thức này trong lĩnh vực bưu chính tại Việt Nam là cần thiết.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường, Luật bưu chính đã điều chỉnh chính sách quản lý đối với các hình thức đại lý, nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân từ tiền kiểm sang hậu kiểm để phù hợp với xu hướng nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

5. Điều kiện về tài chính để được cấp giấy phép bưu chính

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính, doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ kiền kiện về khả năng tài chính. Để làm rõ nội dung này nhằm minh bạch chính sách cấp phép, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính trong quá trình thực thi chính sách cũng như cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cung ứng dịch vụ trong thị trường bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải có tương ứng đối với từng loại hình cung ứng dịch vụ, cụ thể:

1. Điều kiện về khả năng tài chính nêu tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính được quy định như sau:

a) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;

b) Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.

2. Mức vốn tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này phải được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam của doanh nghiệp”.

6. Thông báo hoạt động bưu chính

Theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thì bên cạnh hình thức cấp phép đối với dịch vụ chuyển phát thư, công tác quản lý còn được thực hiện thông qua hình thức thông báo hoạt động kinh doanh và đăng ký được làm đại lý cho tổ chức chuyển phát thư nước ngoài. Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, Luật bưu chính đã bổ sung quy định quản lý một số loại hình trung gian thương mại như nhượng quyền thương mại, đại diện thương nhân… đồng thời điều chỉnh chính sách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua hình thức thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

Theo đó, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã phân loại các hoạt động bưu chính thành đối tượng với các mục tiêu quản lý khác nhau để từ đó có chính sách quản lý khác nhau thông qua việc quy định hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

7. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính

Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô dưới 15 tỷ đồng Việt Nam phải thẩm tra nhưng không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên thì phải thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, khi thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư nói trên, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải lấy ý kiến thẩm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính theo phân cấp quản lý để đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý đầu tư và quản lý nhà nước về bưu chính.

8. Một số quy định về cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính

Ở thời điểm hiện tại, pháp luật chung về cạnh tranh đã có các quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hạn chế cạnh tranh. Đặc biệt, trong pháp luật về cạnh tranh cũng đã quy định về hành vi cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ độc quyền và các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền nhằm ngăn chặn những hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ độc quyền.

Tuy nhiên, pháp luật chung về cạnh tranh không thể bao trùm hết được những nội dung đặc thù của lĩnh vực bưu chính. Hơn nữa, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đều chưa có các quy định cụ thể về lạm dụng vị trí độc quyền trong lĩnh vực bưu chính hay cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính. Do vậy, việc quy định các hình vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực bưu chính trong Luật bưu chính là cần thiết nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Qua các nghiên cứu cho thấy việc bù chéo giữa dịch vụ phổ cập và dịch vụ cạnh tranh là rất dễ xảy ra. Nó sẽ làm méo mó giá cả trên thị trường và không công bằng trong cạnh tranh. Điều này xảy ra khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phổ cập cung cấp dịch vụ cạnh tranh dưới giá thành, nhờ vào việc bù chéo từ phần được nhà nước hỗ trợ.

Bên cạnh đó thì việc đảm bảo cung cấp dịch vụ phổ cập một cách thường xuyên cũng cần có những biện pháp thích hợp.

Từ những lý do trên, Luật bưu chính đã quy định tại khoản 11 Điều 29 “Không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức” và khoản 6 Điều 33 “Không sử dụng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do việc cung ứng các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành”.

9. Bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Nghị định số 47/2011/NĐ-CP, việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi hoàn toàn thì được bồi thường theo quy định của doanh nghiệp đối với từng loại dịch vụ nhưng không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các khiếu nại liên quan đến dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi và đối với các khiếu nại mà người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.

