![RSS - Bưu chính Syndicate content](/misc/feed.png)
Bưu chính
Việt Nam lần đầu tiên ứng dụng công nghệ nhận diện tem Bưu chính trên thiết bị di động
Submitted by nlphuong on Mon, 01/08/2016 - 06:46(ICTPress) - Bưu chính Việt Nam và Thái Lan chuẩn bị phát hành đặc biệt bộ tem "Tem phát hành chung Việt Nam - Thái Lan" nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan.
Nhân dịp phát hành đặc biệt bộ tem chung này, công nghệ nhận diện tem bưu chính lần đầu tiên được đưa vào ứng dụng trên tem Bưu chính Việt Nam.
Theo đó, người chơi tem, người sử dụng tem có thể tải về miễn phí phần mềm ứng dụng Asean Stamp cho các máy smartphone Android, iOS để có thể xem clip dài khoảng 3 phút giới thiệu bộ tem và các thông tin liên quan.
![]() |
Được biết, bộ tem là một khối 4 con tem, 2 con tem về múa rối nước Việt Nam và 2 con tem về múa rối cạn của Thái Lan nên người xem khi có ứng dụng nhận diện có thể xem các clip giới thiệu về múa rối nước của Việt Nam, múa rối cạn của Thái Lan và các thông tin về loại hình văn hóa đặc sắc này của hai nước. Các clip có phụ đề tiếng Anh.
Bà Ngô Hoài Thanh, Phó Trưởng Ban Tem Bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết công nghệ nhận diện tem Bưu chính trên thiết bị di động giúp cho cộng đồng và đặc biệt những người chơi tem có thể tìm hiểu thông tin và hình ảnh về con tem thông qua clip. Công nghệ nhận diện tem bưu chính được ứng dụng công nghệ tương tác cũng giúp quảng bá du lịch trong nước và giới thiệu danh lam thắng cảnh.
Ứng dụng này sẽ hiện diện trên 2 triệu con tem của bộ tem này bao gồm cả tem chơi, tem cước phí do Bưu điện Việt Nam phát hành, tạo điều kiện cho người chơi và đặc biệt người sử dụng tem. Trong khi đó Bưu chính Thái Lan chỉ đưa ứng dụng này lên số lượng tem chơi.
Được biết, trên thế giới mới có khoảng 10 nước ứng dụng công nghệ nhận diện này trên tem Bưu chính như Vương quốc Anh triển khai ứng dụng này đầu tiên vào năm 2010. Ở châu Á, Bưu chính Thái Lan triển khai ứng dụng năm 2013 và đây là bộ tem thứ 4 Bưu chính Thái Lan triển khai ứng dụng. Bưu chính Singapore triển khai năm 2015. Và Việt Nam là nước thứ 3 ở châu Á bắt đầu triển khai từ năm nay.
Bà Thanh cũng cho biết các sản phẩm tem Bưu chính Việt Nam ứng dụng công nghệ này vẫn có giá mặt không thay đổi để người chơi tem và người sử dụng có thể tiếp cận công nghệ hiện đại và nhiều người dân được tiếp cận với tem Bưu chính, văn hóa Việt Nam.
Minh Anh
Toàn văn bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45
Submitted by nlphuong on Fri, 20/05/2016 - 11:13(ICTPress) - Dưới đây là toàn văn bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45 với chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” của em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương.
![]() |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng trao giải Nhất cho em cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45 cho Nguyễn Thị Thu Trang. |
Thiên đàng, ngày 1/1/2016
Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!
Vậy là gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi - bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria - được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh - là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế. Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ - cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh!
Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng - một thế giới kỳ diệu và lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia,… không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực. Tất cả đều như nhau - những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.
Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nổ trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu… Chao ơi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ tất cả đã quá xa vời…
Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về “miền đất hứa” ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên "Bố ơi, xin đừng chết!". Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé 3 tuổi thì có thể làm được gì giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi… biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quân xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân. Tôi nằm trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.
Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? “Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu”, “Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy” rồi “khiến thế giới câm lặng” hay “thức tỉnh lương tri”… Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần.... Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta “cường điệu hóa” hay “thi vị hóa” một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗ đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên 3. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý. Chao ôi, 3 năm - một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực, giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao, giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như… thì có lẽ tôi đã không phải chết!
Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi mà tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!
Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hang nghìn, thậm chí còn hang triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hang nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét vì bệnh tật, hang tram người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được. Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ. “Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa… mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì….”. Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có những cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?
Và từ nơi đây, từ trong đau đớn tột cùng của một đứa trẻ đã chết từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh – là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh – tuổi 45 – là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đơi. Khi tôi 45 tuổi, còn sống – là anh – ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới? Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư? Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tuôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi, thưa anh!
Thân ái!
Tôi - là anh từ trên thiên đàng
Toàn văn bức thư đạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 44
Submitted by nlphuong on Tue, 03/11/2015 - 06:25(ICTPress) - Tuần qua, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) A. Hussein đã trao Giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư quốc tế UPU 44 cho em Sara Jadid, từ Lebanon tại Văn phòng của tổ chức này tại Bern, Thụy Sỹ.
![]() |
Sara Jadid tại Berne với chứng nhận giải Nhất cuộc thi quốc tế (Ảnh: Marcel Bieri/keystone) |
“Jadid” có nghĩa là điều gì đó mới mẻ và tươi sáng và Sara đúng là như vậy”, Tổng giám đốc Hussein đã nói trước các đoàn đại biểu các nước và các lãnh đạo cao cấp quốc tế của tổ chức này.
Sara cho biết khi được biết chủ đề cuộc thi viết thư lần thứ 44 “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó”, em đã nghĩ đó là cơ hội để trình bày suy nghĩ của bản thân về thế giới em muốn lớn lên không phải thế giới mà em đang nhìn thấy hiện tại bởi em lớn lên tại vùng đất nghèo khó ở thành phố Tripoli, Lebanon và không xa lạ với chiến tranh và xung đột ở tuổi 13.
Bức thư của em đã nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo bởi những cảm xúc chân thực.
Dưới đây là toàn văn bức thư của em Sara Jadid, đã nhận được giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 44:
Tripoli, Lebanon, ngày 14/2/2015
Đối với tất cả những ai đang hủy hoại bao ước mơ của tôi cũng như với tất cả những người đã dập tắt niềm vui trong trái tim tôi, tôi xin gửi một lời chào đẫm nước mắt của tuyệt vọng, một lời chào chứa đầy yêu thương lẫn hy vọng, một nỗi đau khiến tôi phải chịu đựng và một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
Từ nơi đây, chính tại thế giới này, nơi tôi sống trong đau khổ, tôi viết ra những lời này để vẽ nên một thế giới đang hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi, những gì tôi viết ra đây sẽ giống như một lá thư, vì vậy mà hình ảnh tưởng tượng ấy biết đâu sẽ trở thành hiện thực. Từ nơi đây, từ chính thế giới tối tăm này, tôi mơ ước được sống trong một thế giới tươi sáng, thậm chí thế giới ấy vượt ra ngoài chân trời.
