Nội dung Luật tần số vô tuyến điện (Phần 3)
Luật Tần số VTĐ gồm 8 chương, 49 điều đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, bao quát được các vấn đề liên quan đến công nghệ, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước. Phần 3 này giới thiệu Chương 5 đến Chương 8 của Luật Tần số VTĐ.
Ảnh minh họa: Internet |
V. Chương 5. Kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 34 đến Điều 40) quy định đối tượng và trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ; các hình thức kiểm tra; các biện pháp hạn chế nhiễu có hại, nguyên tắc, thủ tục xử lý nhiễu có hại; quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ.
Để có thể kiểm soát thường xuyên các sóng VTĐ đang được sử dụng của Việt Nam cũng như của nước ngoài phát đến Việt Nam cần có hệ thống trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại, công nghệ cao (bao gồm các trạm kiểm soát cố định, trạm kiểm soát lưu động, trạm kiểm soát điều khiển từ xa, các xe thiết bị chuyên dùng, máy định vị, máy đo với độ chính xác cao…) mà hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí đầu tư mua sắm khá lớn.
Nhờ có hệ thống kiểm soát hiện đại, từ năm 1993 đến nay, có khoảng 860 vụ can nhiễu đã được giải quyết, trong đó có nhiều vụ xác định nguồn nhiễu hết sức khó khăn phức tạp như nhiễu cho hệ thống điều hành bay hàng không, nhiễu cho các mạng thông tin di động; đã phát hiện và xử lý là gần 9000 vụ vi phạm quy chế sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ; ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, các vụ lợi dụng tần số VTĐ để phá hoại sản xuất, kinh doanh viễn thông trái pháp luạt (sử dụng lậu các trạm thông tin vệ tinh VSAT để cung cấp dịch vụ viễn thông, các hãng taxi phá sóng của nhau, v.v…).
1. Đối tượng chịu sự kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ
Tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị VTĐ trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về tần số VTĐ.
2. Trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ
Luật này phân định rõ trách nhiệm của các Bộ về kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ trong cả 3 lĩnh vực dân sự - an ninh – quốc phòng.
Bộ TT&TT chịu trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát chung trên phạm vi cả nước; được phép thành lập đoàn kiểm tra và quy định các nội dung kiểm tra cũng như thủ tục kiểm tra, trách nhiệm của đối tượng chịu sự kiểm tra.
Bộ Công An và Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát tần số dành riêng cho mục đích quốc phòng và an ninh.
Điểm mới trong điều luật này là quy định kết quả kiểm tra, kiểm soát, thu, đo tham số kỹ thuật của cơ quan nhà nước là bằng chứng để xác định và xử lý hành vi vi phạm pháp luật cũng như xử lý nhiễu có hại.
3. Các hình thức kiểm tra
Gồm có 2 hình thức: định kỳ và đột xuất.
Kiểm tra định kỳ là kiểm tra theo chương trình đã lên kế hoạch trước. Kiểm tra đột xuất chỉ thực hiện khi giải quyết nhiễu có hại hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.
4. Biện pháp hạn chế nhiễu có hại
- Chỉ phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép.
- Giảm mức phát xạ không mong muốn xuống mức nhỏ nhất.
- Sử dụng phương thức phát có độ rộng băng tần chiếm dụng nhỏ nhất tương ứng với công nghệ sử dụng.
- Hạn chế thu, phát ở những hướng không cần thiết.
- Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để bảo đảm chất lượng thông tin.
5. Nguyên tắc xử lý nhiễu có hại
- Ưu tiên xử lý cho tần số phát trong độ rộng băng tần cho phép.
- Ưu tiên cho các nghiệp vụ chính trước. Trường hợp cần phải thay đổi tần số hoặc các tham số kỹ thuật để xử lý nhiễu có hại thì các nghiệp vụ chính được ưu tiên giữ nguyên tần số, nghiệp vụ phải đổi tần số hoặc điều chỉnh các tham số kỹ thuật.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng đài gây nhiễu được yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục như thay đổi tần số, hạn chế công suất phát, thay đổi chiều cao, hướng tính, phân chia lại thời gian làm việc…
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ gây nhiễu phải thực hiện các biện pháp loại bỏ nhiễu hoặc ngừng sử dụng nếu gây nhiễu cho dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh cho đến khi khắc phục xong nhiễu.
- Khi không sử dụng đúng quy định của giấy phép mà gây nhiễu thì phải chịu chi phí cho việc chuyển đổi tần số, thiết bị và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
- Khi gây nhiễu phải khắc phục nhiễu và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Thủ tục xử lý nhiễu có hại
- Thông báo cho cơ quan quản lý về nhiễu theo mẫu quy định để cung cấp các thông tin liên quan đến nhiễu.
- Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ để xác định nguồn nhiễu, nguyên nhân và biện pháp xử lý nhiễu theo hướng dẫn.
7. Hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ
Hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ nhằm đảm bảo các đài VTĐ (đặc biệt là đài định hướng sóng VTĐ, đài thông tin vệ tinh…) không bị che chắn sóng bởi các cấu trúc, công trình xung quanh, làm ảnh hưởng đến tính năng hoạt động của đài.
Luật quy định xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT để quy định chi tiết các điều kiện về kỹ thuật, khoảng không gian cần thiết cũng như công bố Danh sách đài VTĐ có hành lang an toàn kỹ thuật phải được đảm bảo kèm theo địa chỉ, địa điểm lắp đặt.
VI. Chương 6. Đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh
Chương này gồm 4 điều (từ Điều 41 đến Điều 44) trong đó xác định đối tượng cần đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ cho hệ thống vệ tinh, hệ thống mặt đất và trong cả việc phối hợp trực tiếp với tổ chức sử dụng tần số VTĐ, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài.
Hợp tác quốc tế về tần số VTĐ bao gồm đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh, phối hợp tần số quốc tế. Hoạt động này được quy định trong Luật phù hợp với các chính sách chung về hợp tác quốc tế, như nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền bình đẳng cùng có lợi của các quốc gia nhưng cũng có một số điểm khác biệt.
Điều 41 của Luật quy định về 5 trường hợp phải đăng ký, phối hợp quốc tế. Điều 42, 43 của Luật này quy định rõ trách nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đàm phán, ký kết để tạo thêm nguồn lực, tăng cường khả năng phối hợp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi quốc gia trong lĩnh vực này. Điều 44 cho phép các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong nước phối hợp trực tiếp với tổ chức sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài nhưng kết quả của việc phối hợp này chỉ có hiệu lực khi được Bộ TT&TT phê duyệt trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia và phù hợp với quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế.
VII. Chương 7. Quản lý và sử dụng tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh
Chương này gồm 3 điều (từ Điều 45 đến Điều 47) quy định việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý sử dụng các băng tần được phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; quản lý và sử dụng thiết bị gây nhiễu dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
1. Phân bổ tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh
Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, không những đảm bảo quyền sử dụng tài nguyên tần số quốc gia cho an ninh, quốc phòng mà còn làm giảm khả năng can nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin phục vụ nhiệm vụ kinh tế xã hội với các mạng thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh các quy hoạch phổ tần số quốc gia, quy hoạch băng tần, quy hoạch phân kênh, Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, An ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục đích của việc này là phân chia một số đoạn băng tần để sử dụng: dùng riêng cho mục đích quốc phòng, mục đích an ninh, mục đích kinh tế - xã hội; hay để sử dụng chung.
Ở một số nước, việc phân chia này được quy định luôn trong quy hoạch phổ tần quốc gia, nhưng với Việt Nam việc phân chia được quy định trong một văn bản riêng. Theo từng thời kỳ, trên cơ sở Quy hoạch tần số VTĐ quốc gia, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo tỷ lệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định phân bổ băng tần giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế xã hội từ 9kHz đến 470 MHz (Quyết định số 257/2006/QĐ-TTg).
2. Quản lý, sử dụng tần số VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng, aninh
Việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thể hiện sự phân cấp quản lý của nhà nước đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong lĩnh vực tần số VTĐ. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng đúng mục đích các băng tần số được phân bổ. Việc làm này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, không những đảm bảo quyền sử dụng tài nguyên tần số quốc gia cho an ninh, quốc phòng, đồng thời còn làm giảm khả năng gây nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin phục vụ các mục đích kinh tế xã hội với an ninh và quốc phòng.
3. Quản lý và sử dụng thiết bị gây nhiễu
Lần đầu tiên, vấn đề quản lý và sử dụng thiết bị gay nhiễu đã được đưa vào trong Luật. Theo đó, việc sử dụng thiết bị gây nhiễu chỉ được cho phép đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, tổ chức không thuộc 2 Bộ này, muốn sử dụng phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
VIII. Chương 8. Điều khoản thi hành
Chương này gồm 1 điều (Điều 49) quy định thời gian có hiệu lực thi hành của Luật bắt đầu từ 1/7/2010, bãi bỏ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/PL-UBTVQH10 kể từ ngày 1/7/2010.
Kết luận
Về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, của Đảng và Nhà nước.
Kết cấu Luật gồm 8 chương, 49 điều đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, bao quát được các vấn đề liên quan đến công nghệ, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tần số VTĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tình hình phát triển đất nước, những quy định của Luật đã giải quyết phần lớn các vấn đề bất cập của pháp luật nước ta trong lĩnh vực tần số VTĐ và phù hợp với các điều ước quốc tế về tần số VTĐ mà Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên./.