Liên quan đến mức giới hạn bồi thường thiệt hại bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp tại các văn bản trước đây thì Nghị định đã điều chỉnh lại mức giới hạn bồi thường thiệt hại dựa trên cơ sở phương thức vận chuyển (vận chuyển bằng đường hàng không hoặc vận chuyển bằng phương thức khác) cho phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định việc thu hồi tiền bồi thường thiệt hại. Theo đó, khi tìm lại được một phần hoặc toàn bộ bưu gửi bị coi là đã mất và đã được bồi thường thiệt hại theo quy định thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm thông báo cho người nhận hoặc người gửi để định đoạt một phần hoặc toàn bộ bưu gửi đã tìm được; người nhận hoặc người gửi có quyền nhận lại một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này nhưng phải hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; trường hợp người nhận hoặc người gửi từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này nhưng phải hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho doan nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; trường hợp người nhận hoặc người gửi từ chối nhận lại thì một phần hoặc toàn bộ bưu gửi này sẽ là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

10. Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì các hoạt động nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam, làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài, làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trước khi Nghị định này có hiệu lực phải làm thủ tục thông báo hoạt động bưu chính. Bên cạnh đó doanh nghiệp đã được cấp giấy phép bưu chính trước khi Nghị định này có hiệu lực phải đảm báo số vốn theo quy định.

(Tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật 2011 – Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP)

Tin liên quan:

Nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP

Nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP

Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, dự án Luật này Bưu chính đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và ngày 17/6/2011, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính đã được Chính phủ ban hành và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011. Sau đây là bố cục và nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP:

1. Bố cục và nội dung chủ yếu của Luật Bưu chính

Luật Bưu chính gồm 10 chương 46 điều với nội dung cụ thể như sau:

Chương I – Những quy định chung

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) tập trung thể hiện rõ chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực bưu chính đối với các lĩnh vực khác để tránh chồng chéo. Lĩnh vực bưu chính bao gồm hoạt động bưu chính (dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát), không điều chỉnh các dịch vụ không có cùng bản chất nhưng từ trước đến nay vẫn được cung ứng trên mạng bưu chính như dịch vụ tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền bưu điện hoặc phát hành báo chí. Những dịch vụ này chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật khác có liên quan. Việc phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực bưu chính sẽ góp phần giảm sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật nói chung đồng thời làm tăng tính khả thi của Luật trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Chương II – Cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 12 điều (từ Điều 8 đến Điều 19) và quy định nhiều nội dung mang tính nghiệp vụ bưu chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người sử dụng dịch vụ.

Chương III – Đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính

Chương III gồm 7 điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính và các điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính. Theo đó, các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính được thể hiện rõ ràng, rành mạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, khuyến khích hoạt động kinh doanh hợp pháp cũng như đảm bảo lợi ích của người sử dụng.

Trong Chương này, hai nội dung lớn là cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thể hiện khá chi tiết và đầy đủ.

a) Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính

Việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính được quy định khá cụ thể nhằm thể hiện rõ ý chí cũng như mục tiêu quản lý vì mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an ninh quốc gia.

Việc cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính gắn liền với việc bảo vệ bí mật thư tín và quyền trao đổi thông tin của công dân như đã được đưa ra tại Điều 12 của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc. Quyền được trao đổi thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người và điều này cũng được thể hiện rõ trong Công ước của Liên minh Bưu chính thế giới. Ngoài ra, việc đảm bảo bí mật thư tín và quyền thông tin của công dân đã được thể chế hóa trong Hiến pháp cũng như các quy định khác của pháp luật như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự cũng như các quy định chuyên ngành.

Như vậy, bưu chính là một trong những nghề kinh doanh có điều kiện nhằm bảo vệ bí mật thư tín, quyền trao đổi thông tin của công dân, nên doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành nghề đó, kể từ khi có đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép bưu chính được thực hiện một cách linh hoạt dưới nhiều hình thức để phù hợp với thực tế hoạt động của thị trường cũng như công tác quản lý nhà nước.

b) Xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bưu chính được đầy đủ và hiệu quả thị bên cạnh việc cấp giấy phép bưu chính, Luật bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP đã quy định chi tiết việc cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với một số hoạt động bưu chính. Trong số các hoạt động bưu chính cần phải thông báo hoạt động, có những hoạt động đã được quy định trong các văn bản trước đây nhưng cũng có nhiều hoạt động mới được bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành.