Từ nơi đây, bằng lá thư này, tôi tìm đến gõ cửa lương tâm những kẻ khủng bố, những kẻ luôn để nhân tính ngủ say, và để chiến tranh luôn thức tỉnh. Từ nơi đây vang lên lời nói của tôi, từ bầu không khí đẫm mùi chiến tranh này chính là nơi chúng ta đang sống.
Thế giới của tôi thật khác lạ. Thế giới ấy không hề có hận thù, chiến tranh và chủ nghĩa bè phái. Lá cờ của hoàn hảo tung bay trên khắp thế giới của tôi và đoàn kết dưới bầu trời là mặt trăng của thân thiện và mặt trời của tự do. Mỗi lần nhắm mắt lại, tôi mơ về một thế giới nơi có chim bồ câu bay lượn và ánh đèn bừng sáng từ làng mạng ven sườn núi mỗi khi màn đêm buông xuống.
Thế giới của tôi là một giấc mơ, giấc mơ ấy đưa tôi đi du ngoạn trên mọi nẻo đường, trên những con thuyền nơi cảng biển và chu du cùng ánh nắng mặt trời, đắm mình cùng ánh nắng phía chân trời và chạm vào cầu vồng, giấc mơ lại đưa tôi ngao du cùng mặt trăng trên đường trở về từ những xứ sở nơi người dân tưng bừng chào đón lễ hội bằng pháo hoa tỏa hình sao lấp lánh. Đó là một thế giới mà chúng ta tìm thấy nền văn minh, chợ cổ và những ngôi nhà có cửa sổ rực rỡ sắc hoa hồng.
Trong thế giới của tôi, tiếng chuông thánh đường Hồi giáo và chuông nhà thời cùng gióng lên khúc hát ru, và một ngôi sao duyên dáng tỏa sáng rực rỡ giữa muôn vì sao nhỏ nhảy múa xung quanh mỗi khi đêm về. Đó là một thế giới luôn giang rộng cánh tay của mình cho tất cả mọi người, không hề phân biệt màu da.
Tôi không muốn thế giới của tôi là một nhà máy thuốc súng và tôi không muốn con cái của mình trở thành nạn nhân của sự chia ly. Tôi muốn thế giới này là một nhà máy sản xuất những điều thiện, là nơi cung cấp khoa học, tri thức và văn hóa. Tôi muốn cả thế giới là một chú chim bồ câu mang một cành ô liu trong thế gian đầy bão tố, là một ngọn hải đăng hướng dẫn tàu thuyền cần ẩn náu nơi xa. Tôi muốn nhìn thấy ánh sáng của thế giới trong những đám mây, thấy tiếng cười trong nước mắt.
Tôi muốn thế giới của tôi trường tồn bất diệt, hoành tráng tựa thiên đường cổ tích với những dãy núi trùng điệp và hùng vĩ. Tôi muốn cả thế giới là một xứ sở nơi trẻ em không hề biết đến âu lo, một thế giới yên bình không biết đến bom rơi, đạn nổ hay gươm dao.
Tôi muốn thế giới của tôi trở thành một pháo đài vững chắc, mỗi tảng đá của pháo đài chính là những cánh tay của trẻ em luôn ngẩng cao đầu. Tôi muốn thế giới của tôi luôn kiêu hãnh và hiên ngang, một thế giới bất diệt sẽ khiến cho tôi cảm thấy bình minh đang hé sáng.
Tôi ước mơ tới ngày được sống trong một thế giới nơi bốn mùa đều là mùa xuân, một thế giới rợp màu xanh cây lá, một thế giới đầy sức sống, khoan dung và nhân ái và trung thành, một thế giới nơi trẻ em luôn cố gắng làm điều thiện.
Tôi ước muốn một thế giới không gì sánh bằng, một thế giới nơi mọi người không chỉ có bình đẳng, một thế giới nơi những đỉnh núi là hy vọng, không khí là tình yêu, đất là lòng nhân ái, và nước là lòng vị tha. Tôi muốn có một xứ sở thần tiên để ươm những mầm xanh của lòng nhân hậu, của lòng vị tha, để tạo ra những thế hệ xuất chúng cho một tương lai đầy hứa hẹn như chúng ta hằng mơ ước.
Tôi muốn lòng chung thủy luôn bao trùm trên thế giới của tôi, vì nơi tôi sống đang thiếu đức tính này. Tôi ước mơ được làm chủ một thế giới mà tình yêu trở thành biểu tượng và lòng chung thủy là nền tảng, một thế giới nơi mà cả phản bội lẫn hận thù đều chẳng có ý nghĩa gì.
Tôi không muốn xảy ra các cuộc xung đột giữa người dân trong thế giới của tôi. Tôi muốn mọi người được thống nhất và đoàn kết mãi mãi, mọi người cư xử với Trái đất như một người mẹ ân cần với đứa con mới lọt lòng của mình.
Tôi mong muốn thế giới của tôi đại diện cho những điều tốt lành, thế giới ấy như tươi sáng hơn nhờ những giọt nước, trái cây ngọt ngào, hàng cây rợp bóng, cơn gió ngát hương hoa, khúc hát của dòng sông, mùa xuân trong lành, rạng chiếu rực rỡ, hoàn hôn đỏ rực, những ngôi sao lấp lánh và vầng trăng tròn vành vạnh. Trong thế giới của tôi, bốn mùa trôi qua không ngừng nghỉ để nuôi dưỡng mọi chúng sinh.
Tôi ước muốn thế giới của tôi trở thành một người mẹ thứ hai luôn sưởi ấm tôi bằng tấm lòng tràn đầy tình yêu thương, hy vọng và chở che. Tôi muốn thế giới ấy là nơi mà đau khổ ẩn sâu phía sau những cánh cửa của lãng quên để các chú chim bồ câu của tương lai bay liệng trên bầu trời; một thế giới hội tụ những khoảnh khắc của thiên đường sáng chói; một thế giới quan tâm tới mỗi thế hệ bằng sự dịu dàng, không hề báng bổ hay giận dữ; một thế giới được ru ngủ trên tấm nệm của hy vọng bằng những lời kể về sự bất từ và làm mới những câu chuyện kể ấy bằng các quy tắc của tương lai; một thế giới luôn được quan tâm để không bao giờ tiếc nuối vì tuột mất cơ hội. Đấy là một thế giới mạnh mẽ, cao cả và bất diệt, thế giới ấy cam kết một tương lai huy hoàng và phồn thịnh. Tôi ước muốn thế giới của tôi tựa như một người cha vạm vỡ nhưng hiền lành, một người cha nghiêm khắc nhưng đầy dịu dàng. Hiện nay, chúng tôi đang phải đối mặt với sự chia rẽ và chiến tranh - những hành động cốt để hủy hoại những giấc mơ và ước muốn của chúng tôi.
