Việt Nam hành trình phát triển bền vững
(ICTPress) - Muốn phát triển bền vững thì phải lồng ghép được ba thành tố quan trọng.
Ngay từ cuối thế kỷ XX, nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, kể cả nhà tương lai học đã quả quyết dự báo, loài người sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển như vũ bão nhờ những phát triển kỹ thuật, nền kinh tế tri thức hùng mạnh trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đồng thời thế giới cũng phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn, ẩn chứa những nguy cơ khó lường và những hậu quả tiêu cực của những cuộc xung đột chính trị, sắc tộc tôn giáo trên quy mô lớn, thảm họa môi trường sinh thái - nhân văn bị đe dọa hủy hoại không phương cứu vãn, tình trạng “xâm lăng văn hóa” của các thế lực đầy tham vọng bành trướng, bá quyền và quá trình đánh mất bản sắc riêng của các nền văn hóa được coi là “ngoại biên” của thế giới. Và khi ấy, nếu không cảnh giác, sự phát triển sẽ trở thành “phản phát triển” và quay lại đe dọa sự phát triển của quốc gia, dân tộc cùng văn minh nhân loại.
Hay nói cách khác, nội hàm của thuật ngữ “sự phát triển bền vững” đã vượt khỏi phạm vi ngữ nghĩa, vừa trở thành cứu cánh (mục đích tự thân) của chính sự phát triển, vừa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, đã được toàn thế giới đồng thuận xây dựng thành chương trình nghị sự cho từng thời kỳ phát triển của lịch sử. Muốn phát triển bền vững thì phải lồng ghép được ba thành tố quan trọng:
- Phát triển kinh tế.
- Phát triển xã hội (Chế độ chính trị - Quá trình dân chủ hóa - Chất lượng cuộc sống - Khả năng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa - Các thang giá trị tư tưởng tinh thần…).
- Bảo vệ môi trường.
Đó cũng chính là ba trụ cột của sự phát triển, luôn gắn kết và củng cố cho nhau dưới quan điểm nhất quán, trong đường lối chính sách và hành động cụ thể của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định hùng hồn hơn, khoa học và biện chứng hơn những vấn đề cốt tử đã được Đại hội IX nêu lên: Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Và phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ, cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học, nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước…
Chúng ta cũng cần dũng cảm nhìn thẳng vào một thực tế: Hiện nay nước ta đang trên đường phát triển, nhưng phát triển chưa bền vững. Vậy phát triển bền vững là gì? Đòi hỏi những nỗ lực nào của toàn Đảng, toàn dân ta? Và những bài học về sự phát triển bền vững phải chăng từng xuất hiện trong kế giữ nước và dựng nước “sâu rễ bền gốc” của ông cha ta trong quá trình lịch sử dựng nước nghìn năm?
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tập trung mọi nỗ lực để ưu tiên kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành nhanh chóng và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; Đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, đặc biệt là các công trình giao thông quan trọng ở các vùng có dung lượng hàng hóa lớn, có tính kết nối vận tải cao nhằm giải tỏa ách tắc, tăng khả năng lưu thông hàng hóa và tiết kiệm chi phí vận tải; Phát triển nhanh nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa; Chú trọng chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; Tiếp tục hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm cho người nghèo được hưởng thụ hợp lý thành quả của sự tăng trưởng; Kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, gắn với cuộc vận động và học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ; Tăng cường công tác thông tin đối ngoại và quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá công cuộc đổi mới đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, lợi dụng những vụ việc tiêu cực để nói xấu, bôi nhọ, thổi phồng nhằm gây hoang mang trong nhân dân. Vì vậy chúng ta phải đặc biệt coi trọng việc quán triệt nghị quyết TW 4 khóa XI, nghiêm túc kiểm điểm trước Đảng, trước dân về những thiếu sót, khuyết điểm. Kiên quyết xử lý những cán bộ, Đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng, điều lệ Đảng, nhằm lấy lại uy tín của Đảng trước nhân dân…
Ngay từ khi thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ thắng lợi, Bác Hồ đã khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ Đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Như vậy, phát triển bền vững đòi hỏi toàn xã hội phải vào cuộc. Phát triển bền vững là sự sống còn của quốc gia dân tộc, là ước mong của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Trần Bình Tám