Với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, mỗi loại hình hoạt động bưu chính sẽ có quy trình, thủ tục, hồ sơ phù hợp.

Chương IV – Chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 2 điều (từ Điều 27 đến 28) quy định về chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính.

Chương V – Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương V gồm 2 điều (Điều 29 và 30) quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Các quy định trong Chương này đã làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như thể hiện quyền bình đẳng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người sử dụng.

Chương VI – Hoạt động bưu chính công ích

Chương VI gồm 4 điều (từ Điều 31 đến Điều 34) tập trung quy định các vấn đề về nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, Luật Bưu chính cũng có quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình xây dựng trong việc bố trí địa điểm lắp đặt hệ thống thùng thư công cộng, thực hiện lắp đặt các hộp thư tập trung tại chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng.

Trong lĩnh vực bưu chính, bên cạnh việc xây dựng thị trường bưu chính kinh doanh phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh thì hoạt động bưu chính công ích là một trong những nội dung chủ yếu trong công tác quản lý nhà nước với những vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, các quy định về hoạt động bưu chính công ích được xây dựng dựa trên một số định hướng cơ bản sau đây:

a) Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Dịch vụ bưu chính công ích nhằm phụ vụ nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của toàn xã hội. Do vậy, các tổ chức và công dân đều có quyền tiếp cận, có quyền thụ hưởng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ. Theo Điều 3 của Công ước Liên minh Bưu chính thế giới mà Việt Nam là thành viên thì các nước thành phân phải đảm bảo để tất cả mọi công dân đều có quyền được hưởng dịch vụ bưu chính phổ cập ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước mình. Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ này được thực hiện một cách liên tục, có chất lượng đến mọi người dân với giá cước hợp lý.

b) Chỉ định doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích

Để đảm bảo quyền được trao đổi thông tin thiết yếu của người dân về bưu chính và để mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ bưu chính cơ bản ở khắp mọi nơi thì mạng lưới cung ứng dụng vụ phải rộng khắp, đặc biệt là ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp ngại đầu tư cung ứng dịch vụ bưu chính (vì kinh doanh không có lãi và khó thu hồi vốn) nên rất cần sự đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, hiện tại, tình hình kinh tế xã hội cũng như bưu chính của Việt Nam nhiều vùng phát triển còn thấp, đặc biệt là những vùng nghèo, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, tập trung lưu lượng, tận dụng mạng lưới đã đầu tư, giảm bớt gánh nặng chi phí và sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, Luật Bưu chính đã quy định về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện cung ứng dụng vụ bưu chính công ích với các quyền và nghĩa vụ cụ thể.

c) Về vi phạm dịch vụ bưu chính dành riêng

Phạm vi dịch vụ dành riêng là một phân đoạn thị trường bưu chính được Nhà nước dành riêng cho doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính phổ cập nhằm bù đắp chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập mà Nhà nước giao. Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng ở các nước được quy định với nấc khối lượng và mức cước khác nhau nhằm mục đích hài hòa các lợi ích của từng quốc gia, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập.

Tại các nước phát triển, dịch vụ dành riêng là một cơ chế hỗ trợ tài chính có hiệu quả và được thực hiện tương đối lâu dài. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sản lượng dịch vụ còn thấp, mức cước còn thấp hơn giá thành thì cơ chế này trước mắt chưa tạo ra lợi nhuận mà chỉ có tác dụng tập trung lưu lượng, giảm giá thành dịch vụ, từ đó giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách của Nhà nước.

Luật Bưu chính đã quy định: Dịch vụ bưu chính dành riêng, gồm dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2 kilogram (kg) với mức giá cước theo quy định của pháp luật; và phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ.