Mọi người đều có ước mơ về một người bạn mang tên Thế giới, nhưng tôi cảm thấy bạn luôn ấm áp giữa một cơn bão mùa đông, và tôi thấy bạn tựa như mặt trời trong bầu trời âm u mờ mịt. Bạn là thế giới của tôi, là nơi nương tựa ấm áp như lòng mẹ mỗi khi cô quạnh.
Đường phố, quảng trường, các tòa nhà và những đại lộ trong thế giới của tôi sẽ không bị ô nhiễm bằng bê tông cốt thép, người dân không lâm vào cảnh vô gia cư, và không thể phá vỡ nổi sự đoàn kết của cộng đồng. Ngày độc lập sẽ không dẫn đến nỗi thất vọng.
Bạn Thế giới thân mến, tôi thấy bạn giống như một cầu vồng xuất hiện sau những cơn khủng hoàng, trên chiếc cầu vồng ấy không hề có tôn giáo này chinh phục tôn giáo khác, không hề có màu da nào được coi là thượng đẳng. Bạn là một thế giới vượt qua xung đột của con người.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, lá thư vẽ nên những gì tôi tưởng tượng sắp đến đoạn kết tuy rằng lá thư này không giống như những giấc mơ của tôi: không có hồi kết và sẽ không bao giờ có hồi kết; Vì thế giới của tôi không phải là sao Thổ, sao Kim, sao Thủy hay sao Mộc cho nên đó là một thế giới không có chủ nghĩa bè phái hoặc phân biệt chủng tộc. Thế giới ấy an toàn, ổn định, và được đặc trưng bởi lòng nhân ái và các quyền của con người ở khắp mọi nơi luôn được công nhận.
Chúc bạn mãi trường tồn và gửi bạn những lời chúc cùng mong ước tốt lành!
Sara Jadid
Một công dân – người mơ ước
--
Tripoli, Lebanon, 14 February 2015
To all those people working to destroy my dreams and to all those, who have decided to kill the joy in my heart, I send a greeting soaked with the tears of despair, a greeting filled with both pain and hope, a pain I suffer and a hope for a better future.
From here, this world in which I suffer, I write words that paint a world I see in my imagination, words that I will set down as a letter, so that this picture may come true. From here, this dark world, I dream of living in a bright world, even if it is beyond the horizon.
From here, through these words, I seek to knock on the doors of terrorists’ consciences, whose humanity sleeps, while war is awake within them. From here come my words, from this war-soaked atmosphere in which we live.
My world is different. It is far from hatred, spite, war and sectarianism. The flag of excellence flutters over my world and united under the skies are the moon of openness and the sun of freedom. Every time I close my eyes, I dream of a world where doves fly and the lights of mountainside villages shine every evening.
My world is a dream that has travelled all roads without exception to reach the boats in the harbour and travel with the sun, sinking with it behind the horizon and touching the rainbow, to travel with the moon on the road returning from the places where people stand under fireworks and finger-like clouds to celebrate their festivals. It is a world where we find civilizations, old markets and houses with rose-coloured windows.
In my world, minarets and church bells sing lullabies together, and one elegant star shines bright, with many little stars dancing around it every night. It is a world that opens its arms to everyone, black and white, without discrimination.
I do not want my world to be a gunpowder factory and I do not want its children to be victims of division. I want the world to be a factory that produces humans as purveyors of science, knowledge and culture. I want the world to be a dove carrying an olive branch in a world battered by storms, a lighthouse that guides boats in need of refuge from afar. I want to see the world’s light in the clouds and laughter in its tears.
I want my world to be powerful in its eternity, fabulous in its expanse, great through the peaks of its proud mountains. I want the world to be a place where children would not worry, a world that will not be disturbed by the impact of bombs, the crackle of gunfire or the piercing of knives.
I want my world to be a strong fortress whose stones are the arms of its children, their heads held high. I want my world to be proud, refusing to bend and lower its arms, an eternal world that would make me feel that daybreak is near.
I dream of one day living in a world where all seasons are spring, in a green world, alive, generous, good and loyal, a world where children seek to do good.
I want a world without equal, where men have no equal, a world where mountaintops are hope, air is love, earth is good, water is generous. I want the best land for planting shoots to feed off its goodness, that breathe its kindness and drink its sense of generosity, to engender better generations for the promising future of our dreams.
I want loyalty in the sky of my world because my land is missing loyalty. I dream of governing a world where love is the emblem and loyalty the foundation, a world where neither treachery nor hatred have meaning.
I do not want conflicts between the people of my world. I want people to be unified and united forever, one with the earth like a mother with her newborn.
I want my world to stand for good, to be refreshed by each drop of water, sweet fruit, warm shadow, lily-scented breeze, song of the river, fresh spring, exciting twilight, scarlet sunset, brilliant stars and healing moon. In my world, the seasons pass uninterrupted, organizing the systems of each living being.
I want my world to be a second mother, warming me in her bosom filled with love, hope and protection. I want it to be a world where bitterness hides behind the doors of the forgotten so that the doves of the future fly through its air, a world that meets moments of paradise in the depths of light, a world that cares for each generation with tenderness, not blasphemy and anger, that puts it to sleep on a mattress of hope, while telling stories of eternity, refreshing them with the rules of the future, and that watches over it before it is too late and all opportunities are lost. This is a powerful world, lofty in its eternity, which guarantees a noble future for its glories. I want my world to be like a father, large and gentle, whom we can be hard on, but who is tender towards us. We are now required to face the divisions and wars that worked to destroy our dreams and wishes.
Everyone dreams of you, world, but I feel you like warmth in the middle of a winter storm, and I see you like a sun in a hazy sky. You are my world, my refuge, the warm bosom where I take refuge from the cold.
The roads, the squares, the buildings and the large streets of my world will not be polluted by concrete, its families will not be homeless, and nothing will disrupt its union. The day of independence will not lead to disappointment.
I see you, my World, as a rainbow that appears after crises, in which no religion will conquer another and no skin colour will be superior to another. You are a world that transcends human conflict.