Chương VII – Tem Bưu chính

Chương VII gồm 3 điều (từ Điều 35 đến Điều 37) quy định về tem bưu chính Việt Nam và sử dụng tem bưu chính. Các quy định trong Chương này được quy định nhằm đảm bảo phù hợp với Công ước của Liên minh Bưu chính thế giới và thông lệ quốc tế.

Chương VIII - Giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 38 đến Điều 42) quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại. Các quy định trong Chương này được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Chương IX – Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính

Chương IX gồm 2 điều (Điều 43 và Điều 44) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chương X – Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 điều (Điều 45 và Điều 46) quy định hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.

Các quy định về bưu chính của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Bố cục và nội dung cơ bản Nghị định số 47/2010/NĐ-CP

Nghị định quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính gồm 6 chương 30 điều với nội dung cụ thể như sau:

Chương I - Những quy định chung

Chương I bao gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ.

Theo quy định tại chương này, dự thảo Nghị định điều chỉnh một số nội dung trong hoạt động bưu chính: đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, giấy phép bưu chính, thông báo hoạt động bưu chính, tem bưu chính, bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Chương II - Đầu tư trong lĩnh vực bưu chính

Chương này gồm 2 điều (Điều 3 và Điều 4), quy định về thẩm tra dự án đầu tư; thực hiện, chuyển nhượng dự án đầu tư. Theo đó, các dự án có mức vốn khác nhau sẽ có các quy định quản lý phù hợp với từng loại.

Ngoài ra, chương II cũng quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thanh lý dự án đầu tư hoặc có điều chỉnh khác đối với dự án đầu tư.

Chương III - Giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Chương III bao gồm 11 điều (Điều 5 đến Điều 15), quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính; hồ sơ đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; quản lý và sử dụng giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, dự thảo Nghị định cũng quy định chi thiết các nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính Theo đó, để được cấp giấy phép bưu chính, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về mức vốn tối thiểu; về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính; về cấp lại giấy phép bưu chính hết hạn; cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Cũng trong chương này, Nghị định còn quy định cụ thể lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được. Cũng trong Chương này, Nghị định còn quy định về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính; về lệ phí cấp giấy phép bưu chính.

Chương IV - Tem bưu chính

Chương về tem bưu chính, bao gồm 8 điều (từ Điều 16 đến Điều 23), quy định việc phân loại tem bưu chính Việt Nam; sử dụng tem bưu chính Việt Nam; nhập khẩu tem bưu chính; quy hoạch đề tài tem bưu chính Việt Nam; hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính Việt Nam; thiết kế mẫu tem bưu chính Việt Nam và mẫu dấu đặc biệt; lưu trữ tem bưu chính; kinh phí hoạt động tem bưu chính.

Chương V - Bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính

Chương này bao gồm 4 điều (từ Điều 24 đến Điều 27), quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường thiệt hại; mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại; thực hiện bồi thường thiệt hại và thu hồi tiền bồi thường thiệt hại.

Chương VI – Điều khoản thi hành

Chương về Điều khoản thi hành gồm 3 điều (Điều 28 đến Điều 30) quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2011.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông về bưu chính, Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 2 tháng 8 năm 2007 về dịch vụ chuyển phát, quy định về bưu chính trong Nghị định 121/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2008 về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông hết hiệu lực.

(Tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật 2011 – Luật Bưu chính, Nghị định số 47/2011/NĐ-CP)

PPP đã gõ cửa ngành Thông tin và Truyền thông

Năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội thảo về PPPs (Public Private Partnership) trong xây dựng dịch vụ công, dịch vụ Chính phủ điện tử… Đây là một thông tin tốt với Ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông. Bài viết này chia sẻ với bạn đọc về một mô hình phát triển ngành thông tin và truyền thông.   