Finally, I say to you, now that these words are drawing to a close and my letter is at its end, unlike my dreams which have not ended and will not end, since my world is not Saturn or Venus or Mercury or Jupiter – it’s a world that knows no sectarianism or racism. It is safe, stable, and characterized by compassion and the recognition of the rights of others everywhere.
A long life to you and your wishes and desires.
From a citizen who dreams,
Sara Jadid
Cách viết một bức thư UPU hay
Submitted by ntquyen on Tue, 20/10/2015 - 08:45(ICTPress) - Làm sao để viết một bức thư hay, thu hút người đọc và hấp dẫn Ban giám khảo Cuộc thi viết thư quốc tế UPU là quan tâm của nhiều em học sinh trường THCS Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định tại Lễ phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 năm 2016 mới đây.
Đây cũng là quan tâm của các em học sinh muốn viết một bức thư tham dự cuộc thi viết thư UPU.
![]() |
Lễ phát động cuộc thi viết thư UPU 45 diễn ra tại trường THCS Trần Đăng Ninh, Nam Định |
Với chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” (“Write a letter to your 45-year-old self”), các thành viên Ban Giám khảo đã chia sẻ, trao đổi những “bí kíp” viết thư đáng quan tâm:
“Nghĩ thật, viết thật, sống thật”
“Sự chân thật, viết từ đáy lòng mình, viết bằng cái tâm của mình, viết bằng giọng văn của mình, viết bằng ý nghĩ chân thực nhất của mình, bức bức thư sẽ được giám khảo thích nhất", nhà văn Lê Phương Liên đã chia sẻ.
Viết bằng quyết tâm, đam mê và say sưa
Làm thế nào để đạt giải, thậm chí là giải cao trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45? Tiến sỹ văn học Nguyễn Thị Hậu, thành viên Ban giám khảo đã trao đổi: Để bức thư đạt giải, người viết thư phải viết bằng quyết tâm, đam mê và say sưa với chính đề tài của mình. Viết một bức thư này không chỉ mang tầm vĩ mô mà mang tính toàn cầu, bởi vậy các em phải theo đuổi đề tài này giống như một đề tài nghiên cứu của em thật sự.
"Nhưng đề tài này nên được thể hiện dưới giọng văn hồn nhiên, trong sáng ngây thơ của chính lứa tuổi các em. Đó là điều thuyết phục nhất. Bức thư vừa phải có trí tuệ, vừa phải có sự hồn nhiên trong trẻo nhất của tuổi thơ, đấy chính là điều thuyết phục nhất cho lá thư thành công", Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ thêm.
Đặt câu hỏi cho chính mình
TS. Nguyễn Thụy Anh, thành viên Ban Giám khảo cho biết thêm về kỹ thuật khi viết thư, kỹ thuật đặt câu hỏi cho mình khi bắt tay viết một bức thư dự thi. “Trước khi viết thư, cần phải đặt câu hỏi cho chính mình. Để đặt được câu hỏi, cần phải tưởng tượng tốt hơn. Cô hi vọng trong cuộc thi viết thư quốc tế lần này, các em đưa được câu chuyện riêng của mình với những tưởng tượng của mình về vào năm 45 tuổi”, TS. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.
Chữ đẹp, lời văn chắt lọc, sáng tạo
Nhà văn Phong Điệp, thành viên Ban giám khảo đã trả lời một câu hỏi thú vị “Điều khó khăn nhất mà giám khảo gặp phải khi chấm thi là gì?.
Thứ Trưởng Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết nếu chữ các em phải đẹp, nếu chữ xấu quá, Ban giám khảo không thể đọc được để có thể chấm điểm một cách chính xác.
Trong khi đó, nhà văn Phong Điệp, các em khi viết thư hãy cất lên tiếng nói của chính mình, không lẫn với bất cứ ai, tạo ra sự khác biệt thì bức thư của các em sẽ có giá trị và Ban Giám khảo có thể nhận ra được giá trị trong bức thư của bạn.
Nhà văn Phong Điệp cũng tiết lộ khi chấm điểm các bức thư gửi về Ban Tổ chức, tất cả các bài đều được dọc phách. Với nhiệm vụ của Ban Giám khảo, bài thi dưới 1.000 chữ phải chắt lọc được ý, sáng tạo tư tưởng của các em trong bức thư đó. Ban giám khảo sẽ công tâm, khách quan và sáng suốt để nhận ra hạt ngọc đang phát sáng trong bài thi của các em.
Nguyễn Quyên
Thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: những điểm lưu ý
Submitted by nlphuong on Wed, 14/10/2015 - 16:00(ICTPress) - Ban Tổ chức cuộc thi viết thư UPU Việt Nam hôm nay 14/10 đã chính thức phát động cuộc thi lần thứ 45 năm 2016 trên toàn quốc. Lễ phát động được tổ chức tại trường THCS Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định.
Với chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” (Write a letter to your 45-year-old self), Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 (2016) mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới cơ hội thể hiện bản thân với những ước mơ, hoài bão trong tương lai. Đây là một đề tài hay, độ mở lớn, khuyến khích các em có những ý tưởng độc đáo và biết cách trình bày các ý tưởng đó một cách thuyết phục nhất. Đồng thời, cuộc thi cũng giúp các em tăng cường khả năng diễn đạt ngôn ngữ và hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
Ban Tổ chức cho biết đây chủ đề của cuộc thi viết thư năm nay là hay, độ mở lớn, khuyến khích các em có những ý tưởng độc đáo và biết cách trình bày ý tưởng một cách thuyết phục nhất.
![]() |
Ban giám khảo cuộc thi gợi ý ý tưởng viết thư tham gia cuộc thi và giao lưu với các em học sinh trường THCS Trần Đăng Ninh |
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 tại Việt Nam cho biết đây là cuộc thi có nhiều ý nghĩa, bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với các vấn đề xã hội, của đất nước, và mối quan tâm của chính lứa tuổi các em. cuộc thi không chỉ mang tính xã hội mà còn mang tính giáo dục cao, nhằm giúp các em phát triển khả năng viết văn, làm phong phú thêm sự tinh tế trong tư duy và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng gợi ý chủ đề cuộc thi năm nay gắn liền vào năm 2016, UPU kỷ niệm lần thứ 45 cuộc thi viết thư UPU. Với các em sinh khoảng năm 2000, năm 45 tuổi cũng là năm cũng là năm nước Việt Nam mới độc lập tròn 100 năm.