Ảnh minh họa: minhdtvn

I. PPP có từ bao giờ

1.1. Những hình thức PPP trong lịch sử quản lý phát triển Việt Nam [12]

Kinh nghiệm thời Nhà Trần trong xây dựng quân đội hùng mạnh thể hiện rõ thông qua chủ trương cho phép quân đội được Quân đội sản xuất nông nghiệp để tự cân đối quân lương dự phòng cho các chiến lược phát triển dài hạn của quân đội. Các quyết sách của Nhà trần đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của quân đội và tăng cường sự gắn kết của mối quan hệ quân với dân.

Hình 1. Mô hình quản lý theo thuật Bát hoàng kỳ

Nhà Lê Luật Hồng Đức và Bản đồ Hồng Đức và áp dụng phổ biến Mô hình quản lý Bát hoàng Kỳ. Mối quan hệ giữa các Kỳ (Vương gia) với Hoàng kỳ có phần hợp lý hơn giống như người La Mã đã xây dựng thiết chế tài chính mạnh mẽ cùng với các sự lớn mạnh của quân đội bản địa tại các vùng lãnh thổ được mở rộng. Có thể tóm tắt nguyên lý quản lý cổ - Bát hoàng kỳ thông qua Hình 1, trong đó việc trồng, cấy và trăm sóc của Hoàng Kỳ sẽ do một trong tám Kỳ xung quanh thực hiện luân phiên. Kết quả cả Hoàng kỳ và tám kỳ này đều phát triển bền vững, những kết quả này có phần hợp lý hơn trong việc quản lý và phân bổ Ngân sách của Việt Nam hiện nay.

Lấy một ví dụ về việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm tại Thương Hải (Trung Quốc), PPP được hiểu đơn giản như sau: Chính phủ lo đầu máy và đường ray, ngân sách địa phương lo nhà ga và các công trình liên quan. Như vậy không xuất hiện việc đầu tư tràn lan trong khu vực công việc quy hoạch phát triển hạ tầng gắn với việc phát triển các trung tâm kinh tế. Do vậy, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đã cộng sinh với sự phát triển hạ tầng kinh tế. Bài học này cũng là một gợi ý tốt trong xây dựng Chính phủ điện tử hoặc xã hội hóa các dịch vụ công khác của ngành thông tin và truyền thông.      

Một ví dụ khác là thời Nhà Nguyễn (Việt Nam) thực hiện chủ trương cho phép tù nhân được khai khẩn khai khẩn đất đai tại các vùng đất hoang, đất ven biển. Nhờ vậy, nhà Nguyễn đã cải tạo được và đóng góp cho đất nước các vùng đất phì nhiêu tại Ninh Bình và Thanh Hóa như ngày nay.

1.2.  Đôi điều về PPP  ở Việt Nam

Quan điểm xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế cũng đã được chủ trương hóa trong một số nghiên cứu về xã hội hóa dịch vụ công như một chủ trương và thường được gắn với đổi mới tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước như nghiên cứu của Học viện Hành chính [1,3]. Quan điểm xã hội hóa đã phát huy một số kết quả bước đầu trong lĩnh vực giao thông thông qua chủ trương đấu thầu đổi đất lấy hạ tầng hoặc xã hội hóa các lĩnh vực thu gom rác thải… 

Trong việc khởi động lại con tàu xã hội giáo dục, trong bài trả lời báo Thanh Niên 2008 [2], Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nêu hình thức xã hội hóa của ta có nhiều điểm tương đồng với mô hình  PPPs của quốc tế.

1.3.  Đề xuất một khái niệm về PPP

Từ các phân tích ở trên chúng ta có thể nhận thấy bản chất làm mô hình PPP là mô hình tích hợp các nguồn vốn đầu tư hiện có trong xã hội vào phát triển xã hội, trong đó mục tiêu xã hội phát triển bền vững là mục tiêu cao nhất.

Khái niệm này giống với khái niệm PSPP (Public Social Private Partnership) [8] được áp dụng rộng rãi trong phát triển và cung cấp hạ tầng xã hội và dịch vụ công cơ bản trên thế giới. Hình 2 mô tả phạm vi các chủ thể trong mối quan hệ trong mô hình PSPP.