Ban Tổ chức cuộc thi cho biết các em học sinh từ 15 tuổi trở xuống có thể gửi bài tham dự cuộc thi và lưu ý các em học sinh về một số quy định mới về cuộc thi năm nay. Theo đó, bài dự thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1000 từ (trước đây là 800 từ). Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban giám khảo chấm bản tiếng Việt. Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ. Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng thư (thư thường) qua đường Bưu điện. Phong bì thư cần ghi rõ: Dự thi viết thư UPU 45-2016.
Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 14/10/2015 đến 10/2/2016 (theo dấu Bưu điện) Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815.
Bức thư đạt giải Nhất cuộc thi của Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp để tham dự cuộc thi viết thư quốc tế.
![]() |
Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao Giấy chứng nhận quốc tế UPU cho em Trương Hải Nam |
Tại lễ phát động cuộc thi hôm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã trao giấy chứng nhận và quà của Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) cho em Trương Hải Nam, học sinh trường THCS Nguyễn Hữu Lập, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đạt giải Khuyến khích quốc tế cuộc thi viết thư viết thư UPU lần thứ 44 (năm 2015). Đây là lần thứ 11 học sinh Việt Nam đạt giải quốc tế của cuộc thi viết thư UPU trong 26 lần Việt Nam tham gia cuộc thi.
Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cũng đã tặng các Bằng khen và phần thưởng cho em Trương Hải Nam.
HM
Xúc động Bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU 44
Submitted by nlphuong on Sat, 09/05/2015 - 10:48(ICTPress) - Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015 (UPU 44) của Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao giải cuộc thi tại Việt Nam.
Em Trương Hải Nam, học sinh lớp 8B trường THCS Lê Hữu Lập, Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã được trao giải Nhất quốc gia cuộc thi năm nay với chủ đề của cuộc thi: "Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó".
Theo kết quả chấm thi của Ban giám khảo quốc gia, bức thư dự thi của em Trương Hải Nam đạt điểm số cao nhất. Đồng thời, trong cuộc họp các thành viên Ban giám khảo quốc gia, bài dự thi của em Trương Hải Nam cũng đã được các thành viên Ban giám khảo bỏ phiếu chọn trao giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU năm nay của Việt Nam.
Ban giám khảo quốc gia đánh giá đây là một bức thư viết theo đề tài mới, mang tính toàn cầu. Bức thư đạt giải Nhất quốc gia đã được dịch sang tiếng Pháp và được Ban tổ chức gửi tới Văn phòng UPU tại Thụy Sỹ vào cuối tháng 4 vừa qua để đại diện thiếu nhi Việt Nam dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU 44.
![]() |
Em Trương Hải Nam phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi ngày 9/5 tại Hải Dương |
Dưới đây là toàn văn bức thư của em Trương Hải Nam, bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU 44:
Xứ sở Tình thương, ngày 15 tháng 02 năm 2015
Nhà văn Andersen kính mến!
Ông còn nhớ cháu chứ? Cháu là “cô bé bán diêm” trong truyện ngắn cùng tên của ông đây ạ, cô bé nghèo khổ phải dò dẫm lê bước trên tuyết giữa mùa Đông lạnh giá và từ giã cuộc sống trong một đêm Giáng Sinh - đêm mà ai ai cũng đều cầu chúc những điều tốt lành.
Nếu được gặp ông trước đêm ông đặt bút viết nên câu chuyện kể về cháu, cháu đã xin ông đừng tạo nên một nhân vật đáng thương đến vậy. Cháu muốn được lớn lên trong một thế giới đẹp đẽ hơn, sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng ngặt nỗi số phận và chính ông đã chẳng cho cháu có quyền được lựa chọn. Cháu đã phải sống trong cảnh mồ côi mẹ, không lâu sau đó người bà thân thương nhất cũng qua đời; gia sản tiêu tán bởi người cha nghiện ngập, suốt ngày đánh đập, hành hạ con gái, nhất là khi cả ngày cháu chẳng bán được bao diêm nào. Không chỉ nuôi ước mơ về một gia đình hạnh phúc, cháu còn muốn được đi học, được vui chơi như biết bao bạn bè cùng trang lứa; không phải mang bên mình chiếc túi đầy những bao diêm và canh cánh nỗ lo rằng sẽ không bán hết, bị mắng, bị chửi, bị đánh đập…. Cháu buồn và tủi thân lắm ông ạ. Giá như năm ấy, ông tặng cho cháu một mái ấm trọn vẹn, một cuộc sống đầy đủ để cháu được học, được đến trường cùng bè bạn thì hay biết mấy!
Thực lòng, thế giới cháu luôn mơ về trong những đêm say giấc không hẳn là một thế giới hiện đại, văn minh bậc nhất; cháu chỉ cần một cuộc sống mà ở đó con người chẳng bao giờ phải đối mặt với chiến tranh, hận thù, bệnh tật, đói nghèo, tệ nạn xã hội,… Chính người bà mà cháu yêu quý đã rời xa cháu vĩnh viễn chỉ vì bệnh tất và nghèo khổ đấy ông ạ! Những cánh chim bồ câu trắng khẽ bay lượn, trên bầu trời trong lành, thoáng đãng, chẳng chút bụi bặm, ô nhiễm, bên dưới là mái nhà có dây thường xuân bao quanh, có tiếng mẹ, tiếng cha ấm áp, dịu dàng… Đó mới là một cuộc sống mà cháu hằng mong ước, ông có biết?
Điều mà cháu tiếc nhất ở câu chuyện của ông đó là giữa những con người còn có một khoảng cách vô hình tồn tại, ngăn cản sự chan hòa của tình thương. Ông cũng biết đấy, trông thấy một bé gái nhỏ, lạnh co ro vì rét giữa đêm giao thừa giá buốt chào diêm mà chẳng ai dừng lại, mua giúp lấy một bao. Để rồi khi cô bé ấy “nắm tay bà bay lên”, bay về một thế giới khác, người ta cũng chẳng buồn quan tâm, họa chăng chỉ là đôi lời bàn tán để thỏa mãn cho sự hiếu kỳ của họ. Ông ơi, trước khi chết vì cái đó, cái rét, cô bé kia đã chết vì chính sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn và ích kỷ của người đời. Càng ngẫm nghĩ, cháu lại càng thấm thía câu nói tuy đơn giản, ngắn gọn những lại vô cùng ý nghĩa của Loilla Cather: “Nơi nào có tình thương yêu thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu”. Giá như con người biết quan tâm đến nhau nhiều hơn thì nơi đó luôn có điều kỳ diệu đã xảy ra và cháu đã chẳng về với Thượng đế. Tình thương, sự chia sẻ, giúp những em bé có hoàn cảnh như cháu thực hiện được, ông nhỉ?
Ông ơi! Chắc hẳn ông ngạc nhiên lắm! Cô bé của công ngoan ngoãn ngày nào, nay lại viết thư để phiền trách ông với lí do ông chưa cho nó được một cuộc sống như nó vẫn mơ ước. Không đâu ông, cháu hiểu vì nỗi trăn trở, lo lắng cho những số phận trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới nên ông mới viết một câu chuyện buồn như thế; ông viết nó bằng cả tâm huyết của mình với hy vọng có thể thức tỉnh được trái tim vô cảm của một số con người, để chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phải rồi ông ơi, từ ngày “Cô bé bán diêm” được xuất bản và phát hành ở nhiều nước trên thế giới, có rất nhiều fan hâm mộ viết thư cho cháu. Bức thư gần nhất mà cháu nhận được là những dòng tâm sự đầy cảm xúc của một cậu bé giấu tên, đến từ Việt Nam. Trong thư, cậu có nhắc đến một cuộc thi với chủ đề rất hay: “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó”. Vậy là cháu quyết định viết và gửi thư cho ông, với mong qua những chuyến xe bưu chính UPU, lá thư này sẽ đến được tay ông, giúp ông hiểu được nhiều hơn những ước mơ, hoài bão của cháu cũng như bao trái tim bé bỏng khác về một thế giới mà mọi đứa trẻ đều muốn lớn lên và phát triển ở đó.
Ông ơi! Hy vọng ông sẽ nhớ về cháu, về truyện ngắn mang tên đứa bé này hơn 166 năm về trước. Luôn ấp ủ một niềm tin là ông vẫn khỏe mạnh, luôn ấp ủ một tình yêu đối với Andersen của cháu. Chúc ông một buổi tốt thật nhiều niềm vui!
Cô bé bán diêm
Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện trên tem Việt Nam khi nào?
Submitted by nlphuong on Tue, 24/02/2015 - 06:45Mẫu tem Việt Nam đầu tiên có hình ảnh bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa là mẫu tem “Bản đồ, trống đồng” mệnh giá 12 xu, cũng là mẫu tem duy nhất trong bộ tem “Việt Nam thống nhất”. Bộ tem được phát hành ngày 24/06/1976, đúng ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tại Thủ đô Hà Nội.
![]() |
Mẫu tem do hai họa sĩ Đỗ Việt Tuấn và Nguyễn Văn Hiệp thiết kế đã đoạt giải cuộc thi vẽ mẫu tem. Đây là mẫu tem bưu chính cách mạng Việt Nam đầu tiên mang quốc hiệu “Việt Nam” sau ngày đất nước thống nhất.
Mẫu tem Việt Nam cuối cùng (cho đến thời điểm này) có hình ảnh bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa là mẫu tem mệnh giá 400 đồng trong bộ tem “Chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX”, do hai họa sĩ Tô Minh Trang và Nguyễn Du thiết kế. Bộ tem được phát hành ngày 18/04/2001, một ngày trước ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX tại Thủ đô Hà Nội.
![]() |
Bộ tem Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính đến nay về chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa là bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” (hình 3) gồm 2 mẫu tem do họa sĩ Trần Lương thiết kế, phát hành ngày 19/01/1988.
![]() |
Bộ tem này ra đời trong bối cảnh từ cuối năm 1987, Trung Quốc rục rịch điều tàu xuống khu vực biển Trường Sa khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp. Việc phát hành bộ tem có giá trị lịch sử to lớn này đã góp phần khẳng định với thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Viet Stamp
Những lưu ý thi viết thư quốc tế UPU 44: Viết về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó
Submitted by nlphuong on Fri, 10/10/2014 - 08:00(ICTPress) - Cuộc thi viết thư quốc tế UPU hàng năm dành cho các em học sinh từ 10 đến 15 tuổi do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đưa ra chủ đề hàng năm đã được Ban Tổ chức tại Việt Nam vừa chính thức phát động tại Hải Phòng.
![]() |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát động cuộc thi và trao phần thưởng cho em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 7B8, trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã đoạt giải Nhất quốc gia Khuyến khích quốc tế cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43. |
Đây là cuộc thi lần thứ 44 (2015) và là cuộc thi lần thứ 25 các em Việt Nam tham gia. Cuộc thi do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện, Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.
Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015 tạm dịch là “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn lớn lên trong đó” (Tiếng Anh: "Tell us about the world you want to grow up in").
![]() |
Các em học sinh trường THCS Chu Văn An, Hải Phòng tại Lễ phát động cuộc thi |
Nhằm giúp các em có một bài thi tốt, Ban Tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU 44 đã gợi ý về chủ đề và một số lưu ý về mặt kỹ thuật để các em tham khảo, cần tránh việc sao chép máy móc.
Về mặt kỹ thuật
Ban tổ chức lưu ý bức thư được viết dưới dạng văn xuôi, càng chân thật, tình cảm càng tốt. Trong bức thư đó, em có thể trao đổi, hoặc bày tỏ quan điểm mong muốn của mình về mô hình thế giới tươi đẹp để em được sống, được phát triển ở trong đó. Ngoài ra, Ban tổ chức còn gợi ý mang tính tham khảo:
Là một bức thư nên đương nhiên phải có người nhận. Em có thể lựa chọn đối tượng nhận thư (là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hoặc các thần tượng, lãnh tụ…), miễn sao đối tượng đó tạo được cảm xúc thật sự khi em viết thư.
Các em dự thi lưu ý trong cách hành văn, cần rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng dễ lôi cuốn, hấp dẫn; cần tránh lối viết sáo rỗng, trình bày tư liệu khô khan, hoặc hô khẩu hiệu chung chung mà không xuất phát từ cảm xúc thật.
Ban Tổ chức cho biết, các em nên đọc kỹ những bức thư đã đoạt giải cao trong các cuộc thi viết thư quốc tế UPU các năm trước để rút kinh nghiệm khi viết. Báo Thiếu niên Tiền phong sẽ đăng nhiều lần những bức thư này. Bài thi cũng không được viết dài quá 800 từ, vừa dài dòng văn tự vừa bị loại, sẽ rất uổng công.
Về mặt nội dung
Đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 yêu cầu các em viết một bức thư để nói về thế giới em mong muốn có để em được sống, được lớn lên trong đó. Đây là đề tài hay, độ mở lớn, nhưng mong muốn có một bức thư có giá trị thì các em cần phải lưu ý tìm hiểu, suy nghĩ thật kỹ trước khi viết.
Thế giới là gì?