Hình 2. Mô hình PSPP

1.4.  Các lớp cơ bản trong PPP

Có thể phân chia các nội dung của mối quan hệ PSPP thành năm lớp cơ bản sau:

Thứ nhất, Chính sách và chiến lược phát triển bền vững xã hội thông qua các mục tiêu phát triển và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ hai, Luật pháp là cơ sở  huy động và bảo về quyền lợi của các bên trong tham gia đầu tư, cung cấp, quản lý vận hành các hạ tầng xã hội và dịch vụ phục vụ mục đích phát triển xã hội trên nguyên tắc đảm bảo cân đối lợi ích của các chủ thể [6].

Thứ ba, mô hình kinh doanh là cơ sở để các chủ thể vận hành một cách linh hoạt và hiệu quả. Ngoài ra mô hình kinh doanh là bằng chứng thiết thực chứng tỏ sự quan tâm và cam kết lâu dài của Nhà nước trong huy động và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào cung cấp và đầu tư hạ tầng phục vụ xã hội khi hệ thống luật pháp liên quan đến PPP trong tiến trình hoàn thiện [4].

Thứ tư, vấn đề an ninh kinh tế và an ninh xã hội là vấn đề then chốt, bởi lẽ mô hình PPP phục vụ xã hội chỉ có thể phát triển khi duy trì được trật tự và an ninh xã hội.  

II. Tại sao Việt Nam cần quan tâm đến PPP

2.1.  Câu chuyện quản lý về đầu tư

Trong quản lý đầu tư nói chung và quản lý đầu tư phát triển nói chung vấn đề quản lý quy mô đầu tư là câu hỏi nan giải với các nhà hoạch định chính sách đều phải vượt qua. Để đơn giản tác giả xin luận bàn thông qua câu chuyện “không có thật” về việc quyết định đầu tư của một người nông dân, cụ thể như sau: Một anh nông dân tài sản có 50 triệu đồng được phân bổ phân bổ vào một cây mít, một gian nhà ngói năm gian, một cái bếp và một cái giếng nước. Do may mắn anh được điều động làm quản lý đầu tư xã hội, đến khi anh trở thành ngưới quyết định đầu tư của một Ngành với quy mô 500.000 tỷ đồng, anh vẫn nhớ đến mô hình đầu tư bền vững ở quê và anh đã quyết định phân bổ nguồn lực của ngành kinh tế thông qua đầu tư 50 triệu dự án mỗi dự án gồm: một căn nhà, một cây mít, một giếng nước, một cái bếp thông qua hệ thống kế hoạch cứng có tính pháp lệnh.

Câu chuyện quản lý bàn luận được đưa ra: anh chưa thích nghi với việc kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ do vậy các quyết định cứng của anh ta đã gặp vấn đề trong quyết định quy mô. Ở khía cạnh khác, nếu ngành anh ta quản lý đã có chính sách xã hội hóa và vận dụng mô hình PPP trong đầu tư thì các quyết định của anh ta sẽ được xã hội phản biện thông qua sự tham gia các các thành phần kinh tế và kết quả thực tế mà đòi hỏi xã hội đặt ra, thì quyết định của anh sẽ không gặp vấn đề như vậy. 

2.2.  Mô hình cốt lõi của PPP

Bài viết xin kiến giải sự cần thiết của PPPs [8] trong phát triển các mục tiêu xã hội thông qua nội dung số nhân đầu tư nguồn lực xã hội. Hiện tại các nước đều xác định nguồn lực đầu tư của chính phủ là then chốt và có tính lan tỏa thông qua mô hình đầu tư mời (pumpping investment). Thông qua đó số vốn đầu tư của Ngân sách sẽ được thu hồi và luân chuyển qua các linh vực khi khu vực khác.