“Thế giới” là danh từ dùng để chỉ toàn bộ bề mặt của trái đất – nơi toàn thể loài người đang sinh sống, làm việc, học tập. Như vậy, có thể hiểu thế giới bao gồm toàn bộ vật chất (thành phố, núi đồi, sông biển, nhà cửa…) và kinh tế, văn hóa, đạo đức, tinh thần (phong tục tập quán của các dân tộc, trình độ văn hóa, phong cách ứng xử…). Thế giới bao gồm tất cả những gì đã, đang và sẽ có trên trái đất mà chúng ta đang sống.
Vì sao cần nói về thế giới em mong muốn?
Cũng như hàng tỷ trẻ em đủ mọi dân tộc, màu da trên thế giới, em may mắn được sinh ra và sẽ lớn lên, học tập và trưởng thành trong thế giới này. Và để có thể phát triển một cách tốt và bền vững nhất, trẻ em cần có những điều kiện thuận lợi nhất về đầy đủ các mặt: kinh tế, văn hóa, môi trường, sự hòa bình và hữu nghị. Trong bài hát “Thiếu nhi thế giới hân hoan”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết: “Vàng, đen, trắng - nước da không chia tấm lòng. Cơn chiến chinh không ngăn chúng ta trao tình. Cùm hoặc gong không ngăn đoàn ta ước mong một ngày sáng tươi cùng nhau liên hoan thái bình…”.
Chắc chắn rằng, em nào cũng mơ ước có được một thế giới tốt đẹp để mình có thể lớn lên một cách bình yên, hạnh phúc và trưởng thành đúng hướng.
Thế giới em mong muốn như thế nào?
Bắt đầu từ một thế giới nhỏ là gia đình, với ông bà, bố mẹ và anh chị em. Chắc em nào cũng mơ ước có một gia đình hạnh phúc, mọi người yêu thương và quý trọng nhau. Về kinh tế thì cũng cần có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được lao động và học tập.
Rộng hơn chút nữa, thế giới em mong muốn là những ngôi trường khang trang sạch đẹp với các thầy cô giáo và bạn bè thân thương. Ở đó, em được học kiến thức, học làm người để sau này em có thể trở thành kỹ sư, bác sĩ, cán bộ nghiên cứu…
Ngôi trường của em sẽ nằm trong một tỉnh, một thành phố và trong một đất nước. Nếu đó là nơi có môi trường xanh sạch đẹp, có các công trình hạ tầng hiện đại, có nếp sống văn minh thì thật là tuyệt vời.
Tất cả các nước sẽ gộp thành một thế giới của loài người. Một thế giới tốt đẹp phải hội đủ các yếu tố: hiện đại, văn minh, môi trường trong lành, mọi người luôn biết yêu thương – chia sẻ và giúp đỡ đồng loại, không có chiến tranh - hận thù. Trong bài hát “Em như chim câu trắng”, nhạc sĩ Trần Ngọc viết rất hay “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa. Em mong sao trên trái đất mỗi con người, như em đây là chim trắng, chim hòa bình. Sống để yêu thương giữ đẹp trái đất xanh”.
Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, còn rất nhiều em không được đi học, phải lao động cực nhọc, thậm chí còn bị chết, bị thương vì chiến tranh. Vì vậy, con người còn phải phấn đấu rất nhiều để có một thế giới thực sự tốt đẹp. Tất nhiên để có được thế giới mơ ước đó, tất cả mọi người đều phải chung tay góp sức xây dựng. Ngay cả trẻ em, với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các em cũng góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách chăm học, chăm làm, rèn luyện đạo đức và sức khỏe tốt, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi lưu ý bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trái bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.
Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng thư (thư thường) qua đường Bưu điện. Ngoài ra phong bì, các em cần ghi rõ: Dự thi UPU 44-2015.
Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815.
Thời gian gửi bài dự thi từ ngày 9/10/2014 đến 8/3/2015 (theo dấu Bưu điện).
Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
Các giải thưởng
Các thí sinh đoạt giải chính thức sẽ được công nhận Học sinh giỏi quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.
Các học sinh đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”. Giải Nhất được thưởng 5 triệu đồng; 3 Giải Nhì mỗi giải 3 triệu đồng, 5 giải Ba mỗi giải 2 triệu đồng và 30 giải Khuyến khích, mỗi giải 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ dành cho thí sinh lọt vào vòng chung kết: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh là người dân tộc và là người khuyết tật và giải Tập thể./.
Toàn văn Bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU 43
Submitted by nlphuong on Mon, 12/05/2014 - 08:30(ICTPress) - Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 năm 2014 (UPU 43) của Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao giải cuộc thi tại Việt Nam.
Em Phạm Phương Thảo, học sinh lớp 7B8 trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng đã được trao giải Nhất quốc gia cuộc thi năm nay.
![]() |
Em Phạm Phương Thảo tại Lễ trao giải cuộc thi UPU 43 năm 2014 |
Theo kết quả chấm thi của Ban giám khảo quốc gia, bức thư dự thi của em Phạm Phương Thảo đạt điểm số cao nhất là 16,95 điểm. Đồng thời, trong cuộc họp các thành viên Ban giám khảo quốc gia, bài dự thi của em Phạm Phương Thảo cũng đã được cả 10 thành viên Ban giám khảo bỏ phiếu chọn trao giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU năm nay của Việt Nam.
Ban giám khảo quốc gia đánh giá đây là một bức thư rất xúc động, giàu lòng nhân ái và có tính chung, tính phổ quát cao. Bức thư đạt giải Nhất quốc gia đã được dịch sang tiếng Pháp và được Ban tổ chức gửi tới Văn phòng UPU tại Thụy Sỹ vào cuối tháng 4 vừa qua để đại diện thiếu nhi Việt Nam dự cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43.
Dưới đây là toàn văn bức thư của em Phạm Phương Thảo, lớp 7B8 trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng - bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU 43.
Ngày 17 tháng 1 năm 2014
Kính gửi bà!
Tôi là cây vĩ cầm nhỏ của cậu Vĩ Phong - con trai út của bà. Những ngày tháng vừa qua quả là những ngày tháng căng thẳng và vô cùng đau khổ của gia đình bà. Tôi xin chia buồn. Nhưng xin bà, bà đừng làm mất đi niềm đam mê âm nhạc của cậu con trai bé bỏng.
Là một cây đàn ngày ngày được để gọn ghẽ nơi góc phòng, tôi được chứng kiến sự tình đang diễn ra trong gia đình bà. Chồng bà đã bỏ đi theo cô nghệ sĩ chơi violin nổi tiếng khiến bà buồn bã và trở nên ghét violin, ghét cái gọi là âm nhạc. Vì vậy mà bà nỡ vô tình phá hỏng ước mơ âm nhạc của cậu con trai để cậu lại trở về sống lầm lũi như trước ư?