Trong lĩnh vực ICT, các mô hình phát triển khu công nghiệp Busan, Hàn Quốc là một bài học kinh điển về đầu tư mồi của Chính phủ Hàn Quốc. Từ khoản đầu tư (có thu hồi) ban đầu của Chính phủ, khi khu công nghiệp pháp triển chỉnh phủ bán bớt các cổ phần với giá cao hơn ban đầu và duy trì một tỷ lệ chi phối thích hợp đối vơi Busan, khoản tiền thu được từ bán cổ phiếu sẽ được dịch chuyển đầu tư sang khu vực khác. Như vậy, khoản đầu tư của chính phủ đã phát huy tác dụng và không ngừng lớn mạnh.

2.3.  Xu thế PPP vào Việt Nam

Hiện tại phương thức PPP đang là các vấn đề nóng hổi tại Việt Nam thông qua hiện tượng xuất hiện của các Nhà tài trợ, các nhà đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam, cụ thể:

- Làm việc với Bộ Giao thông Vận tải có các nhà tài trợ Ngân hàng thế giới (WB), JBIC về hạ tầng giao thông;

- Làm việc với Bộ Xây dựng có Thương vụ Ý liên quan đến các dự án nhà ở cho người nghèo;

- Tổ chức GTZ (Đức) và dự án phát triển thị trường cho người nghèo.

- Ngân hàng Thế giới khởi động các dự án tài chính vi mô;

- Đối với các nước đang phát triển thì PPP là một lựa chọn quan trọng để các nước đang phát triển thu hút nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

2.4.  Lợi ích so sánh PPP và ODA

Thông quan việc mở rộng quy mô PPP, trong khuôn khổ bài viết xin đưa ra các lợi ích xã hội sẽ đạt được như sau [9]:

- Giảm gánh nặng chi ngân sách cho đầu tư hạ tầng

- Nâng cao hiệu quả quản lý xã hội nhờ việc quản lý được xã hội hóa.

- Giảm nợ nước ngoài

- Giảm thâm hụt cán cân thương mại

 Giảm bớt các vấn đề lợi ích nhóm và kinh tế học giao dịch…

2.5.  Các lĩnh vực cần có PPP

Qua việc phân tích lợi ích của mô hình PPP và nhu cầu xã hội về các dịch vụ công ích, có thể nhận thức xu thế xuất hiện của mô hình PPP trong các lĩnh vực [11,5,6]: Bưu chính, Viễn thông, Dịch vụ công, chứng thực điện tử, chính phủ điện tử tử, Giao thông, Y tế, Giáo dục, chứng thực, chứng minh thư điện tử…

Bùi Xuân Chung

Tài liệu tham khảo:

[1]. Lê Chi Mai (2007), Tài liệu Giảng dạy chuyên viên cao cấp của Việt Nam, Chuyên đề: Xã hội hóa và tư nhân hóa, đổi mới cung cấp dịch vụ công, Hà Nội.

[2]. Nhóm phóng viên giáo dục (2008), “Ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân  về tăng tốc "con tàu" xã hội hóa”, Báo Thanh Niên, (11), Hà Nội.

[3]. Chu Văn Thành (2007), Dịch vụ công - Đổi mới quản lý và cung ứng ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Chu Văn Thành (2004), Dịch vụ Công và xã hội hóa dịch vụ công - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4].Antonio Estache (2007), PPPs in transport, Washington DC.

[5]. Canada government (1999), Public Private Partnership A Guide for Local Government, Canada.

[6]. Mona Hammami (2006)- Diterminants of PPPs in infrastructure, IMF,Washington DC.

[7]. United kingdom (2006), Public private partnerships - The government’s approach, London.

[8]. World Bank (2005), Assesing and reforming Public Financial Management - A new approach,Washington DC.

[9]. World Bank (2005), Fiancing information and communication infrastructure needs in the developing World - Public and private role,Washington DC.

[10]. World Bank (2004), Telecommunications challengers in developing countries,Washington DC.

[11]. Đại Việt sử ký tòan thư - Ấn bản Triều Nguyễn