Cậu chủ bị mù từ nhỏ. Cậu đã nhiều lần tâm sự với tôi về cuộc sống xưa kia. Khi chưa có tôi, cậu lặng lẽ, cô đơn biết bao! Không bạn bè, không vui chơi, không dám bước chân ra khỏi nhà khi không có ba mẹ… Cậu mặc cảm, tự ti, luôn dựa dẫm vào người khác. Cho đến một ngày, vô tình nghe thấy tiếng đàn violin bên tai, cậu khao khát có một cây đàn. Nhiều lần như vậy, chẳng biết từ đâu, niềm đam mê âm nhạc đã trỗi dậy trong tâm hồn nhỏ bé của cậu. Từ khi tôi đến với cậu, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Âm nhạc với cậu là từ đôi tai, nhưng hơn cả là từ trái tim. Cậu đã học chơi đàn với đôi mắt mù lòa và niềm khâm phục của cô giáo dạy nhạc. Từng đầu ngón tay khẽ lướt gậy qua khung đàn, cậu đã cảm nhận âm nhạc bằng tình yêu, niềm say mê. Cậu quá yêu âm nhạc!
Và rồi, bà biết đấy, cậu chủ đã mở lòng với cuộc sống. Cậu đòi đi học, đòi đi chơi, đòi được giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Một phần cậu muốn khoe mình biết chơi đàn, và một phần là do sự tác động của âm nhạc với tâm hồn cậu. Âm nhạc ư? Nó không chỉ là thứ sinh ra để giải trí, mà còn làm thay đổi cuộc sống của cả một con người. Chính tôi - thứ nhạc cụ đại diện cho âm nhạc đã biến một cậu bé lầm lũi trở thành người có ước mơ, hoài bão. Bà có biết cậu đã ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi violin tài ba không?
Vậy là bà đã hiểu sự lay động của âm nhạc tới mỗi con người như thế nào. Cậu con trai bé nhỏ của bà là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Tâm hồn cậu trong sáng hơn, lạc quan hơn, cậu sống có mục đích hơn. Cậu muốn đi học, muốn được chơi với bạn bè, có nhiều bạn bè yêu mến. Cậu đã vứt hết cái mặc cảm của cuộc đời đen tối trước kia. Ấy là khi âm nhạc lên ngôi. Âm nhạc quá quan trọng, quá cần thiết với cậu. Nó mang đến một chân trời mới, một thế giới mới - thế giới của ánh sáng, của những thăng hoa mà cậu đã nhìn thấy không phải bằng đôi mắt. Tương lai đang đến, thử tưởng tượng một cậu bé có cái tên Vĩ Phong kiêu hãnh đứng trên sân khấu, mải miết theo những nốt nhạc cao vút và rong ruổi cùng sự tán thưởng của khán giả - thứ mà bà không mang đến được, ba cậu cũng không mang đến được.
Đó chẳng phải là một điều kì diệu ư?
Và bà chẳng phải sẽ rất hạnh phúc và tự hào ư?
Vậy mà tại sao bà nỡ cấm con trai mình chơi nhạc vì một lẽ quá ư là cá nhân. Nhưng bà có biết, mỗi khi bà ra khỏi nhà là cậu chủ vẫn lén lôi tôi ra, kéo lên những nốt nhạc bình yên, thả hồn mình vào những giai điệu trong veo. Để rồi mỗi lần bà về, cậu cuống lên vứt tôi vào xó, như những gì bà đã làm với tôi - đập tôi không thương tiếc để bà không phát hiện. Sau mỗi lần ném tôi như vậy, cậu lại sà vào chỗ tôi, ôm tôi trong lòng, thổn thức với những tiếng nấc trong đau đớn. Còn tôi, sau những trận bầm dập bởi bụi bặm, vì tình thương, sự nâng niu, trân trọng của cậu chủ, tôi vẫn sống như hôm nay.
Bà chủ đáng kính! Chẳng nhẽ bà muốn cuộc sống của con trai mình trở về sự lầm lũi ngày xưa sao? Chẳng nhẽ bà muốn cậu bé đầy khát khao và ước mơ kia phải từ giã âm nhạc, từ bỏ những tiếng đàn đã làm cho cậu tự tin như ngày hôm nay sao? Bà thật vô tâm và độc ác quá! Âm nhạc một khi đã là cuộc sống của con người thì khó có thể kéo nó ra khỏi họ.
Vì vậy, tôi mong bà sau khi đọc bức thư này, hãy gạt đi những nỗi buồn cá nhân mà nghĩ về con trai mình, về tương lai tươi sáng mà cậu đang hướng đến. Tôi rất mong có một sự thay đổi tốt đẹp.
Từ căn phòng của cậu chủ.
Cây Violin
Bưu điện hướng dẫn quy định mới về gửi bưu phẩm bảo đảm
Submitted by nlphuong on Mon, 24/02/2014 - 12:30(ICTPress) - Ngày 5/11/2013, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ban hành Quy định cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính (Quyết định số 572/QĐ-BCVN) và Quy trình dịch vụ bưu chính (Quyết định số 573/QĐ-BCVN). Các Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/02/2014.
![]() |
Theo quy định này, Dịch vụ Bưu phẩm bảo đảm trong nước có thay đổi trong hình thức thể hiện cước từ dán tem sang sử dụng vận đơn khi chấp nhận bưu gửi.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vẫn chấp nhận chuyển phát đối với bưu phẩm bảo đảm đã dán sẵn tem từ ngày 15/02/2014 đến hết ngày 15/03/2014.
Kể từ ngày 16/03/2014, Bưu điện Việt Nam sẽ thực hiện nhận gửi bưu phẩm bảo đảm theo đúng quy định. Không nhận gửi đối với bưu phẩm bảo đảm đã dán sẵn tem.
Để biết thêm chi tiết, khách hàng có thể liên hệ số điện thoại hỗ trợ khách hàng: 1900545481 hoặc xem thông báo hướng dẫn các thay đổi trong quy định khi sử dụng Dịch vụ Bưu phẩm bảo đảm được niêm tại các Bưu cục của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc.
Bưu phẩm bảo đảm là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu phẩm đến địa chỉ nhận trong nước và quốc tế; bưu phẩm được gắn số hiệu để theo dõi, định vị trong quá trình chuyển phát. Khối lượng, kích thước của bưu phẩm đảm bảo được áp dụng theo khối lượng, kích thước dịch vụ Bưu phẩm thường. Tùy theo yêu cầu của người gửi, bưu phẩm bảo đảm được vận chuyển bằng đường thủy bộ hoặc đường bay.
Minh Anh